Nhà văn Vũ Bình Lục
HAI BÀ TRƯNG ĐÓNG ĐÔ Ở ĐÂU?
ĐẠI NAM QUỐC SỬ DIỄN CA của các tác giả Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái, được sáng tác vào thời nhà Nguyễn, khi viết về sự nghiệp giành lại quyền độc lập tự chủ của HAI BÀ TRƯNG, có câu:
“Đô thành đóng cõi Mê Linh,Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta”!
Trước đây, tôi chưa có nhiều thời gian để đọc sâu vào sách vở. Là vì áo cơm ghì sát đất, cho nên cũng chỉ lôm nhôm chỗ này chỗ kia, sách này sách khác, “cưỡi ngựa xem hoa” như bao người khác. Mà cũng hoàn toàn tin tưởng vào những tài liệu đã có, như thể một anh học trò học vẹt, “ăn theo nói leo” vậy thôi. Cái ấy cũng thường tình.
Nhưng câu chuyện về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (Trưng Trắc, Trưng Nhị), từ năm 40 sau công nguyên thì đã xa hơn nhiều. Tư liệu về Hai Bà Trưng đã bị người Tàu thâm độc cố tình bóp méo sự thật, rồi xóa đi cái quá khứ hào hùng, oanh liệt, trong trí nhớ của người Việt ta. Hàng ngàn năm Bắc thuộc, đô hộ, tàn phá, giặc Tàu gần như đã làm được điều đó, kể cả việc chúng đã dã tâm đồng hóa giống nòi, tiêu diệt nền văn hóa của chúng ta, kể cả chữ viết của người Việt cổ thời các vua Hùng.
Một số tài liệu hiện đang có, vẫn viết rằng HAI BÀ TRƯNG KHỞI NGHĨA DỰNG NỀN ĐỘC LẬP. Viết thế là không đúng. Chúng tôi đề nghị phải viết là, “năm 40 sau CN, HAI BÀ TRƯNG KHỞI NGHĨA GIÀNH LẠI QUYỀN TỰ CHỦ từ tay người Hán” đô hộ. Xin nhắc lại là giành lại quyền tự chủ từ tay nhà Hán. Đơn giản là vì Hai Bà Trưng đánh đuổi Thái thú Tô Định, rồi tiến lên giành lại toàn bộ đất đai nước NAM VIỆT, do Triệu Vũ Đế (Triệu Đà) sáng lập. Nước Nam Việt bao gồm toàn bộ vùng đất phía Nam núi Ngũ Lĩnh, thường gọi là Lĩnh Ngoại, Lĩnh Nam, hay Lĩnh Biểu, của hàng trăm tộc Việt (Bách Việt), trong đó có người Lạc Việt ta. Nước Nam Việt gồm Quảng Đông, Quảng Tây (Lưỡng Quảng), chạy dài ra quần đảo Hải Nam thuộc Trung Quốc ngày nay.
Người Tàu đã dã tâm triệt tiêu nền văn hóa của ta. Sự nghiệp vĩ đại của Hai Bà Trưng, do vậy cũng dần dần bị lu mờ, rất ít tài liệu ghi chép. Nhưng có điều mà bọn quân phiệt Trung Quốc không thể nào xóa hết được, đó chính là VĂN HÓA TÂM LINH của người Bách Việt. Hai Bà Trưng giải phóng 65 thành trì, chủ yếu là bên Lưỡng Quảng. Đền thờ Hai Bà hiện vẫn rải rác khắp nơi bên Lưỡng Quảng, do nhân dân địa phương truyền đời lưu giữ. Những di tích vật thể hiện hữu này, cũng đã bị xâm hại qua nhiều năm, thậm chí đã biến tướng hoàn toàn. Đền miếu vẫn còn nguyên, nhưng nội dung đã bị người Tàu đánh tráo nhiều.
Lê Quý Đôn, hiện có khoảng 300 bài thơ viết trên đường đi sứ. Ông nhiều lần nhắc đến Việt Tây, Việt Đông (tức Quảng Tây, Quảng Đông), kể cả đô thành cũ của người Việt ta thời Triệu Vũ Đế ở Phiên Ngung và sau đó là thời Hai Bà Trưng giành lại nước Nam Việt (40 SCN-43 SCN). Ngô Thì Nhậm đi sứ thời Tây Sơn, cũng nhiều lần nói đến đất và người Việt Đông…
Cũng ở thời Hoàng Đế Quang Trung, vua cử Đô đốc Vũ Văn Dũng đi sứ, có mấy việc lớn, trong đó có việc “xin” vua Càn Long cắt cho vùng đất đóng đô. Đất ấy là đất thuộc Quảng Tây trong Lưỡng Quảng. Sau khi tham vấn đám quần thần, Càn Long đã phê chuẩn. Tuy nhiên, Đô Đốc Vũ Văn Dũng trên đường về nước, thì Hoàng Đế Qung Trung, kẻ thù rất đáng ghét và đáng sợ của Càn Long, đã bị hắn ngầm đầu độc bằng “quà cáp” do sứ đoàn trước đó mang về rồi. Thật thâm độc vô cùng!
Triệu Vũ Đế (207 TCN-111 TCN) đóng đô ở Phiên Ngung, nay là thành phố Quảng Châu, thuộc Quảng Đông ngày nay. Hai Bà Trưng đánh đuổi được giặc Bắc, giành lại quyền tự chủ, đặt tên nước (quốc hiệu) là LĨNH NAM, đóng đô ở thành Phiên Ngung (tức thành phố Quảng Châu ngày nay). Phải đóng đô ở Phiên Ngung, mới có thể quản lý được vùng đất Nam Việt rộng lớn như vậy.
Còn Mê Linh thì sao? Mê Linh chỉ là một thành đắp bằng đất nhỏ hẹp, bên tả sông Hồng, thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội ngày nay. Xét về các tiêu chí để thành lập đế đô một quốc gia rộng lớn, Hai Bà Trưng không thể đóng đô ở Mê Linh, như các cụ Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái đời nhà Nguyễn đã nghĩ như vậy. Thành Mê Linh chỉ là nơi dựng cờ khởi nghĩa, hội quân từ khắp nơi, rồi từ đây, nghĩa quân tiến lên phương Bắc, chiến đấu, giải phóng 65 thành trì của quân Hán chiếm giữ, giành lại quyền độc lập, tự chủ cho nước Nam Việt, đặt tên nước mới là LĨNH NAM. Nước Lĩnh Nam tồn tại được 3 năm thì lại rơi vào tay nhà Hán.Mã Viện được lệnh vua Hán Quang Vũ (Đông Hán), đem quân xuống phương Nam, tiến đánh Hai Bà Trưng. Đô thành Phiên Ngung thất thủ, Hai Bà phải rút chạy về cố thủ ở thành Mê Linh, bị Mã Viện bao vây.
Thơ ca từ đời Lý Trần, đặc biệt là thơ đi sứ của Lê Quý Đôn, của cả Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du và một số tác giả khác đã cho ta nhiều thông tin về Mã Viện, kể cả tâm trạng của Mã Viện khi bao vây thành Mê Linh, ở thời điểm ông ta nhìn trời nước mênh mông đầy chướng khí ở hồ Lãng Bạc (Hồ Tây), than thở, hối hận vì không nghe lời khuyên của người em họ, mà quá tham công danh, phải chịu cảnh gian truân vất vả. Quân lính của Mã Viện chết nhiều vì chướng khí, nên ông ta mới có tâm trạng ấy.
Thành Mê Linh thất thủ, Hai Bà hy sinh. Nữ tướng Lê Chân rút về vùng núi Kim Bảng (Hà Nam) tiếp tục chiến đấu và hy sinh tại đây. Đại tướng Vũ Thị Thục rút về vùng Tiên Hưng (Thái Bình), cố thủ và cũng hy sinh tại đây. Mã Viện chiếm thành Mê Linh, củng cố thêm, gọi thành Mê Linh là “Kiển thành (Thành Kén). Thành Kén (Mê Linh), chỉ cách Thành Ốc Cổ Loa khoảng mươi cây số. Về mặt quân sự, Mê Linh chỉ là một thành nhỏ, có vị thế liên kết với Thành Cổ Loa, trong hệ thống thành trì trên toàn cõi Nam Việt mà thôi. Nếu xét và chiến lược, Mê Linh và Cổ Loa đều là “Tử địa”!
Thành Mê Linh thất thủ, Hai Bà hy sinh. Nữ tướng Lê Chân rút về vùng núi Kim Bảng (Hà Nam) tiếp tục chiến đấu và hy sinh tại đây. Đại tướng Vũ Thị Thục rút về vùng Tiên Hưng (Thái Bình), cố thủ và cũng hy sinh tại đây. Mã Viện chiếm thành Mê Linh, củng cố thêm, gọi thành Mê Linh là “Kiển thành (Thành Kén). Thành Kén (Mê Linh), chỉ cách Thành Ốc Cổ Loa khoảng mươi cây số. Về mặt quân sự, Mê Linh chỉ là một thành nhỏ, có vị thế liên kết với Thành Cổ Loa, trong hệ thống thành trì trên toàn cõi Nam Việt mà thôi. Nếu xét và chiến lược, Mê Linh và Cổ Loa đều là “Tử địa”!
Tóm lại, chúng tôi đề nghị, các nhà nghiên cứu lịch sử, viết lại lịch sử, viết sách giáo khoa lịch sử, phải nên chú ý và phải có thái độ, thiện chí, tiếp thu ý kiến của đông đảo các nhà nghiên cứu “không chuyên”, nên đính chính những sai sót đã viết đã nói sai trước đây. Với bài viết ngắn này, một lần nữa, chúng tôi đề nghị phải viết là HAI BÀ TRƯNG KHỞI NGHĨA GIÀNH LẠI QUYỀN TỰ CHỦ, chứ không phải là DỰNG NỀN ĐỘC LẬP. Thứ hai là, MÊ LINH KHÔNG PHẢI LÀ ĐÔ THÀNH của nước Lĩnh Nam, như ĐẠI NAM QUỐC SỬ DIỄN CA của hai cụ Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái đã viết!
Vũ Bình Lục
Vũ Bình Lục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét