Nguồn:
https://www.vinadia.org/hoi-ky-nguyen-dang-manh/hoi-ky-nguyen-dang-manh-nguyen-hong/
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh
Bài nghiên cứu văn học đầu tiên của tôi là bài viết về Nguyễn Hồng. Ấy là một chương trong giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, viết chung giữa Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm Vinh, xuất bản năm 1963.
Thỉnh thoảng tôi có gặp Nguyễn Hồng, thường ở trụ sở Hội nhà văn (65 – Nguyễn Du), đôi khi ở báo Văn Nghệ (17 Trần Quốc Toản).
Nguyễn Hồng cũng đến tôi mấy lần, khi ở nhà K2, khi ở nhà B2 khu tập thể cán bộ Đại học Sư phạm Hà Nội. Có lần ông ở cả ngày, ăn với gia đình tôi hai bữa cơm.
Trông bộ dạng Nguyễn Hồng, không ai nghĩ là một nhà văn. Mặt đen sạm, để râu dài. áo cánh màu xanh chàm, bốn túi, mũ lá, dép lốp xỏ cả hai quai hậu, đi xe đạp thiếu nhi Liên Xô, mất cả chắn xích lẫn chẵn bùn, đèo đằng sau một bị cói vừa đựng tài liệu, vừa đựng một chai rượu cuốc lủi, kèm theo mấy thanh giang chẻ lạt.
Lần thứ nhất, ông đến tìm tôi khi tôi ở khu nhà lá thuộc dãy nhà K2, chung quanh toàn là cán bộ giảng dạy văn học mà không ai biết dó là nhà văn Nguyên Hồng. Họ cứ nghĩ là một ông phụ huynh học sinh ở quê ra xin xỏ gì đó cho con đang học vợ tôi. Ông dắt xe vào khu nhà tập thể, hỏi thăm đúng vào thằng con tôi đang đá bóng ở đầu dãy nhà. Nó không thèm dẫn ông về nhà, mà cứ đứng từ xa chỉ chỏ.
Nhưng nghe chị Ngọc Trai nói về Nguyên Hồng mới thật thương. Ngọc Trai từng ở với Nguyên Hồng trong một lớp bồi dưỡng nhà văn tại Quảng Bá. Ấy là lớp học của một số cây bút trẻ chuẩn bị đi B. Ngọc Trai phụ trách quản trị. Nguyên Hồng phụ trách chuyên môn. Học viên đi B được hưởng tiêu chuẩn ăn cao hơn. Ngọc Trai và Nguyên Hồng không đi B nên không được hưởng tiêu chuẩn ấy. Vì thế ăn chung một chế độ, Ngọc Trai và Nguyên Hồng phải góp thêm tiền. Nguyên Hồng quyết định ăn nửa suất cơm. Ngọc Trai khuyên thế nào cũng không nghe.
Bữa ăn, học trò thương thày cứ chia cho Nguyên Hồng cả suất như mọi người. Nguyên Hồng không bằng lòng: “Lại có đứa nào ăn gian đây! Tao có nửa suất mà sao lại như mọi người?” Ngọc Trai bàn hai người ăn chung, Nguyên Hồng không nghe. Nguyên Hồng rất đạo đức và gương mẫu. Sáng dạy ông tập thể dục. Cũng đeo gạch vào balô chạy, rồi tập đi. Ngọc Trai khuyên không nghe.
Nguyên Hồng đi liên hệ công tác với Vụ Tổ chức Trung ương. Ngọc Trai đề nghị liên hệ ôtô. Nguyên Hồng cũng không nghe, cứ đi xe đạp, vì cho là gần, ngay Bách Thảo thôi mà. Còn người ta coi thường vì có vẻ lúi xùi thì không lo. Ông nói: “Khinh trọng là do nhân cách của mình chứ!”
Nguyên Hồng đi xe đạp cùng Ngọc Trai. Buồn cười lắm. Xe không có chuông. ông vừa đi vừa hô bọn trẻ con trên đường: các cháu cho bác đi nhờ nào, xe đạp đây!… cứ thế suốt dọc đường.
Nguyễn Tuân rất bực với Nguyên Hồng: “Này sao anh lại tự làm khổ mình như vậy, anh có đến nỗi nào!”. Nguyên Hồng nói: “Anh khác, tôi khác, tôi làm sao giống như anh được! Người ta có số cả. Số tôi nó thế!”
Có lẽ số Nguyên Hồng thế thật. Sống cũng khổ, chết cũng khổ.
Khi Nguyên Hồng chết, nhà còn có năm bơ gạo, một con gà nhỏ. Trong túi còn đúng 20 đồng. Hàng xóm cho vay cỗ quan tài. Nguyên Ngọc báo anh em lên đưa ma, nói, Nguyên Hồng nghèo lắm đấy, không có gì thết đãi đâu. Chưa làm điếu văn vội, Nguyên Ngọc trước hết lo chạy lên tỉnh, lên huyện, lên đảng uỷ xã bàn với họ cho tiền, cho lợn, cho gạo để làm ma. Hôm đưa ma Nguyên Hồng, tôi không lên được. Ngô Thảo có tả quang cảnh đám ma thật là tội nghiệp: xe tang từ trên đồi đi xuống dốc, phải hò nhau đẩy trở lại làm phanh. Phường kèn toàn là thương binh cụt tay cụt chân (phải là thương binh mới được vào hội kèn, ăn công điểm của hợp tác xã).
Nguyên Hồng có người con cả là Hồng Hà (Nguyên Hồng sinh Hồng Hà khi gia đình ông ở bãi Phúc Xá, bờ sông Hồng) dạy tiếng Anh ở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, cũng ở gần khu nhà ở của cán bộ khoa Văn Đại học sư phạm chúng tôi. Một lần biết ông đang ở chỗ Hồng Hà, tôi đến thăm. Không thể tưởng tượng được nhà ở của một cán bộ giảng dạy đại học mà lại khốn khổ đến thế. Như một cái lều vịt, dựng trên một bãi rác, sau lưng là một dãy nhà xí, cái nào cũng mất cửa.
Nguyên Hồng đang ngồi uống rượu. ông nhắm rượu với một đĩa rau củ cải luộc (ngọn rau, lá rau chứ không phải củ cải). Vậy mà ông cũng nhắm nháp ra vẻ đắc ý lắm. Nguyễn Đình Thi còn nói với tôi, có lần còn bắt gặp ông nhắm rượu với cơm nguội. ấy là cái hồi ông phụ trách trại bồi dưỡng nhà văn trẻ ở Quảng Bá – người ta thường gọi đùa là ông Đốc Hồng. Ông dặn mọi người, sau 10 giờ tối, ông đóng cửa phòng, làm việc riêng, không tiếp khách. Hôm ấy, Nguyễn Đình Thi có việc gì đó khẩn cấp cần gặp ông. Anh đẩy cửa phòng Nguyên Hồng sau 10 giờ tối, thấy ông đang nhắm rượu với cơm nguội. Nguyễn Đình Thi cười: “Đấy, nhà văn Việt Nam ăn chơi như thế đấy!”
Trở lại chuyện tôi đến thăm Nguyên Hồng ở nhà Hồng Hà.
Ông nói: “Chỗ này giống hệt như nơi ngày xưa tôi viết Bỉ vỏ”. Chỗ viết Bỉ vỏ như thế nào? – Đây, ông viết trong lời Tựa cuốn tiểu thuyết: “Bỉ vỏ đã viết xong trên một cái bàn kê bên khung cửa trông ra vũng nước đen ngầu bọt của một bãi đất lấp dở dang và một chuồng lợn ngập ngụa phân tro. Bỉ vỏ đã viết xong trong một căn nhà cứ đến chập tối là ran lên tiếng muỗi và tiếng trẻ con khóc…”
Trò chuyện với Nguyên Hồng, tôi mới biết ông bị tù từ tuổi thiếu niên. Ông có một người chú dượng thường ức hiếp, hành hạ vợ, tức là một bà cô của ông. Ông tức quá, rút dao đâm ông này và bị đưa đi trại cải tạo trẻ con hư (đâu như ở Bắc Giang).
Lần thứ hai ông bị tù vì tham gia phong trào thanh niên dân chủ của Đảng cộng sản cuối thời kỳ mặt trận dân chủ Đông Dương (1936 – 1939) ông bị bắt về tội tàng trữ tài liệu cộng sản, giam ở Căng Bắc Mê, Hà Giang.
Không phải ngẫu nhiên mà ông hay viết về nhà tù: Bà Vỷ, Khói ken nếp và xà lim, phóng sự Tù trẻ con, Tù đàn bà, Tiểu thuyết Bỉ vỏ, Cơn bão đã đến…
Thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, Nguyên Hồng rất hăng hái hoạt động. Ông cùng Như Phong tích cực viết cho các báo chí tiến bộ như Thế giới, Mới, Người mới. Rất phục những chiến sĩ cộng sản trong nhóm Tin tức, muốn sáng tác theo khuynh hướng tả thực xã hội chủ nghĩa. Sau khi viết Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, ông có vị trí khá nổi nên có quan hệ với Mười Cúc, Nguyễn Thiện Chân. Lê Quang Hoà, Bùi Vũ Trụ… Ông say mê đọc Le Travail, Rasssemblement, Bạn dân, Thời thế. Đọc Gorki, L.Tolstoi, La Resurrection, Voyage à Moscou của Henri Barbusse, sách của Hải Triều viết về ba nhà văn cách mạng. Đọc Ngục Kontum của Lê Văn Hiến, Một ngày ngàn thu của Tôn Quang Phiệt… Rất mê Tuyên ngôn của Đảng cộng sản (b) Liên Xô. Ngày 1.5.1938, ông đi nghe Trần Huy Liệu diễn thuyết ở Đấu Xảo. Phan Bôi có mở một lớp Mác xit, ông có dự cùng với Trần Quang Huy, Đào Duy Kỳ, Nguyễn Hữu Dụng, Thành Ngọc Quảng, Nguyễn Thường Khanh, Như Phong, Đào Văn Trường, Trần Đình Chi. Lớp mở ở Phạm Phú Thứ. ông nói, nghe giảng chán bỏ mẹ, đọc sách thú hơn. Ông nhớ có đọc một cuốn sách vẽ Gorki như con gà ủ các nhà văn trẻ…
Lúc ấy ông tự coi mình đích thực là cộng sản rồi. Ông quyết chuyển đề tài viết về giai cấp vô sản. Ông viết về công nhân, về thợ mỏ, về phu đồn điển: Một quả đấm, Đến cây số 13, Người đàn bà Tầu, Đẹp, Những giọt sữa…Ông đi vào mỏ Vàng Danh và viết Thanh niên trong bụi đen… Tinh thần lúc ấy hết sức lạc quan tin tưởng. Ông viết Nắng mới (Đăng trên báo Người mới) với tinh thần ấy.
Năm 1939, thực dân bắt đầu khủng bố.
Tháng 9 – 1939, ông bị bắt. Lý do: tàng trữ tài liệu cộng sản. Đó là cuốn Tự chỉ trích của Nguyễn Văn Cừ. Lúc bị bắt, ông đọc câu thơ Tố Hữu và rất lấy làm tự hào:
Tôi sẽ cười như kẻ sẵn lòng tin
Giữ trinh bặch linh hồn trong bụi bẩn.
Ở Căng Bắc Mê, Tô Hiệu mở lớp huấn luyện về lý luận. Dự lớp có Tô Quang Đẩu, Ngô Minh Loan, Hồ đen, Trần Các, Tô Dĩ, Phan Bôi, Xuân Thuỷ, Nguyên Hồng. Ông nói, chúng tôi hát rất hồn nhiên, rất say sưa, say lý tưởng, sống cứ như trong mơ…
Trong tù có những hình ảnh rất đẹp. Ông nhớ hình ảnh chị Bùi Đình Đổng bụng chửa, ung dung vào xà lim với chồng, dắt theo đứa con lên ba. Đẹp nhất là hình ảnh Tô Hiệu, áo cổ lọ, mũ nồi, ngực dẹt, tiếng khàn khàn vì bị tra tấn, làm việc say mê chuẩn bị cho lớp huấn luyện. Ai dự lớp huấn luyện coi như không được tha.
Trong tù, có tin Liên Xô ký hiệp ước với Đức. Lúc ấy, vấn đề đặt ra là: Lý tưởng và lòng tin? Không có lòng tin thì làm sao chống lại được sức mạnh của đế quốc hết sức ghê gớm lúc bấy giờ.
Nhưng nghe Tô Hiệu giảng bài, sức thuyết phục còn hơn cả sách vở. Cái feu, cái ánh sáng ở con người Tô Hiệu rất thuyết phục! Lớp học mỗi ngày giảng ba buổi. Giờ khác thì soạn bài, ghi trên giấy cuốn thuốc lá, thuốc lào, giấy gói bánh khảo. Tô Hiệu viết từ 9 giờ tối đến 2 giờ đêm… Sáng đi làm cỏ vê thì chuyển tài liệu cho các trại.
Vợ chồng Bùi Đình Đổng và Tô Hiệu, sau này được Nguyên Hồng dùng làm nguyên mẫu cho mấy nhân vật cách mạng của ông trong bộ tiểu thuyết Cửa biển.
Ở tù ra, Nguyên Hồng lấy vợ. Chả quen biết gì nhau đâu, chỉ nhờ mối lái mà lấy nhau. Đám cưới không có chú rể. Người ta đưa dâu về nhà chồng ở xóm Cấm, Hải Phòng, nhưng chú rể, tuy đã ra tù, vẫn phải chịu chế độ quản thúc ở Nam Định.
***
Nguyên Hồng rất giầu tình cảm, rất dễ xúc động, hay khóc. Các con hay cười bố về chuyện này. Mẹ ông chết năm 1973, ông thương khóc như mưa như gió, dữ dội quá, làm cho vợ ông sợ quá, phát ốm. Lúc sống, mẹ con hay gắt nhau, thế mà lúc chết thì khóc như thế. Hôm tôi lên Nhã Nam ăn một trăm ngày Nguyên Hồng, bà Nguyên Hồng nói với tôi như vậy.
Ông Hoài Thanh cho biết, Nguyên Hồng có lúc đang nói trên diễn đàn hội nghị, bỗng dừng lại: “Các đồng chí cho tôi khóc một lúc đã”.
Hoài Thanh có vẻ nghi ngờ sự chân thật của Nguyên Hồng, vì thấy có một cái gì không bình thường trong cách biểu hiện cảm xúc của ông. Thực ra chính vì ông có một trái tim khác thường – một trái tim lớn. Cho nên trong suốt cuộc kháng chiến 9 năm, đi đâu ông cũng cõng balô tập bản thảo tiểu thuyết Sống mòn dày cộp của Nam Cao. Mùa hè ông có thể ngồi quạt cho các bạn bè ngồi viết văn. Trước cái chết oan ức và vô cùng thảm khốc của Lan Khai, ông gửi cho vợ Lan Khai những dòng chữ như viết bằng máu:
Sống lầm than, chết cũng lầm than
Viết mọi rợ, chết vì mọi rợ.
Một ngọn đèn xanh, hai dòng lệ đỏ…
Kim Lân còn chứng kiến Nguyên Hồng vừa viết văn vừa khóc. Khóc nức nở. Vừa đấm lưng vừa khóc. Thương cả nhân vật do mình hư cấu ra. Trong Cửa biển, có nhân vật tên là Gái Đen, phu bến tầu Hải Phòng. Người rất tốt, gia đình có truyền thống yêu nước, nhưng lấy nhầm phải một thằng phản bội cách mạng, có mang với nó. Đau khổ quá, lúc trở dạ đẻ, cô quằn quại, vật vã, đẻ xong thì chết. Ngồi viết ở Đồi Cháy, Nhã nam, đến chỗ Gái Đen chết, ông vừa khóc vừa chạy xuống bếp, nói với cô con gái đang nấu cơm: “Con ơi, Gái Đen chết rồi!”. Hôm ở trụ sở báo Văn nghệ, thuật lại chuyện này, ông cũng khóc.
Nói chuyện với ông, tôi rất ngại. Vì ông khóc mà mình chẳng thấy xúc động gì cả, y như thằng không có tình cảm. Mà nhìn người đàn ông râu ria ngồi khóc, trông rất tội.
Giầu lòng thương người nên Nguyên Hồng quan niệm chủ nghĩa hiện thực không tách rời tình cảm đối với nhân dân lao động. Cho nên ông không thoả mãn với chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng.
Ông không thích Mạnh Phú Tư, Tô Hoài, cho là nhạt, không có tâm huyết, thiếu tình người. Ông thích Hồ DZếnh, đánh giá cao Am cu li xe của Thanh Tịnh là vì thế. Nguyên Hồng cho tả thực xã hội (hồi ấy người ta không nói hiện thực mà nói tả thực) phải gắn bó với người lao động nghèo khổ, yêu thương và có trách nhiệm với người cùng khổ. Vì thế, ông cho Nguyễn Công Hoan không phải là tả thực. Cũng vì thế mà trong thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương, chịu ảnh hưởng của phong trào cộng sản, ông bắt ngay lấy học thuyết giai cấp. Ông tự thấy không phải không có tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, nhưng say giai cấp hơn. Đây là chỗ khác với phần lớn các cây bút tiểu tư sản đương thời. Họ nhậy cảm với vấn đề dân tộc, còn chuyện giai cấp thì rất khó “vào”.
Nguyên Hồng thì say giai cấp. Ông viết Người đàn bà Tầu (1939), ca ngợi tinh thần quốc tế của giai cấp vô sản.
Người đàn bà Tầu, ông coi đấy là một bước rẽ của mình về tư tưởng và nghệ thuật.
Nhưng cũng là bước rẽ vào nhà tù – ông nói với tôi như vậy.
***
Lần thứ hai, Nguyên Hồng tìm đến tôi, khi gia đình tôi đã chuyển lên ở nhà B2, tầng năm. Lần này ông ở lại với gia đình tôi cả ngày
Thông thường người uống rượu, thích thuốc lá, trà tầu. Nguyên Hồng đi đâu cũng xách theo chai rượu, nhưng không hút thuốc lá, uống trà tầu. Trời nóng ông chỉ xin một cốc nước lạnh.
Hôm ấy đứa con gái tôi mới học lớp một. Nó đi học về, phàn nàn là cô giáo bắt làm một bài tập kể tên các loài chim có ích. Nguyên Hồng đã gợi ý giúp nó làm bài tập ấy.
Tôi nhớ lần gặp ấy, Nguyên Hồng có nói một câu mới nghe có vẻ vô lý, nhưng nghiệm ra thấy rất đúng: “Thày giáo Mạnh này, bọn văn xuôi chúng tôi rất dại, chỉ có bọn làm thơ là khôn”.
Sự thật quả có thế. Mấy ông văn xuôi thường hay bị đánh: Nguyễn Tuân (Phở, Tình rừng, Tờ hoa…), Nguyên Hồng (Con hổ ở Suối Cát), Nguyễn Huy Tưởng (Một ngày chủ nhật), Tô Hoài (Mười năm, Dế mèn phiêu lưu ký), Nguyễn Thành Long (Cái gốc), Nguyễn Khải (Đối mặt), rồi Phùng Quán, Trần Dần, Nguyên Ngọc, Nguyễn Dậu, Hà Minh Tuân… Còn bọn làm thơ, phần lớn là quan chức cao cấp, được Đảng tín nhiệm: Tố Hữu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi. Thế hệ sau là Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Khoa Điềm, Trần Đăng Khoa… Tất nhiên có ngoại lệ, nhưng không nhiều. Phần lớn đúng như Nguyên Hồng nói.
Trong hoàn cảnh của chính thể ta, tôi cho Nguyên Hồng là người cứng cỏi hơn cả, bản lĩnh hơn cả. Hồi anh Nguyễn Đình Nghi đến thăm tôi, tôi có tặng anh cuốn Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, trong đó có bài Nguyễn Đình Thi như tôi biết. Ở bài này, tôi có ý chê Nguyễn Đình Thi thiếu dũng khí. Nguyễn Đình Nghi đọc sách và phôn cho tôi, ý nói nên thông cảm với giới văn nghệ dưới chính thể này. Anh nói, anh là con ông Thế Lữ, nên được tiếp xúc nhiều với giới nhà văn. Anh biết, chẳng ai có dũng khí được đâu, kể cả Phan Khôi, Nguyễn Tuân.
Đúng thế thật. Nguyễn Tuân vẫn được tiếng là ngang bướng, vậy mà tôi nghe nói, có lần ông vừa uống rượu vừa khóc: “Tôi được như thế này là vì biết sợ”.
Nguyên Hồng không sợ. Hồi ông phụ trách thư ký toà soạn tuần báo Văn, tờ báo bị quy là Nhân Văn ngóc đầu dậy, ông không chịu, không cho mình là sai. Ông từ chối kiểm thảo, từ chối đi thực tế cải tạo tư tưởng, trong khi hầu hết đều tự kiểm thảo và đi thực tế: Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Khải, Tô Hoài đi Tây Bắc, Điện Biên, Huy Cận đi vùng mỏ, Đào Vũ đi nông thôn…v.v
Nguyên Hồng không đi. Ông khinh tuốt, cho tất cả chúng nó đều hèn. “Tao đéo chơi với chúng mày nữa” – ông tuyên bố thế và bỏ ra ngoài biên chế, đưa cả gia đình lên Nhã Nam, trở lại Đồi Cháy, nơi ông sơ tán thời khángchiến chống Pháp. Ông đã phải trả giá rất đắt cho thái độ cứng cỏi này. Đang có nhà cửa, việc làm ở Hà Nội mà lại bỏ đi như thế, ở thời bao cấp, là một hành vi hết sức dũng cảm, thậm chí liều lĩnh. Lên Nhã Nam, một phiếu gạo của ông (13 cân rưỡi) nuôi 9 người: một vợ và 7 con bé lắt nhắt. Lại còn mẹ ông nữa lúc ấy còn sống. Đói theo nghĩa đen! Vợ đi chăn bò cho hợp tác xã, mùa đông phải gặm một con cá mắm khô cho đỡ rét. Các con thì mò cua bắt ốc. Ăn ngô ăn khoai thay cơm.
Hôm cúng 100 ngày Nguyên Hồng (Nguyên Hồng mất ngày 2.5.1982, một trăm ngày là 10.8.1982), tôi có lên dự cùng với Nguyễn Xuân Sanh và Vương Trí Nhàn.
Này đây là Đồi Cháy, ấp Cầu Đen đây. Nơi từng hội tụ một số gia đình văn nghệ sĩ thời kháng chiến chống Pháp: Ngô Tất Tố, Kim Lân, Nguyên Hồng, Tạ Thúc Bình, Trần Văn Cẩn. Ngày xưa không biết quang cảnh thế nào, còn giờ đây chỉ có căn nhà của Nguyên Hồng. Nhà lợp ngói, tường đất (gọi là tường trình). Một cái bếp. Trên chái nhà thấy còn treo một cái bàn thấp, nhỏ, gỗ tạp, giống như một cái kỷ nhưng rất thô sơ. Nguyên Hồng thường đặt bàn lên giường ngồi viết, hoặc đem ra gốc cây khế góc sân, giải chiếu ngồi làm việc.
Khoảng 9, 10 giờ sáng ngày 2.5.1982 – bà Hồng kể – Nguyên Hồng đang làm việc ở gốc khế, xoay ra vác đất đắp vào chân tường nhà bếp. Tường xi măng mà không có móng, sợ chuột đào đổ, nên phải đắp đất cho vững. Bà Hồng bảo thuê thợ, ông không nghe. Trời mưa lất phất. Ông thấy mệt, giải chiếu nằm nghỉ ở bờ tre. Bà Hồng dìu về nhà ngang, sau lên nhà trên. Ông tắt thở khoảng 2 giờ chiều. Trước khi chết chỉ đập đập tay xuống giường có vẻ bực bội, nói với vợ, gọi cho Hội nhà văn. Bà Hồng thở dài “Ông ấy cả đời chả bao giờ được sướng. Uống rượu chả có gì nhắm cũng khề khà. Trông dáng dấp như anh cu li xe ngồi nhắm rượu ở vỉa hè. Túng thiếu thế, nhưng có tiền (tiền sách) là cúng ngay cho xã để xây dựng trường học (300 đồng)”.
Tôi thấy trong nhà có một cái tủ ọp ẹp, không có khoá, mở ra thấy chất đầy bản thảo của Nguyên Hồng. Tôi tìm thấy một cuốn nhật ký. Đọc mấy trang, thấy hoàn cảnh gia đình Nguyên Hồng hồi ấy thật bi đát. Tôi có ghi được mấy đoạn:
21.4.1968. Nhà tôi đi lĩnh ngô về thì bị hen. Tôi lại phải làm cơm…
24.4.1968. Sáng tôi đi chợ Nhã Nam mua dây khoai cho lợn ăn bữa cuối cùng. Khoai lang bán 11 đồng một gánh, tôi không dám mưa. Mua thêm chục mớ rau muống để về cấy. Tôi đến hàng chị Lương xem ra làm sao, nhưng không mua được gì cả. Tôi đã bắt đầu viết bản thảo ba “Đôi chim tan lạc và anh bộ đội”.
26.4.1968. Tôi sang huyện. Mua đôi dép cho Thư 5đ5 và bé Diệu cái bàn chải đánh răng. Xin mua được 3 thếp giấy và 2 cân dầu.
28.4.1968. Nhà tôi trả trâu. Cái Nhã cắt cỏ, cái Thế đi chăn lần cuối cùng: “Trâu ơi! Tao giả mày, tao nhớ mày lắm!”. Nó tần ngần mãi khi đưa trạc cho cái Hạnh.
Mẹ tôi đi xin cơm cho con mèo mướp. Vợ tôi nhá ngô cho các gà con. Tôi giằm ngô, những hột nở mềm nhất cho mèo ăn.
Chủ nhật trống rỗng. Bầu Hội đồng nhân dân tỉnh. Nhã bắt được 40 con cua. Nhã nấu canh cua với rau khoai lang. Tôi nhắm rượu với mấy con cua con xào tỏi… Thư, Nhã làm đất trồng rau dền. Bãi rau muống đã hái được.
29.4.1968. Cái Diệu khoe “Nhà cái Quỳnh sắp nhịn đói, nhà ta nhịn đói đã từ lâu rồi!”. Hôm nhà tôi ốm, nó cũng khoe với các bạn Quỳnh, Các:“Bu tao sắp chết rồi!”
Nhà tôi rên lên: “Phải, tao sắp chết rồi đây”
Tình cảnh Nguyên Hồng như thế mà không ai dám cứu. Hội nhà văn, Tỉnh uỷ Bắc Giang, Hội Văn nghệ Hải Phòng đều sợ, không dám hỏi han gì đến.
Nhưng hoàn cảnh như thế mà Nguyên Hồng vẫn viết, hết Cửa biển (4 tập, mỗi tập 500 trang) lại Núi rừng Yên Thế. Lao động như thế, ăn uống như thế, ông sống được đến ngoài 60 tuổi kể cũng giỏi!.
Bản lĩnh Nguyên Hồng như thế nên Nguyễn Tuân rất phục. Khi Nguyên Hồng mất, người ta làm lễ viếng ở 51 Trần Hưng Đạo. Nguyễn Tuân phát biểu, vừa nói vừa khóc. Ông còn nói với chị Ngọc Trai: “Người ta cứ bảo tôi bướng, chứ tôi bướng sao bằng Nguyên Hồng!”
Chính trong lễ viếng Nguyên Hồng hôm ấy, chị Lê Minh, phụ trách mục Văn nghệ trên báo Nhân dân, đặt tôi viết một bài về Nguyên Hồng. Tôi viết một hơi bài Thương tiếc nhà văn Nguyên Hồng, lấy chuyện mau nước mắt của ông làm lời kết: “Bây giờ nằm dưới ba thước đất, nguồn nước mắt ấy liệu có bao giờ khô cạn được chăng?”.
***
Nguyên Hồng, trong sinh hoạt, có nhiều cái hết sức nhếch nhác. Xem Cát bụi chân ai của Tô Hoài thì đủ rõ. Nhưng có lẽ chưa bao giờ ông lâm vào tình trạng nhục nhã, ê chề như trường hợp kể sau đây.
Tôi có một anh bạn thân tên là Trần Văn Lộc. Lâu ngày quá, giờ tôi không còn nhớ đã quen Lộc trong trường hợp nào và từ bao giờ.
Hồi xưa anh học Sư phạm trung cấp ở Khu học xá Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc). Sau lại về học tiếp ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Có một hồi không hiểu sao anh lại tự sát nhưng cứu được. Tôi đến thăm anh ở bệnh viện, anh ôm lấy tôi khóc ồ ồ, rất tội.
Trần Văn Lộc là em ruột Trần Văn Nhung. Hồi Nhật đảo chính Pháp ở Hà Nội (9.3.1945), Trần Văn Nhung theo Nhật đánh Pháp và bị tử thương.
Thời gian học ở khu học xá Nam Ninh, Lộc bị bệnh sa ruột (gọi là sa đì) phải vào chữa ở bệnh viện Nam Ninh. Đúng lúc ấy, Nguyên Hồng cũng sang điều trị tại đấy, và cũng bị bệnh ấy. Bị bệnh này thì phải giải phẫu. Giải phẫu thì phải làm vệ sinh cẩn thận, trước hết phải cạo hết lông ở quanh dương vật rồi bôi thuốc sát trùng.
Nguyên Hồng lên bàn mổ trước. Mấy cô y tá Trung Quốc trẻ trung, hồng hào, trắng trẻo, làm công việc này một cách rất tỉ mỉ, cẩn thận, nên kéo dài rất lâu. Nguyên Hồng hoảng quá. Phải làm sao át đi những ý nghĩ bậy bạ. Ông bèn nghĩ đến đất nước đang có chiến tranh, khói lửa mịt mù, nhân dân cực khổ. Nhưng không sao át được. Cái ấy dần dần cương lên. Nhưng cô y tá cứ tiếp tục công việc một cách tỉ mỉ kỹ lưỡng. Cuối cùng một việc “quốc sỉ” đã xẩy ra, nó vọt vào áo của cô y tá. Cô gái cứ coi như không có chuyện gì, thản nhiên lau chùi đi và tiếp tục công việc của mình.
Giải phẫu xong, Nguyên Hồng về phòng, kể nỗi nhục nhã này với Trần Văn Lộc.
Lộc sợ quá, vội buông màn, tự làm vệ sinh trước.
Con người này quá giầu xúc cảm, lại giầu tưởng tượng. Xuân Diệu nói Nguyên Hồng có năng khiếu của một nhà văn lớn là thế.
Nhưng lý trí yếu, không làm chủ được. Nguyên Hồng có 7 con. Vợ cứ đẻ sòn sòn. Xuân Diệu thì rất ghét người đẻ nhiều, vô kế hoạch. Đi đâu ông cũng tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch. Ông bực với Nguyên Hồng: “Sao đẻ nhiều thế?”. Nguyên Hồng có câu trả lời rất lạ: “Vì vợ tôi nó xấu”.
Xuân Diệu kể với tôi chuyện này, và nói anh không hiểu được ý nó muốn nói gì.
Tôi nghĩ chắc là không làm chủ được cảm xúc, không làm chủ được bản năng thế thôi.
***
Nhưng Nguyên Hồng có mấy ông con thật không ra gì. Luôn oán bố. Bố chết rồi vẫn thù oán. Tô Hoài nói với tôi như vậy. Đang yên đang lành ở Hà Nội, đùng đùng đưa cả nhà lên cái quả đồi sỏi đá heo hút, khiến vợ con đói khát, phải mò cua bắt ốc, ăn khoai ăn sắn. Nhưng bố chết rồi vẫn còn thù oán thì quá tệ. Mà cái lý do ông bỏ biên chế, bỏ Hà Nội, phải nói là rất đáng phục chứ!
Hồi Hải Phòng tổ chức một cuộc hội thảo về Nguyên Hồng nhân ngày giỗ đầu của ông (Nguyên Hồng vốn là chủ tịch Hội Văn nghệ Hải Phòng), người ta cho xe đón Hồng Hà (anh con cả của Nguyên Hồng) đi dự. Anh ta không đi.
Vào khoảng 1986, 1987, tôi có biên soạn cuốn Nguyên Hồng, con người và sự nghiệp. Tôi nói với Hồng Hà về bảo mẹ kể lại những kỉ niệm về bố rồi viết lại cho tôi một bài để đưa vào tập sách. Anh ta không làm.
Thế mà sinh thời, Nguyên Hồng từng làm một bài thơ dài rất thống thiết: “Hồng Hà, con ơi!”
Tôi lo lắng cho cái tủ không khoá ở Nhã Nam dựng các bản thảo, nhật kí của Nguyên Hồng, nay có còn không?
Nguyên Hồng còn có một người con trai khác tên là Giang vẫn ở Nhã Nam. Hôm tôi lên thăm mộ Nguyên Hồng, có gặp Giang. Anh ta không nói gì về sự nghiệp của bố mà cứ khuyên tôi nghiên cứu Tản Đà. Mà cứ nói đi nói lại mấy lần. Trong khi đó, chưa có ai sưu tầm tài liệu để làm Toàn tập Nguyên Hồng.
Đúng là Nguyên Hồng chết rồi vẫn khổ!
Láng Hạ, 30.12.2007
Nguyễn Đăng Mạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét