CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2024

BÙI GIÁNG, “XIN CHÀO NHAU GIỮA CON ĐƯỜNG” – Phạm Hiền Mây



Đọc Bùi Giáng càng nhiều, tôi càng nhận ra, trong cõi đời ông, tức, cõi thơ ông, hoặc, chẳng gì quan trọng, hoặc, hết sức thiêng liêng, rất đáng để thờ phượng, rất đáng để dấu yêu.
Đọc Bùi Giáng càng nhiều, tôi càng nhận ra, thơ nói chung và thơ Bùi Giáng nói riêng, chỉ có thể cảm, chớ rất khó để luận bàn, phân tích. Thậm chí, hiểu thôi, cũng đã là việc bất khả.
Nói về Bùi Giáng, viết về Bùi Giáng, là quyền của người ta, chớ giờ đây, ông Bùi Giáng, ổng có gật đầu thừa nhận, hay lắc đầu phản kháng gì nữa đâu. Ổng đã về hẳn cõi của ổng rồi, một miền xa lăng lắc, chỉ khói và sương.
Mưa Nguồn là tập thơ đầu tiên của Bùi Giáng, xuất bản năm một ngàn chín trăm sáu mươi hai và có cả thảy một trăm bốn mươi bài. Những bài này, đã lần lượt được viết, bắt đầu từ những năm một ngàn chín trăm bốn mươi tám.
Trong một trăm bốn mươi bài ấy, tôi thích nhứt là hai bài: Mắt Buồn và Chào Nguyên Xuân.
 
MẮT BUỒN
Dặm khuya ngắt tạnh mù khơi
(Nguyễn Du)
 
Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
 m trang sử lịch thu triền miên trôi
Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.
 
Câu “dặm khuya ngắt tạnh mù khơi” mà Bùi Giáng mượn từ truyện Kiều của Nguyễn Du để làm lời dẫn cho Mắt Buồn, được trích ở đoạn, Kiều từ biệt mẹ cha, cùng Mã Giám Sinh về Lâm Truy: dặm khuya ngắt tạnh mù khơi / thấy trăng mà thẹn những lời non sông. Đêm ấy, nàng ngước nhìn trăng và nhớ về cái đêm mà nàng cùng với Kim Trọng “vầng trăng vằng vặc giữa trời”, tự tình, thề nguyền hẹn ước, bằng những lời vàng đá, sắt son.
Đưa vào, thì chắc phải có ý nghĩa gì rồi, chớ chẳng thể là không.
Có thể đó là một ngậm ngùi nhắc nhở. Cũng có thể đó là một nhẹ nhàng trách than. Là tôi đoán thế thôi. Đọc thơ, rồi dùng trí liên tưởng của mình mà đoán này đoán nọ. Hên thì trúng. Nghĩ quá cạn cợt hoặc nghĩ quá xa xôi, thì trật. Mà trúng hay trật gì, thì cũng ích chi cho tác giả. Trúng hay trật gì thì giờ này, tác giả cũng có cãi được đâu. Ổng mất rồi, lấy đâu mà đối chứng.

Lên google, gõ hai từ Mắt Buồn, ta nói, nó ra ngợp luôn, hằng hà sa số, những bài viết y hệt nhau, cho rằng, bài Mắt Buồn là viết cho một bà hoa hậu nào đó. Rồi kể vanh vách luôn, y như họ là người chứng kiến từ đầu đến cuối câu chuyện tình lâm ly bi đát này. Thậm chí, còn có hình ảnh của bà hoa hậu cả lúc trẻ lẫn lúc già. Thậm chí, có cả tên tuổi của những người có liên quan tới bà hoa hậu ấy, kèm theo những câu chữ chắc như đinh đóng vào cột, nào là vụng trộm, nào là ngoại hôn, nào là lửa gần rơm lâu ngày cũng bén.
Rồi, khẳng định, còn hai con mắt - là hai con mắt của ông Bùi Giáng đó, khóc người một con - là khóc cho cái bà hoa hậu kia, có một đứa con.
 
Nhà thơ Phạm Hiền Mây

Thiệt là!
Những chuyện có nội dung như thế, đem ra mà phiếm, lúc trà dư tửu hậu, thì cũng có thể châm chước được. Chớ trang văn chương, mà cứ xào nấu lại của nhau, sợ giống y chang người ta, nên chỗ này bỏ miếng đường, chỗ kia bỏ thêm miếng muối, cho nó khác chút, cho nó hấp dẫn chút. Lần hồi, mỗi ngày, câu chuyện mỗi đi xa hơn. May mà vợ ông Bùi Giáng mất sớm. May mà ông Bùi Giáng, ổng qua đời lâu rồi. Chớ không, với những câu chuyện thế này, tam sao thất bổn, cuối cùng, lụy phiền tới người ta, danh dự người ta, thì thất đức lắm.
 
Lâu nay, tôi cũng chẳng thích xíu nào, với những kiểu, đọc thơ xong thì nhận xét, hoặc, bài này là ông a ổng viết cho bà b đó, hoặc, bài này, là bà c bả kể chuyện tình của bả với ông d chớ đâu. Việc đọc thơ bỗng trở nên rất giống tiết mục xe cán chó, chó cán xe trên mấy nhựt trình xưa, chuyên bình luận về những đề tài giựt gân trong ngày.
 
Mở trang thơ ra, mở trang văn hóa, văn nghệ ra, mà chẳng thấy một dòng nào cho thơ, chỉ thuần kể chuyện với những tình tiết hấp dẫn, không éo le cũng làm cho éo le, chỉ tình yêu một chiều thôi mà cũng làm như đó là sự phản bội, đó là bại hoại của đạo đức.
 
Hết biết!

***
Mây vốn là cái thứ vô thường nhứt trong cái cõi được coi là vô thường này. Mới vừa có đó đà mất đó. Mới vừa thấy đó đà tan đó. Huống hồ. Huống hồ trong thơ Bùi Giáng, đó là cái bóng mây, là cái bóng mây của trời cũ, tức là bóng mây của quá khứ, là bóng mây của kỷ niệm, là bóng mây của mộng mị.
Bùi Giáng nuôi bóng mây ấy, ấp ủ bóng mây ấy trong giấc chiêm bao của mình. Bỗng, một ngày nọ, Bùi Giáng mơ thấy bóng mây của mình bị hao mòn. Bùi Giáng giận giữ. Bùi Giáng hét la. Bừng thức dậy, Bùi Giáng thấy hai cánh tay mình đang huơ loạn xạ trong không khí.
Bùi Giáng ngó lại mình, thấy buồn - hình hài một mảnh. Và, cơn bão giông, từ đâu kéo đến. Nó ở ngoài kia, hay đang cuồn cuộn trong lòng ông:
 
Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
 
Đến bốn câu dưới đây, thì thú thực, tôi chịu chết. Đọc tới đọc lui hoài, vẫn không hiểu được ý câu thơ. Cá khe thì chắc là cá suối. Nhưng rồi sao? Cá khe thì dính líu gì đến nỗi buồn của ông Bùi Giáng?
Rồi còn cái thằng “nước” nữa. Khi khổng khi không cõng cá khe lên đồng chi? Ai mượn. Mà con cá thì ảnh hưởng gì đến đồng mà làm ruộng hoang mang?
Đêm mồng một tháng giêng khóc thì tôi còn mang máng hiểu được. Nó khóc là vì nó phải chia tay với tháng chạp năm cũ. Việc này, Bùi Giáng có ám chỉ gì đến cuộc tình của ông không?
Câu cuối cùng, cũng có thể hiểu, tháng giêng thuộc về cái đi tới, thì nó là dương. Tháng chạp là cái qua rồi, nên nó là âm. Nó là quá khứ. Nó là lịch sử. Và nó cứ thế, triền miên trôi, trong quá vãng.
Nhưng, tại sao lại có từ “thu”“Thu triền miên trôi” là gì? Chịu.
Mà ông Bùi Giáng ấy mà, quả thiệt, ổng làm thơ, hay thì hay đó, nhưng đôi khi, tôi đọc thơ ổng, cũng gặp nhiều chữ, nhiều từ rất tối nghĩa. Lắm lúc, có cảm giác như, ổng tiện đâu, tiện nghĩ ra chữ gì, là ổng bốc vào, đặt lên mâm luôn:
 
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
 Âm trang sử lịch thu triền miên trôi
 
**
Ai có yêu rồi mới biết. Có yêu rồi sẽ cảm thông cho nỗi buồn rất đỗi của Bùi Giáng, lúc này. Buồn chớ, sao không. Buồn, muốn bỏ hết, bỏ hết những thứ mà trước nay mình rất thương, như trăng, như gió, như sóng, như hoa, như tiên nga.
Bỏ hết, bỏ hết luôn. Bỏ người yêu rồi thì còn chi trong đời để mà luyến tiếc. Bỏ người yêu rồi, thì cũng bỏ luôn cả hình hài như cái bóng ma của mình nữa, cho xong:

Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.
 
Thương nhứt là hai câu cuối. Chỉ vì thương hai câu cuối này, mà tôi phải thương nguyên cả một bài thơ:
 
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.
 
Tôi không biết, tôi thiệt là không biết, câu này, có phải ông viết theo cái nghĩa mà trên mạng lan truyền không. Nhưng, nếu theo cái nghĩa đó, thì tôi lại thấy chẳng hay chút nào. Theo nghĩa ấy, câu thơ sẽ rất bình thường với tôi.
Tôi thích cái nghĩa mà ông Trịnh Công Sơn, ổng viết trong ca khúc Con Mắt Còn Lại hơn: còn hai con mắt, một con khóc người!
 
***

CHÀO NGUYÊN XUÂN

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng
Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người
Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau
Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây
Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu
Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.
 
**

Nếu như với chúng ta, cõi thơ và cõi làm người là hai cõi riêng biệt, thì với Bùi Giáng, chỉ là một. Cõi mà ông đang sống, đang thở, đang đi tới đi lui, đầu bù tóc rối, hát nghêu ngao, huơ tay múa chân, cũng chính là cõi chữ, cõi thơ của ông.
Chỉ một.
Còn chúng ta, vì chúng ta còn tỉnh quá, và vì chúng ta đầy tâm phân biệt, nên chúng ta mới phân thân chúng ta cho nhiều cõi, nên chúng ta mới phải mang, cùng lúc, nhiều khuôn mặt.
Bùi Giáng không như thế, thơ hay đời, thì Bùi Giáng, cũng chỉ một trái tim ấy, một tâm hồn ấy, một tấm lòng ấy - nguyên vẹn, nguyên xuân.
Chào Nguyên Xuân không chỉ là tựa đề mà đó còn là tứ của cả bài thơ.
Nguyên là nguyên vẹn, nguyên chất. Nguyên là nguyên thủy, là cái căn bản, tự nhiên, vốn có, cái căn bản ban đầu của con người, lúc lọt lòng mẹ - nhân chi sơ tánh bổn thiện.
Xuân là thời khắc mở đầu, cho mọi thứ, mọi điều, từ thiên nhiên đến con người, đâm chồi, nảy nở. Là thời khắc của ban sơ, nguyên trinh, tinh khôi, tươi mới.
**
Xin không phải là từ thuộc về phép tắc hay van nài, xin phép, cầu xin, xin xỏ, mà xin ở đây là bày tỏ tấm lòng, lòng mong được.
Chào không phải là nghi thức, là cái cúi đầu mang tính ngoại giao, chào là sự tiếp xúc, là chạm vào, là bước vào.
Xin chào nhau, thể hiện mong muốn bước vào và được chấp nhận.
Giữa là từ chỉ vị trí, giữa cuộc đời, giữa cảnh đời, giữa những bộn bề lo toan, tính toán, được mất, hơn thua.
Con đường đây, là con đường đi vào cõi thơ với những bước không vướng bận, hồn nhiên, khinh khoái, phiêu bồng, nhẹ tênh trong một niềm hân hoan tươi mới:
 
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng
 
Chào Nguyên Xuân, với Bùi Giáng, chính là chào cõi thơ. Chỉ cõi thơ mới là cõi nguyên vẹn và là cõi của bắt đầu. Ông mong muốn được bước vào cõi thơ và đã được cõi thơ chấp nhận.
Bùi Giáng chào cõi thơ, cái cõi mà ngàn ngàn năm đã đi qua và ngàn ngàn năm khác còn đang tiếp tục chờ phía trước. Những “ngó” của cây cối, những “xuống lân la” của mây đã khiến cho thơ của Bùi Giáng, vốn đã sinh động, lại càng thêm sinh động, tinh nghịch, lí lắc hơn:
 
Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người

**
Trong giây phút thiêng liêng, rộn ràng, chờ được bước vào cõi nguyên xuân - cõi thơ, Bùi Giáng cũng vẫn rất dí dỏm, tiếu lâm. Những ngón tay của bàn tay, chúng cũng rục rịch, táy máy, chẳng yên, như muốn đòi được hòa cùng, vui cùng. Những điệp vần “con”“thon”, động đậy, nhảy nhót nhưng rất tình cảm, chúng chỉ cần chào nguyên xuân - cõi thơ, một bận thôi, một lần thôi, là chúng sẽ nhớ suốt cả đời, nhớ đến muôn niên:
 
Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau.

**
Sự mừng chạy xuyên qua ngón, sự mừng chạy lên làn môi, ôi đôi môi của cõi đời trớ trêu, oan nghiệt, đã bao lần phải ướt đẫm hạt lệ rơi. Những đôi môi rất đẹp, giọt lệ tàn rồi mà hồng cánh vẫn hoài môi.
Tôi thích Bùi Giáng, thích cả cách ông thích Nguyễn Du, cả cách ông đưa vào thơ của mình những hơi hướm cổ xưa, những phong vị, “thưa rằng”“bạc mệnh”“xin kham”.
Xin kham trong vui vẻ, không phiền trách chi, không phiền toái chi, bởi vì ông rất hiểu chuyện, bởi vì ông quá thấu lẽ vô thường. Những “cam”, những “kham”, cho thấy một dọn đường, chấp thuận và sẵn sàng hòa giải với đất trời, với lẽ sinh lão bệnh tử ở chốn trần gian:
 
Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây

**
Niềm vui bất tuyệt, cứ thế, tỏa lan, len cả vào những hạt bụi nhỏ xíu xiu đang lúc nhúc, ken dày trong thinh không mênh mông, bát ngát. Nỗi vui mãnh liệt, nó như muốn ùa vào, thâm nhập, xâm chiếm hết thảy, đến tận những sinh mệnh nhỏ nhoi nhứt trong không gian, trong cuộc đời này:
 
Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu
 
Mây là nàng thơ của thơ. Mây là nàng thơ của Bùi Giáng. Bùi Giáng làm gì, cũng có mây đón trước, theo sau, ủng hộ. Lúc xa lúc gần, lúc thì mây lân la, lúc thì mây nghiêng đầu xuống ngó.

**
Trong giờ vui bất tuyệt ấy, bỗng ta nghe được những vấn và đáp. Vấn và đáp này, mới nghe thì như cuộc trò chuyện, nghe xong rồi thì nhận ra, đó là lời tự bạch, tự bạch của Bùi Giáng.
Thay vì phải trả lời ở đâu cho câu hỏi về nơi chốn, thì lời đáp lại bắt sang, chuyển sang câu trả lời về thời gian. Nơi nào thì quan trọng chi, vì nơi nào trên đất nước này, non sông này mà lại chẳng là quê hương của ông - Bùi Giáng:
 
Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà.
 
Rồi lại hỏi, từ lúc tôi bắt đầu cuộc đi của đời mình, tôi đã thấy thấp thoáng từ rất xa, gió nhiều lắm, chúng đang dàn hàng, sắp lớp, chờ tôi để mà dặm dài sương khói. Vậy, tại sao, cho tôi biết tại sao lại như thế, được chăng.
Có những câu hỏi, dễ dàng trả lời. Nhưng cũng có nhiều câu hỏi, càng cố trả lời, nó lại càng lùng nhùng như chỉ rối. Thì thôi, chi bằng, hãy cùng nhau dọn tâm thế để bước vào, bước vào một nguyên xuân, kìa, đương đợi:
 
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào
 
Nhưng hỏi vẫn cứ lằng nhằng. Hỏi, vẫn mãi chưa yên. Đất trích, chốn lưu đày này, chốn chia cách này, chốn chiêm bao này, chỉ toàn chuyện ngẫu nhĩ, toàn chuyện bất ngờ, không tính trước được, không biết trước được, thì, có gì đáng vui đâu mà chúng ta phải chào đón nhau?
Và Bùi Giáng, vừa mới hồn nhiên thơ trẻ hỏi đã quay sang phơi phới trích tiên trả lời, chia cách hôm nay sẽ là sum họp mai sau đấy, có biết không?
Trùng ngộ nào mà không phải đi qua những ngày ly biệt:
 
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.
 
******
Kiến trúc sư Võ Thành Lân, trong một lần trò chuyện, ông nói, người ta cứ nhìn thấy và cho rằng, có một Bùi Giáng lập dị, bất cần đời, thậm chí điên khùng, mà không nhìn ra là Bùi Giáng đang sống rất hồn nhiên trong cái cõi phiêu diêu tuyệt diệu của mình.
Ông còn nhận xét, Bùi Giáng chính là người làm tách bạch giữa thơ và văn vần.
 
Mai Thảo, trong bài Một Vài Kỷ Niệm Với Bùi Giáng, ông viết, Bùi Giáng đã đem lại cho cuộc đời, biết bao nhiêu châu ngọc, bằng tài thơ trác tuyệt, bằng cõi ngôn ngữ ảo diệu, vô tiền khoáng hậu. Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời. Từ ấy, thi ca mới không cùng không tận.
 
Nhà thơ Huy Tưởng từng nói, có những người mà, viết ít cũng đủ, viết nhiều vẫn thiếu, như Phạm Công Thiện, như Bùi Giáng. Nghe theo ông, tôi xin được ngừng bài viết ở đây:
 
Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu
             (Phụng Hiến - Mưa Nguồn)
 
                                                                          Sài Gòn 26.01.2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét