Trước tiên, tôi xin thưa với quý độc giả: mãi đến giáp Tết năm con rồng 2024, lần đầu tiên tôi mới được nghe nhạc phẩm “Mùa Xuân Đầu Tiên” của cố nhạc sĩ Văn Cao. Tôi lặng người nghe bài nhạc điệu Valse dịu dàng, nhẹ nhàng, đằm thắm, với những lời ca mộc mạc, mô tả khung cảnh Xuân về hết sức bình dị, gần gũi, ngập tràn hy vọng, mơ ước của Ông về một “mùa Xuân đầu tiên” thanh bình cho quê hương.
Tôi nhạc nhiên quá đỗi, tự trách mình sao không hề biết bản nhạc này, nên tò mò tìm hiểu thêm. À, thì ra là thế! Ông đã sáng tác bài nhạc đó vào giáp Tết Bính Thìn (1976). Đây là ca khúc đầu tiên ông sáng tác lại sau 20 năm, kể từ khi ông bị trù dập vì tham gia vào nhóm Nhân Văn Giai Phẩm (1955-1958). Chưa hết, con số 20 năm dường như là cái “huông” của bản nhạc ấy, vì phải cần gần 20 năm sau (1995), ca khúc ấy mới được phổ biến rộng rãi!
(Mà cuối năm 78 tôi đã vượt biển nên chưa được nghe)
Được biết thêm: nhạc sĩ Văn Cao đã có ý tưởng cho ca khúc ấy từ sau khi hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973, nhưng phải đến mùa Xuân 1976 ông mới viết và hoàn thành. Phải rồi! Làm sao ông viết được khi hiệp định Paris chưa ráo mực, cộng quân Bắc Việt đã trắng trợn gia tăng xâm chiếm miền Nam. Đạn vẫn bay, máu vẫn rơi, nên làm sao Ông viết được về những mơ ước, hy vọng của mình về một “mùa Xuân đầu tiên” không còn khói lửa, chết chóc, hận thù trên quê hương nữa?
Theo Wikipedia, Văn Cao “viết ca khúc ấy theo đơn đặt hàng của báo Sài Gòn Giải Phóng”, nhưng tôi nghi ngờ thông tin này. Vì đời thuở, có bao giờ Ông chịu bẻ cong ngòi bút để “viết theo đơn đặt hàng” đâu? Lắng nghe ca khúc ấy, ta vẫn nhận ra được một Văn Cao của “Buồn Tàn Thu”, “Suối Mơ”, “Cung Đàn Xưa”, “Bến Xuân”, “Thiên Thai” … Một ca khúc trữ tình, lãng mạn như “Mùa Xuân Đầu Tiên” chỉ có thể viết được bởi người nhạc sĩ tài hoa, chỉ khi ông đã có những rung động, ao ước, hy vọng thực sự và mãnh liệt. Ông đã chịu ẩn dật, sống nghèo túng hơn 20 năm, thì sao có thể chao đảo bởi một “đơn đặt hàng” được chứ?
Thật sự thì báo Sài Gòn Giải Phóng số mừng Xuân Bính Thìn đăng lần đầu tiên ca khúc ấy. Nhưng thật trớ trêu, ca khúc ấy xém nữa bị chìm trong quên lãng. Chính Văn Thao, con trai của Văn Cao tiết lộ rằng: [Trích]
“Nhưng cũng thật bất ngờ (không hiểu bằng con đường nào) trong cái năm 1976 ấy, “Mùa Xuân Đầu Tiên” được in ở nước Nga và được Liên Xô trả nhuận bút cho tác giả 100 Rúp. Văn Cao phải viết giấy ủy quyền cho sứ quán để con gái ông đang học bên đó lĩnh hộ. Ông bảo con gái: “Con cứ lấy mà tiêu, ở nước mình bao lâu nay bố có được biết đến đồng nhuận bút tác phẩm nào đâu.”
[Ngưng trích]
Thế đấy, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã đối xử như thế với tác giả của bài “Tiến Quân Ca” được chọn làm quốc ca của họ (và còn mãi đến giờ)! Suốt thời gian bị “thất sủng”, tất cả các tác phẩm khác của Ông đều bị cấm đoán. Thế nên ca khúc “Mùa Xuân Đầu Tiên” ban đầu cũng chung số phận bị bạc đãi vì nhà nước chê là “nghe mơ hồ rắc rối, kêu gọi tình thương một cách chung chung, thiếu tính giai cấp”, “ủy mị, yếu đuối”, “bị xem là lạc điệu so với những bài hát nhạc đỏ hào hùng sảng khoái, ca từ hân hoan, hừng hực khí thế chiến thắng lúc bấy giờ”. Đối với tôi, đó là bằng chứng rõ rệt nhất chứng minh khí khái không khuất phục trước cường quyền của nhạc sĩ Văn Cao.
Vì vậy tại Việt Nam, ca khúc ấy vẫn chưa được phép phổ biến ngay. Mãi đến năm 1988, Hội Nhà Văn Việt Nam phục hồi cho các bạn của Ông như Hữu Loan, Hoàng Cầm, Trần Dần, Phùng Quán. Sau 30 năm và cho riêng Ông, người ta tổ chức 60 đêm nhạc và cho xuất bản tập thơ “Lá” của Ông. Nhưng ca khúc trên phải chịu số phận long đong kéo dài tới 20 năm, phải đến SAU ngày Văn Cao mất (10/7/1995), mới được phổ biến rộng rãi khắp nơi. Cũng như vậy, sau khi mất, người ta lật đật truy tặng Ông “huân chương Hồ Chí Minh” và một lô những huân chương khác. Thật là một trò hề!
Ồ, xin lỗi độc giả tôi đã viết “nhập đề” cho bài văn này hơi dài dòng. Chẳng qua vì tôi quá xúc động khi biết nhiều hơn về bối cảnh ra đời và số phận của bản nhạc ấy. Giờ chúng ta nhắc đến một ca khúc khác, với tựa đề giống hệt như thế, nhưng do nhạc sĩ Tuấn Khanh sáng tác vào năm 1966, lần đầu tiên được trình bày bởi ca sĩ Hoàng Oanh. Bài hát được viết theo điệu Bolero là điệu nhạc rất thịnh hành và được đa số quần chúng ưa chuộng tại miền Nam Việt Nam.
Ca khúc của nhạc sĩ Tuấn Khanh nói về niềm mơ ước đoàn tụ của người lính thời ly loạn, mơ ước chiến tranh sớm chấm dứt, được sum họp cùng gia đình và người yêu vào ngày đầu Xuân; “Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy anh trở về thăm em”. Nhạc sĩ Tuấn Khanh cũng sử dụng những hình ảnh rất lãng mạn, đẹp như bức tranh vẽ để mô tả một mùa Xuân toàn bích: “sườn đồi thông xanh, trăng mờ ánh, lung linh sao rớt vương đầy trời” … Và ông cũng nhắc đến “chim ca cho đường dài không xa”. Đó chính là đàn én được Văn Cao lập đi lập lại nhiều lần trong ca khúc trùng tên (“Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về …”)
Tuấn Khanh không chỉ mơ ước một Mùa Xuân Đầu Tiên sum vầy của đôi tình nhân. Không, Ông kết thúc bài hát với lời chúc về một đất nước thanh bình với hình ảnh rất đẹp: “Xuân nay ta chúc cho mẹ già vui vườn cà thêm hoa, vui ruộng đồng bao la, tóc bạc phơ đẹp quá”. Ông cũng “xin yêu thương đến với hận thù để tiếng hát hôm nay người chiến sĩ mơ say, bên đàn trẻ bé thơ ngây”. Cũng như vậy, Văn Cao viết lời đẹp như thi ca, sống động như những bức tranh của Ông, đặt dấu ấn của nhân văn, mang đậm tình người, mong yêu thương phủ lấp những hận thù triển miên (“Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người.”)
Tựu trung, người nhạc sĩ nào cũng có nỗi khao khát một mùa Xuân hoà bình cho quê hương. Hai ca khúc có cùng một tựa đề được sáng tác cách nhau 10 năm, tuy bối cảnh có khác nhau một chút vì một đằng là lúc chiến sự đang nóng bỏng, một đằng là lúc quê hương vừa mới chấm dứt chiến tranh, nhưng tâm trạng của cả hai không khác nhau mấy: Mơ ước và hy vọng xuyên suốt ca khúc của họ.
Thế mơ ước của họ có trở thành sự thật hay không? Cho nhạc sĩ Tuấn Khanh rất tiếc là không. Cho Văn Cao cũng không. Vì sau đó, hàng triệu người bị tù đày khổ sai; chưa hết, 2 năm sau, lại nổ súng tại biên giới Việt-Trung và các bà mẹ già lại xót xa nhìn con mình bị đưa sang chiến trường Campuchia; hàng triệu người “trong nhà tù lớn” tìm mọi cách để bỏ nước ra đi … Có người cho rằng nhạc sĩ Văn Cao “đi trước” thời đại bởi ông có cái nhìn sâu, lắng: đằng sau một chiến thắng là những đánh đổi, mất mát hy sinh của cả một dân tộc. Sau niềm hân hoan phút chốc là bao nỗi lo toan về một cuộc đời mới, nên Ông bồi hồi, trăn trở, do dự và hồ nghi.
Tôi tin rằng nếu Việt Nam thật sự có được Hòa Bình sau ngày thống nhất, cố nhạc sĩ Văn Cao sẽ tìm lại được nguồn hứng khởi để sáng tác cho đời thêm nhiều nhạc phẩm bất hủ, không thua những bản nhạc tiền chiến xưa của Ông. Rất tiếc, “Mùa Xuân Đầu Tiên” lại là bản nhạc cuối cùng của Ông. Cũng may, tuy là tác giả của quốc ca cho đất nước đang lâm chiến bên kia vĩ tuyến, những sáng tác khác của ông đều được mọi ca nhạc sĩ trong Nam trân quý, ưu ái, nên các tác phẩm ấy không thất thoát. Thời gian đã là câu trả lời hùng hồn nhất cho những người từng phủ nhận các tác phẩm đầy tình người của Văn Cao. Những giai điệu dịu dàng, khoan thai của Ông luôn làm ấm lòng người.
Xin mở thêm một dẩu ngoặc ở đây rằng rất nhiều ca khúc viết về mùa Xuân sáng tác trước 75 thường nói về sự xa cách của kẻ ở miền xa với người ở quê nhà và ao ước một mùa Xuân thanh bình:
🎼Xuân Này Con Không Về” của nhóm nhạc Trịnh Lâm Ngân
Chùa Lá, mùa Xuân Giáp Thìn 2024 đang về , Nttk xin tri ân tất cả các nhạc sĩ đã nói lên nỗi lòng, ước mơ và hy vọng của một dân tộc trải qua nhiều đau thương và mất mát vì chiến tranh.
Nttk
*
Nguồn:
https://www.baoquocdan.org/2024/02/mua-xuan-au-tien-hai-ban-nhac-cung-ten.html
Nguồn:
https://www.baoquocdan.org/2024/02/mua-xuan-au-tien-hai-ban-nhac-cung-ten.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét