CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

CUỘC CHẠY LOẠN CỦA MỘT NGƯỜI UKRAINA GỐC VIỆT – Đoan Trang

 Tường trình từ Warsaw, Ba Lan
Đoan Trang, 5 tháng 5, 2022,  Sài Gòn Nhỏ
 

Anh Bùi Minh Tiến, người từ Mariupol di tản sang Ba Lan (ảnh: Đoan Trang)
 
“Từng có nhà, có cửa, có công ăn việc làm ổn định, tôi không bao giờ nghĩ cảnh phải chạy loạn trong bom đạn, và giờ ngồi đây, và chưa biết tương lai thế nào,” anh Bùi Minh Tiến, người từ Mariupol di tản sang Ba Lan, khi Nga xâm lược Ukraine.
 
Vừa nhắc tới tên thành phố Mariupol, anh Tiến chớp mắt, bồi hồi: “Có muốn rời nó đâu. Hơn ba chục năm gắn bó với mảnh đất ấy, kỷ niệm đong đầy. Nó như quê hương thứ hai của mình rồi còn gì…”
 
NGƯỜI CHẾT TRONG NƯỚC MẮT
 
Vẫn cặp mắt lộ rõ vẻ đau buồn, anh Tiến hồi tưởng những ngày cuối Tháng Hai kinh hoàng: “Mấy ngày trước khi chiến sự nổ ra, chúng tôi nghe tiếng máy bay xà quần trên trời. Cứ nghĩ quân đội họ tập trận hay gì đó. Chiều ngày 24, vừa cơm nước xong, bỗng tôi nghe tiếng bom nổ ầm ầm. Lúc đầu nghe xa xa, chập sau thì bùm bùm hàng loạt, rồi nổ ngay trước mặt mình luôn.”
 
Chung cư 144 căn hộ nơi anh ở bắt đầu hỗn loạn. Hàng xóm í ới gọi hỏi nhau chuyện gì đang xảy ra. Còn trong ngôi nhà trên lầu bảy, người vợ và đứa con gái của anh Tiến hoảng sợ khóc la. “Tôi là đàn ông trong nhà, cố giữ bình tĩnh” anh nói. Mấy ngày sau, một trái bom rơi xuống phá sập một trong bốn cửa vào của toà nhà chung cư, điện nước bị cúp hết, các gia đình bên cửa bị sập không còn cách nào khác phải xuống hầm trú ẩn – điều không ai muốn.
 
Mariupol hiện là mặt trận ác liệt nhất Ukraine. Sau nhiều tuần giao tranh, gần như toàn bộ thành phố với hơn 400,000 dân này đã thành bình địa. Chính quyền Ukraine cho biết hơn 20,000 dân đã thiệt mạng. Truyền thông Nga xem việc tàn phá Mariupol là một chiến tích lớn nhất kể từ khi xâm lược Ukraine.
MARIUPOL, UKRAINE, ngày 4 Tháng Năm 2022 (ảnh: Leon Klein/Anadolu Agency via Getty Images)
 
“Bên phía nhà tụi tôi, cửa chưa bị phá, nhưng thấy mọi người xuống hầm, tôi cũng đưa vợ con xuống theo” anh Tiến kể tiếp. “Người vơ đại vài món. Người đi không kịp mang theo gì, lại phải nhờ hàng xóm lên lấy xuống giúp.” Anh Tiến kể, thời tiết Ukraine lúc đó lạnh lắm, ngày nào cũng 2-3 độ C, có ngày rớt xuống 0 độ. Căn hầm có từ thời Thế chiến thứ hai, ẩm thấp, lạnh lẽo, chứa hơn trăm con người, Người già và trẻ em chỉ được quanh quẩn trong đó. Cánh đàn ông ‘trồi lên trụt xuống’ miệng hầm vì chịu không nổi, hơn nữa họ còn phải ra ngoài đốt lửa nấu cơm”.
 
“Lúc nào không ra được bên ngoài, tụi tôi phải thay phiên nhau lấy cái quạt, quạt phành phạch cho thông gió,” anh Tiến diễn tả. “Có anh bứt rứt, trèo lên miệng hầm cho khuây khoả, trúng bom chết tươi. Còn dưới hầm, tận mắt tôi chứng kiến cụ già bị bệnh tim, vừa nghe bom nổ cái ầm, cụ đứng tim luôn.”
 
CUỘC CHẠY LOẠN
 
Tới ngày 8 Tháng Ba, khi hơn một nửa người trong chung cư của anh Tiến chạy loạn, gia đình anh vẫn chưa có ý định rời khỏi căn hầm u ám. Nhưng đến ngày thứ 19, lính Nga tới đóng quanh khu vực hầm trú ẩn. Họ yêu cầu những chủ nhân ở căn hộ tầng một, tầng hai đưa chìa khoá, để vào đó ngủ nghỉ. Những lúc yên ắng, lính Nga ra ngoài pha trà, ngồi uống nhâm nhi. Lúc này, anh Tiến thay đổi ý định.
 
Đó là ngày 17 Tháng Ba, anh Tiến rủ thêm hai gia đình, chuẩn bị xe cộ để lên đường. Xe của anh lúc đó chỉ còn khoảng 20 lít xăng, anh vẫn quyết đi. Lính Nga thấy mấy gia đình lục đục chất đồ lên xe thì phất tay, kêu cứ việc đi. Nhưng anh Tiến kể, hôm ấy, anh vừa đặt chiếc vali lên xe, một trận bom đổ xuống. Đàn bà con nít khiếp sợ chạy ào xuống hầm. Những người đàn ông vẫn ở trên xe. Sau đó, họ tìm cách ra ngoài rồi chui xuống gầm xe, nằm rạp dưới đất tránh bom. Cuộc di tản thất bại.
 
Hai hôm sau, ngày 19 Tháng Ba, lúc 10 giờ sáng, thấy không khí có phần yên ả, anh Tiến và hai gia đình kia lại lên xe. Chạy được một đoạn, bom nổ ở đâu không biết nhưng bụi đất bắn tung toé lên kiếng xe. Mọi người vẫn đạp ga, không dừng bước. Anh Tiến diễn tả cuộc chạy loạn bằng xe hơi:
 
“Chạy được khoảng 5, 10 cây số thì chúng tôi không còn nghe tiếng bom nữa, tiếp tục chạy theo hướng Tây ra khỏi thành phố. Lái thêm khoảng 30 km nữa, chúng tôi tới một thành phố khác. Xe hết xăng, chúng tôi phải nán lại hai ngày, sau đó có người Ukraine cho xăng, mọi người lên xe chạy tiếp.”
 
Chưa vơi nỗi kinh hoàng, anh Tiến nhớ lại hai bên đường khi đó toàn lính Nga. Ba chiếc xe cứ chạy khoảng 50-100 km thì phải dừng lại, theo lệnh của lính Nga ven đường. Đi thêm mấy đoạn như thế, họ được lính Nga… dẫn đường. Họ được lệnh đi theo xe dẫn đường, vì nếu chệch một chút là có thể “dính” mìn. Toàn bộ những cây cầu trên tuyến đường này khi đó đều bị bom đánh sập.
 
Cứ như thế, ba chiếc xe tiếp tục chạy thêm khoảng sáu, bảy ngày nữa thì tới gần biên giới Ba Lan. “Còn một đoạn nữa mới tới biên giới, nhưng mọi người khuyên đừng lái xe mà đi tàu hoả qua tới phần đất Ba Lan cho an toàn. Chúng tôi bỏ luôn xe dọc đường, làm theo lời khuyên. Chúng tôi đặt chân đến Warsaw lúc 11 giờ khuya, được đưa tới chùa Nhơn Hoà, được cho ăn uống, và có quần áo mới, chăn mền đầy đủ,” anh Tiến kể.
 
Dòng người tiếp tục di tản khỏi tử địa Mariupol để đến Zaporizhzhia.
ZAPORIZHZHIA, UKRAINE, ngày 3 Tháng Năm 2022 (ảnh: Diego Herrera Carcedo/Anadolu Agency via Getty Images)

TƯƠNG LAI MÙ MỊT
 
Anh Tiến quê ở Vĩnh Long. Nhà đông anh em nên anh được bố mẹ cho đi Ukraine học hồi năm 1988, lúc anh 22 tuổi. Thời gian đó, nhiều người Việt đi qua Đông Âu bằng đường hợp tác lao động. Anh Tiến chịu khó đi học, đến năm 1992 thì tốt nghiệp. Nửa muốn về, nửa muốn ở lại, nhưng cuối cùng anh ở lại, chọn nghề thợ hàn làm kế sinh nhai.
 
“Hồi đó, cả thành phố Mariupol sống nhờ vào nhà máy sản xuất sắt thép và xe tăng, rộng tới 10 km2. Đây là nhà máy lớn nhất nhì Liên Bang Xô Viết. Có khoảng 100 người Việt làm việc trong ấy. Tôi cũng làm ở đó. Khi Liên Xô tan rã, nhà máy ‘banh càng’ luôn,” anh Tiến kể. Năm 2000, anh lập gia đình. Cô con gái duy nhất của vợ chồng anh năm nay 18 tuổi, đang theo học trường y ở Kyiv. Gia đình anh đều mang quốc tịch Ukraine. Năm 2012, anh cùng bạn bè hùn hạp mở shop buôn bán.
 
Giờ sang được Ba Lan, con gái của anh Tiến nộp đơn thì được Úc cấp thị thực. Nhưng đó chỉ là thị thực du lịch. “Mọi người nói cứ đi đi, rồi xin tị nạn sau,” anh kể với giọng không vui. “Giờ chỉ cần mua vé máy bay là đi thôi, nhưng tuần sau con gái có kỳ thi, tôi nói thôi để nó thi cử cho xong đi đã.”
 
Một con bồ câu xuất hiện nhưng chẳng biết bao giờ bình yên mới trở lại với Mariupol.
Mariupol, Ukraine, ngày 4 Tháng Năm 2022 (ảnh: Leon Klein/Anadolu Agency via Getty Images)

Lý do khác khiến anh chần chừ là anh sợ bên Úc cuộc sống đắt đỏ, tiền học của con gái cũng cao, bản thân anh chị lớn tuổi, không chắc có học lại nổi tiếng Anh hay không. Anh Tiến tâm sự: “Trước chiến tranh, thành phố Mariupol cũng nghèo, thiếu thốn lắm. 60-70% người già chỉ đủ trả tiền nhà, còn dư chút đỉnh ăn uống. Tụi tôi đỡ hơn, ai cũng có shop bán hàng, người có căn hộ, hay xe cho thuê. Cứ nghĩ tuổi 55-56 ở Ukraine hưởng già là đủ rồi. Không bao giờ tôi nghĩ mình vất va vất vưởng như thế này, dù chính phủ Ba Lan đối xử rất tốt với người tị nạn. Đi tiếp chỉ có thể làm thuê làm mướn, sức khoẻ đâu còn như hồi đôi mươi. Giờ chỉ còn lo cho tương lai con gái, chứ tụi tôi coi như xong. Cùng lắm về lại Việt Nam còn ba má. Mấy anh em đủ ăn đủ mặc, chỉ có tôi, mang tiếng đi ngoại quốc mà giờ lại nghèo nhất.”
 
Chia tay chúng tôi, anh lại buồn, buông lời bâng quơ nghe mà đau lòng: “Nhà tôi bên Ukraine chưa bị bom phá. Ngồi nhớ lại góc nhà, góp bếp mà mình từng lau chùi, chăm sóc, nhớ quá, chẳng biết đến bao giờ mới được quay trở lại.”
 
                                                                                      Đoan Trang
 
Nguồn:
https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/cuoc-chay-loan-cua-mot-nguoi-ukraine-goc-viet/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét