Nhà văn Lê Văn Nghĩa
Bây giờ đố ai tìm thấy được ba chữ T.V.Đ trên các tờ báo. Nhưng đó là một sinh hoạt văn nghệ mà không nhắc lại thì e có phần thiếu sót cho văn học Sài Gòn một thuở.
T.V.Đ là viết tắt ba chữ “thi văn đoàn” của các bạn trẻ ở lứa tuổi thiếu niên đã biết mơ mộng văn chương, ham đọc, thích viết. Sang trọng thì ghi tên gia nhập vào những “gia đình” của các tờ báo thiếu nhi hoặc các trang báo thiếu nhi của những nhật báo lớn như “Gia đình Thằng Bờm” (báo Thằng Bờm), báo Tuổi Hoa, Mai Bê Bi (báo Chính Luận).
Gia nhập những “gia đình sáng tác” này có cái lợi là bài hay thì sẽ được đăng báo ngay, phát hành rộng rãi thì “sướng rên mé đìu hiu” (chữ của một nhà văn) như sắp thành nhà văn thứ thiệt. Cái không hay của những “gia đình” kiểu này thì ít khi được gặp nhau, không được trao đổi “kinh nghiệm sáng tác”.
Chỉ cần ba hoặc bốn người thật trẻ, ham đọc, thích viết, quy định hằng tuần hay một tháng gặp nhau một lần trao đổi chuyện văn chương, rồi viết bài, nộp bài, đọc cho nhau nghe để… khen nhau là đã trở thành một “thi văn đoàn”. Mỗi thành viên, sau khi ở trong một thi văn đoàn có trách nhiệm và bổn phận là phải ghi dưới bút hiệu của mình cái tên thi văn đoàn mà mình là thành viên mỗi khi viết bài gửi đến tòa soạn các báo.
Tên của các “thi văn đoàn” phải thật là kêu, càng lạ lùng càng tốt. Giống như các bút hiệu của các thành viên càng rổn rảng hoặc trữ tình mướt rượt mới đúng là nhà thơ như Hoài Thy Yên Thi (bút hiệu đầu tiên của Nguyễn Tất Nhiên), Thương Hoài Niệm, Hồng Thanh Mộng…
Lúc ấy, các báo Tuổi Ngọc, Tuổi Hoa, Văn, Văn Học, trang thiếu nhi các tờ nhật báo đều thấy dưới mục bài nhận được nở rộ những “Thiên Bất Hủ-T.V.Đ Kiếp Hoang”, “Mai Mộng Tưởng-T.V.Đ Mưa Rào”, “Trần Trụi Lũi-T.V.Đ Ma Giáo”, “Tào Kê Xứ Thượng-T.V.Đ Bóng Quế”… Chỉ cần nhìn dưới tên một tác giả nào mà có chữ T.V.Đ là biết đã được kết nạp vào… tổ chức hẳn hoi, có số có má.
Thi thoảng, có chàng trai trẻ lận vài đồng lụi được từ cha mẹ, cô bé thơ ngây nhịn ăn vài ngày ô mai để dành tiền hùn nhau in những tập thơ văn bằng ronéo rồi chuyền tay nhau đọc, đem tặng bạn bè, mặt mũi nở như máng hứng nước mưa. Chuyện khoe với cha mẹ đành nhịn vì nguy cơ ăn đòn vì tội “không lo học mà thơ với thẩn”.
Đâu cần ai dạy, khi vào T.V.Đ rồi thi nhau viết, thi nhau gửi bài đăng báo, được đăng báo mà có nhuận bút nữa thì cùng nhau đi nhậu… nước ngọt, chè, ăn kem rồi bốc phét cùng nhau. Ấy thế mà biết bao nhiêu thi sĩ, văn nhân trưởng thành từ những T.V.Đ ấy.
Khi lớn lên chút nữa, họ lập thành bút nhóm (đẳng cấp cao hơn) kiểu như nhóm “Bộ Lạc Mới” gồm Trần Hồng Nhan (Nguyễn Tôn Nhan), Triệu Cung Tinh (Triệu Từ Truyền), Hồ Ngạc Ngữ. Vài nhóm thậm chí có thể tự tổ chức in tạp chí bằng typo, tự xuất bản, tự phát hành, tự mua tự đọc với nhau rồi khen hay, khen nhất nhất là bài của mình.
Từ năm 1965-1970 ở các tỉnh miền Trung và miền Nam nở rộ những T.V.Đ, những bút nhóm, ra mắt các tạp chí như “Nhìn Mặt” của nhóm Trần Hoài Thư (Quy Nhơn), “Cùng Khổ” và “Nhận Diện” (Đà Nẵng), Huế với tạp chí “Việt” và “Vận Động”, “Hương Lúa Hậu Giang” (Hậu Giang), dưới Kiên Giang có thi văn đoàn Hoa Biển, “Mây Đỉnh Cao” ở Định Tường, “Thể Hiện” ở Gò Công…
Các tờ nhật báo, tạp chí cũng rất liên tài, thường xuyên đăng thơ của các cây bút trẻ trong các thi văn đoàn để “bơm” tinh thần cho các “thiên tài cô đơn”. Mặt khác, đây cũng chính là những độc giả mua báo, tạp chí dài hạn – một nguồn nuôi tờ báo, phần nữa là khi đăng thơ, truyện của những cây bút mới ít khi phải trả nhuận bút.
Một tạp chí danh tiếng đã đăng ở mục “Tin thư” như sau: “Nếu tác giả nào muốn lĩnh nhuận bút xin ghi rõ trong bài lai cảo”. Đấy là kiểu chơi hơi bắt bí nhau, vì ghi rõ là “nếu được đăng xin lĩnh nhuận bút” thì hầu chắc sẽ phải chờ đợi thật dài để được thư ký tòa soạn đọc bài.
Nhưng thường thì các “nhà văn, nhà thơ thi văn đoàn” đâu cần, chỉ cần thấy tên của mình dưới bài viết là “no” cả ngày rồi, phiêu diêu cả đêm không ngủ, chờ sáng xách tờ báo đi khoe. “Nè, biết bài ai không, Hoài Mộng Sầu Mơ là tao đó…”. Rồi sau đó thơ thẩn cả ngày để tìm vần thơ.
Rồi từ những thi văn đoàn, bút nhóm xuất hiện trên các tạp chí nội bộ này, qua một thời gian gạn lọc sẽ có những cây bút lớn lên, trở thành những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, như Nguyễn Nhật Ánh, Lê Minh Quốc, Nguyễn Thái Dương, Vũ Trọng Quang, Linh Phương chẳng hạn… Mà ngay cả những ai “không trở thành cái gì đó cho văn học” cũng sẽ là một nhà tài trợ để nuôi những tạp chí, sách của các tác giả thời thượng.
Một thời thi văn đoàn ấy, nay những ai biết đến ba chữ này cũng đã gần 60 xuân, chắc cũng đang sinh hoạt thơ trong các câu lạc bộ thơ văn phụ lão phường. Rồi đùng cái, rơi vào cái thời Facebook, ai cũng làm thơ, cũng đăng được lên Face của mình, những thi văn đoàn chỉ còn là dĩ vãng mộng mơ một thuở.
LÊ VĂN NGHĨA
Nguồn:
https://tuoitre.vn/chuyen-vui-van-hoc-sai-gon-tvd-la-cai-gi-20200507175403648.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét