Nhà văn Trần Mạnh Hảo
Chiều ba mươi tết hôm qua, khi đi mua hoa trên đường Trần Não, quận 2 Sài Gòn, nghe ba mẹ con một bà cán bộ sang trọng đi xe hơi đời mới to tiếng về việc mua sắm tết, cậu con út phán: “Rõ khổ, đang yên đang lành, tự nhiên sinh ra tết báo hại cả nhà !”
Tự nhiên sinh ra tết! Cậu – đứa trẻ con đã “thất thập cổ lai hi” – bỗng bồn chồn gan ruột thương nhớ những tết nghèo thiêng liêng xưa.
Giữa nắng gắt chiều ba mươi tháng chạp Sài Gòn, cậu nhớ rét toát mồ hôi. Hôm nay, chừng như tết không đến với nhà giàu, tết không đến với đám trẻ con chưa biết thế nào là đói, là rét, là tù đầy, bắt bớ, là nỗi sợ hãi bị kẻ khác rình rập cả đời như cậu ngày xưa ở cái làng Bình Hải Đoài Thiên Chúa giáo!
Đêm nào cũng nằm mơ thấy gió bấc đuổi bắt cậu. Thấy mình bị nhốt trong sương mù, cậu sợ quá vừa chạy vừa khóc gọi mẹ ơi! Mẹ mặc áo vá, ba mươi tết vụng trộm lén lút bán cặp gà do mình nuôi cho một nhà cán bộ khá giả, bị đám thương nghiệp xã bắt vì tội bán gà bất hợp pháp, không xin phép chính quyền, muốn xây dựng chế độ tư bản tự do buôn bán hay sao?
Công an bắt mẹ nhốt vào ủy ban vì tội bán gà không xin phép, cho đến khi chúng lập biên bản tịch thu cặp gà sung công quỹ, mới thả mẹ về…
Mẹ vừa đi vừa khóc. Không có tết rồi các con ơi. Mẹ tính bán trộm cặp gà lấy chút tiền mua cho hai anh em chúng mày mỗi đứa một cái áo mới…
Mẹ không chịu tay không về nhà. Thấy sông mùa đông ken nước cạn trơ lòng, chiều ba mươi, khi lợn nhà cán bộ đang hét lên vì bị thọc tiết, mẹ lội xuống sông mò tôm cá về cho các con ăn tết. Gió bấc hú như còi báo động. Tuồng như gió rét muốn báo công an bắt vợ địa chủ Hiền dám không xin phép ủy ban đã xuống sông mò toan bắt hết cá của đảng…
Mẹ vừa rét vừa sợ run bần bật. Chim trời cá nước ơi, sao cái gì cũng của đảng hết vậy, xuống ân huệ cho mẹ mò mấy con tôm con cá về cứu đói ba ngày tết ba đứa con thơ. Cũng là kiếp người, sao mẹ cậu lại khổ thế ? Sương mù ơi, che chắn dùm mẹ tôi, đừng để cho công an xã nhìn thấy mẹ mò cá dưới sông mà đến bắt, mà triệt đường sống của mẹ!
Công an bắt mẹ nhốt vào ủy ban vì tội bán gà không xin phép, cho đến khi chúng lập biên bản tịch thu cặp gà sung công quỹ, mới thả mẹ về…
Mẹ vừa đi vừa khóc. Không có tết rồi các con ơi. Mẹ tính bán trộm cặp gà lấy chút tiền mua cho hai anh em chúng mày mỗi đứa một cái áo mới…
Mẹ không chịu tay không về nhà. Thấy sông mùa đông ken nước cạn trơ lòng, chiều ba mươi, khi lợn nhà cán bộ đang hét lên vì bị thọc tiết, mẹ lội xuống sông mò tôm cá về cho các con ăn tết. Gió bấc hú như còi báo động. Tuồng như gió rét muốn báo công an bắt vợ địa chủ Hiền dám không xin phép ủy ban đã xuống sông mò toan bắt hết cá của đảng…
Mẹ vừa rét vừa sợ run bần bật. Chim trời cá nước ơi, sao cái gì cũng của đảng hết vậy, xuống ân huệ cho mẹ mò mấy con tôm con cá về cứu đói ba ngày tết ba đứa con thơ. Cũng là kiếp người, sao mẹ cậu lại khổ thế ? Sương mù ơi, che chắn dùm mẹ tôi, đừng để cho công an xã nhìn thấy mẹ mò cá dưới sông mà đến bắt, mà triệt đường sống của mẹ!
Và mưa phùn ơn Chúa đã gia ân rắc xuống, mù mịt cả xóm làng, như khói bếp cháy làng cháy xóm che cho mẹ đi mò cá của Chúa Trời ngoài sông ngoài bãi mà như đi ăn trộm…
Cám ơn mưa phùn giấu cậu vào bờ tre, khi cậu vừa đi bắt rận thuê kiếm được một lon rưỡi gạo đem về nấu cháo cho đêm giao thừa đỡ đói. Nếu ông Bính, ông Chi đảng viên cán bộ thôn nhìn thấy sẽ tịch thu lon gạo của cậu, vu cho cậu tội ăn cắp gạo của đảng…
Cái gì cũng của đảng, thế nên mẹ con cậu mới suýt chết đói, suýt phải đi ăn mày trong ba ngày tết. Mấy mẹ con cậu chừng như không phải người, không có quyền sống, không có quyền ăn tết…
Mưa phùn ơi, gió bấc ơi, ổ rơm ơi, trâu bò ơi, cơm thừa canh cặn của cán bộ ơi, xin hãy che chở mẹ con cậu với. Và Chúa lòng lành trên cây thánh giá khổ nạn ơi, chỉ có Ngài là khổ hơn mẹ con cậu thôi. Ông bí thư đảng làng Bình Hải còn bảo, chính ra đảng còn phải đóng đinh mấy mẹ con mày trên thánh giá cơ, đảng đã tha chết cho còn không biết điều lại còn than đói rét!
Nhưng mà, lạy Chúa tôi, lạy ông bà cán bộ “nông rân” đi qua đi lại ơi, chúng con có than vãn đói khổ cơ cực đâu. Chúng con giấu cái rét cắt ruột vào rơm rạ, vào tro bếp, giấu cái đói vào rau má, vào quả sung chát, vào cháo củ chuối non…đỡ lòng mà!
Chỉ có gió bấc mưa phùn, chỉ có Chúa che chở chúng con qua mọi tai ương kiếp người, giấu cất chúng con vào chổi cùn rế rách A men!
Hầu như đêm nào những cái tết tuổi thơ của mấy mẹ con cậu xưa cũng hiện về cùng mưa phùn gió bấc, cùng ổ rơm chăn đụp trong túp lều ngoài đồng khi tội địa chủ bị chiếm nhà, cướp đất. Cậu không có quyền làm người. Cậu và gia đình mẹ con cậu thiếu chút nữa bị mùa đông đói rét hất hết xuống Sông Đáy trôi ra biển mất tiêu.
Cậu bị nỗi sợ bao phủ. Lúc nào cậu cũng sẵn sàng co cẳng chạy như bị gió bấc mưa phùn đuổi bắt. Nỗi sợ quá mức làm cho cậu nghi cả chó mèo cũng là công an, là mật vụ cho đảng. Có điều lạ là cậu không thấy mình khổ, không thấy mình bất hạnh, miễm là tết nào cậu cũng có mẹ, có các em bên cạnh…
Chừng như những tết xưa vẫn còn nợ cậu món tiền mừng tuổi? Đêm giao thừa nào cậu cũng theo cơn mơ về đòi mưa phùn mừng tuổi cho một đồng gió bấc, một xu sương mù, một cắc ổ rơm…Và những cái tết thèm cơm ơi, các người thiêng liêng lắm, cảm động lắm, nhớ thương vô vàn lắm…
Và mẹ ơi, mẹ sống suốt đời mò mẫn lặn lội ngoài sông, ngoài đồng, mang từng hạt thóc rơi, từng con tép nhỏ nuôi chúng con mà sao nay mẹ vẫn còn say đồng say ruộng đến thế? Mẹ vẫn nằm yên ngoài đồng chờ gió bấc mưa phùn về mừng tuổi thiên thu...
Sài Gòn lúc 16 giờ 31 phút ngày mùng một tết (5-2-2019)
Trần Mạnh Hảo
*
Nguồn:
https://nhinrabonphuong.blogspot.com/2024/01/tuy-but-tet-tran-manh-hao.html
https://nhinrabonphuong.blogspot.com/2024/01/tuy-but-tet-tran-manh-hao.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét