HOA
- Với lòng người, chắc chắn lòng yêu hoa phải nảy sinh ra đồng thời với thi ca diễm tình. Chàng trai nguyên thủy khi tặng vòng hoa đầu tiên cho nàng trinh nữ, đã vượt lên trên loài cầm thú, đã vượt được lên trên những nhu cầu thô tục của thiên nhiên, chàng đã trở thành thuần hóa và thông hiểu nhân tình. Và như vậy, chàng đã bước vào địa hạt của nghệ thuật.
- Khi vui hay khi buồn, hoa luôn luôn là bạn trung thành của ta. Ta ăn uống, ta ca vũ, ta ve vãn đùa cợt với hoa. Ta kết hôn, làm lễ rửa tội với hoa. Ta không dám chết mà không có hoa. Ta thờ phượng với Bách hợp, ta mặc tưởng với Sen, ta bày trận với Hồng với Cúc. Ta lại còn muốn nói bằng ngôn ngữ của hoa. Không có hoa, làm sao ta có thể sống được?
(Trà Đạo / Chado - Okakura Kakuzo)
Trương Trào tự Sơn Lai, hiệu Tâm Trai và Trọng Tử, người tỉnh An Huy, sinh năm 1650 (năm Thuận Trị thứ tám, đời Thanh), không rõ năm mất. Ông sáng tác không nhiều, trong đó nổi tiếng nhất là “U Mộng Ảnh” (bóng mờ trong cõi mộng). U Mộng Ảnh chỉ là một tập sách nhỏ gồm 222 mục gồm những cách ngôn đầy thi vị trong văn phong bay bướm của Trương Trào, phác họa ra một thế giới thơ mộng được nhìn qua đôi mắt tài hoa của một nghệ sĩ lớn, và nó đã làm say mê nhiều thế hệ văn nhân thi nhân Trung Quốc.
Trương Trào viết về hoa:
- “Hoa không thể không có bướm, núi không thể không có suối, nước không thể không có rong, cây cao không thể không có dây leo, và người ta không thể không nghiện một thứ gì”. (Hoa bất khả dĩ vô điệp; sơn bất khả dĩ vô tuyền; thạch bất khả dĩ vô đài; thủy bất khả dĩ vô tảo; kiều mộc bất khả dĩ vô đằng la; nhân bất khả dĩ vô tích)
- “Vì trăng mà lo mây, vì sách mà lo mối mọt, vì hoa mà lo gió mưa, vì tài tử giai nhân mà lo mệnh bạc, đó thực là tấm lòng Bồ Tát vậy”. (Vị nguyệt ưu vân; vị thư ưu đố; vị hoa ưu phong vũ; vị tài tử giai nhân ưu mệnh bạc; chân thị Bồ Tát tâm trường)
(U Mộng Ảnh - Trương Trào)
- “Trong thiên hạ có được một người tri kỷ, thì có thể không còn ân hận gì nữa” (Thiên hạ hữu nhất nhân tri kỷ, khả dĩ bất hận. Bất độc nhân dã)
Nhưng ở đời có thể tìm được chăng một người tri kỷ? Tấm lòng tri âm giữa Bá Nha và Chung Tử Kỳ, tình bạn tri kỷ giữa Quản Trọng và Bão Thúc Nha có lẽ chỉ còn là huyền thoại. Bạn tri kỷ chỉ do cơ duyên mà gặp, không thể gượng gạo mà cầu.
Không riêng gì người với người, mà cả người với hoa cũng có thể là tri kỷ để gửi gắm tâm sự:
“Sen lấy Liêm Khê làm tri kỷ, đào lấy những người trốn vua Tần làm tri kỷ” (Liên dĩ Liêm Khê vi tri kỷ; đào dĩ tỵ Tần nhân vi tri kỷ...)
(U Mộng Ảnh - Trương Trào)
................
Giải thích:
- Sen lấy Liêm Khê làm tri kỷ.
Liêm Khê tức Chu Đôn Di, nhà lý học đời Nam Tống, yêu hoa sen, có bài “Ái liên thuyết” nổi tiếng ở đời. Ông sống thanh cao, nêu được cao phong của đạo học đời Tống.
- Đào lấy những người trốn vua Tần làm tri kỷ.
Theo Đào Hoa Nguyên Ký (Bài ký về suối hoa đào) của Đào Tiềm, có người đánh cá lần theo con suối, tình cờ phát hiện một làng trồng toàn đào, sống thanh bình như cảnh thần tiên. Hỏi ra mới biết tổ tiên họ là những người trốn chính sách tàn bạo của nhà Tần lánh đến.
Đọc Cổ Văn Quan Chỉ giúp bạn đọc hiểu thêm “tình tri kỷ” giữa hoa đào với những người trốn bạo chúa nhà Tần:
“Đời Triều Thái Nguyên nhà Tấn, có người ở Vũ Lăng sống bằng nghề đánh cá, theo dòng khe mà đi, quên mất đường xa hay gần. Bỗng gặp một rừng hoa đào mọc cách bờ mấy trăm bước, không xen lẫn loại cây nào khác, cỏ xanh thơm tươi tốt, hoa đẹp lả tả rơi. Người đánh cá lấy làm lạ, bèn tiến thêm vô, muốn đi hết khu rừng. Cuối rừng là con suối, và thấy một ngọn núi. Núi có hang nhỏ, thấp thoáng như có ánh sáng, bèn rời thuyền, lần theo cửa hang mà vào. Ban đầu hang rất hẹp, chỉ lọt một người. Đi thêm vài chục bước, hang đột nhiên mở ra sáng láng. Đất bằng trống trải, nhà cửa chỉnh tề, có ruộng tốt, ao đẹp, đủ các loại cây dâu, cây trúc; đường ruộng thông nhau, chỗ nào cũng nghe tiếng gà, tiếng chó. Trong hang, có những người đi lại trồng trọt làm lụng, nam nữ đều ăn mặc như người bên ngoài. Từ người già đến con trẻ, ai nấy cũng đều hớn hở, vui tươi.
Thấy người đánh cá, họ kinh hoảng, hỏi từ đâu tới. Người đánh cá kể đầy đủ đầu đuôi. Họ bèn mời về nhà, bày rượu, mổ gà để đãi. Trong thôn nghe có người đến, ai nấy cũng đều lại hỏi thăm. Họ kể: tổ tiên trốn loạn đời Tần, dắt vợ con và người trong ấp đến chỗ đường cùng này, rồi không trở ra nữa; từ đó cách biệt hẳn với người ngoài. Họ hỏi bấy giờ là đời nào, họ không biết cả đời Hán nữa, nói chi đến các đời Ngụy, Tấn. Người đánh cá nhất nhất kể lại những điều mình hay biết, ai nầy nghe đều đau xót, than thở. Những người khác ai cũng mời người đánh cá về nhà mình chơi, cũng đều bày rượu thết đãi. Ở lại được mấy ngày, rồi từ biệt ra về. Trong bọn họ có người dặn: “Đừng nên kể cho người ngoài hay làm gì! ”.
Ra khỏi hang rồi, tìm lại được chiếc thuyền, lần theo đường cũ mà về, tới chỗ nào cũng ghi nhớ. Về đến châu quận, vào yết kiến quan thái thú kể lại chuyện này. Viên thái thú lập tức sai người đi theo, tìm những chỗ trước đã ghi nhớ, nhưng mờ mịt, không kiếm ra được con đường cũ.”
HOA TƯỜNG VY
Tường Vy có danh pháp khoa học là: Rosa multiflora, thuộc họ hồng (Rosacea). Hoa Tường vy có tên tiếng Anh là: Crape Myrtle
Cây Tường Vy thường ra hoa chủ yếu từ tháng 6 đến tháng 8 Dương lịch hằng năm. Tường vi thường nở theo chùm với những cánh hoa mỏng đung đưa theo gió tạo nên vẻ đẹp mộng mơ, thanh khiết như một nàng tiểu thư quyền quý, quyến rũ say lòng người. Mỗi bông hoa tường vi khi nở xòe ra 6 cánh xoăn nhẹ nhàng mỏng manh rất đẹp.
Hoa Tường Vy có đủ màu, mỗi màu hoa mang ý nghĩa khác nhau nhưng tựu trung đều nói đến tình yêu:
- Hoa Tường Vy đỏ: Ý muốn được yêu.
- Hoa Tường Vy trắng: Tình yêu trong trắng.
- Hoa Tường Vy phấn hồng: Lời hứa hẹn.
- Hoa Tường Vy hồng: Anh yêu em mãi mãi
- Hoa Tường Vy vàng: Anh sung sướng vì được yêu em ...
THƠ VỀ HOA
Đây là bài thơ về hoa tím buồn:
NGƯỜI VỀ TÌM LẠI MÀU HOATường vy mùa đến tôi vềThấy tôi đứng giữa bốn bề tàn phaiGiáo đường "chuông gọi hồn ai"?Nơi đâu yêu dấu hình hài thân thương?Đường xưa lạ lẫm bước chânChiều loang hoa nắng bâng khuâng phố sầuQuán xưa giờ cố nhân đâu?Cà-phê giọt đắng rơi câu nhạc buồn"Mười năm không gặp tưởng quên" *Bao năm cách biệt dặn lòng: Hãy thôi...Chốn xưa hụt hẫng tình tôiNgười giờ mắt lạ biết rồi có quen?Tường vy sắc tím buồn tênhTôi về tìm lại cuộc tình đã quaĐã qua có nghĩa mù xaLàm sao giữ được ánh tà huy phai?Thì thôi còn tiếng thở dàiTường vy hoa lệ khóc ai tím màu..................
* Mười Năm Không Gặp (Mười Năm Tình Cũ ) - nhạc Trần Quảng Nam.
Nguyên Lạc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét