Trích trong Chu Thị Tạp Ký (trang 77)
Tâm Nhiên qua nét vẽ của Trịnh Tài
Tâm Nhiên vốn là bạn đồng tu với sư phụ tôi ngày trước tại Tổ đình Linh Sơn, Khánh Hòa. Anh sinh ra bên dòng Cẩm Lệ giang, Đà Nẵng.
Trước 1975 học Phật khoa Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn. Chẳng biết vì nợ nần chi với cõi hồng trần mà sau năm 1975, Tâm Nhiên có những xung đột mãnh liệt về tâm thức lẫn nhận thức, bỏ chén cơm chùa, khoác tay nải đi làm ông giáo làng ở ngoài hải đảo Lại Sơn, Kiên Giang, nơi tận cùng đất nước.
Hình bìa CHU THỊ THI TẬP. Thơ Chu Giang Phong
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 12. 2021 (150 trang)
"Nhất thiết hữu vi phápNhư mộng huyễn bào ảnh"
Tất cả các pháp hữu vi tức là các pháp có sinh có diệt đều như mộng huyễn, như bọt nước, như hạt sương mong manh hoặc như điện chớp, tức không có gì thực sự vững chắc...
Hẳn thế mà từ đó, tinh thần của Kim Cang Bát Nhã như ngấm vào từng thớ thịt, làn da, phong thái, tâm tư, lời tiếng, hành nhiệm của kẻ du sỹ này.
Tuy chẳng nâu sòng mà hướng Phật, dầu không trì chú vẫn chiêm kinh. Nên mỗi ngày qua đi đối với người du sỹ ấy, không phải là một ngày trừ lui của thân kiếp nơi muôn một mà là một ngày cộng duyên dan díu giữa ta bà, như để tận kiến và tận chứng sự vô thường trong kiếp nhân sinh.
Không nhà, không sự nghiệp không mục đích, không bổn phận cũng không trách nhiệm, không nương trú cũng không tạm trú bất cứ nơi đâu.
Người vô sự ấy lúc nào cũng như một đứa trẻ hồn nhiên và say đắm với từng sát na, yêu chuộng và kính cẩn đến từng con kiến, ngọn cỏ... Nên kẻ ấy cũng yêu người da diết, yêu đến nỗi chẳng dám đụng chạm tới ai, kể cả đàn bà vì sợ rạn vỡ đi những mối duyên đời.
Hơn một hoa giáp lang bạt kỳ hồ, Tâm Nhiên vừa sống vừa viết, vừa thở vừa viết, vừa đi vừa viết, vừa uống vừa viết, vừa ngủ vừa viết...
Thơ cả nghìn bài, tiểu luận văn chương cả nghìn trang. Nhưng hình như, chữ cũng như người chẳng trụ vào đâu cũng lang bạt và thênh thang ý tứ, miên man phiêu bồng, không đắc chẳng rẻ.
Đọc Tâm Nhiên, người ta có cảm giác như cuộc lữ cũng chỉ là một cuộc chơi vụn vặt của con tạo chứ không đen ngòm hay tất bật trong mắt người ăn mặn. Riêng điều ấy thôi đủ làm cho nghĩa của Tâm Nhiên trở nên chay tịnh hơn nhưng cũng ly nhân hơn.
Trên bước đường phiêu bạt, kết giao thi hữu trăm miền, làm bạn với vật với người, với cả những thánh thần và ma quỷ nhưng cái chất Du Sỹ vẫn không mất, vẫn như một lão ngoan đồng không biết tuổi, không cần tên, không chấp danh, không neo phận...
Ta quý du sỹ ở cái chỗ ưng vô sở trụ ấy, một sự quý không định nghĩa được, không diễn bày được. Chỉ biết là, quý như yêu...
Chu Giang Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét