CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2024

LÊ - MẠC TƯƠNG TRANH DƯỚI THỜI MẠC MẬU HỢP (P1) – Hồ Bạch Thảo



Trong giai đoạn này, Lê, Mạc tiếp tục tương tranh. Phía Lê tướng Trịnh Kiểm chết, hai con Cối, Tùng tranh quyền. Rốt cuộc, Cối hàng Mạc, riêng Trịnh Tùng vẫn giữ vững cơ đồ cho nhà Lê.
 
Mạc Phúc Nguyên mất, con là Mạc Mậu Hợp nối ngôi, trị vì 32 năm, lần lượt dùng 6 niên hiệu: Thuần Phúc [1562-1565], Sùng Khang [1566-1577], Diên Thành [1578-1585], Đoan Thái [1586-1587], Hưng Trị [1588-1590] Hồng Ninh [1591-1593].
 
Tháng Giêng năm Thuần Phúc năm thứ 1 [4/2-4/3/1562], tức Lê Anh Tông năm Chính Trị thứ 5, Minh Gia Tĩnh năm thứ 41, Mạc Mậu Hợp tuổi còn nhỏ lên nối ngôi, Nhập nội phụ chính Ứng Vương Mạc Đôn Nhượng ẵm Mậu Hợp ra coi chầu. Tôn ông chú là Khiêm Vương Mạc Kính Điển là Khiêm Đại Vương, Hoa quận công làm chưởng Triều Đông vệ, Phò mã đô uý Ngạn quận công Mạc Ngọc Liễn chưởng Phù Tây vệ, Thạch quận công Nguyễn Quyện chưởng Phù Nam vệ, Phò mã tông chính thái bảo Ninh quận công chưởng An Bắc vệ.
 
Mở khoa thi Hội. Cho Phạm Duy Quyết, Trương Lỗ, Ngô Khiêm đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Vũ Văn Thiện 5 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Nguyễn Vĩnh Miện 10 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.
 
Tháng 10 [28/10-25/11/1562], Mạc Mậu Hợp ngờ Thái bảo Văn quốc công Phạm Dao thay lòng, bèn sai giết.
 
Phía nhà Lê, vào tháng 2 [5/3-3/4/1562], Vua sai Lộc quận công đem quân đánh dẹp mười châu[1] thuộc phủ An Tây, dùng Nhân Khê hầu cùng đi để chiêu tập, phủ dụ dân chúng.
 
Tháng 9 [28/9-27/10/1562], Thái sư Trịnh Kiểm thân hành đốc suất đại quân đi đánh dẹp lộ Sơn Nam,[2] sai Thế tử Trịnh Cối cùng đi. Quân đến vùng Thanh Trì, Thượng Phúc [huyện Thường Tín, Hà Tây], sai lập đại dinh ở huyện Sơn Minh [huyện Ứng Hòa, Hà Tây], hạ lệnh thu thóc lúa chứa trữ để làm kế lâu dài.
 
Tháng 11 [26/11-25/12/1562], Thái sư rút quân về Thanh Hóa, sai Nghĩa quận công Đặng Huấn giữ dinh, Huấn làm phản theo nhà Mạc.
 
Năm Thuần Phúc thứ 2 [1563], tức Lê Anh Tông năm Chính Trị thứ 6, Minh Gia Tĩnh năm thứ 42. Về việc giao thiệp với nhà Minh, vào năm Gia Tĩnh thứ 27 [1548], Mạc Phúc Nguyên lên ngôi, sai Sứ thần Lê Quang Bí sang xin phong. Bấy giờ con Mạc Đăng Dung là Mạc Chính Trung chạy sang Quảng Đông khiếu nại, khiến nhà Minh không tin Hoằng Dực, tức Mạc Phúc Nguyên được truyền ngôi hợp pháp. Nhưng sau khi sai các quan hội khám, vào năm Gia Tĩnh thứ 30 [1551], quyết định cho Hoằng Dực làm Đô thống sứ, và bắt phải đích thân đến trấn Nam Quan để lãnh điệp văn. Nhưng vì trong nước loạn lạc nên Hoằng Dực, tức Mạc Phúc Nguyên, không đến được, bởi vậy mãi cho đến đời con là Mạc Mậu Hợp cũng chưa được nhà Minh chính thức công nhận. Riêng Sứ thần Lê Quang Bí bị lưu giữ tại Nam Ninh đến 15 năm, nay được xét cho đến kinh đô triều cống:
 
Ngày 13 tháng 5 năm Gia Tĩnh thứ 42 [ 3/6/1563]. Trước đây vào năm Gia Tĩnh thứ 27, đúng kỳ An Nam đến triều cống, gặp lúc Đô thống sứ Mạc Phúc Hải chết, người con là Hoằng Dực coi việc nước, bèn sai sứ bọn Lê Quang Bí mang sản vật địa phương sang cống. Đến phủ Nam Ninh,[3] tỉnh Quảng Tây, quan trấn thủ trình lên bộ Lễ, vì danh phận chưa định nên lệnh dừng tại Nam Ninh, lại sai quan trấn thủ gửi điệp văn cho An Nam hạch hỏi người đáng được thế tập. Đến năm Gia Tĩnh thứ 30 khám rõ, ban cho Hoằng Dực chức Đô thống sứ, nhưng cần phải thân đến trấn Nam Quan lãnh điệp văn. Rồi trong nước này bị loạn, đường Lạng Sơn trở ngại, Hoằng Dực từ lâu không đến được quan ải, Quang Bí trú tại Nam Ninh 15 năm, tùy tùng chết quá nửa, Hoằng Dực lại yêu cầu quan trấn thủ xin lên triều đình. Chiếu hứa cho bọn Quang Bí vào kinh đô nạp cống. Riêng điệp văn về nhận chức của Hoằng Dực, đợi đích thân đến quan ải sẽ trao cho.”
Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 231.
 
Rồi đến cuối năm sau, bọn Quang Bí đến kinh đô triều cống, được ban yến theo lệ Bồi thần các nước chư hầu:
 
Ngày 29 tháng 11 năm Gia Tĩnh thứ 43 [1/1/1565]. Vào năm Gia Tĩnh thứ 27, theo lệ Đô thống sứ An Nam Mạc Hoằng Dực sai Tuyên phủ phó sứ Lê Quang Bí mang biểu văn phương vật đến cống. Quang Bí đã đến Trung Quốc hơn 15 năm, trên đường Sứ giả chết hơn một nữa, nay mới đến nơi. Thiên tử khen sự cung thuận, đặc biệt ban yến theo lệ Bồi thần hai nước Triều Tiên và Lưu Cầu.”
Minh Thực Lục: Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 3, trang 232.
 
Năm Thuần Phúc thứ 3 [1564], tức Lê Anh Tông năm Chính Trị thứ 7, Minh Gia Tĩnh năm thứ 43. Bấy giờ, con trưởng của Mạc Kính Điển là Đoan hùng Vương Kính Chỉ ngầm tư thông với vợ lẽ của Kính Điển. Việc bị phát giác, Kính Chỉ phải giáng làm thứ nhân. Lấy con thứ là Kính Phu làm Đường An Vương và trao cho binh quyền.
 
Phía nhà Lê, Sạ Đẩu nước Ai Lao sai bề tôi dâng cống phẩm vật địa phương và 4 con voi đực. Vua sai Thái sư Trịnh Kiểm đem con gái nuôi gả cho Sạ Đẩu, nhắm giao hảo với nước láng giềng.
 
Tháng 9 [5/10-3/11/1564], Thái sư đốc suất đại quân đi đến miền giữa lộ Sơn Nam, đánh phá các huyện ở phủ Trường Yên [Ninh Bình]. Khi đến cửa Chu Tước đóng quân thì Nghĩa quận công Đặng Huấn lại đem quân bản bộ đến dinh quân xin chịu tội. Thái sư Trịnh Kiểm bèn tha tội, cho giữ tước cũ, lại sai Huấn ra miền Hoài An [huyện Mỹ Đức, Hà Tây], Sơn Minh để mưu việc tiến đánh.
 
Tháng 10 [4/11-3/12/1564], Thái sư sai Xá nhân ty Hoa Dương hầu đốc thúc dân chúng đã đầu hàng ở các phủ Trường Yên, Thiên Quan [huyện Nho Quan, Ninh Bình] sửa đắp đê điều, mở rộng đường xá, từ Phố Cát [huyện Thạch Thành, Thanh Hóa] thẳng đến Bình Lương [huyện Lạc Thủy, Hòa Bình], thông đến Hoài An, Sơn Minh, để vận chuyển lương thực, đi lại thông suốt. Từ đấy, lộ Sơn Nam, từ sông Cái [Hồng Hà] về phía tây, đất đai và nhân dân các huyện đều thuộc về nhà Lê. Tháng 12 [2/1-31/1/1565], Thái sư đem quân trở về Thanh Hóa.
 
Năm Thuần Phúc thứ 4 [1565], tức Lê Anh Tông năm Chính Trị thứ 8, Minh Gia Tĩnh năm thứ 44. Nhà Mạc mở khoa thi Hội. Cho Phạm Quang Tiến đỗ tiến sĩ cập đệ, bọn Phạm Hoành Tài 3 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Lại Mẫn 12 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.
 
Phía nhà Lê cũng mở chế khoa, cho bọn Lê Khiêm 4 người đỗ Đệ nhất giáp chế khoa xuất thân, bọn Lê Nghĩa Trạch 6 người đỗ Đệ nhị giáp đồng chế khoa xuất thân.
 
Tháng 4 [30/4-28/5/1565], Thái sư đốc quân đánh miền giữa lộ Sơn Nam, các con Thế tử Trịnh Cối và Trịnh Tùng cùng đi theo. Quân đến phủ Trường Yên [Ninh Bình], đánh phá các huyện Gia Viễn, Yên Mô, Yên Khang.
 
Tháng 9 [24/9-23/10/1565], Thái sư mưu chia các cánh quân, sai bọn Vũ Sư Thước, Lại Thế Khanh trấn giữ các cửa biển để phòng sự bất ngờ. Lại sai cháu gọi bằng cậu là Văn Uyên hầu giữ vững doanh trại, cùng trấn phòng với bọn Sư Thước, rồi tự mình đốc suất đại quân đánh dẹp các huyện ở Sơn Nam, quân đi tới đâu, đều chiến thắng.
 
Mạc Mậu Hợp thấy quân nhà Lê đánh gấp quá, hỏi mưu kế bầy tôi. Mạc Kính Điển trả lời:
 
“Quân họ tinh nhuệ, tranh với họ, sợ địch không nổi. Trịnh Kiểm đích thân đốc đại quân đến đây đánh dẹp lộ Sơn Nam, chưa dễ đã qua được sông. Thanh Hóa là đất căn bản của họ, nay đã suy yếu, dẫu có để quân ở lại chia giữ đất ấy, chẳng qua cũng chỉ là một hai tướng mà thôi. Thần xin sai vài viên đại tướng đem quân đi giao chiến để kìm giữ thế quân của họ. Rồi chia mấy vạn quân cho thần ngày đêm thẳng tiến vào Thanh. Tới nơi, sẽ tung kỳ binh ra để bắt tướng họ. Đó là phép tất thắng, là kế bỏ chỗ chắc, đánh chổ hở, bất ngờ đánh vào chỗ giặc không phòng bị, chính là ước nguyện của thần.”
 
Mậu Hợp nghe theo. Tháng 11 [23/11-22/12/1565], Kính Điển tiến quân đánh Thanh Hóa, vượt biển, vào cửa Linh Trường [cửa Lạch Trường, thuộc huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá], đánh phá các huyện Thuần Hựu [huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá], Hoằng Hoá, lấn cướp cư dân. Bọn Sư Thước sai người cáo cấp với Thái sư. Thái sư bèn sai Lộc quận công đem quân về cứu Thanh Hóa. Về tới hành dinh, cũng bàn mưu với bọn Sư Thước, Thế Khanh hợp quân tiến đánh, giao chiến với quân Mạc ở Du Trường [tên xã, thuộc huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá]. Quân Mạc phục sẵn ở chỗ hiểm yếu, cho kỳ binh ra khiêu chiến, rồi giả cách thua chạy. Bọn Sư Thước đem binh tượng đuổi theo, dấn sâu vào đất hiểm. Kính Điển liền tung phục binh ra, bốn mặt cùng nổi dậy, đánh kẹp lại vây thành mấy lớp. Bọn Sư Thước, Thế Khanh tự liệu quân ít không địch nổi nhiều, liền đột phá lớp vòng vây, cố sức đánh thoát chạy vào rừng núi. Lộc quận công đánh một mình bị quân Mạc đâm chết trên lưng voi. Quan quân chết đến hàng nghìn. Tướng Mạc định mưu tiến đánh, nhưng nghe tin Thái sư đã rút quân về đến huyện Thạch Thành [Thanh Hóa], Kính Điển bèn đem quân về.
 
Tháng Giêng năm Sùng Khang thứ nhất [21/1-19/2/1566], tức Lê Anh Tông năm Chính Trị thứ 9, Minh Gia Tĩnh năm thứ 45. Mùa xuân, tháng Giêng, vua Minh băng, Thái tử Cứ lên ngôi, năm sau đổi niên hiệu là Long Khánh, miếu hiệu Mục Tông. Nhà Mạc đổi niên hiệu là năm Sùng Khang thứ nhất, dời ra ở dinh Bồ Đề, Bắc Ninh.
 
Ngày 25 [14/2/1566], sai bọn Lại bộ thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ Kế Khê bá Giáp Hải và Đông các hiệu thư Phạm Duy Quyết lên biên giới Lạng Sơn đón tiếp sứ thần Lê Quang Bí về nước. Quang Bí phụng mệnh đi sứ năm Gia Tĩnh thứ 27 [1548], bị nhà Minh giữ lại 18 năm, đến nay trở về. Quang Bí lúc ra đi tóc mây xanh mướt, khi trở về râu tóc bạc phơ! Người Tàu ví ông như ông Tô Vũ [4] đi sứ đến lúc bạc đầu mới được trở về. Khi Quang Bí trở về tới kinh, Mạc Phúc Nguyên thấy tình trạng của ông giống hệt Tô Vũ, để tỏ lời an ủi, bèn phong cho tước Tô quận công.
 
Năm Sùng Khang năm thứ 2 [1567], tức Lê Anh Tông năm Chính Trị thứ 10, Minh Long Khánh năm thứ 1. Phía nhà Lê, Thái sư Trịnh Kiểm đang ốm, ngồi kiệu đi đánh dẹp vùng tây nam, nhiều lần thắng trận, quân sĩ càng thêm tinh nhuệ. Quân Mạc thường đánh không được, bèn thu quân phòng thủ.
 
Mùa xuân năm Sùng Khang thứ 3 [1568], tức Lê Anh Tông năm Chính Trị thứ 11, Minh Long Khánh năm thứ 2, nhà Mạc mở khoa thi Hội. Cho Vũ Hữu Chính đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Đỗ An 4 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Giáp Phong 12 người đỗ Đồng tiến sĩ xuất thân.
 
Phía nhà Lê, vào tháng 3 [29/3-26/4/1568], viên thổ quan Quảng Nam là Trấn quận công Bùi Tá Hán chết. Thái sư Trịnh Kiểm lấy người Nghệ An là Nguyên quận công Nguyễn Bá Quýnh làm tổng dinh, giữ đất ấy.
 
Tháng 4 [27/4-26/5/1568], Thái sư đương ốm, cố gượng ra trận, đánh phá các huyện Yên Mô, Yên Khang, Phụng Hoá, Gia Viễn [các huyện này thuộc Ninh Bình], hạ lệnh thu thóc lúa rồi về.
 
Tháng 2 năm Sùng Khang thứ 4 [16/2-17/3/1569], tức Lê Anh Tông năm Chính Trị thứ 12, Minh Long Khánh năm thứ 3. Vua Lê gia phong Thái sư Lương quốc công Trịnh Kiểm làm Thượng tướng Thái quốc công, tôn làm Thượng phụ.[5]
 
Tháng 4 [16/4-15/5/1569], em vua là Lê Duy Hàn ngầm có chí khác, lẻn vào trong cung lấy trộm ấn báu, bị bắt, lại được tha. Rồi Duy Hàn lại tự tiện giết người. Nhà vua nói:
 
“Nhiều lần khuyên bảo, Duy Hàn vẫn không nghe theo. Thế là “kẻ hạ ngu, mình tự làm mình, không sao thay đổi được!” Nhà nước đã có pháp luật thường hành trẫm còn tây vị bao che cho thế nào được?”
 
Nhà vua bèn giao xuống cho đình thần bàn xét. Duy Hàn bị thích sáu chữ vào mặt, phế làm thứ nhân.
 
Tháng 9 [10/10-8/11/1569], trấn thủ Thuận Hoá là Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào chầu, lạy chào Vua ở hành tại, lại đến phủ Thượng tướng lạy mừng, giãi bày tình cảm anh em. Trước kia, Chiêu Huân Tĩnh công Nguyễn Kim biết Thượng tướng tài lược hơn người, yêu quý như con, đem con gái thứ là Ngọc Bảo gả cho. Ngọc Bảo là chị ruột của Hoàng. Đến khi Kim chết, vua trao cho Thượng tướng trông coi việc nước, nên sai Hoàng làm trấn thủ Thuận Hoá, thu nộp tô thuế để chi dùng vào việc nước. Đến đây vào chầu. Ngọc Bảo sinh con là Trịnh Tùng, tài đức hơn người, anh hùng nhất đời, có thể nối được chí cha.
 
Tháng 10 [9/11-7/12/1569], Thượng tướng tự biết mình bệnh nặng, liền dâng biểu xin thôi giữ binh quyền, lời lẽ rất khẩn thiết. Vua nói:
 
“Trẫm hãy tạm theo lời xin. Đặc cách sai con trưởng của Thượng tướng là Tuấn Đức hầu Trịnh Cối đốc lĩnh các dinh quân thuỷ bộ, con thứ là Phú Lương hầu Trịnh Tùng cùng bọn tướng tá đều phải theo mà đánh giặc để yên thiên hạ, cho thoả lòng mong đợi của trẫm”.
 
Tháng Giêng năm Sùng Khang thứ 5 [5/2-6/3/1570], tức Lê Anh Tông năm Chính Trị thứ 13, Minh Long Khánh năm thứ 4. Phía nhà Lê, Thượng tướng Trịnh Kiểm dâng biểu tâu Vua cho Đoan quận công Nguyễn Hoàng trấn thủ hai xứ Thuận Hoá và Quảng Nam, để cõi phiên trấn được vững mạnh. Thượng tướng khuyên răn Hoàng rằng:
 
“Nhà nước trao cho khanh trách nhiệm nặng nề này, khanh nên trước sau một tiết, dốc hết tâm sức như xưa để phò tá nhà vua”.
 
Nguyễn Hoàng vâng mệnh đến trấn giữ, cho cựu Tổng binh Quảng Nam là Nguyên quận công Nguyễn Bá Quýnh về giữ Nghệ An.
 
Ngày 18 tháng 2 [24/3/1570], Thượng tướng Thái quốc công Trịnh Kiểm ốm nặng, ngày hôm ấy mất, truy tôn là Minh Khang Thái Vương, thụy là Trung Huân. Ban chiếu cho con trưởng là Tuấn Đức hầu Trịnh Cối thay lĩnh binh quyền, cầm quân đánh giặc. Bấy giờ Cối đắm mình trong tửu sắc, kiêu ngạo, không thương gì đến quân lính. Do đó, các tướng hiệu đều có ý lìa bỏ, kẻ giúp đỡ ngày một ít đi, lòng người thay đổi, ai cũng nghĩ đến chuyện sinh biến.
 
Ngày mồng 2 tháng 4 [6/5/1570], Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ, Văn Phong hầu Trịnh Vĩnh Thiệu, Vệ Dương hầu Trịnh Bách cùng bọn Lương quận công, Phổ quận công và Lai quận công Phan Công Tích đang đêm đem đàn em và binh lính tới chỗ Phúc Lương hầu Trịnh Tùng bàn định kế sách, ép Tùng phải hành động. Tùng bất đắc dĩ phải cùng với bọn Cập Đệ, Vĩnh Thiệu thu thập binh tướng, đang đêm chạy về hành tại Yên Trường. Hôm sau, đến dinh Kim Thành, thuyết phục Nghĩa quận công Đặng Huấn cùng đi đến cửa khuyết, vào bái yết vua. Bọn Tùng khóc nói rằng:
 
“Anh thần là Cối say đắm tửu sắc, mất lòng mọi người, sớm muộn thế nào cũng sinh loạn, lại mưu đoạt binh tượng và ấn báu của thần, nên bọn thần phải nửa đêm trốn vào cửa khuyết, đau xót báo tin, xin thánh thượng thương tình thu nạp!”
 
Vua nói:
 
“Khi Thượng phụ còn sống không đến nỗi thế, nay làm thế nào bây giờ?”
 
Phúc Lương hầu cùng bọn Cập Đệ, Vĩnh Thiệu, Bách, mật tâu vua dời hành tại vào trong cửa ải Vạn Lai, chia quân chiếm giữ cửa lũy để phòng bị quân bên ngoài.
 
Hôm sau, Trịnh Cối đốc suất bọn Phúc quận công Lại Thế Mỹ, An quận công Lại Thế Khanh, Lâm quận công Nguyễn Sư Doãn, Thạch quận công Vương Trân, Vị quận công Lê Khắc Thận, Dương quận công Nguyễn Hữu Liêu, Hùng Trà hầu Phạm Văn Khoái, và hơn 1 vạn quân, đuổi đến ngoài cửa quan, đóng dinh ở đấy. Cối đóng quân vài ngày, các tướng ở trong cửa ải cũng đóng cửa giữ không ra. Hai bên sai người đưa thư qua lại, bên này nói xấu bên kia, lời lẽ rất ngạo mạn.
 
Ngày mồng 7 [11/5/1570], vua sai sứ ra chiêu dụ các tướng ở ngoài cửa quan, bảo họ giảng hoà. Lại Thế Mỹ dùng giáo trỏ vào cửa quan:
 
“Bao giờ bắt được người ở trong cửa quan thì việc mới hoà được”.
 
Vua biết ý không hoà giải được, bèn sai các tướng đốc quân chống lại, suốt ngày đêm không nghỉ. Cối thấy đánh mãi không được, trong lòng ngần ngại, tự lui quân về Biện Dinh, hội các tướng tá dưới quyền và nói:
 
“Trong cửa quan có quân [quân Trịnh Tùng], ngoài cõi có giặc [quân Mạc], ta ở quãng giữa, nếu có tai biến khẩn cấp thì khó mà chống đỡ được”.
 
Bèn hạ lệnh chia quân chiếm giữ những nơi xung yếu, Vũ Sư Thước thì giữ cửa biển Linh Trường [Lạch Trường, huyện Hoằng Hóa] và Hội Triều [cửa sông Mã], Lại Thế Khanh giữ cửa biển Chi Long [cửa Bạch Câu, huyện Nga Sơn] và Thần Phù, Nguyễn Sư Doãn giữ cửa biển Du Xuyên [huyện Tĩnh Gia] và Ngọc Giáp [cửa Ghép, huyện Tĩnh Gia] đề phòng quân Mạc vào đánh. Bọn Lại Thế Mỹ, Lê Khắc Thân, Nguyễn Hữu Liêu, Phạm Văn Khoái chỉnh đốn binh tượng, thuyền bè, khí giới, ngày đêm đóng đồn dọc bờ sông đề phòng các tướng trong cửa quan xông ra đánh.
 
Tháng 8 [31/8-29/9/1570], người châu Bố Chính là Quận công Lập Bạo thấy Thái vương Trịnh Kiểm mất và anh em Trịnh Cối bất hoà, Thanh Hóa rối loạn, mới dẫn bộ hạ đầu hàng nhà Mạc, được ban tước Tiên quận công, sai đem quân đi trước dẫn đường. Ngày 16 [15/9/1570], nhà Mạc sai Kính Điển đốc suất các thân vương và tướng tá, đem hơn 10 vạn quân, 700 chiếc thuyền chiến, vào đánh Thanh Hóa. Khi đến nơi, liền chia quân, sai Mạc Đôn Nhượng cùng với tướng Bắc đạo là Gia quận công Mạc Đình Khoa và phó tướng là Mậu quận công (không rõ tên) đem quân giữ cửa biển Thần Phù [Ninh Bình]. Sau khi đã tiến vào, chia các tướng là Hoằng quận công (không rõ tên) làm đội thứ nhất đi tiên phong, tướng Nam đạo là Thạch quận công Nguyễn Quyện làm đội thứ 2, tướng Tây đạo là Ngạn quận công Mạc Ngọc Liễn làm đội thứ 3, tướng Đông đạo là Hoa quận công và Kỳ quận công (đều không rõ tên) làm đội thứ 4, Kính Điển tự đốc đại quân làm đội thứ 5, các thân vương tông thất họ Mạc thống đốc quân của vệ Triều Đông và các nội vệ làm đội thứ 6, ngay hôm ấy, cùng tiến vào các cửa biển Linh Trường, Chi Long, Hội Triều, hội quân ở Bút Cương [huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa]. Đến huyện Hà Trung, đóng dinh ven sông, hai bên bờ khói lửa mù mịt che khuất đến 10 dặm.
 
Trịnh Cối tự liệu không chống nổi, thế quân ngày càng cô lập, liền đem bọn Lại Thế Mỹ, Vũ Sư Doãn, Trương Quốc Hoa và vợ con đón hàng họ Mạc. Kinh Điển tiếp nhận, phong cho Cối tước Trung Lương hầu, lấy Lại Thế Mỹ làm Khánh quận công, Nguyễn Sư Doãn làm Lý quận công, Vương Trân làm Sơn quận công, sai các tướng này dẫn quân bản bộ tiến trước. Duy có Vũ Sư Thước định bỏ doanh trại vào cửa quan Yên Trường theo nhà Lê, nhưng quân lính muốn hàng họ Mạc, không chịu theo, nên Thước bất đắc dĩ phải chiều theo mọi người, họ Mạc ban tước là Thuỷ quận công. Lại Thế Mỹ sau đó bỏ dinh đem quân trốn vào Vĩnh Ninh huyện Cẩm Thuỷ, rồi vào cửa quan Yên Trường. Bấy giờ Hoàng Đình Ái đóng quân ở sông Kim Bôi, đem quân bản bộ dời đến giữ sách Đa Nẫm, rồi dẫn Lê Khắc Thận, Nguyễn Hữu Liên và Hùng Trà hầu cùng đem quân vào cửa quan Yên Trường hội quân. Hoành quận công tự đem quân bản bộ về Nghệ An cùng với Nguyễn Bá Quýnh chia giữ đất ấy.
 
Ngày 20 [19/9/1570], vua sắc phong Trịnh Tùng làm Trưởng quận công, tiết chế các dinh thuỷ bộ, cầm quân đánh giặc. Hôm ấy, Tiết chế Trịnh Tùng hội các tướng, mở tiệc uý lạo quân sĩ. Võ tướng Vinh quận công Hoàng Đình Ái, Tấn quận công Trịnh Mô, Lương quận công (chưa rõ tên), Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ, Vệ Dương hầu Trịnh Bách, Văn Phong hầu Trịnh Vĩnh Thiệu, Nghĩa quận công Đặng Huấn, Lai quận công Phan Công Tích, Vị quận công Lê Khắc Thận, Dương quận công Nguyễn Hữu Liêu, Hùng Trà hầu Phạm Văn Khoái, Tây Hưng hầu Hà Thọ Lộc, văn thần là bọn Lại bộ thượng thư Từ quận công Nguyễn Đĩnh 12 viên, đều chỉ trời mà thề, đồng lòng chung sức, ngày đêm bàn kế đánh giặc.
 
Ngày 25 [24/9/1570], họ Mạc ra quân lớn, các đạo cùng tiến, dọc sông Mã từ Ưng Quan [tổng Cổ Lũng, huyện Cẩm Thủy] trở xuống, dọc sông Chu từ Bổng Luật [huyện Thiệu Hóa] trở xuống khói lửa mù trời, cờ xí rợp đất. Nhân dân Thanh Hoa dắt già cõng trẻ, chạy nhớn nhác ngoài đường, không biết nương tựa vào đâu, tiếng kêu khóc vang trời, bao nhiêu tiền của, đàn bà con gái đều bị quân Mạc lấy cả. Nhà Mạc cậy có tướng nhiều quân mạnh, đánh vào ngoài luỹ Yên Trường ngày đêm không ngớt. Quan quân thế yếu, chỉ đắp luỹ cao, đào hào sâu, giữ chỗ hiểm để chờ thời.
 
Bấy giờ bọn Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ dùng mẹo sai quân lính ban đêm dựng lũy tầng ngoài kéo dài đến hơn 10 dặm, lấy nhiều phên nứa để che chắn, dùng bùn trát bên ngoài, trên thả chông tre, chỉ một đêm mà thành giả làm xong. Hôm sau, Mạc Kính Điển trông thấy, cho là thành thật, sợ lắm, không dám đến gần, bàn với các tướng rằng:
 
“Không ngờ ngày nay quân Lê vẫn còn kỷ luật, pháp lệnh nghiêm minh như vậy. Chỉ một đêm mà đắp thành luỹ đâu ra đấy! Hẳn là số quân lính liều chết còn nhiều, nên mới dốc sức đắp xong chóng thế, khiến lòng ta không yên. Không dồn hết công sức, thì chưa dễ dẹp được. Nếu ta không đánh gấp diệt trừ đi, thì tất sẽ trở thành mối lo sau này”.
 
Bèn tự mình đốc suất tướng sĩ, ngày đêm đánh gấp, hẹn phải lấy được mới thôi. Do vậy, bên tả sông từ Da Châu, Tàm Châu, bên hữu sông, từ đầu nguồn hai huyện Lôi Dương, Nông Cống đều là chiến trường, hầu như mất hết vào tay giặc. Bấy giờ nhân dân các huyện ở Thanh Hoa tan tác tháo chạy, ruộng đồng bỏ không cày cấy, nhiều người bị chết đói.
 
Tháng 9 [30/9-28/10/1570], sai Hà Khê hầu đem quân ra giữ luỹ Ai ở huyện Cẩm Thuỷ, nhân dịp này, y làm phản đầu hàng họ Mạc, Vua Lê lấy Tây Hưng hầu Hà Thọ Lộc thay giữ đất ấy.
 
Tháng 10 [29/10-27/11/1570], tướng Mạc đem quân giao chiến, chống nhau ở sông Bảo Lạc, Long Sùng [6] [huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa]. Các tướng nhà Lê hay dùng kỳ binh, ban ngày thì cố thủ, ban đêm thì đánh cướp doanh trại, quấy rối quân địch. Từ đấy, quân Mạc phập phồng kinh sợ, lính phòng thủ bị đâm chém nhiều. Mỗi khi chém cắt được tai giặc thì được thưởng bạc, nên quân lính nhiều kẻ tự nguyện xông ra, liều sức đánh quân Mạc về ban đêm. Quân Mạc tuy nhiều, nhưng có nhiều người bỏ trốn. Mạc Kính Điển thấy đánh mãi không được, liền lui giữ dinh Hà Trung [huyện Hà Trung, Thanh Hóa], hạ lệnh cấm không được mang muối lên bán ở đầu nguồn, sau có người gánh trộm muối vào luỹ nhà Lê, bị bắt chém để răn đe.
 
Tháng ấy, Vũ Sư Thước mật sai người ngầm vào trong luỹ đưa thư đầu hàng. Vua Lê nhận được thư của Sư Thước, liền hội các tướng bàn đem đại quân tiến đánh để giành lại đất nước, bèn chia quân thành ba đạo cùng tiến. Sai bọn An quận công Lại Thế Khanh, Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ, Văn Phong hầu Trịnh Vĩnh Thiệu, Tấn quận công Trịnh Mô đem quân ra phía tả, từ huyện Yên Định qua huyện Vĩnh Phúc, đánh lấy huyện Tống Sơn. Gia phong Trường quận công Trịnh Tùng làm tả tướng, tiết chế tướng sĩ các dinh quân thuỷ bộ các xứ. Vua tự làm Đô tướng, thống đốc đại quân ra đường giữa, từ huyện Thụy Nguyên, qua huyện Yên Định thẳng tiến đóng quân ở huyện Đông Sơn. Bọn Vinh quận công Hoàng Đình Ái, Nghĩa quận công Đặng Huấn, Lại quận công Phan Công Tích, Vệ dương hầu Trịnh Bách đem quân ra đường phía hữu, qua các huyện Lôi Dương và Nông Cống, đánh lấy miền Quảng Xương. Vua đến đóng dinh ở huyện Đông Sơn, Vũ Sư Thước đem 500 quân bản bộ, nửa đêm xuất phát, sáng hôm sau đến ngự dinh Đông Sơn lạy xin chịu tội. Vua dùng lời an ủi, cho giữ chức cũ, vỗ về các tướng sĩ, ba quân đều cả mừng. Sư Thước lại đến dinh tả tướng, khóc kể lại tình nghĩa xưa, các quân đều rất vui vẻ. Từ đấy, quân Lê lừng lẫy, quân Mạc hễ đánh là thua, không dám tiến đánh nữa, lui về giữ dinh tại Bút Cương [huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa].
 
Ngày 20 [17/11/1570], vua sai người làm cầu phao ở phía hạ lưu sông An Liệt [huyện Vĩnh Lộc], qua Kim Bôi. Vua cùng tả tướng đem đại binh qua sông, đến xã Kim Tử [huyện Vĩnh Lộc], đi tắt qua huyện Thuần Hựu [huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa] để tiến đánh các dinh quân Mạc. Sai Vũ Sư Thước chiêu tập quân cũ của huyện ấy, được hơn 1000 người, cho làm tiên phong khiêu chiến quân Mạc ở bến sông Lôi Tân [huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa]. Bọn Lại Thế Khanh và Lê Cập Đệ đánh Tống Sơn và Nga Sơn, lấy được, đi đến đâu quân Mạc tan tác, nhân dân được trở về yên nghiệp.
 
Tháng 12 [27/12/1570-25/1/1571], bọn Mạc Kính Điển thấy đánh mãi không được, bèn nói rằng:
 
“Tiến quân đánh giặc mạnh đã trải 9 tháng trời mà chưa thành công. Hơn nữa, bây giờ mùa đông rét mướt, sông nước vơi cạn, lại thêm mưa xuân sắp đến, chướng khí sẽ sinh, quân không đủ ăn, người nào cũng nhớ quê, còn ai đồng lòng gắng sức với ta nữa. Huống chi, quân ta lại dần dần trễ biếng, chi bằng hãy tạm rút quân về, lần sau sẽ đánh tới toàn thắng. Nếu cứ giữ mãi chỗ này, sợ không có ích gì, chỉ khiến quân địch cười cho thôi”.
 
Bèn hạ lệnh nhổ trại mà về. Trịnh Cối và mẹ là Thái Vương phu nhân cùng vợ con và bọn Lại Thế Mỹ, Trương Quốc Hoa, đã trót đầu hàng họ Mạc, không dám trở về với nhà Lê, bèn đem con em trai gái hơn 1000 người ra biển theo Kính Điển về Đông Đô, đến lạy chào Vua Mạc.
 
Tháng 2 năm Sùng Khang thứ 6 [21/2-21/3/1571], tức Lê Anh Tông năm Chính Trị thứ 14, Minh Long Khánh năm thứ 5, Vua nhà Lê xét công đánh giặc, gia phong Trịnh Tùng làm Thái úy, Trường Quốc công, Lê Cập Đệ làm Thái phó, Trịnh Bách, Trịnh Vĩnh Thiệu, Trịnh Mô, Lại Thế Khanh và Đặng Huấn đều làm Thiếu phó. Lại phong cho các em của Tùng: Trịnh Đỗ làm Thiếu bảo, Trịnh Đồng làm Vĩnh Thọ hầu, Trịnh Ninh làm Quảng Diên hầu.
 
Tháng 7 [22/7-19/8/1571], Mạc Kính Điển đốc suất quân lính vào đánh các huyện ở Nghệ An. Bấy giờ, dân Nghệ An sợ uy nhà Mạc đã lâu, địa thế lại xa cách, quân nhà Lê không thể cứu giúp được, phần nhiều đầu hàng họ Mạc. Vì thế, từ sông Cả [sông Lam] vào Nam đều bị quân Mạc chiếm cứ. Viên tướng địa phương Nguyên quận công Nguyễn Bá Quýnh nghe tin quân Mạc đến giật mình kinh hãi, chưa thấy bóng đã bỏ chạy. Hoàng quận công chống nhau với Nguyễn Quyện, sức không địch nổi, bỏ cả thuyền chạy, bị bắt sống. Từ sông Cả về Bắc, lại thành đất của nhà Mạc.
 
Tháng 9 [19/9-18/10/1571], vua bàn với Tả tướng Trịnh Tùng giao quân cho Tấn quận công Trịnh Mô là Lai quận công Phan Công Tích đi cứu Nghệ An. Quân Mạc rút về, Nghệ An lại yên.
 
Năm ấy, người huyện Khang Lộc, Thuận Hoá là Quận công Mỹ Lương đem quân bản bộ mưu đánh Đoan quận công Nguyễn Hoàng, nhắm thôn tính quân lính của Hoàng, rồi về hàng họ Mạc. Hoàng biết được, đem quân đánh giết chết, đất Thuận Hoá tạm yên. Sau các thổ tướng ở Quảng Nam đánh giết, thôn tính lẫn nhau, Hoàng đều đánh dẹp được cả, giao cho thuộc tướng là Mai Đình Dũng ở lại giữ đất và thu nhặt quân lính còn sót lại.
 
Tháng 10 [19/10-16/11/1571], vua sai Thái phó Đoan Vũ hầu Lê Cập Đệ đem quân vào đánh dẹp miền Thiên Quan [huyện Nho Quan, Ninh Bình], đều dẹp yên. Bấy giờ, chúa nước Ai Lao là Sạ Đẩu dâng 4 con voi đực và vật báu để cầu hôn. Vua muốn hoà hảo với nước láng giềng, bèn đem con gái riêng của vợ mình, phong làm Ngọc Hoa công chúa gả cho.
 
Tháng Giêng năm Sùng Khang thứ 7 [15/1-13/2/1572], tức Lê Anh Tông năm Hồng Phúc thứ 1, Minh Long Khánh năm thứ 6, Vua Lê tế trời đất ở đàn Nam Giao. Khi làm lễ, vua bưng lư hương khấn trời, bỗng lư hương rơi xuống đất, Vua biết là điềm không lành, bèn xuống chiếu đổi niên hiệu là Hồng Phúc năm thứ nhất.
 
Tháng 3 [12/4-11/5/1572], Lê Cập Đệ ngầm có chí khác, mưu giết Tả tướng Trịnh Tùng để đoạt binh quyền, từng rủ Tả tướng đi thuyền ra giữa sông để giết. Tả tướng biết được, nên mưu ấy không thành. Từ đấy, hai nhà thù oán nhau, bên ngoài thì giả vờ hiệp sức để lo đánh giặc, nhưng bên trong thì ngờ vực, đề phòng ám hại nhau.
 
Tháng 7 [8/8-6/9/1572], Mạc Kính Điển đốc suất quân lính xâm lấn các xứ Thanh Hoá, Nghệ An. Vua bàn với các tướng, ra lệnh cho quân dân các huyện ven sông di chuyển của cải, súc vật, tránh vào rừng núi để phòng quân giặc. Tháng 8 [7/9-6/10/1572], quân Mạc quả nhiên kéo đến bắt người cướp của, nhưng dân chúng các huyện ven sông đã di tản đi cả, chỉ còn lại một vùng đất bỏ không, nên ít bị thiệt hại.
 
Bấy giờ, viên tướng ở Bố Chính [Quảng Bình] là Tiên quận công ngầm theo nhà Mạc, dẫn đường cho tướng Hải Dương là Quận công Lập Bạo đem hơn 60 binh thuyền đi đường biển vào cướp các xứ Thuận Hoá và Quảng Nam. Dân địa phương nhiều người đầu hàng. Từ đấy, thế giặc lại mạnh. Trấn thủ Nguyễn Hoàng dùng mỹ nhân kế, sai Ngô Thị đem nhiều vàng lụa dụ Lập Bạo đến hội thề, rồi chém chết giữa sông. Quân giặc tan vỡ, vượt biển trở về, bỗng gặp gió bão, chết hết ở ngoài khơi. Tiên quận công bèn trốn về với nhà Mạc, đất Thuận Quảng lại được yên. Nguyễn Hoàng vỗ trị mấy chục năm, chính lệnh khoan hoà, thưởng ban ân huệ, dùng phép công bằng, chấn chỉnh, khuyên răn tướng sĩ dưới quyền. Trừ bỏ bọn hung ác, dân hai trấn đều cảm mến nhân đức, thay đổi phong tục, chợ búa không nói thách, dân chúng không làm giặc, cổng ngoài không phải đóng, thuyền buôn nước ngoài đều tới buôn bán trao đổi phải giá, quân lệnh nghiêm cẩn, người người gắng sức. Do vậy, họ Mạc không dám dòm ngó, trong cõi được an cư lạc nghiệp.
 
Thái phó Vi quận công Lê Khắc Thận trước kia làm quan cho nhà Mạc hàng nhà Lê, nay làm phản, vượt luỹ về hàng họ Mạc. Tả tướng Trịnh Tùng bắt các con của Thận là Tuân, Khoái, Thầm đều giết cả.
 
Tháng 9 [7/10-5/11/1572], Vua sai bọn An quận công Lại Thế Khanh, Tấn quận công Trịnh Mô, Lai quận công Phan Công Tích đem quân đi Nghệ An. Đến nơi thì quân Mạc rút lui, Nghệ An lại yên. Năm ấy, các huyện ở Nghệ An, đồng ruộng bỏ hoang, dân đói to, lại bị bệnh dịch, chết đến quá nửa, nhiều người xiêu giạt, kẻ thì vào Nam, người thì ra Bắc, trong hạt rất tiêu điều.
 
Mùa đông, tháng 11 [5/12/1572-3/1/1573], vua sai Lai quận công Phan Công Tích đi kinh lược xứ Thuận Hoá, uý lạo các tướng sĩ. Khi đến xứ đó, rất lưu ý đến Nguyễn Hoàng. Hoàng cũng đem quân đến hội, đặt tiệc thết đãi, giãi bày tình xưa nghĩa cũ rất vui vẻ. Khi Công Tích về, Hoàng thân hành đi tiễn.
 
Ngày 21 [25/12/1572], Lê Cập Đệ từng có chí khác, định mưu hại Tả tướng Trịnh Tùng. Tả tướng giả vờ không biết, gửi biếu nhiều vàng. Khi Cập Đệ tới tạ ơn, Tùng sai đao phủ phục ở dưới trướng bắt giết đi rồi sai người nói phao lên rằng Cập Đệ mưu làm phản, Vua sai giết chết.
 
Bấy giờ, Cảnh Hấp và Đình Ngạn nói với Vua rằng:
 
“Tả tướng cầm quân, quyền thế rất lớn, bệ hạ khó lòng cùng tồn tại với ông ta được”.
 
Vua nghe nói vậy, hoang mang nghi hoặc, đương đêm, bỏ chạy ra ngoài, đem theo bốn hoàng tử cùng chạy đến thành Nghệ An và ở lại đó. Tả tướng Trịnh Tùng bàn với các tướng rằng:
 
“Nay vua nghe lời gièm của kẻ tiểu nhân, phút chốc khinh suất đem ngôi báu xuôi giạt ra ngoài. Thiên hạ không thể một ngày không có vua, bọn ta và quân lính sẽ lập công danh với ai được? Chi bằng trước hết hãy tìm hoàng tử lập lên để yên lòng người, rồi sau sẽ đem quân đi đón vua cũng chưa muộn.”
 
Bấy giờ Hoàng tử thứ năm là Đàm ở xã Quảng Thi, huyện Thuỵ Nguyên [huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa], bèn sai người đi đón về tôn lập làm Vua, tức Thế Tông.
 
                                                                                 Hồ Bạch Thảo
.....................
 
[1] Mười châu: tức là 10 châu của phủ An Tây, miền thượng du sông Đà. Gồm: Chiêu Tân, Quỳnh Nhai, Lai Châu, Tung Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phi, Lê Tuyền, Khiêm Châu, Tuy Phụ, Luân Châu.
[2] Lộ Sơn Nam: một vùng rộng gồm các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và tỉnh Thái Bình ngày nay.
[3] Nam Ninh: hiện nay Nam Ninh là thủ phủ tỉnh Quảng Tây, vị trí cách ngả ba các sông Tả Giang, Hữu Giang khoảng trên 10 km.
[4] Tô Vũ giữ chức Trung Lang tướng thời vua Hán Vũ Đế, phụng mệnh đi sứ sang nước Hung Nô, bị lưu lại, phải đi chăn dê, 19 năm mới được về nước.
[5] Thượng phụ: có nghĩa là tôn lên làm bậc thầy.
[6] Bảo Lạc, Long Sùng: là tên 2 xã thuộc huyện Thiệu Hoá. Sông Bảo Lạc, Long Sùng tức là đoạn sông Chu chảy qua hai xã đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét