CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

MAI RỪNG MỘT THỜI ĐỂ NHỚ - Trần Hữu Ngư

 

   
    Mỗi năm cứ đến 25 tháng Chạp, dạo một vòng quanh Saigon là thấy mai. Những chậu mai lớn nhỏ đủ kiểu, miền Trung xuôi  Nam, miền Tây “ghé bến Saigon”.
    Nhìn mai, tôi nhớ quê tôi da diết! Nhớ Ấp Cây Găng xã Văn Mỹ, quận HàmTân, tỉnh Bình Tuy, một vùng đất có biển, có những đồi cát trắng, có những cánh rừng cho nhiều cây trái, hoa thơm quả lạ. Một vùng đất “xôi đậu”, ban ngày thì M 16, ban đêm thi AK!
   Miền Bắc có đào, Trung, Nam có mai. Ba miền ngược xuôi, xuôi ngược, mang đào, mai đi khắp mọi miền đất nước.
  Có những chậu mai là những cây mai người chơi mướn chủ nuôi, đến Tết nhà vườn mang đến cho chủ, chơi Tết xong, nhà vườn mang về. Lại có những cây mai mướn, nghe đâu tới vài ba chục triệu “là chuyện nhỏ” đem về nhà, cơ quan… chơi trong mấy ngày Tết để gọi là “bằng chị bằng em”, khoe quyền lực. khoe tài, khoe của!
   Người nghèo thì cũng vui, nhưng “vui ké” khi nhìn cây mai ngàn hoa của nhà giàu và tiếc những bông mai rụng theo những đồng bạc triệu!

    Mỗi năm, cứ đến gần ngày Tết, tôi lại nhớ mai rừng, nên điện thoại về quê xin thằng bạn mấy cành mai rừng.
   Quê tôi, nếu có dịp bạn xuôi Trung một chuyến, trên quốc lộ 1A từ căn cứ 5 đến Phan Thiết, bạn sẽ thấy nhà nào trước sân cũng có một cây mai rừng, có nhà trồng đến vài ba cây (phần đông những cây mai  bứng từ rừng) nên Tết đến, như một rừng mai trăm hoa đua nở. Nhưng năm nay nó bảo khó kiếm lắm. Rừng mỗi ngày một xa, còn người chơi mai thì muốn đào cả gốc đem về trồng hoặc bán cho những tay chuyên săn lùng mai. Thằng bạn tôi nó bảo, bây giờ tìm mai như thể tìm trầm, cái thời vác rựa vào rừng chừng vài cây số chặt mai, bó một bó đem về tha hồ chơi…chỉ là chuyện cổ tích! Không khéo, chỉ một thời gian gần đây thôi, mai rừng sẽ tuyệt chủng?

    Thằng bạn tôi, tuy nhà quê, ít học, quanh năm suốt tháng biển giả, ruộng vườn, nhưng nó nói một câu rất ư là văn hóa mà trong đó còn thể hiện tính “hoài cổ” của thôn làng quanh năm bám rừng mà thở, bám biển mà sống:
    -“…Tết ở vùng quê này, chỉ có một thú vui là đợi đến ngày Rằm tháng 12 âm lịch vào rừng chặt mấy cành mai đem về chưng chơi trong ba ngày Tết, mỗi nhà đều có một cành mai rừng, để nhớ rừng vì rừng đã nuôi sống mình trong những năm chiến tranh và nhớ ông bà cha mẹ mình nâng niu cành mai rừng trong những ngày Tết. Đây cũng là một thói quen, nếu không nói là phong tục tập quán vào dịp Tết ở cái làng này…Nhưng, bây giờ tìm mai như thể lặn xuống biển tìm ngọc trai…” 
    Sau một hồi ra vẻ “ta đây” với tôi, rồi nó trách cứ:
   -“… Ông đã bỏ quê lên thành thị lâu rồi, sao lại thích mai rừng, tưởng ông quên rồi chứ? Thành phố nơi ông ở thiếu gì mai, mà toàn là mai đẹp, nhân giống, chiết cành, lai tạo, uốn éo… sao không mua lấy một chậu? Vớ-vẩn… vớ- vẩn?...”.

    Đúng! Tôi vớ vẩn thật! Nhưng dù xa quê lâu ngày, nhưng tôi vẫn thích mai rừng. Một cành mai rừng đơn sơ, hoang dã, nở hết mình, vàng hực… khi trên cành còn những chiếc lá nuối tiếc chưa chịu rụng mà thỉnh thoảng tôi vào rừng hái củi những năm còn chiến tranh tôi nhìn thấy. Chúng tôi, dân quê không phải là “nghệ nhân” nên không biết thế nào là “thế” là “nét”, gốc, cành… chỉ biết cành nào có hoa nhiều, nụ lớn là chặt, và nương tay với những cành khác để năm sau tìm đến. Vì vậy, muốn có một cành mai ưng ý thì phải chịu khó lục lọi, tìm kiếm trong các cánh rừng có đôi khi mất cả ngày mới có được, và dù xấu hay tốt, những người chặt mai chưa bao giờ vác rựa về tay không!

    Mai rừng là loại “mai sạch”, sống hồn nhiên và vô tư theo quy luật đất trời, cứ đến Tết là nở, không nở trái khoáy, bất kham như những chậu mai được con người chăm sóc, tưới bón. Mai chậu, nếu thời tiết thay đổi bất thường thì “nở chơi” cho “bõ ghét” những ông chủ tiêu tan bạc tỷ vì đã kềm hãm đời mai trong chậu!
    Hằng năm, dù đời sống có thiếu thốn vất vả, những năm chiến tranh chết chóc nhà tan cửa nát… vậy mà cứ đúng ngày Rằm, nghĩa là trước Tết hơn mươi ngày, chúng tôi không hẹn mà gặp nhau cùng vác rựa vào rừng tìm mai, thế mới biết dân làng quê tôi đã một thời dù nghèo đói đến đâu, nhưng năm ba ngày Tết cũng ráng tìm cho được một cành mai rừng! Đó là nét văn hóa của dân làng quê bao đời bám đất mà sống, bám rừng để thở.
    Đợi Tết, chặt mai rừng là một thú chơi không thể thiếu ở một vùng quê có núi, rừng, suối, biển… Mai rừng hiện diện khắp nơi, từ trong hốc đá bên bời suối, ở những đồi cát ven biển. Có đôi khi bắt gặp một cây mai trơ trọi còn sót lại của những mùa phá rừng đốt rẫy nhưng vẫn nở hoa:

         

   “… Đồn anh đóng ven rừng mai
   Nếu mai không nở
   Anh đâu biết Xuân về hay chưa !...”
   (Đồn vắng chiều Xuân – Trần Thiện Thanh)

    Mai rừng chặt về lặt lá thui gốc… (Cành mai chặt về đem dí vào lửa, tro nóng thui gốc, chúng tôi sợ nó chết, nhưng vẫn phải làm, vì chỉ bắt chước những gì người lớn đã làm, sau này lớn lên đi học ban A Vạn-vật, chúng tôi mới biết tại sao phải thui gốc), tất cả ngâm gốc vào cái chậu lớn, mỗi ngày thay nước. Đợi đến 30 Tết cắm vào chiếc bình đem chưng trên bàn. Từ sáng 30 Tết cho đến mùng Một, một thời khắc rất “thiêng-liêng” dành cho mai, dù chỉ một thời gian ngắn nữa nhưng sao cảm thấy quá lâu. Những người mê mai rừng có thể thức trắng đêm để chờ sáng mùng Một. Nhìn thấy mai nở một nụ, hai nụ, ba nụ… là báo hiệu điều lành cho một năm. Những cành mai rừng có thể chơi đến mùng Bảy mùng Tám, nhiều người tiếc, cứ để cho đến khi nào mai héo mới đem bỏ và hẹn một mùa Tết năm sau.

    Năm ba ngày Tết, trước những chậu “mai nuôi” rực rỡ, tôi lại nhớ mai rừng… dù sao đó là kỷ niệm của một đã xa tít mù, một thời ăn rừng, ở rừng, ngủ rừng, và sinh ra từ rừng!
                                                                                Trần Hữu Ngư 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét