CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 25 tháng 9, 2023

“EM XA LẠ QUÁ, ĐÂU CÒN PHẢI...”, KỶ NIỆM MỘT CHUYỆN TÌNH CỦA VŨ HOÀNG CHƯƠNG... - Trần Trung Sáng

 Em xa lạ quá, đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi.
 

Theo ông Vũ Hoàng Ðịch (tác giả bài thơ Ba Đình nắng, được Bùi Công Kỳ phổ nhạc), em ruột của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, nhân vật “nàng Tố” có tên là Tố Uyển, họ Trần. 

Vũ Hoàng Chương làm thơ gọi tên nàng là Tố Vân. Ông Địch cũng cho biết, việc “Tố của Hoàng trở thành Tố của... ai”, ai ở đây là ông Ðào Bá Cương, tốt nghiệp Tiến sĩ Luật ở Pháp, từ Pháp về làm đám cưới nàng Tố ở Hà Nội.

Tập thơ Mây, tập thơ gắn với giai thoại một chuyện tình của Vũ Hoàng Chương với nàng Tố Vân. Tập thơ Mây (nghĩa là Vân) được Đời Nay xuất bản năm 1943, bìa tập thơ lại do một họa sĩ tên Vân vẽ, đó chính là Tô Ngọc Vân. Tố Vân là con gái một gia đình khá giả và đã cùng thi sĩ họ Vũ trao nhau những lời yêu đương mặn nồng. Những rồi bỏ mặc những lời thề ước, nàng bỏ chàng đi lấy chồng vào ngày 12 tháng 6. Vì vậy trong tập thơ Mây có bài thơ mang tên Mười Hai Tháng Sáu, là một trong những bài thơ ông viết trong trạng thái mê man của men say, cái thứ men chất chồng tuyệt vọng:
 
“Tháng sáu, mười hai, từ đây nhé
Chung đôi, từ đây nhé lìa đôi!
Em xa lạ quá, đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi.
 
Men khói đêm nay sầu dựng mộ
Bia đề tháng sáu, ghi mười hai,
Tình ta, ta tiếc! cuồng, ta khóc.
Tố của Hoàng nay Tố của ai?…”
 
Dù hai người yêu nhau, nhưng Tố Vân đã được gia đình hứa hôn từ năm 12 tuổi. Theo tục lệ, nếu thoái hôn thì gia đình nhà gái phải trả lễ cho nhà trai. Gia đình Vũ Hoàng Chương lúc đó khá giả, sẵn sàng làm được việc này, nhưng “nàng thơ” nhút nhát của ông đã không dám hé răng với cha mẹ. Bởi vậy, họ đành chia tay nhau. Nhờ mối tình không thành với Tố Vân, Vũ Hoàng Chương có tập thơ Mây đi vào lịch sử thi ca Việt Nam, bên cạnh đó còn có kịch thơ Vân muội nổi tiếng được diễn ở Nhà Hát Lớn Hà Nội ngay sau khi được sáng tác.

“Mười Hai Tháng Sáu” vẫn là câu chuyện, khởi đầu từ ngày 12 tháng 6 năm Tân tị (1941), ngày mà nàng Tố của nhà thơ bước lên xe hoa về nhà chồng, ngày mà Vũ Hoàng Chương chìm đắm trong nỗi đau thống thiết. Ông đã tiếc nuối gào lên: “Là thế, là thôi, là thế đó/ Mười năm thôi thế mộng tan tành!/ Tình ta, ta tiếc cuồng ta khóc/ Tố của Hoàng, nay Tố của ai?”. 
Trong tâm trạng ảm đạm thê lương, nhà thơ tình cờ dẫn dắt chúng ta trở về gặp lại một chi tiết bất ngờ, mà thực hữu nhất chính là mấy lá thư:

“Yêu một khắc để mang sầu trọn kiếp
Tình mười năm còn lại mấy tờ thư”.

Đâu ai ngờ được “mấy tờ thư” ấy đơn giản chỉ là những dòng chữ mà nàng Tố muốn nhờ Vũ Hoàng Chương giảng hộ môn Anh văn. Vậy mà với nhà thơ lại xem như một kỷ vật hết sức thiêng liêng. Ông vẫn muốn cố tìm ra những gì thầm kín ẩn nấp sau mươi hàng chữ kia:

“Mười hàng chữ đơn sơ, ồ ngượng ngập
E dè sao mười hàng chữ đơn sơ
Mầu mực tươi xanh ngát ý mong chờ
Tình hé nụ bừng thơm trong nếp giấy”.

Năm 1942, trong một vở kịch trình diễn tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, Vũ Hoàng Chương từng đóng vai Hoàng Lang, vai chính trong vở "Vân Muội", một gã thư sinh si tình lúc nào cũng chỉ mơ màng tơ tưởng tới "mối tình xưa, mộng cũ với hình ai" đã khiến báo chí lại một thời bàn tán sôi nổi về mối tình của Vũ Hoàng Chương với người con gái mang tên đệm Tố. Câu chuyện tưởng đã khép lại, bởi hoàn cảnh đất nước chia cắt, kẻ Bắc, người Nam. Thế nhưng, hơn 30 năm sau, vào ngày 12-6 năm Nhâm Tý (1972), Vũ Hoàng Chương lại có bài thơ "Tố Của Hoàng Ơi" (trong thi tập "Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau" của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, do Rừng Trúc xuất bản tại Paris năm 1974).
                                                                                Trần Trung Sáng
  

Trích đoạn từ:
https://chuyenxua.net/de-nhat-thi-si-mien-nam-vu-hoang-chuong-lac-loai-trong-coi-nhan-sinh/

MƯỜI HAI THÁNG SÁU
(Riêng gửi Kiều Thu)
 
Trăng của nhà ai? trăng một phương!
Nơi đây rượu đắng mưa đêm trường.
Ờ! đêm tháng sáu mười hai nhỉ!
Tố của Hoàng ơi! hỡi nhớ thương.
 
Là thế! là thôi! là thế đó!
Mười năm thôi thế mộng tan tành
Mười năm, trăng cũ ai nguyền ước?
Tố của Hoàng ơi! Tố của anh!
 
Tháng sáu, mười hai, từ đấy nhé
Chung đôi, từ đấy nhé lìa đôi!
Em xa lạ quá, đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi.
 
Men khói đêm nay sầu dựng mộ
Bia đề tháng sáu, ghi mười hai.
Tình ta, ta tiếc; cuồng, ta khóc,
Tố của Hoàng nay Tố của ai.
 
Tay gõ vào bia mười ngón rập
Mười năm theo máu hận trào rơi.
Học làm Trang Tử thiêu cơ nghiệp,
Khúc Cổ Bồn Ca gõ hát chơi.
 
Kiều Thu hề Tố em ơi!
Ta dương lửa đốt tơi bời Mái Tây,
Hàm ca nhịp gõ khói bay
Hồ, xừ, xang, xế, bàn tay điên cuồng.
 
Kiều Thu hề trọn kiếp thương!
Sầu cao ngùn ngụt mấy đường tơ khô
Xừ, xang, xế, xự, xang, hồ,
Bàn tay nhịp gõ điên rồ khói lên.
 
Kiều Thu hề Tố hỡi em!
Nghiêng chân rốn bể mà xem lửa bùng.
Xế, hồ, xang... Khói mờ rung.
Nhịp vươn sầu toả năm cung ngút ngàn.
  
 Nguồn: Vũ Hoàng Chương, Mây, NXB Đời nay, Hà Nội, 1943

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét