CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2022

“DỚ DẨN” LÀ MỘT TỪ ĐÚNG CHÍNH TẢ

Nguồn:
https://www.facebook.com/ChinhTaTuVungTiengViet/posts/4373819952661392


Khi nhắc đến “dớ dẩn”, chắn hẳn chúng ta đều nghĩ rằng đây là biến âm của “vớ vẩn”, được hình thành do cách nói “v” thành “d” trong phát âm của người Nam Bộ. Tuy nhiên, có một sự thật thú vị rằng “dớ dẩn” vốn là cách viết đúng chính tả, đã được ghi nhận trong nhiều từ điển có uy tín.
 
Thật vậy, Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức giảng: “Dớ dẩn: Lờ mờ, lẩn thẩn. Nói dớ dẩn không ai hiểu. Trước mặt quan, nó làm ra bộ dớ dẩn”. Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên cũng giải thích: “Dớ dẩn: cũng như ‘dớ da dớ dẩn’Lẩn thẩn, thiếu tinh khôn: Ăn nói dớ dẩn”. Tác giả của hai từ điển trên đều là những người miền Bắc, điều này cho thấy đây không phải là kết quả của sự biến âm theo phương ngữ miền Nam. Những tư liệu có tác giả là người miền Nam tất nhiên cũng ghi nhận từ này, điển hình là Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức.
 
Vậy “dớ dẩn” khác “vớ vẩn” ra sao? Để làm rõ điều này, trước phải xem định nghĩa của “vớ vẩn”. Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê giảng: “Vớ vẩn: I. Hoàn toàn không có nghĩa lí gì, không có tác dụng gì thiết thực. Hạng người vớ vẩn. Mua những thứ vớ vẩn… II. Suy nghĩ, nói năng hay làm việc gì vớ vẩn…”. Như vậy “dớ dẩn” là “đờ đẫn, thiếu tinh khôn” (tương tự như “ngớ ngẩn”), còn “vớ vẩn” là “vô nghĩa, thiếu thực tế”.
Có một điều đáng chú ý là Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản đầu thế kỷ 20 không ghi nhận “vớ vẩn” mà chỉ ghi nhận “dớ dẩn”. Điều này tạo ra nghi vấn: phải chăng theo thời gian, người ta quên mất cách viết chính xác của “dớ dẩn”, tự nghĩ rằng đây là phương ngữ Nam Bộ rồi chữa thành “vớ vẩn”, sau đó thêm bớt các nghĩa cho khác biệt? Nếu thế thì đã có một sự “biến âm ngược” vô cùng thú vị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét