Nguồn:
http://thohoangnguyenchuong.weebly.com/th417-d7883ch-ch7919-haacuten/bi-th-quan-th-trong-kinh-thi
Bài “quan thư” (chim Thư kêu) là bài tình ca mở đầu ở phần Quốc phong (thiên Châu Nam) và cũng là mở đầu cho toàn bộ quyển Kinh Thi. (Kinh Thi là một tổng tập thơ ca vô danh của Trung Quốc được sáng tác khoảng từ đầu thời Tây Chu đến cuối thời Xuân Thu. Hiện nay nó còn 311 bài thơ, chia làm 3 bộ phận lớn là Phong, Nhã, Tụng). Như vậy, bài thơ “quan thư” này đã xuất hiện hơn 2600 năm, nó đã đi vào lòng người và còn tồn tại đến hôm nay mặc dù Kinh Thi đã từng bị Tần Thủy hoàng cho đốt sạch. Thế mới biết sự tồn tại của bài thơ hay còn bền bỉ hơn cả những tòa lâu đài cung điện đã từng có ở trên mặt đất
Ngự bút bài thơ Quan thư (Chu Nam) của vua Thanh Càn Long và bức tranh minh họa
BÀI THƠ “QUAN THƯ” TRONG KINH THI
關雎 QUAN THƯ (1)
關 關 雎 鳩, Quan quan (2) thư cưu (3)
在 河 之 洲。 Tại hà chi châu.
窈 窕 淑 女, Yểu điệu thục nữ (4)
君 子 好 逑。 Quân tử (4) hảo cầu
參 差 荇 菜, Sâm si hạnh thái (5)
左 右 流 之。 Tả hữu lưu chi
窈 窕 淑 女, Yểu điệu thục nữ,
寤 寐 求 之。 Ngụ mị cầu chi.
求 之 不 得, Cầu chi bất đắc,
寤 寐 思 服。 Ngụ mị tư phục
悠 哉 悠 哉。 Du tai! du tai!
輾 轉 反 側。 Triển chuyển phản trắc.
參 差 荇 菜, Sâm si hạnh thái,
左 右 採 之。 Tả hữu thái chi
窈 窕 淑 女, Yểu điệu thục nữ,
琴 瑟 友 之。 Cầm sắt (6) hữu chi
參 差 荇 菜, Sâm si hạnh thái
左 右 芼 之。 Tả hữu mạo chi
窈 窕 淑 女。 Yểu điệu thục nữ.
鐘 鼓 樂 之。 Chung cổ lạc chi
* Khuyết danh
QUAN THƯ
(CHIM THƯ KÊU)
I) Chim Thư cưu cất tiếng kêu quan quan
Ở trên cồn bãi sông.
Như người con gái hiền thục dịu dàng
Sánh đẹp đôi cùng người quân tử.
II) Rau hạnh mọc so le um tùm
Cả bờ trái bờ phải theo dòng nước chảy
Người con gái hiền thục dịu dàng
Ta thức ngủ đều mơ tưởng đến nàng
Mơ tưởng đến nàng mà không được gặp
Thức ngủ đều mong nhớ
Ôi ! Triền miên! Triền miên!
Để ta luôn trằn trọc trăn trở.
III) Rau hạnh mọc so le um tùm
Hái bên trái rồi hái bên phải
Người con gái hiền thục dịu dàng
Ta ước mong được cùng nàng kết duyên cầm sắt
Rau hạnh mọc so le um tùm
Chọn hái cả bên trái rồi bên phải
Người con gái hiền thục dịu dàng
Ta muốn giúp cho nàng vui bằng tiếng chuông trống
* Dịch thơ:
QUAN THƯ...
(Chim thư kêu...)
I) Chim thư cưu họa tiếng
Hót trên cồn bãi sông
Như cô gái dịu hiền
Sánh đẹp đôi quân tử
II) Rau hạnh mọc lô nhô
Ven theo dòng phải trái
Người con gái dịu hiền
Thức ngủ ta mơ mãi
Mơ nàng chưa được gặp
Thức ngủ đều nhớ mong
Ôi! Nỗi nhớ triền miên
Cứ bâng khuâng trằn trọc.
III) Rau hạnh mọc lô nhô
Trái phải trông nàng hái
Người con gái dịu hiền
Ta ước duyên cầm sắt.
Rau hạnh mọc lô nhô
Trái phải gom từng cọng
Người con gái dịu hiền
Xin chào vui chuông trống.
* Hoàng Nguyên Chương dịch
Đọan đầu Kinh Thi trên trúc (ảnh Internet)
======/= =====
Chú thích
1 - Quan thư: Tên đề bài thơ. Những bài thơ trong Kinh Thi hầu hết đều không có đầu đề nên người biên soạn thường lấy một hai từ đầu của bài thơ để đặt tên đề cho dễ nhớ. Riêng ở đây từ “quan thư” có thể hiểu là tiếng “chim thư kêu”.
2- - Quan quan: Theo chú giải của Chu Hy (đời Tống): Quan quan là tiếng chim trống và chim mái ứng họa nhau.Như vậy đây là từ tượng thanh nếu đọc theo âm bạch thoại là “Kwuan kwuan” vì “quan quan” chỉ là âm Hán Việt.
3- Thư cưu: Cũng theo Chu Hy : thư cưu là loài chim nước, loài chim này còn có một tên khác nữa là “vương thư”, hình dạng giống như chim phù y, chúng thường xuất hiện ở khoảng sông Trường giang và sông Hoài. Chim này sống có đôi nhất định, người ta chưa hề thấy chúng sống lẻ loi hay sống dư cặp. Chúng thường lội chung, tình ý đậm đà nhưng không hề lả lơi.(Lược trích chú giải của Chu Hy)
4- Thục nữ, quân tử: Theo ý của Khuông Hành (đời Hán) và sách của Mao công ( đời Hán) thì cho thục nữ (người con gái hiền lành) là bà Thái Tự (Hậu phi của Chu Văn vương), lúc bà còn thôn nữ. Còn quân tử (người có tài đức nhân cách hơn người) là vua Văn vương. Quan niệm này đã bị giới phê bình ngày nay bác bỏ. Bỡi vì đây là bài dân ca mang tình điệu chất phác thật thà đã xuất phát từ giới bình dân, nói lên tình cảm đơn phương của chàng trai với cô gái hái rau. Nó không hề dính dáng gì đến chuyện của phi tần vương đế.
5- Hạnh thái: Rau hạnh. Theo Chu Hy nó còn có tên là rau tiếp dư, rễ mọc ở đáy nước, lá màu đỏ tía hình tròn, đường kính hơn một tấc, nổi trên mặt nước. Rau này mọc ven theo hai bên bờ trái phải dưới dòng sông .
6- Cầm sắt: Đàn cầm (Có 5 dây) và đàn sắt (có 25 dây). Là hai loại đàn cổ thường dùng hòa âm với nhau. Cầm sắt mang biểu tượng chỉ tình vợ chồng hòa hợp.
Bởi vậy, câu “cầm sắt hữu chi” nếu hiểu là đem đàn cầm, đàn sắt ra để đánh cho người thiếu nữ nghe thì không hợp lý mà nó chỉ có nghĩa là chàng trai mơ ước muốn được cùng thiếu nữ hái rau sánh duyên cầm sắt (duyên chồng vợ) mà thôi.
Cũng do cách lý giải của Chu Hy và các người thời trước mà ta lại thấy có những ý như “u nhàn thục nữ, hoặc cảnh vua cho người hái rau về nấu chín rau rồi bày hai bên…” chứ thực ra trong nguyên tác không hề có những ý này.
Chim Thư Cưu - theo google
Giới thiệu một số bản dịch khác:
1) Bản dịch của Tản Đà
Thư cưu kêu quan quan
Quan quan cái con thư cưu,
Con sống con mái cùng nhau bãi ngoài.
Dịu dàng thục nữ như ai,
Sánh cùng quân tử tốt đôi vợ chồng.
Muốn ăn rau hạnh theo dòng
Muốn cô thục nữ mơ mòng được đâu.
Nhớ cô dằng dặc cơn sầu,
Cho ta dằn dọc dễ hầu ngủ yên.
Muốn ăn rau hạnh hái về,
Muốn cô thục nữ nay về cùng ta.
Tiếng chuông tiếng trống vui hòa,
Tiếng cầm tiếng sắt mặn mà yêu đương.
Tản Đà dịch
2) Bản dịch của Tạ Quang Phát: (Tác giả đã dịch Kinh Thi thời nay)
+ Quan thư 1:
Quan quan kìa tiếng thư cưu
Bên cồn hót họa cùng nhau vang dầy
U nhàn thục nữ thế này
Xứng cùng quân tử sánh vầy lứa duyên.
+ Quan thư 2:
So le rau hạnh lơ thơ
Hái theo dòng nước ven bờ đôi bên
U nhàn thục nữ chính chuyên
Nhớ khi thức ngủ triền miên chẳng rời
Nếu cầu mà chẳng được người
Khi mơ khi tỉnh bồi hồi nhớ thương
Xa xôi trông nhớ đêm trường
Chiếc thân trằn trọc trên giường nào yên.
+ Quan thư 3:
Vắn dài rau hạnh bên sông,
Kiếm tìm mà hái theo dòng đôi bên.
Được người thục nữ chính chuyên,
Mến nàng, cầm sắt đánh lên vang dầy.
Bên sông rau hạnh vắn dài,
Đem về nấu chín mà bầy hai bên.
Được người thục nữ chính chuyên,
Để nàng vui thích, vang rền trống chuông.
Tạ Quang Phát dịch
3) Bản dịch chưa rõ tên tác giả:
Quan quan kìa tiếng thư cưu
Đôi chim hót họa bãi sau sông Hà
Nết na cô gái mặn mà
Cùng chàng quân tử thật là xứng đôi
So le rau hạnh ngắn dài
Cô em ngắt hái ngọn ngòai ngọn trong
Yêu nàng anh những ước mong
Cầu mà chẳng được anh trông đêm ngày
Chao ôi là cái đêm dài
Băn khoăn trằn trọc thức hòai nhớ em
So le rau hạnh mọc xen,
Cô em ngắt hái đôi bên nhịp nhàng,
Nết na cô gái dịu dàng
Ước ao cầm sắt cùng nàng hợp duyên
So le rau hạnh mọc xen,
Cô em ngắt hái đôi bên nhịp nhàng
Nết na cô gái dịu dàng
Ước ao chuông trống cùng nàng hòa vui
(Chưa tìm ra tên tác giả đã dịch)
Hoàng Nguyên Chương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét