Nhà thơ ZuLu DC tên thật Cao Duyến, sinh quán Trà Liên, Triệu Phong, Quảng Trị, tốt nghiệp Hàng Hải Thương Thuyền, Đại học bách Khoa Phú Thọ - Sài Gòn, hiện trú tại California, Hoa Kỳ.
Thật tình, tôi không hiểu vì sao nhà thơ dùng bút hiệu là ZuLu DC. DC có thể Là Cao Duyến tên ông, còn ZuLu nghĩa là gì? Tra cứu trên goole tôi thấy ZuLu là một dân tộc ở Nam Phi. ZuLu theo ngôn ngữ bản xứ có nghĩa là một Thiên Đường. Người ZuLu xem quê hương mình như một Thiên Đường trên trái đất, họ xem trọng trinh tiết cả nam và nữ. Như vậy có thể phỏng đoán Cao Duyến lấy bút hiệu của mình là ZuLu DC để bày tỏ một hoài bảo về những điều tốt đẹp xảy ra trên trái đất nầy, cũng như bày tỏ cả tấm lòng trinh nguyên của ông luôn trung thành với lý tưởng đó.
Theo nhà thơ Nguyễn Đại Hoàng thì “ZuLu – trong tiếng Anh có nghĩa là Sky – Bầu trời”. Vậy từ đó cung có thể phỏng đoán Cao Duyên lấy bút hiệu ZuLu DC để bày tỏ một tâm hồn phóng khoáng, tự do, bày tỏ một tình yêu bao la rộng lớn cho tha nhân và cho đất nước quê hương.
Khi tôi còn ở trong quân đội, lệnh truyền qua máy truyền tin cho những lần khởi hành là ZuLu (đi, di chuyển). Nhà thơ ZuLu DC từng ở trong quân đội, cũng có thể chữ ZuLu ám ảnh, khiến ông đem nó vào đời mình, một cuộc đời luôn đi xa xứ!
Zulu DC và Châu Thạch
Rồi một hôm được nghe bài hát “Bên Đời Có Nhau” phổ nhạc từ thơ ZuLu DC, tôi tìm đọc bài thơ ấy và tôi khẳng định được suy nghĩ của mình về bút hiệu của Cao Duyến có thể đúng. Bài thơ viêt về “Sau CoVid tình người thắm lại/Dân tộc bừng lên từ hồn quê” như một bài hịch. Bài hịch “Bên Đời Có Nhau” với lời thơ êm đềm nhưng sâu sắc, chặt chẽ, sắc bén, khích lệ tình cảm, tinh thần con người đã bệ rạc, bi thiết trong cơn đại dịch. Bài thơ khiến tôi liên nghĩ đến tiếng kèn khi Chúa tái lâm trong Kinh Thánh. Sau tiếng kèn đó, nhân loại có 1000 năm hạnh phúc, loài người với loài người, loài người với loài vật, loài vật với loài vật sống hoà bình, thân ái bên nhau.
Bài thơ “Bên Đời Có Nhau” như một khải tượng, một mơ ước, một tiên tri, một lời khuyên cho “tình người thắm lại/ Dân tộc bừng lên từ hồn quê!”. “Bên Đời Có Nhau” kỳ vọng “Chữ nghĩa giờ đây thay áo mới” như là sự đổi mới nền văn hoá trì trệ, kỳ vọng “Mặt giả lâu nay hiện mặt người” như là con người từ bỏ tội lỗi, quay về chân thiện mỹ. Đây là một bài thơ chan chứa, thể hiện niềm ước mơ tươi đẹp của chính mình cho bạn bè, cho anh em và cho cả dân tộc. Bài thơ như tặng mỗi người chúng ta một bông hoa thắm. Nếu mỗi chúng ta cầm bông hoa đó đi trên đường đời thì hạnh phúc sẽ đến với ta và những người lân cận! Tất nhiên thơ chỉ là ước mơ, nhưng những ước mơ thánh thiện đem tâm hồn thanh khiết của nhà thơ làm ngọn gió yêu thương xoa dịu nỗi đau đang xảy ra trên trần thế.
Nhà thơ ZuLu DC sinh ra tại Quảng Trị, nơi biên cương của hai chế độ, nơi có dòng sông Bến Hải giới tuyến của cuộc chiến tranh, nơi có Đại Lộ Kinh Hoàng, có Cổ Thành Quảng Trị mà bom đạn biến thành núi xương sông máu. Nhà thơ ZuLu DC theo học tại Huế, nơi cố đô có hoàng thành, lăng tẩm trầm mặt, mốc meo, có sông Hương núi Ngự nên thơ nhưng buồn hiu hắt. Ra đời, nhà thơ ZuLu DC làm thuỷ thủ lênh đênh trên biển cả. Cuối cùng nhà thơ ZuLu DC đánh mất quê hương, định cư nơi xứ người. Tất cả đã vào thơ, khiến thơ của ZuLu DC có nhiều cung bậc trăn trở, trăn trở ngay trong những lúc có niềm vui.
Thật vậy, hãy đi vào nơi quê hương mà đất đã hoá tâm hồn tác giả:
Quê hương tôi có dòng sông Thạch Hãn… Đất nước chia hai một nhịp cầuTừng vết chém thơ rướm máuNhìn mặt anh em lòng đau(Biết Nói Sao Hơn)về Quảng TrịSông Bến HảiNhư người con gáiThất tiết trước khi lấy chồngThạch HãnDòng sông không phải dòng sôngNước cạn nguồn đau lòng với đá(Từ Đàn Nam Giao Đến Sông Thạch Hãn)Cổ Thành dù tan nátVẫn lưu những bóng hình… Quảng Trị này Quảng TrịTa là thằng trôi sông… Đã bao lần ta gọiQuảng Trị - Quảng Trị ơiTa là thằng đi lạcLạc mất quê hương rồi(Lạc Đời)
Lấy một ít câu thơ trong nhiều bài thơ mà ZuLu DC viết cho quê hương sinh ra mình làm dẩn chứng, ta đủ hiểu nối đau âm ỉ, tiềm tàng, bất tận trong lòng thi nhân. Nỗi đau ấy đã thành thơ, thơ không có nước mắt, thơ không có tiếng rên, chỉ có lời tâm sự gởi vào tứ thơ ẩn chứa “Từng vết chém thơ rớm máu ”!
Thế rồi nhà thơ đi học xa làng, tuổi thư sinh là tuổi mộng mơ, ghi dấu biết bao nhiêu kỷ niệm trong dòng sông ký ức của đời người. Không thể không nói đến những bài thơ về Huế của ZuLu DC, vì nơi đó có “màu xanh của đất”, “màu xanh của trời” và “Xanh trong lòng tôi” tức là trong lòng nhà thơ ZuLu DC mãi mãi!:
Thế rồi nhà thơ đi học xa làng, tuổi thư sinh là tuổi mộng mơ, ghi dấu biết bao nhiêu kỷ niệm trong dòng sông ký ức của đời người. Không thể không nói đến những bài thơ về Huế của ZuLu DC, vì nơi đó có “màu xanh của đất”, “màu xanh của trời” và “Xanh trong lòng tôi” tức là trong lòng nhà thơ ZuLu DC mãi mãi!:
Huế ơi Huế ơi… Huế giữ giùm tôiNắng mai đỉnh NgựGió chiều sông HươngVà những con đườngCó em sóng bước.(Kỷ Niệm)Sông Hương vẫn cứ sông Hương ấyNước chảy tang thương đã mấy dòngChẳng lẽ về đây ta nín khócLà vui là Huế của ta không.(Huế Của Ta)Anh nhớ vô cùng, anh nhớ Huế ơiHương Giang, con nước trôi ngày thángThành quách rêu phong lưu dấu xưaChỉ thiếu tình em cùng với HuếĐể anh nhìn em đã HUẾ chưa!(Lời Hẹn)
Nhà thơ ZuLu DC vào đời, trải qua vô vàn biến cố của đất nước làm ảnh hưởng cuộc sống của mình. Ông từng chạy nạn chiến tranh, từng là một thuỷ thủ lênh đênh trên biển, rồi từng là một người lên rừng đốn củi bứt mây, rồi lại lưu lạc xứ người. Cuộc đời nhà thơ trải qua nhiều biến chuyển, nên thơ ông sáng tác là loại thơ trường đời, trăn trở những mất mát xảy ra. Đọc bài thơ “Động Đền” của ông, lòng ta không khỏi cảm hoài những kỷ niệm đẹp không còn nữa ngày nhà thơ quay lại. Động Đền một vùng đất làm dinh điền ở Hàm Tân, Bình Thuận, nơi định cư mới cho những gia đình chạy nạn chiến tranh, cửa nhà và quê hương bị chìm trong khói lửa. Nhà thơ đã định cư ở đây một thời gian, ra đi rồi quay lại để thấy mình không tìm lại được những gì mà ngày trước mình cho là “như đất hứa”. Bài thơ như tiếng thở ra đầy ưu tư của đứa con quay lại mà chốn xưa không còn nhận ra mình. Bài thơ làm rát lòng ta như “dây gàu ba đoạn nối/Quay hoài quay mãi rát bàn tay”:
Xưa ta ở cạnh người hàng xómGặp gỡ đôi lần chẳng nói chi…Trở lại Động Đền sau cuộc thếDốc dài cát bỏng chân ta đau…Ngụm nước dây gàu ba đoạn nốiQuay hoài quay mãi rát bàn tay…Động Đền thuở trước như đất hứaBây giờ trong ta là nhánh sông…Có một hồi chuông đâu vọng tớiMơ hồ nòi giống của ta xưaĐớn đau như thể dòng nước mắtBuồn như lịch sử trút cơn mưa(Động Đền: 34 câu, rút còn 12 câu)
Động đền là bài thơ hay tuyệt vời, là bài thơ tường thuật một phần đời ZuLu DC, cũng là một phần đời của hàng vạn con người trong thế hệ của ông phải chịu cảnh “Buồn như lịch sử trút cơn mưa”!
Sinh ra và lớn lên giữa thời tao loạn, ZuLu DC cũng như bao chàng trai trong thế hệ của ông, phải đầu quân nhập ngũ. Nhà thơ nhớ đến quân trường xưa và nhớ đến những ngày hành quân gian khổ. Thơ về lính của ZuLu DC đậm chất lãng mạn hơn là khí thế hào hùng, không có bom đạn và hoả châu, chỉ có yêu thương dáng kiều, yêu thương cả khi nhìn người nữ chiến binh phe địch:
Đã có một thời tuổi trẻ của chúng tađượm chất thơ bi trángcủa một thời vói mộng trời cao,… thời của binh lửa có nhau,của dáng kiều thơm mộng mị,của những chén rượu sa trườnghùng khí,(Quân Trường Xưa)Thương quá đôi mắt U-Minh HạNửa thế kỷ vẫn như hôm quaCô gái nhìn ta bằng uất hậnTa nhìn cô gái như em ta(Đôi Mắt U-Minh-Hạ)
Trên đây chỉ đề cập đến một vài bài thơ về một phần đời bôn ba của tác giả. Thơ ZuLu DC còn chất chứa bao nỗi niềm, tạo nên bao vết hằn trong tâm khảm ông. Những nỗi niềm đó đã biến thành thơ nói về mẹ, về em, về tình yêu trai gái, về bạn bè và về những vui buồn đến trong cuộc sống.
Nói về mẹ và em, bài thơ “Trăng Vu Lan” của ZuLu DC có thể làm thành suối lệ trong những tâm hồn nhạy cảm với thơ:
TRĂNG VU LANĐọc bài thơ em viếtAnh thành ra đứa béỞ một góc trời lạThương mẹ và nhớ em… Bao nhiêu là cây xanhBao nhiêu là hoa láLà bấy nhiêu lòng anhLà yêu thương nhớ mẹ…Mẹ giờ thân hoá đáEm giờ hiu hắt thêm(Bài thơ 25 câu, rút còn 10 câu)
“Đọc bài thơ em viết/ Anh thành ra đứa bé” cho ta hiểu rằng nước mắt đã chảy thành dòng trên những trang thơ. Không có đứa bé nào “Thương mẹ và nhớ em” mà không khóc thành tiếng, không khóc nức nở, không có dòng lệ trôi dài trên đôi gò má. Nhà thơ ZuLu DC chắc chắn cũng vậy khi ông nói rằng ông thành ra đứa bé. Trăng mùa Vu Lan cũng là trăng mùa Mưa Ngâu. Khác một chút là mưa ngâu ở trăng thượng tuần, nước mắt của Ngưu Lang - Chức Nữ đổ xuống trần gian. Bài thơ “Trăng Vu Lan” nhà thơ nhắc đến mẹ và em, cho ta một liên tưởng đau lòng đến sự chia ly cách trở trong mùa Mưa Ngâu. Sự chia ly cách trở của xưa và nay đều đau khổ như nhau.
(CÒN TIẾP, VÌ BÀI DÀI NÊN XIN MỜI ĐỌC PHẦN II ĐĂNG SAU. CẢM ƠN QUÝ VỊ ĐÃ XEM!)
Châu Thạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét