CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 3 tháng 4, 2023

NHỮNG TÍN HIỆU CỦA BÌNH THƯỜNG HÓA VIẾT LÁCH - Trần Mạnh Hảo

                Nhân ngày "Nhà văn thế giới" (văn bút quốc tế 3-3)

Ảnh do nhà báo Lê Công Sơn chụp ngày 4-3-2023

Một số bạn cho biết, đài VOV 2 mấy hôm trước trong mục “Chuyện cũ tích xưa” có nói về chuyện “Bài thơ Khóc Nguyên Hồng” của Trần Mạnh Hảo ở những thời điểm khác nhau; khi người ta dùng lăng kính chính trị nhìn thi ca thì khó ai thoát được án phản động.
 
Bài thơ “Khóc Nguyên Hồng” ra đời năm 1982 trong trại viết Vũng Tàu của hội nhà văn VN. Trại viết do anh Nguyên Ngọc lúc đó đang là bí thư đảng đoàn từ Hà nội đã cử hai nhà văn Nguyễn Thành Long & Nguyễn Xuân Sanh vào Vũng Tàu mở trại. Trần Mạnh Hảo được chỉ định làm trại trưởng. Các nhà văn dự trại viết gồm: TMH, Nhật Tuấn, Hoàng Minh Tường, Nguyễn Quang Thân, Chu Văn Mười, Đào Hiếu, Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan, Dạ Ngân, Lưu Ngũ, Nguyễn Mạnh Tuấn, Đinh Thị Thu Vân, Trần Thùy Mai, Trà Giang…

Nhân chuyện nhà văn Nguyên Hồng mất, anh em trại viên tổ chức truy điệu. Một nhà văn dự trại lúc đó đang nổi như cồn bèn mật gửi bài thơ này cho ông Hà Xuân Trường trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương. Trong nhiều cuộc họp, ông Hà Xuân Trường đọc bài thơ này và gọi nó là phản động, chống đảng.

Nếu không có hai ông Võ Văn Kiệt và Võ Trần Chí ( thay nhau làm bí thư thành ủy đảng CS VN tp. HCM) ngăn cản bộ công an không cho bắt nóng Trần Mạnh Hảo, thì nay tôi chắc đã chết trong tù.

Vậy mà trong tuyển tập thơ TMH, bài “Khóc Nguyên Hồng” vẫn được in bởi cái nhìn vào văn học hôm nay đã bớt lăng kính chính trị, đã thoáng hơn thời năm 1982 rất nhiều.

Năm 1989, tiểu thuyết “Ly thân” của Trần Mạnh Hảo do NXB Đồng Nai ấn hành vừa phát hành được ba ngày thì không biết lệnh miệng từ đâu phát ra, sách bị công an thu hồi. Ai cũng nói, đợt này TMH tù là cái chắc.
Bởi các đài như BBC, RFA, VOA…ca ngợi “Ly thân” lên mây, cho TMH là Boris Paxtesnac, Sonnenissin của Việt Nam, khiến Hà Nội gọi TMH ra giải quyết việc này.

Không ngờ, ra Hà Nội, tôi mới biết ông tổng bí thư gọi đến bảo : đã lỡ ra rồi, đồng chí phải gửi thư từ chối ba nơi ở hải ngoại chuẩn bị dịch “Ly thân” ra tiếng Anh tiếng Pháp. Tôi đồng ý. Sau nữa, ông Linh yêu cầu tôi nghiêm túc kiểm điểm vì viết cuốn này. Ông nói sẽ lệnh cho các nơi như công an, tuyên giáo không làm rùm beng hay đe dọa bắt bớ. Tôi thoát tù trong gang tấc vì lệnh của ông Nguyễn Văn Linh. Nói lời cuối với tổng bí thư, rằng tôi viết cuốn này theo ánh sáng nghị quyết 5 cởi trói cho văn nghệ sĩ của đảng, nào ngờ…
Sau hơn 20 năm bị kính chiếu yêu chính trị chiếu tướng, từ giữa năm 2022, tuyển tập thơ TMH được NXB Hội nhà văn ấn hành, các báo Văn Nghệ, văn nghệ quân đội, và ba bốn tờ khác đã in các bài khen thơ TMH…

Hình như gió bút đã dễ thở hơn?
 
                                                                               Trần Mạnh Hảo                                                                                   Sài Gòn 3-3-2023
Nguồn:
https://www.facebook.com/tran.manhhao.376/posts/pfbid02RBAakzEuY6jrXqZvJPK1ZboRZMkvyivv6UEKRVZHhYPrNMboCzdXjic5CDHW9d8Ll


PHỤ LỤC:
 
CHO MỘT NHÀ VĂN NẰM XUỐNG 
(KHÓC NGUYÊN HỒNG)
 
Kính tặng hương hồn anh Nguyên Hồng
Và hương hồn của lũ chúng ta
 
Một mẩu giấy bằng bàn tay đứa bé
Báo Nhân Dân đăng một tin buồn :
- Nhà văn Nguyên Hồng vừa mất
Không có quê hương
Không một dòng sự nghiệp
Thôi thế là may !
Vẫn còn một chỗ chôn trên báo đảng
Những ngày này anh Nguyên Hồng ơi
Anh có thấy xung quanh chúng tôi
Bãi biển Vũng Tàu đầy những xác chết trôi
Những người Việt Nam vượt biên chết chìm trên biển
Những em bé
Những người đàn ông
Những người đàn bà
Chết rồi còn giơ tay cầu cứu
Chết rồi còn quờ tay tìm lối thoát
Đâu nhà văn đâu người cầm bút
Sao nỡ để nhân vật của mình
Chết trôi chết dạt
Biển ơi nỡ vô tình
Như là nghìn trang sách
Những tay sóng kia sao không vuốt mắt
Cho những nhân vật của chúng ta ?
Biển không nhận
Bờ không nhận
Những trang sách không nhận
Không ai nhận những con người
Ở giữa thời đại mình đang sống ?
Anh Nguyên Hồng xin anh hãy ngủ yên
Biển ngoài kia đang gào lên những dòng cáo phó
Dữ dội và ghê gớm hơn cái mẩu tin buồn trên báo :
Những nhà văn đang chết đi
Những con người đang chìm xuống
Biển gào lên
Những nhân vật của chúng ta gào lên
Những Tám Bính, Năm Sài Gòn gào lên ! [1]
Giá biển kia hoá thành rượu đế
Để anh uống suốt một đời
Một xị đế bằng cầm tay mà sáu mươi tư năm anh khao khát
Để chết rồi còn vã mồ hôi
Anh nghèo lắm anh chỉ giàu nước mắt
Anh khóc lên cả lúc đang cười
Anh khóc lên khi có người hát
Sự thống khổ của con người
Đi qua dòng nước mắt
Xuống mồ còn chưa thôi…
Những nhân vật của anh
Người làm đĩ vẫn còn làm đĩ
Người ăn cướp vẫn còn ăn cướp
Người lừa đảo vẫn tiếp tục lừa đảo
Người căm thù vẫn cứ căm thù
Người yêu nhau thì vẫn yêu nhau
Không có anh dìu dắt
Những nhân vật của anh rồi biết về đâu ?
Nhà văn mất đi
Để nhân vật mình dang dở
Bao số phận mồ côi
Bởi anh không còn nữa !
Thương anh sống đời vô sản
Chết xuống vẫn làm ma vô sản
Không chức tước uy quyền
Chỉ ly rượu và ngòi bút
Sống trung thực trên đời
Chính là điều khó nhất !
Anh đã sống gần sự thật
Sống gần nước mắt mồ hôi
Suốt cuộc đời thiếu rượu
Lấy gì cho anh say ?
Thế hệ chúng tôi
Ngày mai sẽ theo anh nằm xuống
Nếu báo có đăng tin buồn
Xin biển đừng đăng cáo phó !

(Trại sáng tác văn học Hội Nhà văn Việt Nam tại Vũng Tàu mùa hè 3-5-1982 - sau ngày mất của nhà văn Nguyên Hồng: 2-5-1982)
                                                                               Trần Mạnh Hảo.

Bài thơ "KHÓC NGUYÊN HỒNG" (Cho một nhà văn nằm xuống) khiến tác giả xuýt ở tù, phải theo lệnh cấp trên làm bài thơ ngược lại như sau:

MỪNG BÁC NGUYÊN HỒNG SỐNG DẬY

LỜI TÁC GIẢ: 

Như đã nói ở bài trên, bài thơ "Cho một nhà văn nằm xuống" đã gây nhiều hệ lụy cho tác giả; đến nỗi sau khi gọi lên gặp để phê bình, ông Võ Trần Chí - bí thư thành ủy TP.HCM đã ra lệnh cho tác giả làm bài thơ ngược lại. 

Sau khi tác giả đọc bài thơ ngược lại bài "Khóc Nguyên Hồng", này phải "Mừng bác Nguyên Hồng sống dậy", ông Hai Chí lặng đi một lúc bảo: "Tao thấy bài này còn kỳ hơn bài trước, cậu còn chì chiết, xỏ xiên hơn!". Tôi thưa: "Nếu bài này anh Hai không ưa, em sẽ làm bài khác !". Ông Hai hỏi: "Cậu làm bài gì ?". Tôi thưa: "Em sẽ làm bài mừng bác Nguyên Hồng không sống cũng không chết"! Ông Hai kết luận: "Thôi hổng mần thơ nữa nghe ! Cậu phải đi học chính trị lại"...

Lưu ý là trại viết của Hội nhà văn VN mùa hè 1982 có chúng tôi và các bạn: Nhật Tuấn, Nguyễn Quang Thân, Nguyễn Mạnh Tuấn, Đinh Thị Thu Vân, Nguyễn Nhật Ánh, Đào Hiếu, Lý Lan, Dạ Ngân, Hoàng Minh Tường..."
                                                                                              T.M.H.

MỪNG BÁC NGUYÊN HỒNG SỐNG DẬY

- Ồ bác này đã chết
Sao còn tìm tới đây ?
Bác đi rồi đâu biết
Khóc bác thành vạ lây !
- Vì thế ta sống dậy
Mò tới thăm chú mày
Thương chú mày vụng dại
Đốt thơ làm ma chay !
- Trời ơi đúng bác thật
Ba trăm sáu lăm ngày
Có chén rượu mừng bác
Sống chết cùng đưa cay !
- Ta cũng mừng cho chú
Tai vạ rồi sẽ qua
Khi nghe ta cáo phó
Sao chú không cười khà ?
- Giá biết điều ấy sớm
Em nào dám làm thơ
Cuối cùng bác lại sống
Chao ôi em đến khờ !
- Ta làm sao chết nổi
Văn chương còn giở giang
Thương ta mà chú lỗi
Cứ gì một đám tang !
- Bao người bác chưa viết
Chết dạt vô Vũng Tàu
Thương thì thương vẫn ghét
Giận chi hoài nỗi đau ?
- Ô i dà bao nhiêu chuyện
Ta viết mới phần nghìn
Dẫu chú rơi xuống biển
Chớ để chìm niềm tin !
- Cám ơn bác chỉ dạy
Uống đi bác Nguyên Hồng
Còn vài xị cuốc lủi
Nhớ bác ngồi em trông !
- Hộ khẩu ta chưa có
Chớ vội mừng chú em
Năm ngoái đà cáo phó
Sao giờ còn chui lên ?
- Cái nghề ta nó lạ
Sống dậy âu lẽ thường
Xin bác đừng chột dạ
Bởi dám làm văn chương !

Sài Gòn 1983
Trần Mạnh Hảo.
 
Ghi chú:

(Nguyên Hồng (1918 -1982), một nhà văn lớn Việt Nam quê Nam Định trước 1945 với tiểu thuyết "Bỉ Vỏ" và "Những ngày thơ ấu". Ông tham gia "Văn hóa cứu quốc" từ rất sớm. Trước ngày mất khoảng 10 năm, ông buồn đau vì chế độ nên đã bỏ biên chế hội nhà văn Việt Nam về ở ẩn tại Nhã Nam, căn cứ của anh hùng Hoàng Hoa Thám để sống cuộc đời nghèo khổ và mất tại rừng núi hẻo lánh Yên Thế ngày 2-5-1982). 
Nói chuyện với văn nghệ sĩ Sài Gòn cuối năm 1982, Hà Xuân Trường, ủy viên trung ương đảng CSVN, trưởng ban tư tưởng văn hóa trung ương đã nói: 
"Bằng bài thơ ‘Khóc Nguyên Hồng’ tên TMH đã quay ngược súng bắn vào đảng, phải gông cổ nó lại..."
                                                                                             T.M.H.
 
Nguồn:
http://trannhuong.top/tin-tuc-55032/loi-boc-bach-cuoi-cua-tran-manh-hao-ve-bai-tho--%E2%80%9C-cho-mot-nha-van-nam-xuong%E2%80%9D--khoc-nguyen-hong-1.vhtm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét