Kể chuyện Quảng Trị "tui"
Tác giả Hoàng Long Hải
Ông Mạnh Thát bảo, đạo Phật truyền vào nước ta hai ngàn năm trăm năm, nhưng người Việt ta thì đã có bốn ngàn năm lịch sử. Đạo Phật, khi vào "nước ta" thì thẳng từ Ấn Độ qua, tới với người Chàm. Trong một số di tích của người Chàm còn lại, có ghi chữ Phạn.
Việc ông Mạnh Thát nói, làm tôi nhớ tới "Chùa Phật Lồi", là chùa tôi từng đi "lễ chùa" - nói cho đúng với chữ nghĩa là nói như thế - hồi mới biết đi. Tôi sinh tháng 2 năm 1937 - đúng với ngày tháng - Ông Mạnh Thát cũng sinh tháng 2 nhưng năm 1943. Nói theo cách thông thường, tôi biết "Chùa Phật Lồi", còn ông giáo sư Nguyễn Mạnh Thát, dù cùng quê với tôi, - ông ở làng Cu-Hoan, phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cách không xa thị xã Quảng Trị, là nơi tôi sinh ra, lớn lên và đi học, cũng không xa lắm đâu, cũng chưa tới hai chục cây số mà thôi - Ông thua tôi sáu tuổi, chắc ông cũng mù tịt về "Chùa Phật Lồi". Nói thế là nói cho vui, vì ông Thát đọc sách Phật "thiên kinh vạn quyển", còn tôi, hồi nhỏ, vô Gia Đình Phật Tử là "vô cho vui", đi chùa cũng nhiều lần mà không thuộc nỗi cuốn "Nghi Thức Tụng Niệm", là cuốn kinh mà Phật Tử ai ai cũng biết.
Nhưng chuyện "Chùa Phật Lồi" mà tôi biết, là chuyện lịch sử Phật Giáo Việt Nam, và lịch sử Việt Nam, có liên hệ tới người Chàm, người Việt, người Tây Phú Lang Sa và "lính Mỹ" nữa đấy.
Độc giả nên đọc... cho vui.
2./ Kể lại từ đầu...
Sử viết:
LẤY ĐẤT CHIÊM-THÀNH. Vua Thánh-tông đã nhân mà lại dũng: nước Chiêm-thành hay sang quấy-nhiễu, ngài thân chinh đi đánh. Đánh lần đầu không thành công, đem quân trở về. Đi đến châu Cư-liên (?) nghe thấy người khen bà Nguyên-phi ở nhà giám quốc, trong nước được yên-trị, Thánh-tông nghĩ bụng rằng: «Người đàn-bà trị nước còn được như thế, mà mình đi đánh Chiêm-thành không thành công, thế ra đàn-ông hèn lắm à!» Lại đem quân trở lại đánh bắt được vua Chiêm-thành là Chế Củ 制 矩. Năm ấy là năm kỷ-dậu (1069). Thánh-tông về triều, đổi niên-hiệu là Thần-võ.
(Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim)
Sử cũng chép:
Tháng 2 năm Tân Sửu (1301), Thượng hoàng Trần Nhân Tông, người đã cải thiện bang giao với Chiêm Thành, đến thăm Chiêm Thành và được nhà vua Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) đón tiếp nồng hậu. Trần Nhân Tông ở Chiêm Thành đến chín tháng trời, vừa ngao du sơn thủy vừa trao đổi Phật pháp. Trước khi về, Thượng hoàng ngỏ ý muốn gả con gái là Huyền Trân công chúa cho Chế Mân để mở rộng bang giao hai nước. Từ đó, năm nào Chiêm Thành cũng cử sứ bộ tới Thăng Long xin cầu hôn. Triều đình nhà Trần phản đối cuộc hôn nhân dị tộc này, chỉ có Văn túc vương Trần Đạo Tái và Đại hành khiển Trần Khắc Chung ủng hộ. Đặc biệt đến năm 1305, khi Chế Mân đề nghị dâng hai châu Ô, Rí làm của hồi môn thì nhà Trần không thể chối từ nữa.
Theo hai tài liệu sử học nói trên thì Quảng Trị thuộc Châu Lý - tức là Rí ngày xưa của Chiêm Thành -. Chữ Nôm không có chữ Rí nên người xưa mượn chữ Lý mà thế vào. Ông Thái Văn Kiểm giải thích, đại khái, châu Bố Chính, nay còn trong "huyện Bố Trạch", tỉnh Quảng Bình, châu Ma Linh - chữ Linh nay còn lại trong phủ Vĩnh Linh, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Châu Ô nay còn trong sông Ô-Lâu, một trong "tam giang" đổ nước vào phá Tam Giang, là ranh giới giữa Châu Rí và Châu Ô. Nghe cũng có lý, đúng sai chưa biết, phải chờ các "nhà" sử học, coi thử họ nói sao.
Theo tôi thấy, truông Ái Tử - nói theo cách tôi nghe từ hồi nhỏ, lọt thỏm ngay giữa Châu Rí.
Khi Chế Củ dâng đất cho vua Lý để xin "chuộc tội?", hoặc khi Huyền Trân Công Chúa về Chiêm để làm vợ Chế Mân, người dân Chiêm Thành không thể, hay không chịu, ở với người Việt, biết đất nầy đã thuộc về vua Đại Việt. Binh lính, người Việt sẽ đến đây, nên người Chàm "di cư" về phương Nam.
Gồng gánh kéo nhau đi...
Nhưng những tài sản nặng thì sao? Cối đá, tượng đá, và tượng Phật bằng đá thì sao?
Bấy giờ người Chàm theo đạo Phật. Họ không muốn Phật của họ rơi vào tay ngoại bang, dù, có thể, họ biết người Việt thời bấy giờ cũng đã có người theo đạo Phật. Họ bèn đào cát, - truông Ái Tử là một truông cát - chôn Phật của họ xuống đó, trước khi "bỏ Phật mà đi..." Chắc họ cũng đau lòng khi bỏ Phật. - Người Việt cũng đau lòng khi bỏ Phật mà "thượng" lên bàn thờ tượng ông Chúa Giê-Su vậy.
3./ Chuyện "Nam Bắc phân tranh".
Theo sử thì "Chúa Chỗm" - tức Lê Trang Tông - được rước lên làm vua. Rồi vì chuyện nội bộ "Nhà Lê trung hưng" lộn xộn, ông Nguyễn Hoàng "xin vào Nam".
Nguyễn Hoàng biết phận mình. Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm giết rồi, chắc nay mai cũng tới phiên mình nên Nguyễn Hoàng sợ, giả điên, rồi nhờ chị là Ngọc Bảo, xin với Trịnh Kiểm cho vào "trấn thủ đất Thuận Hóa". Trịnh Kiểm bèn cho đi, để khỏi mang tiếng giết hết cả anh em nhà vợ.
Nghe lời Trạng Trình "Vạn đại dung thân" nên Nguyễn Hoàng chuẩn bị cho chuyến đi nầy là "đi luôn", chắc "không một ngày về" nữa, nên Nguyễn Hoàng "cuốn đoàn trường" mang hết theo: Vợ con, anh em bà con, tướng tá, binh lính. "Ai vô Nam" thì đi theo ông. Quan trọng nhất trong số người ra đi ấy có cậu ông Nguyễn Hoàng là Nguyễn Ư Kỷ, làm quân sư.
Không thấy sử nói Nguyễn Hoàng vô Nam đi bộ hay đi thuyền. Nếu đi thuyền thì tiện hơn, mang theo các "hành trang" nặng nề. Vả, ông có "một ngàn thủy binh" nữa đấy.
4./ Mẹ thương con ra ngồi cầu Ái Tử
Tôi cũng đoán chừng ghe thuyền ông ghé vô Cửa Việt, tên chữ là cửa Việt An, tức là cửa của hai con sông Thạch Hãn và sông Hiếu Giang - có khi còn gọi là sông Đông-Hà. Hai con sông nầy gặp ̣nhau ở làng Gia Độ, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Vô Cửa Việt, Nguyễn Hoàng với đoàn tùy tùng lên Ái Tử, gần đó. Ái Tử là một truông cát, nằm giữa hai con sông nầy.
Các di dân Việt đến đây từ trước, thấy Chúa đến, có lẽ mừng lắm, đem nước ra dâng.
Trên thực tế, Ái Tử là một truông cát, người đi qua đây thì "trên nắng, dưới cát" - nóng - nên người ta mới dâng 7 chum nước cho Chúa giải khát. Quân sư Nguyễn Ư Kỷ "làm thầy bàn": "Nay mới đến trấn mà dân đem nước ra dâng, nước đó tức là nước vậy." Theo nghĩa bóng thì "nước uống" cũng có nghĩa là "đất nước".
Thấy lời bàn hay, Nguyễn Hoàng bèn cho đóng đô ở Ái Tử. Năm ấy là năm 1558, có lẽ đang giữa mùa hè, biển không có giông bão, đi biển dễ dàng. Và cũng là mùa hè nên khi tới truông cát, Chúa và mọi người đều khát nước.
Chúa đóng quân ở giữa, binh lính đóng chung quanh để bảo vệ Chúa. Thời bấy giờ đâu có cường quốc, siêu cường nào - Nga, Mỹ, Tàu, Tây... chẳng hạn - ở bên ngoài xúi bậy, "Mỹ Quốc viện trợ"... nên binh lính của Chúa phải "Tiến vi binh, thối vi nông", phải tự làm ruộng lấy để có gạo ăn. Do "chiến lược" nầy, nên các làng do binh lính đóng chung quanh "làng Ái Tử" thì có "làng Tiền Kiên" lo giữ mặt trước; "làng Tả Kiên", "Hữu Kiên" giữ hai bên, "làng Hậu Kiên" giữ mặt sau; "làng Trung Kiên" đóng ở giữa. "Làng" là tôi viết theo cách gọi của dân chúng sau nầy, khi tôi lớn lên. Thời Chúa còn đóng đô ở đó, gọi bằng gì, tôi không biết.
Tới năm nào đó thì Chúa dời đô về làng Trà Bát, gần ngã ba Hiếu Giang và Thạch Hãn gặp nhau một đỗi. Nơi nầy nhiều đất ruộng hơn, tiện cho việc sinh hoạt của Chúa và binh lính, rồi Chúa lại dời đô qua phía đông Ái Tử, gọi là Dinh Cát, trước khi Chúa Sãi - tên là Nguyễn Phúc Nguyên - dời đô vô làng Phước Yên. Làng nầy nằm bên cạnh sông Bồ, thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên.
Khi Chúa dời đô, binh lính đi theo, bỏ lại đất hoang, vài làng mất dấu. Khi tôi lớn lên, thường nghe nói tới - có nghĩa là đang còn - là làng Trung Kiên, làng Tả Kiên, làng Hậu Kiên. Tiền Kiên, Hữu Kiên không còn nghe nữa. (1).
Chúa đi rồi, Ái Tử còn lại câu hò. Duy Khánh "đưa" cầu hò vào bài hát của ông:
Mẹ trông con ra ngồi cầu Ái Tử,Vợ trông chồng đứng núi Vọng Phu.
Ái Tử là "đây rồi". Còn Vọng Phu, ai mà không biết, thì xin lỗi, đừng giận tui, không phải là người Việt Nam đấy. - Biết "Bác", biết Đảng, biết Chúa, biết Mẹ Ma-Ri-A, biết Phật Bà... mà không biết núi Vọng Phu là "người nước mô?" vậy hè?
Câu hò trên đầy đủ, như tui từng nghe "Mạ" - tiếng gọi Mẹ của người nhà quê Quảng Trị tui, chị tui ru em là:
Mạ thương con ra ngồi cầu Ái Tử,Vợ trông chồng lên đứng núi Vọng phu,Bao chừ nguyệt xế trăng lu,Con chim kêu mùa hạ, biết mấy thu hỡi chàng.
Con chim kêu mùa hạ, biết mấy thu?
Có nghĩa là chàng đi đã lâu rồi đấy, chưa thấy về...
Nói rõ hơn là như thế nầy: Theo Quốc Lộ 1, ra hướng Bắc, qua khỏi sông Thạch Hãn thì tới sông Ái Tử, một con sông nhỏ, bề ngang trên dưới 50 mét. Qua khỏi sông nầy là vô địa phận "làng Ái Tử". Đi một đỗi, qua khỏi truông cát, là tới cầu Lai Phước - quê của Lê Thọ Giáo đấy. Sông Lai Phước cũng nhỏ như sông Ái Tử. Thành ra, nói cho chính xác, truông Ái Tử nằm giữa hai con sông nhỏ: Sông Ái Tử và sông Lai Phước, - hai phụ lưu của sông Thạch Hãn và Hiếu Giang - chứ không phải nằm giữa sông Thạch Hãn và sông Hiếu Giang, như tôi nói ở phần trước.
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc "tả xung hữu đột", nói cho rõ là "Bắc cự Tàu, Nam đánh Chiêm". Hồi còn đi dạy, tôi thường nói đùa với học trò: "Bắc chống thằng Chệt, Nam đánh thằng Chiêm", một mặt thì giữ đất của mình, không cho thằng Tàu chiếm, một mặt thì chiếm đất người ta, thật là nhiễu sự, mệt ơi là mệt. Tao chỉ mới dạy sử cho tụi bây, đã thấy mệt, huống chi ông bà ngày xưa, chắc là mệt dữ lắm. Ai không biết công ơn tổ tiên là Việt gian, biết không?"
Khi dạy Ca Dao cho học trò, giảng tới câu "Ba năm đẳn gỗ trên ngàn, Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai" hay "Con cò lặn lội bờ sông, Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non", không thể nào tôi không nói tới "Mẹ thương con ra ngồi cầu Ái Tử". Khi các Chúa đóng quân ở Ái Tử, Chúa cũng bắt lính, đem lính ra mặt Bắc chống lại "Chúa Trịnh miền Bắc xâm lược". Trong lịch sử nước ta, miền Bắc thường "xâm lược miền Nam", như Cộng Sản trước 1975 vậy, mà họ giả nhơn giả nghĩa hát lên rằng "Giải phóng miền Nam, chúng ta cùng quyết tiến bước". Bây giờ thì giải phóng rồi đấy, thống nhất rồi đấy. Sáng mắt ra chưa hay phải nhờ cái kiếng đen của "đờn cò Văn Vĩ."
Các Chúa cũng cho quân vào miền Nam:
"Tiếng ai trên núi véo vonPhải chăng người lính trên hòn Cù Mông,Xa xa em đứng em trông,Hỏi người lính mộ thử chồng em đâu?"
(Lính mộ, lính lệ, lính dõng, lính tập, lính giản... là các thứ lính ngày xưa, trước 1945. (2)
Chồng đi xa vậy. Con đi xa vậy. Làm sao mà người Mẹ Ái Tử - Quảng Trị tui không ra ngồi Cầu Ái Tử mà khóc nhớ thương con.
Vậy thì cái tên "Ái Tử" có từ lúc nào? Trước khi Chúa đóng quân ở đây hay sau thời kỳ đó. Anh học trò lớp Đệ Tam Nguyễn Văn Trai - sau nầy là "Đại úy giặc lái máy bay Ngụy" - nói theo cách Việt Cộng - hỏi thầy giáo một câu như thế. Thầy "ngọng" luôn, không trả lời được, bèn hoãn binh "Để tui tra lại tự điển".
5./ Phật không chịu nỗi cát nóng.
Không biết vào lúc nào, khi Chúa còn đóng đô ở Ái Tử hay dời đô đi rồi, có gió Nam thổi mạnh ở quê tôi.
Gọi Gió Nam là theo tiếng địa phương, sách địa lý gọi là Gió Lào, là hiện tượng gió Foehn ở Châu Á Gió Mùa, sách địa lý giải thích như sau:
Gió Foehn là hiện tượng thường thấy trên mặt địa cầu, thường khô và nóng. Gió Foehn thổi ở vùng núi Alps bên Châu Âu làm cho vùng Trung Âu mùa đông được ấm lên. Ở Mỹ, gió thổi dọc theo rặng Rocky Mountain, được gọi là gió Chinook... Mỗi nơi một tên, nhiều lắm, nhớ không hết.
Ở nước ta, gió hình thành từ vịnh Thái Lan, thổi ngược lên hướng Bắc, theo sườn phía Tây rặng Trường Sơn, nên, người Việt Nam không gọi gió Lào, - từ bên Lào qua - mà gọi là Gió Nam, từ phương Nam thổi lên.
Từ đèo Lao Bảo trở ra Bắc, rặng Trường Sơn bỗng thấp xuống, nên khi ngọn gió tới đây thì quay ngoặt về hướng Đông-Nam. Do đó, Quảng Trị, Quảng Bình, Thanh - Nghệ - Tĩnh mới có gió Lào. Chỉ phía Bắc Thừa Thiên mới có chút gió Lào. Huế thì không.
Khi gió thổi dọc Trường Sơn, bị cây rừng và không khí loảng rút hết nước, nên gió trở nên khô và nóng, lá chuối cũng khô, làm cho không khí vùng Bắc Trung Bộ, có khi lên tới trên 40 độ C. Gió thổi từ tháng Tư đến tháng Chín Dương lịch, tiếp theo là "Gió Mùa Đông Bắc thổi mạnh trên biển Nam Hải", - câu thường nói trên đài Saigon trước 1975, - lạnh lắm.
Gió Nam thổi, có khi rất mạnh, làm cát bay tung, mù mịt.
Mấy ông Phật đá của người Chàm chôn xuống cát ngày xưa, vì gió thổi, cát bay, hay vì nóng quá, tượng Phật chịu không nỗi, phải "trồi" (có khi gọi là "lồi") đầu lên.
Người dân đi ngang qua đấy, thấy Phật dưới cát nóng, thấy Phật "tội quá". Họ cũng không phân biệt màu da, - đá đen, đá trắng, - chủng tộc, Phật Chiêm hay Phật Việt - như người Mỹ trắng hiện giờ -, bèn cho đào lên, rước về làng, lập Chùa thờ Phật, đặt tên nôm na là "Chùa Phật Lồi". Tên chữ là gì, tôi không biết.
6./ "Cậu" tôi đi "Chùa Phật Lồi".
"Cậu" tôi, tức là cha tôi, ngoài Bắc Kỳ gọi là "bố", tuy nhà kế bên "Chùa Phật Học", nhưng không đi chùa nầy bao giờ. Tại sao? Ổng nhát gan đấy.
Sau khi nước ta bị Tây đô hộ rồi, đạo Phật càng ngày càng suy đồi. Một phần vì đó là hậu quả của chiến tranh Tây xâm lược, một phần vì chính sách cai trị của Tây - có bàn tay mấy ông cha cố góp vô. Dân tộc bị đô hộ rồi, đang trên đường suy vong, đạo Phật đi theo, nhiều ông thầy chùa "ăn theo",v.v. và v.v... Thầy chùa, thầy cúng, thầy pháp, thầy tăng, thầy bói, thầy tướng, thầy bùa... hầu như thầy nào cũng có vợ, có khi hai vợ, có con đùm đuề; có thầy "làm ăn" trúng mánh, nhà ngói, ruộng nương bề bề... mệt ơi là mệt vì mấy thầy.
Phật giáo bấy giờ "đi xuống", một phần vì chính sách cai trị của thực dân. Chùa là nơi "tụ họp" của những người yêu nước, chống Tây. Thế mới có cái cảnh như trong "Hỏa thiêu Hồng Liên Tự", "Bộ áo cà sa nhuốm máu", của nhà văn Nguyễn Bảo Hóa, v.v... và v.v... Bên cạnh chính sách cai trị tàn ác, phá hoại của Tây, những người tu hành theo đạo Chúa hay chính ngay cả Giáo Hội La Mã, hay con chiên của Giáo hội ở Việt Nam cũng về hùa Tây mà banh ruột xẻ gan đạo Phật của dân tộc Việt Nam.
Phải qua tới khoảng thập niên 1930, tín đồ đạo Phật mới hoàn hồn để mà lo phục hưng tôn giáo của mình. Thế mới có "An-nam Phật Học hội" ở miền Bắc, miền Trung. Còn ở miền Nam, hình thức đạo Phật hồi sức là đạo Cao Đài, là Phật Giáo Hòa Hảo. Tây thấy cũng được. "An-nam Phật Học Hội"? Có chi hại cho Tây đâu! "Phật Học Hội" nầy, trên nguyên tắc cũng như hội "đá gà", hội "bài chòi", hội "đá banh", "bóng tròn", "bóng rỗ"... vậy thôi. Mấy ông Tây đeo xâu chuỗi dài tới bụng, mắt xanh mũi lõ, râu quai nón xùm xuề, cũng thấy yên tâm với mấy cái hội tào lao nầy. Nó không thể làm hại tới "Nước Chúa", "Dân Chúa", "Quân Chúa" là mấy ông yên tâm cho "chúng nó" hội. Quan Thượng Thư Thái Văn Toản, người làng Qui Thiện, phủ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị là người đứng ra lập hội, xây chùa của "An-nam Phật Học Hội" tỉnh Quảng Trị.
Cậu tôi, tức bố tôi, không dám léo hoánh tới trụ sở của hội nầy. Ông nội tôi, đời Thành Thái là "Ngự y" trong "Đại Nội" - người làng thường gọi là ông Ngự Trâm - Hoàng Thế Trâm - Khi vua Thành Thái bị phế, bị đày, ông nội tôi sợ "liên hệ", bèn xin về quê. Có lẽ ông nhát gan, sợ Tây, nên ông bỏ làng của ông, làng thợ rèn, Hiền Lương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên mà "di dân" qua làng vợ của ông, làng Hạ Lang, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, và "cấm" người làng không được gọi ông là "ông Ngự", mà chỉ gọi là "ông Thầy" - thầy thuốc Bắc - Cái "truyền thống nhát gan" ấy cũng "di truyền" cho cha tôi. Những cái chi có liên hệ tới "triều đình, chống Tây" đều "không có ông". Vì vậy, cậu tôi không đi "Chùa Phật Học" kế bên nhà, mà đi "chùa Phật Lồi", tuốt bên "truông Ái Tử".
Mỗi năm, ngày mồng một tết, cậu tôi dẫn "ba anh em" chúng tôi đi Chùa Phật Lồi. Chùa ở xa, từ nhà tôi, qua sông Thạch Hãn, đi ngang qua làng Nhan Biều là làng ngoại tôi, bên kia sông, rồi qua sông Ái Tử, qua truông Ái Tử, đi chếch về phía Đông, mới tới Chùa Phật Lồi.
Tôi không vào trong Chùa bao giờ.
Ngay hàng hiên Chùa, có tượng "Ông Thiện, ông Ác" ở hai bên "hộ pháp". Ông Thiện thì hiền, ông Ác thì dữ, dĩ nhiên. Ông Ác ngồi trên mình ngựa, tay cầm "thanh long đao". Cái "thanh long đao" chém bay đầu tôi dễ như không nên tôi không dám vô chùa, sợ lắm.
Cậu tôi vô chùa, cúng Phật, gõ mõ tụng kinh, "đàm đạo" với sư Cụ - tôi đoán vậy. Còn ba anh em chúng tôi làm gì? Sau Chùa là mấy ngọn đồi cát trắng, sườn đồ thoai thoải.
Ba anh em chúng tôi leo lên những đỉnh đồi cát ấy, lăn theo triền đồi, "thi đua" coi đứa nào lăn nhanh. Kết quả là hai thằng anh tôi cãi lộn nhau, chưởi tục, vì thằng anh lớn, thường chơi ăn gian thằng em. Tôi là thằng nhỏ nhất, bao giờ cũng cầm đèn đỏ, nên không tranh cãi hơn thua với ai được.
Đến giờ về, Chú Tiểu ra gọi vô. Áo quần - áo đen, quần cháo lòng -, tóc tai, tay chưn dính đầy cát. Chú Tiểu kêu chúng tôi ra giếng chùa, kéo nước cho chúng tôi rửa ráy sạch sẽ, xong vô sân chùa, kính cẩn chào Sư Cụ mà về. Bao giờ Sư Cụ chúng vuốt đầu, vuốt tóc, biểu "rán học giỏi", rồi cho mỗi đứa mỗi cái kẹo, bánh gì đó, "lộc của Phật", cầm về mà ăn. Chúng tôi vòng tay cúi đầu cám ơn Sư Cụ.
Sư Cụ tôi là bần tăng, bần nên không giàu - Bần mà giàu thế nào được -. Tết, mùa lạnh, Sư Cụ cũng chỉ phong phanh chiếc áo nâu sồng, đôi khi đội thêm cái mũ vải cho đỡ lạnh cái đầu không có một "chọng tóc", như tôi thường nghĩ. Chân sư cụ mang đôi guốc mộc, bằng gỗ "mơớc", do Sư Cụ hay các Chú Tiểu đẻo cho, quai cao su, bằng vỏ xe đạp cũ.
Đi chùa, không vào trong Chùa, chỉ gặp Sư Cụ, nên thời thơ ấu của tôi, tôi chỉ thấy Sư Cụ. Sư Cụ là Phật của tôi đấy.
Mấy năm sau, khi chiến tranh xảy ra, Cậu tôi đi kháng chiến chống Pháp, bệnh, qua đời trên Chiến Khu Ba Lòng năm 1948, gia đình tôi hồi cư, về lại "Phường Đệ Tứ". Bạn học cùng lớp, cùng trường, như Nguyễn Cẩm, anh em Hồ Xuân Diện, Hoàng Xuân Định, và cả thằng anh kế tôi nữa, ... rủ tôi "vô Gia Đình Phật Tử" chơi. Gì chứ nghe "chơi" thì ít khi tôi vắng mặt. Thế là tôi theo "tụi nó" vào chùa "lễ Phật". Lần đầu tiên thấy ông Phật ngồi trên tòa sen, tóc quăn, vai trần... tôi nghĩ ngay rằng "Ông nầy không phải là Phật của tôi". Trong trí óc thơ ngây của tôi, thời thơ ấu, hình ảnh Phật của tôi chính là Sư Cụ Chùa Phật Lồi, áo nâu sồng, đôi khi có miếng vá ở cùi tay. Ông Phật ấy đã... về cõi Phật rồi, "tịch" rồi, ngay khi cuộc chiến tranh vừa mới xảy ra. Nghe mẹ nói Sư Cụ đã qua đời, tôi khóc đấy các bạn ạ. Phật của tôi chết rồi.
Chùa của tỉnh, xưa, gọi là "Chùa Phật Học". Sau năm 1951, Chùa có cái tên mới là "Chùa Tỉnh Hội", không ai gọi là Chùa Phật Học nữa - Phật Giáo đã thống nhất Nam/ Bắc/ Trung sau đại hội ở Chùa Từ Đàm, năm 1951. Danh xưng "Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt" thành danh từ "đại hội" ấy, sau "một trăm năm đô hộ giặc Tây", không thể bỏ đi được.
Ái Tử có hai ngôi chùa: Sắc Tứ Tịnh Quang, nằm gần Quốc lộ 1. Chùa có "sắc phong" của vua, và "Chùa Phật Lồi", tên chữ là gì tôi không biết. Tôi cũng không biết chùa có sắc phong hay không, hay vì Chùa thờ Phật Chàm nên vua không phong chi cả.
Trong cuộc Chiến Tranh Đông Dương Lần Thứ Nhứt 1945/ 54, có vị sư nào của hai Chùa nầy, "cởi bỏ áo tu, xếp kinh cầu nguyện" như trong "Tha La Xóm Đạo" mà theo kháng chiến hay không, nhưng cả hai ngôi Chùa đều bị phá hủy hoàn toàn. Tây gỡ hết gỗ, gạch, ngói, rui, mè... của hai ngôi Chùa nầy để dựng đồn Lai Phước, đồn Ái Tử, để giữ hai cây cầu trên hai con sông nầy, sợ Việt Minh về phá cầu.
Mặt cầu Ái Tử không lót bằng gỗ mà lót bằng sắt. Khi xe qua cầu, xe nhà binh hay xe tăng, thiết giáp... tiếng dội nghe ầm ầm. Đêm tôi nằm trong nhà bên bờ sông Thạch Hãn, nghe tiếng hàng chục chiếc xe qua cầu ầm ầm, là đoán biết Tây đang chuẩn bị lính tráng để đi đánh nhau với Việt Minh đâu đó: Trận Thanh Hương - Tây gọi - là Trận Camarge như Bernard Fall kể lại trong "Con Đường Buồn Thiu" - The Street Without Joy" hay "Trận Cửa Việt", "Trận Ba Đồn", v.v... và v.v...
Sau Hòa bình lập lại 1954, Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang được Hòa Thượng Thích Hải Đức, quê ở làng Trung Kiên, cho dựng mới lại. Chùa vẫn còn sau cuộc chiến tranh vừa qua, mặc dù Chùa ở trong khu vực quân sự Mỹ.
Con Chùa Phật Lồi? Tây phá thành bình địa, không ai xây dựng lại cả. Người Chiêm Thành khi di cư về phương Nam, đem Phật chôn xuống cát để bảo tồn Phật của mình.
Còn người Việt Nam?
Sau chiến tranh có ai đi tìm Phật về để gìn giữ, hay để cho tượng Phật lăn lóc đâu đó trên cõi "cát bụi trần ai" của truông Ái Tử.
Chùa Phật Lồi là Phật thời thơ ấu của tôi. Có ai đó cười tôi vớ vẩn nhưng tôi thì rất đau lòng mỗi khi nhớ tới mấy "ông Phật Lồi".
Hoàng Long Hải
Lập Thu/ 2022
Ghi chú:
(1)/
Làng Hậu Kiên nằm ở cuối Chợ Sãi- chợ lớn nhất của Phủ Triệu Phong, trên ngã ba sông Thạch Hãn và sông Vĩnh Định, trên con đường "Đò Giọc" tữ Vĩnh Linh - phía Bắc - vô tới Huế là kinh đô nhà Nguyễn - Chữ Sãi trong chợ Sãi có liên quan gì tới Chúa Sãi là Chúa Nguyễn Phúc Nguyên không thì tôi không rõ. Cuối Chợ Sãi, thuộc làng Hậu Kiên có hai ngôi nhà kế nhau: Rạp mộc của ông thợ Tiềm, là bố ông Lê Duẫn. Bên cạnh là tiệm gạo bố mẹ "Mụ Xạ Bình". Hai nhà "cách nhau có giậu mồng tơi xanh rờn" như thế nào đó tôi không rõ. Nhưng "chàng Lê Duẫn" học hết lớp Ba với thầy Trợ Lẫn - Hồ Ứng Lẫn - thì xin đi làm công nhân xe lửa. "Nàng Xạ Bình" ở lại lấy chồng là ông Xã Bình. Thiên hạ đồn hai người thương nhau. Sau 1975, ông Lê Duẫn về thăm cố hương, gặp người cũ, bèn tha cho ông thiếu tá Nguyễn Văn Thành "học tập tốt, lao động tốt" được về sớm, chỉ mới "hơn một năm cải tạo" mà thôi.
Lính mộ, lính lệ, lính dõng, lính tập, lính giản... là các thứ lính ngày xưa, trước 1945. Lính mộ: lính được tuyển mộ cho Tây đi đánh giặc Đức ở bên Tây hồi "Đệ nhứt Thế giới chiến Tranh." Lính lệ: Lính chuyên hầu hạ quan lại thời phong kiến, thực dân. Lính dõng: lính địa phương ở nông thôn và miền núi, thời thuộc địa Pháp. Đại tướng Chu Văn Tấn nguyên là lính dõng thượng du Bắc Việt. Lính tập: là các đơn vị quân đội bản xứ do người Pháp tổ chức thành lập nhằm phụ trợ cho quân chính quy Pháp trong việc đánh dẹp, bảo vệ an ninh thời Pháp thuộc, sau khi chiếm được Nam Kỳ, rồi Bắc Kỳ. Lính giản Lính chuyên phục vụ ở các công đường cấp tỉnh thời phong kiến.
*
“Đây là quan điểm riêng của người viết, không nhất thiết phản ảnh quan điểm của Ban Biên Tập….
Chân thành cám ơn.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét