CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2023

ĐỌC “CÁNH CÒ QUA SÔNG” THƠ TRẦN MAI NGÂN - Châu Thạch


CÁNH CÒ QUA SÔNG
 
Chiều nay mênh mông mênh mông
Cánh Cò trắng bay qua sông qua sông
Nước lũ tràn về ngập đồng
Cánh Cò bay trong bão giông một mình…
 
Đôi cánh chao nghiêng tội tình
Chở lao đao nỗi buồn in bóng nước
Thân Cò lặn lội sau trước
Thương sáng chiều trăm vết xước đường bay…
 
À ơi… đôi cánh chẳng may
À ơi… chập chùng đường dài quạnh quẽ
Cánh Cò về - con chờ mẹ
Đường chông gai mẹ mạnh mẽ vượt qua…
 
 
Chiều nay mênh mông mênh mông
Cánh Cò trắng bay qua sông qua sông…

                                          Trần Mai Ngân


 ĐỌC “CÁNH CÒ QUA SÔNG” THƠ TRẦN MAI NGÂN
                                                                               Châu Thạch
 
Trời sắp vào đông, mưa gió đã 10 ngày, lũ lụt tràn về từ Nghệ An cho đến BÌnh Thuận. Nằm đọc bài thơ “Cánh Cò Qua Sông” của Trần Mai Ngân, tự nhiên mắt tôi rớm lệ khi hình dung cánh cò bay qua sông trong mênh mông bão giông. Tất nhiên thương cánh cò cũng có, nhưng tôi liên nghĩ đến những người bạn gái vong niên của mình, những cô em gái thật tài hoa và đẹp, hát giỏi thơ hay nhưng cuộc đời không khác gì cánh cò bay qua bão giông trong thơ Trần Mai Ngân.
 
Đọc thơ của Trần Mai Ngân rồi được nghe lời thơ phổ nhạc qua nhạc sĩ Nguyễn Hoàng Nam, tiếng hát Phước Tính, tôi như thấy cánh cò bay thật trước mắt tôi trên cánh đồng nước ngập bao la và qua dòng sông chảy xiết mà thuở xưa tôi đã chứng kiến trên quê hương, nơi vùng đất địa đầu giới tuyến có máu chảy xương rơi từng ngày, làm cho những nàng tiên xứ ấy thành cánh cò trắng qua sông nhiều vô kể.
 
Bài thơ “Cánh Cò Qua Sông” của Trần Mai Ngân như một tờ giấy trắng tinh, trên đó em bé vẽ điểm xuyết cánh cò, dòng sông bằng những nét vẽ đơn sơ có màu tươi thắm. Bài thơ giống như một bức tranh thiếu nhi đoạt giải thưởng cao vì rất ngây thơ, nó mô tả được cái bao la mênh mông của trời đất mưa gió, cái chập chùng lao đao của cánh cò, hàm chứa nỗi quạnh hiu một mình của mẹ, hàm chứa sự mạnh mẽ của mẹ trên con đường đầy chông gai, đầy nhọc nhằn bởi trăm vết xước của đời.
 
Khổ thơ đầu tiên như mở đầu một cuốn phim, chiếu lên màn hình cận cảnh lũ lụt, nổi bậc một cánh cò chao đảo trong bão giông:

Chiều nay mênh mông mênh mông
Cánh Cò trắng bay qua sông qua sông
Nước lũ tràn về ngập đồng
Cánh Cò bay trong bão giông một mình…

Chiều mênh mông/Cánh cò trắng bay qua sông/Nước lũ ngập đồng/Cò bay trong bão giông: Ý thơ quá rõ ràng, không có gì để bàn, nhưng lời thơ quả thật quá thanh tao. Nhìn bức tranh, hình như chỉ có con cò bay, còn tất cả là một màu trắng. Thế nhưng trong màu trắng đó, ta hình dung được cánh đồng mênh mông, nước lũ ngập đồng và dòng sông đang chảy. Nhà thơ không cần tả tiếp, ta cũng thấy được hoàn toàn cánh cò chao đảo, khó khăn như thế nào để bay qua sông. Bốn câu thơ xuất hiện như từ cây cọ trên bàn tay điêu luyện của người họa sĩ tài hoa, làm cho cảnh mênh mông, nước ngập đồng, cánh cò trắng qua sông hiện như thật, thẩm thấu vào lòng ta cảm nhận được bức tranh vô cùng sinh động.
 
Bước qua khổ thơ thữ hai, Trần Mai Ngân không cần tả cảnh nữa, vì cảnh như thế đủ rồi. Bây giờ nhà thơ nói về số phận của con cò:

Đôi cánh chao nghiêng tội tình
Chở lao đao nỗi buồn in bóng nước
Thân Cò lặn lội sau trước
Thương sáng chiều trăm vết xước đường bay… 

Cảnh trong cuốn phim cò trắng qua sông vẫn không thay đổi, nhưng sự chuyển đổi ý thơ và tứ thơ thật tài tình để ta đọc thấy được nỗi đời nặng trên thân cò lặn lội qua sóng nước mênh mông. Câu thơ “Chở lao đao nỗi buôn in sóng nước” vừa vẽ một bức tranh tuyệt đẹp vừa tả hết sự lao đao của cánh cò trong gió. Câu thơ “Thương sáng chiều trăm vết xước đường bay…” tuyệt vời trong ẩn dụ của thơ, đẹp vô cùng hình ảnh của sự khó nhọc được mô tả rất điệu luyện, ý thơ sẽ tự hiển hiện hình ảnh của cò  trong tâm thức sâu nhiệm của mỗi người.
 
Qua khổ thơ thứ ba, Trần Mai Ngân viết về cảm xúc trong nội tâm. Khổ thơ như hoạt cảnh cò đang bay, nó bay trong tiếng vọng thiết tha phát ra từ hậu trường.  

À ơi… đôi cánh chẳng may
À ơi… chập chùng đường dài quạnh quẽ
Cánh Cò về - con chờ mẹ
Đường chông gai mẹ mạnh mẽ vượt qua… 

Nhà thơ đưa vào thơ lời ru “À ơi…” thật thú vị. Đó là tiếng ru của mẹ, đó là tiếng vọng của quê hương. Chỉ cần đọc hai tiếng à ơi nầy, tôi nhớ đến bài thơ “Nhớ Mẹ Thương Em” của ZuLu DC, tôi nhớ đến “Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười” của Trần Trung Đạo, và nhớ đến mẹ tôi ngồi suốt đêm bên giường bệnh cúa tôi. Nhớ như thế làm nước mắt rất dễ rơi và tự nhiên bài thơ trở thành người bạn ru ta trong khúc thụy du quay về quá khứ.
 
Thế rồi hai câu thơ cuối cùng như cho ta xem lại bức tranh, như cho nhìn lại đoạn phim rất hoành tráng trong cảnh mênh mông mênh mông, có cánh cò trắng bay qua sông. Bây giờ cảnh không buồn nữa vì con cò đã qua được sông, lòng ta cảm phục con cò, tâm hồn ta bừng lên tình yêu đời thắm thiết và sức sống mãnh liệt bởi tình yêu đó. Mẹ là cò, không chỉ lặn lội bờ sông, mà nay bay qua sóng gió không khóc nỉ non như lời ca dao thuở trước. Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm nhưng mẹ tôi đã di xa lâu rồi!:

Chiều nay mênh mông mênh mông
Cánh Cò trắng bay qua sông qua sông... 

                                                                                       Châu Thạch    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét