CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 20 tháng 2, 2024

MAI THẢO, TA THẤY HÌNH TA NHỮNG MIẾU ĐỀN – Phạm Hiền Mây


                
Mai Thảo sinh năm một ngàn chín trăm hai mươi bảy tại Nam Định và mất năm một ngàn chín trăm chín mươi tám tại Hoa Kỳ. Ông thọ bảy mươi mốt tuổi, là nhà văn, nhà thơ, là người cầm chịch tên tuổi trong giới làm văn nghệ.
 
Và, là một người cô đơn, tiêu biểu:
Sớm ra đi sớm hoa không biết
Đêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in cái bóng gầy
                       (Không Tiếng)
 
Đời ông là trường thiên vũ khúc của, một mình, phòng trà, vũ trường, quán bar, văn chương, bạn bè, và, rượu:
 
Ngồi tượng hình riêng một góc quầy
Tiếng người: kia, uống cái chi đây?
Uống ư? Một ngụm chiều rơi lệ
Và một bình đêm rót rất đầy.
                                   (Một Mình)
 
Thiệt ra, không chỉ Mai Thảo, hay bất kỳ một thiên tài thi ca, văn chương, nhạc họa nào, mới cảm ra rằng mình cô đơn. Sự cô đơn là món quà miễn phí từ thượng đế được phân phối đều khắp cho thiên hạ. Nhưng dù sao thì, với những tâm hồn nhạy cảm, đầy chất thơ, bay bổng và lãng mạn, cô đơn cũng sẽ vào khu trú, rồi tấn công, chiếm lãnh thổ nhiều hơn. Chúng thường trực, gặm nhấm triền miên, từ buổi sinh ra cho đến lúc chết đi, chất nghệ sĩ có trong người ta, vốn là thứ thức ăn ngon miệng nhứt của chúng:
 
Nửa đêm đợi bạn từ xa tới
Cửa mở cầu thang để sáng đèn
Bạn tới lúc nào không biết nữa
Mưa thả đều trong giấc ngủ đen
                                 (Đợi Bạn)

TA THẤY HÌNH TA NHỮNG MIẾU ĐỀN
 
ta thấy tên ta những bảng đường
đời ta, sử chép cả ngàn chương
sao không, hạt cát sông Hằng ấy
còn chứa trong lòng cả đại dương
 
ta thấy hình ta những miếu đền
tượng thờ nghìn bệ những công viên
sao không, khói với hương sùng kính
đều ngát thơm từ huyệt lãng quên
 
ta thấy muôn sao đứng kín trời
chờ ta, Bắc Đẩu trở về ngôi
sao không, một điểm lân tinh vẫn
cháy được lên từ đáy thẳm khơi
 
ta thấy đường ta Chúa hiện hình
vườn ta Phật ngủ, ngõ thần linh
sao không, tâm thức riêng bờ cõi
địa ngục ngươi là, kẻ khác ơi !
 
ta thấy nơi ta trục đất ngừng
và cùng một lúc trục đời ngưng
sao không, hạt bụi trong lòng trục
cũng đủ vòng quay phải đứng dừng
 
ta thấy ta đêm giữa sáng ngày
ta ngày giữa tối thẳm đêm dài
sao không, nhật nguyệt đều tăm tối
tự thuở chim hồng rét mướt bay
 
ta thấy nhân gian bỗng khóc òa
nhìn hình ta khuất bóng ta xa
sao không, huyết lệ trong trời đất
là phát sinh từ huyết lệ ta
 
ta thấy rèm nhung khép lại rồi
hạ màn, thế kỷ hết trò chơi
sao không, quay gót, tên hề đã
chán một trò điên diễn với người
 
ta thấy ta treo cổ dưới cành
rất hiền giấc ngủ giữa rừng xanh
sao không, sao chẳng không là vậy
khi chẳng còn chi ở khúc quanh
 
                    Mai Thảo
(Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền -1989)
 

Mai Thảo học Chu Văn An - Hà Nội. Có lẽ chuyện này, cũng nên nói thêm một chút, trước là cho vui, sau là để các em tuổi nhỏ hơn, có thể hiểu thêm một vài điều trước đây, thuộc thế hệ cha anh, cũng không gì là vô ích, phí uổng. 
Trường Chu Văn An cũng “di cư” vào miền nam năm một ngàn chín trăm năm mươi tư. Đến năm một ngàn chín trăm bảy mươi tám thì bị xóa bỏ hoàn toàn.
Trường nữ Trưng Vương, cũng là trường “di cư”. Trường Trưng Vương và trường Chu Văn An, như một cặp bài trùng, xứng đôi, sánh đôi nhau, thời trước năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm.
Các bạn có biết bài hát Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, nhẹ nhàng, thơ mộng, lãng mạn và tình tứ do nhạc sĩ Nam Lộc viết lời Việt từ ca khúc gốc Tell Laura I Love Her, không? Đó đó, Trưng Vương này, chính là nói đến trường nữ trung học Trưng Vương Sài Gòn khi xưa đó.
Còn một cặp trường "con nhà" nữa, đó là trường nam Petrus Ký, tức trường Lê Hồng Phong bây giờ và trường nữ Gia Long, nay đã đổi tên thành Nguyễn Thị Minh Khai.
Danh giá lắm, nổi tiếng lắm, bốn trường trên. Mười tuổi, học xong lớp Nhứt, là cha mẹ, là con cái, vắt giò lên cổ, học thêm học bớt, thức đêm thức hôm, sĩ tử dùi mài kinh sử, chờ ngày ứng thí, chính là đây.

Cũng lại nói thêm chỗ này, từ hồi xửa hồi xưa, từ cái thời xa lắc xa lơ xưa, người ta đã có dạy thêm rồi. Học phí cao, nhưng không phải là cao quá mức, con nhà không khá giả, khi cần thiết, cũng vẫn có thể học được, chớ không đến nỗi. Không học thêm, sao chen chân vô được lớp đệ thất trường công?
Cha mẹ thì toàn các ông các bà ít chữ, thì họ ở thế hệ vừa khổ vừa nghèo mà. Con thì là con đầu, lấy ra anh chị nào để kèm cặp em? Thì phải đi học thêm thôi. Xưa, thi là thi tuyển. Trường lấy năm mươi em chẳng hạn, mà số thí sinh nộp đơn xin thi vào lên đến một ngàn, là nó chặt phăng chín trăm năm mươi đứa thấp điểm. Đứa nào bị rớt, là từ cha mẹ đến chúng, khóc ròng ròng luôn. Ra trường tư, tiền đâu mà chịu cho nổi?
Nhà nào, ít nhứt, cũng ba, bốn đứa con. Nhà đông thì chín, mười đứa con. Học trường tư, sao chịu nổi?

Giải thích thêm, trung học hồi xưa là học liền tù tì, từ lớp sáu lên đến lớp mười hai, chớ không chia ra cơ sở, phổ thông, cấp hai, cấp ba bát nháo, loạn xà ngầu, như bây giờ đâu. Thi một lần, năm vào đầu cấp, tức lớp đệ thất, học một lèo lên lớp đệ nhị, thi tú tài một, học xong lớp đệ nhứt, lấy tú tài hai.
Có tú tài một thôi, tức học xong lớp đệ nhị, ngang với lớp mười một bây giờ, cũng đủ xài rồi.

Ngày xưa, người ta học chất lượng lắm, hổng có như bây giờ. Lấy xong tú tài, là có thể đi làm. Ngoại ngữ của họ, vanh vách, hiểu biết về khoa học và văn chương của họ, tinh thông, làu làu.
Bây giờ, học xong lớp mười hai, viết một bản tường trình hay viết một lá đơn xin học, xin việc làm, hay một lá thư tay, bằng tiếng Việt, là cũng đủ cho các anh chị, ngồi thừ ra nửa ngày, mà vẫn không sao viết được phần mở đầu. Chỉ còn cách là nhờ cậy hết vào người máy google. Chớ còn gì nữa.
Các bạn có khi nào nghe câu cải lương, rớt tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà lấy mỹ nuôi con không. Tú tài là học lực của tuổi mười bảy, mười tám thời ấy đấy.

Mấy chuyện trường nhứt nhì này, cũng thăng giáng, cũng nhiều đảo lộn ngoạn mục lắm. Cho tôi khoe chút nha, như trường tôi học nè, xưa có tên cũ là trường Tân Bình, sau bảy mươi lăm, đổi thành Nguyễn Thượng Hiền (mà tụi tui hay nói lén là Ngu Thượng Hạng), nằm khỉ ho cò gáy tuốt miệt Bảy Hiền, không sang như mấy trường tôi vừa kể ở trên đâu. Vậy mà một thời gian dài, điểm tuyển của trường tôi cao nhứt Sài Gòn đó nha. Hãnh diện lắm luôn. Trường tôi, cũng được xem như thuộc về “Dân Ông Tạ”, mà nhà văn Cù Mai Công đã ra một bộ sách khủng về nó. Trang fb của tôi, cũng có những người “nổi tiếng” học ở đó ra, như ca sĩ Nhật Hạ nè, như nhà văn Cù Mai Công, nhà văn Phạm Công Luận nè. Còn bạn nào xuất thân từ đây ra không, xin vào góp mặt, nhận bà con luôn cho dzui.
Chèn ơi, là tôi đang ở chốn nào rồi, tôi hôm nay đang viết về Mai Thảo mà. Thiệt là.

******
Từ năm mười sáu, mười bảy tuổi, Mai Thảo đã làm thơ. Di cư vào nam, chẳng hiểu sao, ông bỏ hẳn thơ. Cả cuộc đời ông, chỉ xuất bản duy nhứt một tập thơ mang tên Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền tại Cali năm một ngàn chín trăm tám mươi chín.
Còn các tác phẩm khác của ông thì được in thành sách, xuất bản và đăng trên báo, nhiều lắm, với đủ thể loại, truyện dài, đoản thiên, hồi ức, nhận định và cả kịch bản phim truyện.

******
Chữ của Mai Thảo giống mặt nước lặng yên, tưởng bình an mà đáy ngầm sóng cuộn. Lời thơ của Mai Thảo, thống trầm kiếp khổ, tựa trên khuôn mặt ông, ai mang khắc vào đó những vạn cổ sầu, những điệp trùng quan san, những muôn ngàn thiên lý.
 
Ta thấy tên ta những bảng đường
Đời ta, sử chép cả ngàn chương
Sao không, hạt cát sông Hằng ấy
Còn chứa trong lòng cả đại dương
 
Trong thơ Mai Thảo, tôi không hề thấy bóng dáng của tự kiêu, hay ngông cuồng, hay ngạo mạn. Tôi chỉ thấy đó là những câu thơ nhỏ nhẹ, hiền lành. Dường như là những câu thuộc thể nghi vấn nhưng lại được viết dưới một câu xác định.
Kiểu như là, có phải thế không, tên ta là những bảng đường, là cả ngàn trang sử.
Có thể lắm chứ, phải không, như hạt cát sông Hằng kia, nó đang chứa trong lòng mình, cả một đại dương. Như tôi, tôi cũng đang chứa trong lòng tôi, quê hương và đất nước.
 
Ta thấy hình ta những miếu đền
Tượng thờ nghìn bệ những công viên
Sao không, khói với hương sùng kính
Cháy được lên từ đáy thẳm khơi
 
Thơ Mai Thảo không chỉ dịu dàng mà còn mượt mà rất đỗi. Ông làm thơ mà giống như đang vuốt ve người tình mình vậy đó.
Những hỏi, rồi những tự đáp, mới dễ thương gì đâu, và mắc cười nữa, khi tôi tưởng tượng ra khuôn mặt nghiêng nghiêng của ông, con mắt nheo nheo của ông, sao không?

Ta là miếu đền, ta là tượng thờ, được triệu triệu người, tự đáy lòng, sùng kính, lễ bái, hương khói quanh năm. Có được không? Thì ta ước vậy thôi mà. Có được không? Chỉ vì ta biết ta một mình, ta cô đơn, nên khi rời xa thế giới này rồi, ta mơ mình cũng được yêu thương, cũng được tưởng nhớ. Có được không. Có được không vậy, người ơi.
 
Ta thấy đường ta Chúa hiện hình
Vườn ta Phật ngủ, ngõ thần linh
Sao không, tâm thức riêng bờ cõi
Địa ngục ngươi là, kẻ khác ơi
 
Tôi không thấy Mai Thảo đang thậm xưng hay tự trào ở đây. Tôi cũng không thấy những đề cập của Mai Thảo là tự lừa mình, lừa người hay huyễn hoặc. Trước đến sau, tôi chỉ thấy một Mai Thảo rất hồn nhiên khi làm thơ.
Như một bài hát của Phạm Duy, các bạn còn nhớ không, Tuổi Mộng Mơ đó, với những câu như: em được là tiên nữ, được chắp cánh bay giữa trời, được mang hồn thi sĩ, được xây mộng cho đời.
Vậy tại sao, lại không cho Mai Thảo quyền có được đức tin, tin rằng, sẽ thấy Chúa hiện hình nơi con đường mình đi, thấy Phật nằm ngủ trong khu vườn thần linh tâm thức, và bờ cõi này, không dành cho địa ngục, cho những kẻ tà tâm.
 
Ta thấy nơi ta trục đất ngừng
Và cùng một lúc trục trời ngưng
Sao không, hạt bụi trong lòng trục
Cũng đủ vòng quay, phải đứng dừng
 
Ta là trung tâm của quả đất này, như ngày xưa, ta nằm trong bào thai của mẹ, ta trung tâm lòng mẹ. Điều ấy có gì sai? Trục đất ta mà ngừng, thì bầu trời, sao có thể quay. Một con ngựa đau, cả tàu còn bỏ cỏ kia mà.
Mất ta, là mất đi một hạt bụi. Trục quay, thiếu đi dù một hạt, cũng phải dừng, cũng phải đứng lại thôi. Đó vốn dĩ không phải là nguyên lý xưa nay sao?
 
Ta thấy ta đêm giữa sáng ngày
Ta ngày giữa tối thẳm đêm dài
Sao không, nhật nguyệt đều tăm tối
Tự thuở chim hồng, rét mướt bay
 
Càng đọc, lại càng thấy thơ Mai Thảo hay. Càng đọc, lại càng thấy thơ Mai Thảo rất thơ. Chất thơ của giấc mơ. Chất thơ của giấc mộng. Mai Thảo mơ rằng, ta là đêm giữa sáng ngày. Mai Thảo lại mộng rằng, ta là ngày giữa thẳm đêm. Không có Mai Thảo ư? Mặt trời, mặt trăng đều tắt ánh. Như buổi hồng hạc không về, rét mướt sẽ tràn lan.
 
Ta thấy nhân gian bỗng khóc òa
Nhìn hình ta khuất, bóng ta xa
Sao không, huyết lệ trong trời đất
Là phát sinh từ huyết lệ ta
 
Những tưởng tượng của ông, những giấc mơ của ông, không chỉ thơ mà còn rất đẹp, không chỉ thơ mà còn rất tình. Đó chính là tình người, tình nhân quần, tình đồng loại.
Ngày Mai Thảo rời xa cõi sống này, ông tin nhân gian sẽ khóc òa, như mất đi một người thân, như mất đi một ruột thịt. Sao không? Bởi vì máu của anh, của chị, của bạn, của em, không phải là dòng máu đang chảy trong châu thân của Mai Thảo sao? Chúng ta không phải là anh em một nhà sao?
 
Ta thấy rèm nhung khép lại rồi
Hạ màn, thế kỷ hết trò chơi
Sao không, quay gót, tên hề đã
Chán một trò điên diễn với người
 
Nhưng rồi tất cả những giấc mơ, tất cả những giấc mộng của Mai Thảo, dường, đã tới hồi phải khép lại, như tấm rèm nhung của vở tuồng đời chấm dứt. Trăm năm chấm dứt. Trò chơi chấm dứt. Thì cũng có sao đâu. Ta biết, ta chỉ là một tên hề, mà cũng vừa lúc, ta chán cái tích điên, cứ diễn đi diễn lại này mãi rồi. Và ta muốn quay về nơi bắt đầu một trò chơi mới. Sao không?
 
Ta thấy ta treo cổ dưới cành
Rất hiền giấc ngủ giữa rừng xanh
Sao không, sao chẳng không là vậy
Khi chẳng còn chi ở khúc quanh.
 
Đọc bốn câu này, mới thấy hết được, mới cảm hết được chất giọng hiền lành và rất mực nhún mình, lui về, như tánh cách Mai Thảo mà bạn bè ông thường mô tả, nhắc nhở, kể lại.
Đến cái ra đi, đến cái chia lìa, vĩnh biệt, lần cuối cùng cũng nhẹ nhàng, cũng dịu dàng quá thể. Không chút buồn. Không chút sầu. Không than van. Không khóc lóc.
Treo cổ là một lối nói, là một cách nói, thay cho phút từ giã. Treo cổ để không phải thốt lên lời từ tạ với những người thương. Nhắm mắt, như ngủ vậy đó mà. Đời có bao lối thẳng, bao nẻo quanh cần đi, cần trải, thì Mai Thảo cũng đi đủ, trải đủ rồi. Hồi nhỏ, ngủ, có mẹ đưa nôi. Giờ, không còn mẹ, ngủ, có rừng xanh che nắng.
Khổ thứ tám, khổ cuối trong bài thơ, là khổ thơ hay nhứt. Và hai câu kết thúc, cũng chính là hai câu hay nhứt trong toàn bài thơ:
 
Sao không, sao chẳng không là vậy
Khi chẳng còn chi ở khúc quanh.
 
**
Bài thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền có tám khổ thì Mai Thảo sử dụng đủ tám lần điệp “ta thấy” và “sao không”. Lặp đi lặp lại mà nghe vẫn rất dễ chịu, mà nghe vẫn rất thơ, mà nghe vẫn rất hay, các bạn có biết tại sao không?
Thì tại vì Mai Thảo là nhà thơ mà. Là nhà thơ, kiểu gì kiểu, cũng phải viết được thơ cho ra thơ chớ.
Là tôi nói đùa chút cho vui thôi.

Kiếp người, nhỏ nhoi và hữu hạn, nhưng Mai Thảo, nhưng tất cả chúng ta, luôn có khát vọng để lại dấu vết của mình trong dòng trôi của thời gian và không gian, trong vô biên, vô tận.
Là dấu vết, các bạn nha. Nó khác lắm với danh vọng, tiếng tăm, tên tuổi, những ngôn từ kêu rất to vì trống rỗng.
Why not? Sao không? Không gì là không thể, phải không các bạn. Ngay cả khi, Mai Thảo thấy mình là - Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền!

******
Đọng trong tôi là điều gì, khi nhắc về nhà văn, nhà thơ mang tên Mai Thảo?
Dạ thưa, đó là sự lớn lao. Dù vẻ như có nói quá lên một chút, thì Mai Thảo trong tôi, là một người có tầm vóc lớn lao.
Tầm vóc ở đây, không mang nghĩa đen, là số đo, chiều cao hay cân nặng. Tầm vóc hiểu theo nghĩa bóng, có nghĩa là tầm cỡ. Ông tầm cỡ, đầy tư chất nghệ sĩ, tư chất thủ lĩnh bẩm sinh, tài hoa, lịch lãm, biết sống.

Biết sống, quan trọng lắm. Có những người, cả một đời, vẫn loay hoay mãi, không biết phải sống làm sao, không biết phải sống theo kiểu nào bây giờ. Mai Thảo khác, ông biết sống. Không chỉ là người tự trọng, ông còn biết cách tử tế với đời và với người.
Ngắm những bức chân dung để lại của Mai Thảo, không biết các bạn có cảm giác sao, chớ còn riêng tôi, tôi thấy khuôn mặt ổng buồn kinh khủng. Cái buồn toát ra từ vẻ người mang tâm sự hoài niệm, của những âm trầm, thâm u, lặng lẽ, ngắm xác thời gian trôi trên dòng sông dài của đời người hữu hạn. Âm trầm của miếu. Thâm u của đền. Như ông tự nhận - Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền.

******
Cõi không là thơ. Không còn gì nữa hết là thơ. Nơi không còn gì nữa hết là khởi đầu thơ. Một xóa bỏ tận cùng. Từ xóa bỏ chính nó. Tôi xóa bỏ xong tôi. Không còn gì nữa hết. Tôi thơ.
Đoạn trích trên, tôi lấy từ trong bài thơ Bờ Cõi Khởi Đầu, được Mai Thảo dùng thay cho lời vào tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền. Bài thơ được viết dưới dạng văn xuôi. Thế mà đọc lên, nghe nhịp điệu của nó, nghe những lên bỗng xuống trầm của nó, tôi thấy nó còn hay hơn cả một bài thơ có vần.
Đó chính là tuyệt tài của Mai Thảo.

Thế nên Mai Thảo, trong cương vị nhà văn, ông được giới phê bình đánh giá là ngòi bút văn xuôi đậm chất thơ nhứt nước. Văn xuôi mà còn như vậy, huống hồ gì, khi làm thơ có vần có điệu. Thơ người khác, có khi phải chờ được gợi mở, được phân tích, được giải thích đến hết hơi, thì mới may ra tìm được một, hai, nét thơ. Còn thơ Mai Thảo, thì chỉ cần đọc lên thôi, cũng đã đủ chất thơ rồi.
Khi Mai Thảo mất, anh Khánh Trường có đề nghị với thân nhân và bạn bè của nhà thơ Mai Thảo, khắc lên mộ bia của ông, bài thơ tuyệt cú Không Hiểu:
 
Thế giới có triệu điều không hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao, khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.

Không Hiểu là một bài thơ vừa đậm chất thiền, lại cũng vừa rất triết. Đó là một bài thơ rất dễ hiểu, nhưng đọc tới đọc lui một hồi, thì lại thấy mình không hiểu gì hết.
 
Có phải chăng, hiểu và không hiểu ấy, mới tạo thành chất thơ cho thơ. Và bài Không Hiểu này cùng với Có Lúc và Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền, là ba bài thơ, mà tôi cho rằng hay nhứt, đặc sắc nhứt trong tập thơ mà Mai Thảo để lại cho đời:
 
Có lúc nghĩ điều này điều nọ
Cảm thấy hồn như một biển đầy
Có khi đếch nghĩ điều chi hết
Hệt kẻ ngu đần cũng rất hay.
 
                                                                        Sài Gòn 20.02.2024
                                                                           Phạm Hiền Mây

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét