CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

SỰ TRỞ LẠI CỦA SAO TRÊN RỪNG NGUYỄN ĐỨC SƠN – Thích Không Hạnh

 Nguồn:

https://thuvienhuequang.vn/blogs/bai-viet/su-tro-lai-cua-sao-tren-rung-nguyen-duc-son


Tập thơ “Chút lời mênh mông”, tập thơ cuối cùng của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn, vừa ấn hành đầu năm 2020

 
Tập thơ “Chút lời mênh mông” này là công sức góp nhặt trân quý của nhà thư pháp Hồ Công Khanh và những người con của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, đặc biệt là anh Nguyễn Đức Yên, tập hợp những bài thơ chưa từng được in trong các tập thơ của tác giả. Đây là lần trở lại chính thức đầu tiên của Nguyễn Đức Sơn sau gần 50 năm tuyệt tích. Lần hội ngộ này, không phải là luồng sáng nhuần nhụy mà là những ngôi sao, những mảng màu chắp vá do tính chất tập hợp dàn trải ở nhiều nơi và nhiều khung thời gian sáng tác. Nhưng ánh dư quang phát ra từ một thiên thể ánh sáng cũng đủ làm hài lòng những người tò mò và cũng thể hiện được phẩm chất của tinh thể ánh sáng, nơi mà nó phát xuất.
 
Người ta đa phần có ý ngần ngại khi đọc thơ Nguyễn Đức Sơn vì thấy sự dâm tục quá nhiều, riêng tôi cũng thấy ngần ngại, nhưng không phải vì sự dâm tục trong thơ ông, mà ngần ngại vì mình không đủ thanh khiết để đọc. Mặc dù là một tu sĩ, tôi thấy mình cần phải thanh lọc tâm hồn mình thêm nữa để có thể bước vào thế giới thi ca của ông.
 
Đọc thơ Nguyễn Đức Sơn thấy tập nào cũng tục tĩu. Nguyễn Đức Sơn đã manh nha về tục, về nhục dục từ những tập thơ đầu tiên – “Bọt nước” (Mặt Đất - 1965):
 
“Ôi tấm thân và da thịt đàn bà
Tôi rất thèm và muốn biết qua”
                          (Cảm thương)
 
Đến “Đêm nguyệt động” (An Tiêm - 1967) thì sự tục tĩu đã lan tràn, tuy có phần còn e ấp dưới lớp hình ảnh đẹp:
 
“Năm mười bảy có lần anh ngó thấy
Em ở truồng ngoe ngoảy cuối vườn trăng”
                                          (Nhất nguyên)
 
“Ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người
Em chưa đái mà hồn anh đã ướt”
                          (Vũng nước thánh)
 
Đến “Tịnh khẩu” (An Tiêm - 1973) thì tục tĩu không còn chút e ấp nữa, nó đã trở thành chủ đề thường trực của thơ ông:
 
“Củi
Để chẻ
Gái
Để xẻ”
(Tục ngữ)
 
Nhưng đọc những vần thơ tục của Nguyễn Đức Sơn chỉ thấy tục, không thấy cái gì khác thì đó là điều bất hạnh đối với người đọc!
 
Nguyễn Đức Sơn có những vần thơ rất hay và đẹp, thuộc vào hàng những bài thơ bất hủ đương thời:
 
“Mẹ chết từ thu lá rụng vàng
Con về đất cũ vấn khăn tang
Mẹ ơi con điếng người bên mộ
Trằn trọc đêm dài con khóc than
 
...
Hai cõi bao giờ được gặp nhau
Tóc xanh dù trắng đến bạc đầu
Làm sao quên được sao quên được
Mẹ ở đâu rồi trên bể dâu”
                 (Mây trắng - Bọt nước)
 
“về đây với tiếng trăng ngàn
phiêu diêu hồn nhập giấc vàng đó em
trăm năm bóng lửng qua thềm
nhớ nhung gì buổi chiều êm biến rồi”
                            (Ngàn sau - Lời ru)
 
“đây lứa cỏ của mùa trăng thứ nhất
đưa anh vào trong cõi mộng xa xăm
giọt tinh huyết ngàn năm sau chưa mất
rừng đông phương mờ mịt dấu em nằm”
            (Băng tuyết - Đêm nguyệt động)
 


Tôi muốn nhắc đến một nhà thơ đương thời với ông và cùng với ông được xếp trong nhóm Tứ trụ thi ca của miền Nam trước 1975 - Bùi Giáng. Bùi Giáng có đến mấy chục tập thơ và có đến hàng trăm bài thơ hay “tuyệt trần”:
 
“Hỏi tên rằng biển xanh dâu
Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa”
                   (Tặng Mã Giám Sinh)
 
“Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian này mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu”
                                            (Phụng hiến)
 
Thế rồi, Bùi Giáng bắt đầu đùa giỡn, đùa đến mức ngỡ như điên:
 
“Tôi sẽ ra đi bỏ lại đời
Mỹ Tho, Mỹ Thọ, Sóc Trăng ơi
Mỹ thỏ muôn đời là sóc trắng
Gái mặc quần ra đứng ngó trời”
                                    (Tôi sẽ)
 
“Ông điên từ bữa hôm qua
Đến hôm nay nữa gọi là ba hôm”
                                   (Ông điên)
 
Những người đương thời có lúc đã đưa Bùi Giáng vào Chợ Quán - nhà thương điên tại Sài Gòn, những nhà phê bình về sau thì tranh cãi về việc ông có bị điên hay không, những người có cảm tình với ông thì nói ông sống “túy lúy tột cùng” trong cái mạch sống của mình, nhưng cả bản thân họ cũng còn nghi ngờ vì họ đôi khi - “dường như ổng điên thật”.
 
Cảnh ngộ và con đường thơ của Nguyễn Đức Sơn cũng không khác, Bùi Giáng đi đến chỗ bỡn cợt hồn nhiên như nhiên, Nguyễn Đức Sơn đi đến chỗ tục tĩu vô tư vô lự. Rõ ràng cả hai đều có khuynh hướng đi từ cái đẹp, cái trang nhã đến cái tầm thường, phàm tục. Người đọc không khỏi tiếc thương khi khuynh hướng ấy đã cướp đi những bài thơ hay mà đáng lẽ ra họ phải được thừa hưởng với tầm vóc của hai ông. Nhưng đó là sự lựa chọn của tác giả. Không phải ngẫu nhiên mà hai ông lại mang cả tài năng thiên bẩm của mình đi vào con đường “tăm tối” khác lạ với phần còn lại của thi giới đương thời.
 
Một nội dung đặc sắc không kém phần dung tục trong thơ Nguyễn Đức Sơn chính là cảnh vật tự nhiên, thiên nhiên. Thiên nhiên hóa thân thành đại gia đình của ông, từ các con: Thạch, Thảo, Thủy, Vân, Yên, Lão, Không, Phương Bối, Tiểu Khê tới bút hiệu ông Sơn Núi, Sao Trên Rừng - (Sương trên rào?); và như một dự báo tên của vợ chồng ông Nguyễn Đức Sơn - Nguyễn Thị Phượng cũng đã “an bài” theo tự nhiên. Nếu chỉ gọi tên không người ta sẽ tưởng đang miêu tả một vùng thiên nhiên.
 
Từ những tập thơ đầu, thiên nhiên đã tràn ngập trong thơ ông và với tình yêu lớn dành cho, ông đã thấy nhiều vẻ đẹp rất lạ của thiên nhiên:
 
“Nắng tà đã ngập lũng sầu
Bước nhanh tôi sợ ngày thâu ánh vàng
Giao mùa sớm lạnh thôn trang
Run run còn ngợ mấy hàng cây xanh”
                              (Cuối thu - Lời ru)
 
Với những người bình thường, khi trẻ hoặc khi tâm hồn thăng hoa họ mới tiếp xúc được với thiên nhiên, càng lớn tuổi người ta càng bộn bề đua chen với thế sự và đánh mất dần cảm thức đối với tự nhiên. Với Nguyễn Đức Sơn càng về già thiên nhiên trong thơ ông càng sống động, lung linh. Ông không còn mô tả thiên nhiên như những tập thơ đầu nữa, khi ông viết về thiên nhiên, ông dường như đã trở thành một thành phần của thiên nhiên được phản ánh trong những câu thơ ấy, như hòa quyện vào thiên nhiên. Tác giả xuất hiện trong hầu hết các sinh thể tự nhiên được phản ánh. Đó cũng là một điều khác lạ của Nguyễn Đức Sơn so sánh với phần đông nhà thơ còn lại khi viết về tự nhiên:
 
“những hàng cây mới lên xanh
sáo vương khi nắng đã thanh giữa mùa
chiều êm hơn cả gió lùa
tôi ra cuối bãi tôi đùa với trăng
tay choàng lên với môi hằn
tôi mơn gió lả tôi măn vú đồi
có hương có nhạc trên trời
tóc tôi se gió mắt ngời ánh sao
có con chim rủ tôi vào
ở trong giấc mộng tôi trao ái tình
ngày trong xanh nắng trong thanh
tôi ôm cỏ dại ấp tình thiên thu”
            (Trên rừng khuya - Lời ru)
 
Tình yêu của ông đối với thiên nhiên quá lớn. Chính tình yêu ấy là động lực đã phát minh ra những câu thơ rất hay và lạ, điều mà không thể được nhào ra từ sự suy tư:
 
 “Mù sương âm vọng tiếng huyền
Có con dơi lạ bay trên cõi đời”
                 (Mang mang - Lời ru)
 
Ông viết rất nhiều về trăng, nhưng nắng cũng được ông làm cho lung linh lên ngay trong cái khung cảnh nó được gọi tên. Nó như một sự phát hiện mới: nắng ray vàng, nắng lạnh, nắng lửng, nắng rụi, nắng thuở xưa…
 
“trăm năm bóng lửng qua thềm
Nhớ nhung gì buổi chiều êm biến rồi”
                            (Ngàn sau -  Lời ru)
 
Nhưng không chỉ có trăng và nắng, mọi hiện tượng thiên nhiên đều ngời lên khi thơ ông khẽ chạm vào. Sức sống với thiên nhiên trong thơ ông sâu, dài và mạnh, kéo từ tập này qua tập khác, từ lúc mới làm thơ đến khi không thể viết thành thơ được nữa.
 
Đọc thơ Nguyễn Đức Sơn dâm tục nhiều thật, thiên nhiên bàng bạc thật, nhưng chỉ thấy dâm tục và thiên nhiên xem ra chỉ thấy được sắc màu, thấy được hiện tượng bên ngoài chứ chưa thấy được gì, thấy được phần ngọn mà không thấy phần gốc, thấy được phần nổi mà không thấy được phần chìm. Có một thứ sâu kín và bàng bạc còn hơn cả nội dung dâm tục và tư nhiên trong thơ Nguyễn Đức Sơn, đó chính là ý thức siêu thoát. Ý thức siêu thoát ấy bắt nguồn từ cảm thức vô thường trước vũ trụ bao la.
 
Bất cứ nhà thơ nào có một cảm thức sâu sắc về vũ trụ nhân sinh đều có ý thức siêu thoát tiềm ẩn. Trần Tử Ngang cô độc giữa đất trời, Nguyễn Du buồn thê thảm trong “cõi ta bà” hay Huy Cận mang “chiếc linh hồn nhỏ” để ôm sầu “mang mang thiên cổ”. Cảm thức này trong Nguyễn Đức Sơn cũng lại xuất hiện, về bản chất cũng không khác mấy. Chưa từng thấy có một nhà thơ tầm vóc nào mà lại không có cái cảm thức này, một nhà tu hành chân chánh nào mà lại không có cái hụt hẫng trước không thời gian vô tận và mênh mông của tạo hóa.
 
“Không biết từ đâu ta đến đây
Mang mang trời thẳm đất xanh dày
Lớn lên mang nghiệp làm thi sĩ
Sống điêu linh rồi chết đọa đày”
                               (Hoài niệm)
 
“Tôi dòm đời khi tuổi sắp hai mươi
Nhìn trước nhìn sau thấy rõ ràng
Những người đi trước sầu đeo nặng
Những người đi sau sầu không tan”
                     (Bọt nước - Bọt nước)
 
“Mai sau này chỗ tôi nằm
Sao rơi lạnh lẽo âm thầm biển ru”
(Một mình nằm thở đủ kiểu trên bờ biển - Lời ru)
 
“Chiêm bao lớp lớp chập chờn
Về đâu cỏ mộ xanh dờn chân mây”
(Nửa đêm thức dậy hỏi con - Chút lời mệnh mông)
 
Ý thức siêu thoát của nhà thơ tiềm ẩn trong mọi câu thơ, mọi chủ đề. Có những chủ đề dường như đi ngược lại việc siêu thoát, nhưng chính nơi ấy vẫn chất ngất ý thức vượt thoát:
 
“Luận về không hay có
Đâu bằng nhìn cái mồng của em
Sắp ló”
     Cái mồng sắp ló - Tịnh khẩu)
 
Đừng vội thấy “cái mồng” mà cho là nó tục, dĩ nhiên là nó tục, nhưng không phải tục bình thường. Nếu không có sự quan tâm thì anh đâu cần mượn cái việc “Luận về không hay có” để làm đối tượng tương chiếu cho vế còn lại. Nếu lật ngược vấn đề, có thể thấy vấn đề trăn trở, quan tâm về không hay có, về chân lý của ông còn lớn hơn cả vấn đề dâm tục. Ông thể hiện ra như tận cùng đáy phàm tục nhưng chất liệu siêu thoát không giấu đi hết được và đó là điều làm cho tôi cảm thấy cần phải thanh lọc tâm hồn để tiếp xúc với thơ ông. Chúng ta đôi khi nói về chuyện tu hành mà tâm đầy danh lợi, người ta nói về các thứ dâm vọng mà tâm hồn tràn ngập ý hướng tu hành.
 
Người không có cảm thức về vô thường trước vũ trụ sẽ không có nhu cầu về sự vượt thoát. Với một nhà thơ mà cảm thức vô thường luôn thường trực, thì ý thức vượt thoát đã trở thành thể của thi ca. Đọc thơ Nguyễn Đức Sơn nếu chỉ thấy tục mà không thấy sự vượt thoát ẩn sau, nếu chỉ thấy thiên nhiên mà không thấy vẻ đẹp của đối tượng ẩn sau xem như chưa chạm được vào thể của thơ ông. Chẳng phải Nguyễn Đức Sơn từng phát biểu: “Đố ai không bảo tôi tục tĩu, dâm dục, bởi vì quả thật tôi có tục tĩu, dâm dục! Đó mới là chỗ chết, là cửa tử cho bao nhiêu bài thơ tức thở kia vì trót đụng tới CÀN KHÔN TỊCH MỊCH”. Ông còn có cả một bài thơ nói về cái tục trong thơ của mình:
 
“Rất nên nói thơ tôi dở nhất thế giới
Nhưng tuyệt đối chẳng thể nói thơ tôi tục tĩu
Mặc dù thơ tôi quả vô cùng tục tĩu
Đứa nào nói thơ tôi tục tĩu
Đéo mẹ nó ăn mồng què máu giặt đồ dơ
Còn mong chi cảm được chút nào thơ
Dù rằng tôi cũng ăn mồng què máu giặt đồ dơ”
                                          (Cửa tử - Tịnh khẩu)
 
Tác giả phát biểu như vậy là khá chính xác về tính chất thơ của ông (nói như vậy, vì đôi khi có tác giả cũng không nói đúng thơ mình - vì khi bình phẩm thơ thì nhà thơ cũng trở thành nhà phê bình thôi).
 
Thơ ông ngập tràn ý thức siêu thoát. Trong cái mạch sâu thẳm bất tận ấy, tục tĩu, dâm tục chỉ là đối tượng phù hợp nhất làm lằn ranh giữa hai bờ chân tục. Người có ngọn lửa về tham cầu lạc thú bao nhiêu người ấy sẽ lại là kẻ tìm cầu siêu thoát bấy nhiêu, không có động lực của dục lạc cũng sẽ không có động lực đi tìm cái “tịch diệt vi lạc”. Chính vì vậy, tôi thấy ông thanh khiết và cứu cánh ngay trong những vần thơ dâm tục và chính ông cũng nhận ra điều ấy. Tôi không có ý hướng đến ông như một nhà tu đạo, vì ông không cần cái đó, đường hướng ông đã khác:
 
“Mai kia có vợ con rồi
Cha không bắt buộc con ngồi con tu
Ba ngàn thế giới mịt mù
Kiếm đâu của cải nào bù gió trăng”
  (Gió trăng - Chút lời mênh mông)
 
Mõ chuông kinh kệ là phương tiện thì tại sao gió trăng không thể là phương tiện? Để lấy gió trăng làm phương tiện thay thế chuông mõ có khi những kẻ tu hành cần phải mất - ba chục kiếp - mới mong làm được.
 
Có nhiều người thường xuyên giảng kinh thuyết pháp, xưng tụng chân lý nhưng ta chẳng thấy họ có chút tu hành nào, ngược lại, có kẻ suốt ngày lông ngông như Bùi Giáng, dung tục như Nguyễn Đức Sơn, mà ý thức siêu thoát của họ tràn ngập trong mọi ngõ ngách của tư duy và đời sống.
 
“Mai kia cắp sách đến trường
Con nên học hỏi bình thường như ai
Trời sinh con dẫu có tài
Cũng không kéo được mộng dài thêm đâu
Một điều phải hiểu cho sâu
Trăm năm hai chữ vô cầu mà thôi”
         (Bài học đầu - Chút lời mênh mông)
 
Nguyễn Đức Sơn đã xây dựng nên một gia đình lạ lẫm vào thời kỳ trăm hoa đua nở ở miền Nam nước ta những năm trước 1975 và càng khó hiểu hơn với một xã hội như xã hội chúng ta hôm nay. Giáo dục gia đình của Nguyễn Đức Sơn không thành công theo chiều hướng khoa bảng thường tình nhưng thành công rực rỡ theo hướng “vô cầu”. Trong chuỗi dài sinh tử mang mang này, chúng ta chưa biết đường hướng nào là đúng hơn đường hướng nào?
 
Tục tĩu hay thiên nhiên đậm đặc trong thơ ông xét cho cùng chỉ là cái đối tượng để ông thể hiện cái “lửa và tịch mịch” tràn ngập trong hồn ông. Nếu chỉ là thiên nhiên, người ta dễ dàng sẽ bị những đối tượng thiên nhiên đẹp chi phối. Thiên nhiên bên ngoài chỉ là cái gợi để thiên nhiên trong hồn ông hiện hình, để nhựa sống lửa và tịch mịch của ông chảy vào, tan biến và hòa quyện vào. Nhờ ánh sáng lóe lên từ trực cảm khác thường, ông phát hiện vẻ đẹp ngay trong những thứ người ta cho là dơ nhất, thúi nhất.

“Cầu tiêu em ỉa quên chưa dội
Bãi cứt nhìn qua hiện đóa hồng”
 
Nguyễn Đức Sơn không cố gắng đưa kinh điển vào thi ca hay mượn thi ca để chuyển tải kinh điển. Với ông, chân lý phải được sinh ra một cách tự nhiên. Cái đó nó thường trực nơi ông lắm chứ không hề sáo rỗng. Càng đọc thơ ông ta càng thấy hay, thấy sâu và dường như không lột tả hết được, nếu có khẽ chạm vào thì đã là một cuộc hạnh ngộ rồi.
 
“Cứt” hay “nước đái” hay bất kì thứ gì đi chăng nữa thì cũng chỉ là một đối tượng không hơn không kém khi ý niệm phân biệt chưa kịp định danh cho nó, trong khoảng thời gian chưa được định danh ấy, nó là một đối tượng tròn đầy nhất, giống như “nó đang là”. Chính ngay chỗ ấy vẻ đẹp của đối tượng ngời lên trong trực cảm phi thường của nhà thơ. Có thể nhờ trực cảm phi thường ấy, trực cảm có thể kéo dài đối tượng chưa kịp định danh ấy, ông trở nên một nhà thơ khác biệt và là một tu sĩ vô danh tròn đầy.
 
Thơ của ông không phải là phương tiện thể nghiệm tư tưởng, mặc dù thơ ông có tư tưởng, nhưng tư tưởng và thơ là hai mặt sóng đôi tồn tại. Tư tưởng - thơ - đời sống của ông đã trở thành một.
 
“Trưa đứng một mình đợi ai lên
Đất trời đâu có dưới và trên
Đồi cao ổi sót rụng một trái
Dòi ăn một bên ta một bên”
(Cuối thu ở Phương Bối - Chút lời mênh mông)
 
Tư tưởng ấy đã là một trải nghiệm, một chứng nghiệm không còn là một thể nghiệm nữa.
 
“Con ngồi giỡn với bàn chân
Lật qua lật lại cũng ngần ấy thôi
Trời sinh đã có lâu rồi
Ngo ngoe trong bụng từ hồi hoài thai
Trăm năm lẩn quẩn hình hài
Cái tâm hư vọng ngả dài huyệt sâu”
(Huyệt sâu - Chút lời mênh mông)
 
“Khuya dậy hỏi đàn con nheo nhóc
Ở đâu mà lóc thóc tới đây”
(Nửa đêm thức dậy hỏi con - Chút lời mênh mông)
 
Người cha đứng trước đàn con mà chẳng khác một thiền sư trước đối tượng thiền quán!
 
Dâm tục và thiên nhiên là hai đối tượng nội dung rộng lớn bao phủ thơ Nguyễn Đức Sơn, nhưng mãi đến khi thơ ông hướng vào cái phàm tục, cái sinh hoạt bình thường thì khi ấy phẩm chất siêu thoát của thơ ông mới được thể hiện một cách đầy đủ. Cái đẹp mà ta phát hiện trong những hình tượng đẹp, cái đẹp ấy rất hạn hẹp, cái đẹp ấy sẽ giới hạn hình ảnh xấu không mang một vẻ đẹp. Cái đẹp được phát hiện trong mọi ngõ ngách, mọi đối tượng của đời sống kể cả cái phàm tục, cái xấu; cái đẹp đó mới là cái đẹp thực sự, cái đẹp trường cửu. Cái đẹp ấy vượt lên trên mọi ý niệm phân biệt của nhận thức vốn hẹp hòi.
 
Trong trường ca Mộng du trên đỉnh mùa xuân, điệp khúc: “Chúng tôi hằng tự tử để hằng hằng sống, chúng tôi tự tử để không chết”. Đó có thể xem là một tuyên ngôn về tư tưởng của Nguyễn Đức Sơn. Điều đó có vẻ như lạ nhưng thực ra rất hợp lý. Chúng ta sống nhưng không bao giờ tiếp xúc với sự sống, đó là chết. Cái gì làm cho chúng ta chết, chính là phiền não, ý niệm phân biệt, tri kiến làm rào cản, ngăn không cho ta có thể tiếp xúc trực tiếp đối tượng (nhận chân đối tượng như chính nó). Chúng ta cần phải luôn tự tử, tư tưởng của ta cần phải luôn được cởi bỏ, buông xả. Nếu không như vậy không bao giờ ta có thể sáng tạo ra cái được gọi là mới. Chúng ta tưởng sáng tạo ra cái mới, thực ra chúng ta đang nối tiếp chuỗi nhân quả của tri kiến đi trước, cái trước đẻ ra cái sau theo một cách thức có thể dự đoán được. Nguyễn Đức Sơn và Bùi Giáng theo tôi là số ít nhà thơ đã đi qua lằn ranh ấy, những nhà thơ “luôn luôn tự tử”. Chính phẩm chất ấy làm cho thơ của Bùi Giáng và Nguyễn Đức Sơn có tính đột biến, ngẫu hứng rất cao và dìu dắt khung trời nghệ thuật đi qua những đường mòn nhàm chán, những kĩ thuật sáng tác khuôn sáo. Bài thơ Nhắn mở đầu tập “Tịnh Khẩu”, và sau được chính tác giả lặp lại trong lời bạt có thể xem là một ví dụ điển hình:
 
“Đời sau có người thương ta
Từ lâu xuống lỗ làm ma mất rồi
Đường xa thôi miễn bồi hồi
Mả hoang nhảy đại lên ngồi đi cha”
 
Câu thơ cuối kì lạ ấy chứa đựng cả chân trời nghệ thuật và kĩ thuật thượng thừa đặc trưng của tác giả.
 
Cho nên, nếu đi vào tinh thể thi ca của những tác giả kiểu như Bùi Giáng hay Nguyễn Đức Sơn mà dùng tư duy phân tích hay kĩ thuật phê bình thuần túy, chúng ta sẽ chỉ thấy những đặc điểm của thi ca họ mà không thể chạm vào cái gọi là tinh thể của thi ca. Một nhà thơ bình thường thôi thì sáng tác của họ đã chứa đựng cả ý thức và vô thức, một nhà thơ kiểu như Nguyễn Đức Sơn, nó còn chứa đựng thêm cái “siêu thức” nữa. Siêu thức ở đây có thể hiểu là cảm thức trực cảm về đối tượng, nó đi ra khỏi sự hiểu biết của ngôn ngữ, nếu dùng ngôn ngữ để mổ xẻ phân tích thì chỉ thấy được cái vẻ ngoài, không thấy được cái bên trong. Do vậy, phân tích ở một góc cạnh nào đó là xâm phạm sự hiểu biết bằng hiểu biết. Chúng ta bắt buộc phải dùng ngôn ngữ để phân tích, cũng như nhà thơ phải dùng ngôn từ để chuyển tải thơ, nhưng những cái được dùng phải luôn luôn trong chiều hướng xả bỏ nó để không cản trở sự tiếp xúc vào tinh thể của thi ca vốn uyên nguyên như nguồn suối. Kĩ thuật làm thơ của Nguyễn Đức Sơn thượng thừa đến mức nó hòa quyện tan chảy vào thơ không còn dấu vết nữa. Nhưng cá nhân ông cũng không chú trọng điều đó lắm, vì ông biết được một kĩ thuật toàn diện hơn, đó là kĩ thuật để cho thơ tự lóe lên: “Đừng tưởng làm một bài thơ quá ngắn như vậy dễ đâu. Có thể có đứa nào khác cũng sắp được 3 chữ nguyên con đúng y như vậy, nhưng đó rành rành là đồ giả mà bất cứ ai có con mắt thơ phải nhận ra ngay tức khắc (Hột/Thì le). Đứa nào bắt chước đi đường tắt là tự vận. Bởi, dù nó bay ra trong đầu tôi không đầy một sát na, bài thơ ba chữ gồm duy nhất một danh từ và một động từ kia phải được hoàn thành ít ra từ trong ba chục kiếp rồi, nghĩa là tính đổ đồng mười kiếp làm được một chữ, chỉ một chữ mà thôi, dù thi sỹ là cái thằng phải ngộ trong nhấp nháy, phải làm (tôi nhấn mạnh chữ làm, đứa nào cãi, cãi chơi!)  toàn bộ thơ ca hàng chục ngàn bài của đời mình trong nhấp nháy.” Nguyễn Đức Sơn biết thế mạnh đó của mình, ông cảm nhận được bản thân mình hơn người khác, sự khác biệt này là tự nhiên với ông nhưng người ngoài nhìn vào hời hợt sẽ thấy như một sự lập dị.
 
Tôi thích thơ của Nguyễn Đức Sơn hơn là văn của ông. Văn của Nguyễn Đức Sơn như người thiếu nữ giỏi giang, quá hiểu biết, quá sâu sắc và cá tính nhưng nàng hay phát biểu về nàng làm cho tôi đôi lúc mệt mỏi và cảm nhận nàng theo chiều hướng nàng mong muốn. Trái lại thơ của Nguyễn Đức Sơn là một nàng thiếu nữ xinh đẹp, kỳ bí dị thường và đặc biệt nàng rất ít nói. Tôi thích nhất ở nàng đức tính ấy, vì khi đối diện với nàng, chúng tôi chỉ cần nhìn nhau thế là dâng hiến trọn niềm tin yêu và vẻ đẹp uyên nguyên tròn đầy. Tôi không bao giờ muốn nàng phát biểu, vì khi nàng phát biểu sẽ đánh mất sự uyên nguyên ấy và khiến tôi hiểu khập khiễng về nàng, tôi muốn giữ sự uyên nguyên ấy giữa tôi và nàng và nàng đã thật sự làm tôi rất hài lòng.
 
Tính chất thơ của Nguyễn Đức Sơn có thể xem là nàng thiếu nữ kỳ bí ít nói kia. Tác giả có kĩ thuật làm thơ thuộc vào hạng thượng thừa nhưng chẳng bao giờ bám vào đó, thậm chí có khuynh hướng xả bỏ những kĩ thuật (mặc dù rất nắm kĩ thuật) để tạo điều kiện cho những kĩ thuật khác của trực cảm, của vô thức tham gia vào sự sáng tạo. Nghệ thuật làm thơ của ông có mà như không, nhưng mà lại có. Cho nên khi bình luận về thơ Nguyễn Đức Sơn mà sử dụng nhiều quá những kĩ thuật phê bình, những kĩ năng viết lách, vô hình trung lại là điều cản trở để tiếp cận tinh thể thi ca ông. Người bình thơ chỉ có thể tiếp cận được những nội dung của thi ca ông, những sắc màu kì lạ của một hồn thơ họ cho là kì bí chứ không thể nào chạm vào được thể tính của thơ ông nếu họ vẫn giữ lối phê bình sáo mòn truyền thống, với một góc nhìn hạn hẹp về không gian và thời gian.
 
Trên nền tảng của nghệ thuật tưởng chừng không giống ai nhưng lại rất phù hợp với quy luật tự nhiên ấy đã nảy nở những vần thơ vượt xa thời đại của ông và của thời đại chúng ta. Tôi cho rằng, cùng với Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền (và có thể một vài tác giả khác nữa mà tôi chưa tiếp cận được), thơ Nguyễn Đức Sơn đã nâng tầm thơ ca Việt Nam vào những năm trước 1975 và đã tiếp cận được những nguồn mạch của thơ ca thế giới về cả tư tưởng và nghệ thuật như Tagore, Walt Whitman, Nguyễn Du hay thơ Haiku… Đây là những nhà thơ, những dòng thơ đã khẽ chạm vào đạo, một thứ đạo vừa do ánh sáng trí huệ của đạo Phật soi đường vừa do ánh sáng trực cảm thiên bẩm của chính họ mang lại. Hai thứ ánh sáng ấy có khi đồng hiện rồi chạm vào nhau, có khi cùng soi cho nhau để sáng hơn. Tôi nghĩ rằng, các nhà thơ bây giờ vẫn chưa vượt qua được các nhà thơ trên về phương diện tư tưởng và nghệ thuật thi ca. Đất nước chúng ta không công nhận, không xiển dương dòng thơ của Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền… là đã làm cho thơ ca Việt Nam chậm lại hơn nửa thế kỷ, và có thể còn chậm hơn nữa nếu nhận thức không rõ và không chịu thay đổi nhận thức.
 
Tập thơ “Chút lời mênh mông” này là công sức góp nhặt trân quý của nhà thư pháp Hồ Công Khanh và những người con của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, đặc biệt là anh Nguyễn Đức Yên, tập hợp những bài thơ chưa từng được in trong các tập thơ của tác giả. Đây là lần trở lại chính thức đầu tiên của Nguyễn Đức Sơn sau gần 50 năm tuyệt tích. Lần hội ngộ này, không phải là luồng sáng nhuần nhụy mà là những ngôi sao, những mảng màu chắp vá do tính chất tập hợp dàn trải ở nhiều nơi và nhiều khung thời gian sáng tác. Nhưng ánh dư quang phát ra từ một thiên thể ánh sáng cũng đủ làm hài lòng những người tò mò và cũng thể hiện được phẩm chất của tinh thể ánh sáng, nơi mà nó phát xuất.
 
                          Huệ Quang, những ngày đầu Hạ năm Kỷ Hợi, 2019
                                                    Thích Không Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét