CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 29 tháng 10, 2021

PHIẾM LUẬN “CHỮ LÒNG TRONG TRUYỆN KIỀU” – Đỗ Chiêu Đức


            Học giả Đỗ Chiêu Đức        
                           
                                                          
Đầu LÒNG hai ả tố nga,                                       
Thuý Kiều là chị, em là Thúy Vân.
 

Đó là hai câu thơ trong phần mở đầu của Truyện Kiều giới thiệu về hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân. "Sanh đôi ?" Vì "đầu lòng" mà đến "hai ả tố nga" lận ! Về tuổi tác thì "Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê".  Tuổi cập kê 及笄" là tuổi cài trâm, là tuổi mười lăm, tuổi thành niên của các cô gái ngày xưa đã có thể xuất gía (lấy chồng) hợp pháp; nói theo tâm lý tình cảm, là tuổi đã biết rung động, biết yêu. Cho nên khi nghe Vương Quan kể về ca nhi Đạm Tiên, rồi kết luận là:
                                         
Trải bao thỏ lặn ác tà,                                  
Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm !
 
thì Thúy Kiều đã...
                                        
LÒNG đâu sẵn mối thương tâm,                                  
Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa.
         
Chữ LÒNG trong ĐẦU LÒNG là chữ PHÚC , là cái Bụng; còn chữ LÒNG trong câu thơ trên là chữ TÂM , là trái tim, là tấm lòng. Đến khi Đạm Tiên hiển linh cho xem thì Thúy Kiều lại:
                                        
LÒNG THƠ lai láng bồi hồi,                                    
Gốc cây lại vạch một bài cổ thi.
         
LÒNG THƠ ở đây là cái HỒN THƠ của Thúy Kiều. Kịp đến khi về lại nhà "Một mình lặng ngắm bóng nga", nhớ đến Đạm Tiên, nhớ đến Kim Trọng, nên chi ...
                                     
Ngổn ngang trăm mối bên LÒNG,
  
LÒNG nầy là LÒNG DẠ, là tâm sự, còn lời của Đạm Tiên nói với Kiều trong mơ là :
                                         
Đã LÒNG HẠ CỐ đến nhau,                                    
Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng.
 
LÒNG HẠ CỐ là chỉ cái BỤNG DẠ tốt của Thúy Kiều đã chiếu cố đến Đạm Tiên.
 
Ta thấy:

 Cũng cùng một chữ LÒNG, nhưng có rất nhiều nghĩa tùy theo cách dùng và ngữ cảnh ...  LÒNG là cái bụng, là trái tim, là lòng dạ, là tấm lòng, là cái hồn (thơ) ... Vì thế, chữ LÒNG đã được cụ Nguyễn Du sử dụng đến hơn 140 lần trong hơn 140 câu thơ khác nhau. Nếu điểm hết hơn 140 câu thơ nầy cùng những câu thơ đi kèm, thì ít nhất ta cũng thuộc được hơn 500 câu Kiều từ đầu cho đến cuối truyện. Bạn có muốn học thuộc Truyện Kiều bằng cách điểm những câu thơ có chữ LÒNG nầy với tôi không ? Nào, bây giờ thì ta bắt đầu nhé !...
 
                          
Trong bốn câu thơ mở đầu của Truyện Kiều, sau khi đưa ra thuyết "Tài Mệnh Tương Đố" là "Chữ TÀI chữ MỆNH khéo là ghét nhau" xong, cụ Nguyễn Du đã cảm khái rằng:
                                           
Trải qua một cuộc bể dâu,                                 
Những điều trông thấy mà đau đớn LÒNG.
 
Qua 5 chữ LÒNG giáo đầu ở phần trên, đây là chữ LÒNG thứ 6.. Chữ LÒNG thứ 7 là sau khi gặp người đẹp ở hội Đạp Thanh, thì ...
                                            
Chàng Kim từ lại thư song,                                  
Nỗi nàng canh cánh bên LÒNG biếng khuây.
 
... và suốt ngày cứ ...
                                   
Mặt mơ tưởng mặt LÒNG khao khát LÒNG. (8)
 
... đến khi "canh me" nhặt được kim thoa của Thúy Kiều trên cành đào, rồi lại đánh tiếng: "Thoa nầy bắt được hư không, biết đâu Hợp Phố mà mong châu về ?!" Để cô Kiều phải lên tiếng năn nỉ:
                               
... Ơn LÒNG quân Tử xá gì của rơi, (9)                                      
Chiếc thoa là của mấy mươi,                                
Mà LÒNG trượng nghĩa khinh tài xiết bao ! (10)
 
 Kim Trọng lại có dịp tâng bốc người đẹp và bày tỏ nỗi lòng tưởng nhớ của mình:
                                    
Được rày nhờ chút thơm rơi,                            
Kể đà thiểu não LÒNG người bấy nay! (11)
 
Còn Thúy Kiều thì "Tình trong như đã", nhưng "mặt ngoài còn e" làm ra vẻ chính chuyên "ngây thơ... mụ":
                                     
Dù khi lá thắm chỉ hồng,                           
Nên chăng thì cũng tại LÒNG mẹ cha. (12)                                   
Nặng LÒNG xót liễu vì hoa, (13)                              
Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa ?
 

"Trẻ thơ đã biết đâu mà dám thưa ?" Nói xong câu nầy, chắc Thúy Kiều cũng giật mình. Lỡ Kim Trọng... bỏ đi luôn thì sao ?! Nên vội níu lại bằng câu:                        
 
... Nể LÒNG có lẽ cầm lòng cho đang. (14)                                   
Đã LÒNG quân tử đa mang, (15)                            
Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung !
 
Thế là Cá đã cắn câu, buổi tỏ tình được viên mãn, Kim Trọng đã...
                                 
Được lời như cởi tấm LÒNG, (16)                             
Giở kim thoa với khăn hồng trao tay.
 
Nhưng, vẫn "Sông Tương một dải nông sờ, Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia." Kịp đến khi "Ngày vừa sinh nhật ngoại gia, Trên hai đường dưới nữa là hai em." cùng "Tưng bừng sắm sửa áo xiêm, Biện dâng một lễ xa đem tấc thành." Thúy Kiều ở nhà có một mình, nên mới liều lĩnh đi gặp Kim Trọng, lại bị chàng lẫy hờn:
                           
Trách LÒNG hờ hững với LÒNG, (17)                        
Lửa hương chốc để lạnh lùng bấy lâu.
 
Thúy Kiều lại phải phân bua để an ủi người yêu :
                            
Vắng nhà được buổi hôm nay,                        
Lấy LÒNG gọi chút ra đây tạ LÒNG  !(18)
 
  Rồi cùng nhau "Sánh vai về chốn thư hiên, Góp lời phong nguyệt nặng nguyền non sông." với:
                               
Đủ điều trung khúc ân cần,                    
LÒNG xuân phơi phới chén xuân tàng tàng. (19)
        
 Khi gặp lại trong đêm, lại cùng nhau thề nguyền hẹn ước "Vầng trăng vằng vặc giữa trời, Đinh ninh hai mặt một lời song song.":
                             
Tóc tơ căn vặn tấc LÒNG, (20)                      
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
 
Thề nguyền xong rồi, Kim Trọng được nước lại tỏ lời ước ao đòi hỏi:
                            
Sinh rằng: Gió mát trăng trong,                       
Bấy lâu nay một chút LÒNG chưa cam. (21)
 

Khi được Thúy Kiều ngỏ ý "Đừng điều nguyệt nọ hoa kia. Ngoài ra ai lại tiếc gì với ai." Kim Trọng mới tỏ ý "Rằng: Nghe nổi tiếng cầm đài, Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ." Sau khi được Thúy Kiều đồng ý thì "Hiên sau treo sẵn cầm trăng, Vội vàng sinh đã tay nâng ngang mày." Thúy Kiều mới khiêm tốn:
                            
Nàng rằng: Nghề mọn riêng tay,                      
Làm chi cho nhọc LÒNG này lắm thân ! (22)
 
... và sau khi nghe Thúy Kiều đàn xong, Kim Trọng đã nhận xét góp ý rất chân thành là :
                             
Rằng: Hay thì thật là hay,                      
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!                             
Lựa chi những khúc tiêu tao,                   
Dột LÒNG mình cũng nao nao LÒNG người ? (23)
 
Vừa thề nguyền hẹn ước xong với Thúy Kiều thì Kim Trọng cũng vừa nhận được tin "... thúc phụ từ đường, Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề", nên phải lên đường đi Liêu Dương để hộ tang chú . Chàng Kim tìm gặp Thúy Kiều để chia tay và hứa hẹn:
                                    
Trăng thề còn đó trơ trơ,                           
Dám xa xôi mặt mà thưa thớt LÒNG. (24)
 
... và cũng để nhắn nhủ:
   
Gìn vàng giữ ngọc cho hay,                         
Cho đành LÒNG kẻ chân mây cuối trời. (25)
                              
Thúy Kiều đã trấn an Kim Trọng rằng:
                             
Cùng nhau trót đã nặng lời,                         
Dẫu thay mái tóc dám dời LÒNG tơ ! (26)
              
                           
 
Ta hãy tìm hiểu câu thơ lý thú nầy để thấy được thêm cái hay ho của tiếng Việt ta.. "Dẫu thay mái tóc dám dời lòng tơ", chữ "dám" trong câu còn có nghĩa là "chẳng dám". Nên câu thơ trên có nghĩa:     
- DÁM: Dẫu cho thay mái tóc (từ đen ra trắng), thì mới DÁM dời cái lòng tơ.     
- CHẲNG DÁM: Dẫu cho đến già cũng CHẲNG DÁM dời cái lòng tơ nầy.
     
Khi ta nói "Hôm nay, trời chắc mưa" Chữ CHẮC ở đây KHÔNG CHẮC chút nào cả ! Vì câu trên có nghĩa "Hôm nay, trời CÓ THỂ mưa". Chữ DÁM thứ (24) trong câu thơ "Dám xa xôi mặt mà thưa thớt LÒNG" ở trên cũng hàm ý như thế. Còn...
 
Cái "LÒNG TƠ" là cái Lòng gì ? TƠ ở trong lòng người ta là TƠ TÌNH, khác với TƠ của con nhện và con tằm là "Tơ hữu hình", còn TƠ TÌNH là sợi "Tơ vô hình", nó vướng vít và quấn lấy con người chặc hơn là tơ hữu hình mà người ta còn gọi là TƠ LÒNG vương vấn. Cái gì trong lòng có tơ ? Cái ngó sen, khi ta ngắt đôi thì trong lòng của hai bên ngó sen còn vương vít mấy sợi tơ như cụ Nguyễn Du đã tả khi Từ Hải "Quyết lời dứt áo ra đi", Thúy Kiều ở lại một mình đã nhớ về Kim Trọng như sau :
                            
Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,                      
Dẫu lìa NGÓ Ý còn vương TƠ LÒNG ! (27)
 
           
      Tơ lòng                                   Tơ nhện                                Tơ tằm
 
Ta gặp lại từ "LÒNG TƠ" khi Vương Viên Ngoại bị thằng bán tơ vu oan, đến nỗi Thúy Kiều phải nhờ người may mối đánh tiếng bán mình "Sự LÒNG ngỏ với băng nhân" (28) và Mã Giám Sinh đã mua Thúy Kiều với "... vàng ngoài bốn trăm". Nên khi hay tin Thúy Kiều đã bán mình, Vương ông đã vật vã đau đớn đến muốn quyên sinh:
                         
Một lần sau trước cũng là,                  
Thôi thì mặt khuất chẳng thà LÒNG đau ! (29)
 
Thúy Kiều đã phải "Nhỏ to nàng mới tìm lời khuyên can" và phân tích nặng nhẹ cho Vương Viên Ngoại nghe:
                                                      
LÒNG TƠ dù chẳng dứt tình, (30)                    
Gió mưa âu hẳn tan tành nưóc non.                        
Thà rằng liều một thân con,                     
Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây. 
 
Chuyện Kiều bán mình chuộc cha làm cho cụ Nguyễn Du cũng cảm khái cho cái nhân tình thế thái mà lẫy rằng :
                         
Trong tay đã sẵn đồng tiền,                   
Dầu LÒNG đổi trắng thay đen khó gì! (31)                           
Họ Chung ra sức giúp vì,                     
Lễ tâm đã đặt, tụng kỳ cũng xong.
      
Sau khi "Việc nhà đã tạm thong dong" thì Thúy Kiều tủi thân vò võ "Một mình nàng ngọn đèn khuya" than cho số phận:
                                
Phận dầu, dầu vậy cũng dầu,                           
Xót LÒNG đeo đẳng bấy lâu một lời! (32)
 
...Với "Nỗi riêng riêng những bàng hoàng, Dầu chong trắng đĩa lệ tràn thấm khăn" làm kinh động đến "Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân, Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han" Thúy Kiều đã phải e ngại tỏ bày:
                                
Rằng: LÒNG đương thổn thức đầy, (33)                           
Tơ duyên còn vướng mối này chưa xong.                                  
Hở môi ra cũng thẹn thùng,                             
Để LÒNG thì phụ tấm LÒNG với ai. (34)
      
                                

Và xót xa tủi phận với:
                                 
Dù em nên vợ nên chồng,                      
Xót người mệnh bạc, ắt LÒNG chẳng quên. (35)
 
Đến lúc rồi cũng phải chia tay vì đã bán mình theo Mã Giám Sinh:
                                  
Đau LÒNG kẻ ở người đi, (36)                                 
Lệ rơi thấm đá tơ chia rũ tằm.
 
Đi theo một người mà "Ghế trên ngồi tót sổ sàng", giờ lại phải ở chung một phòng, khiến cho Thúy Kiều:
                                   
Ngại ngùng thẹn lục e hồng,                             
Nghĩ LÒNG lại xót xa LÒNG đòi phen.(37)                                
Phẩm tiên rơi đến tay hèn,                                 
Tiếc công nắng giữ mưa gìn với ai.
 
  Thúy Kiều đâm ra hối tiếc ngẩn ngơ cho sự gìn giữ trong trắng của mình với người yêu Kim Trọng:
                                       
Biết thân đến bước lạc loài,                                  
Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.                                          
Vì ai ngăn đón gió đông,                                 
Thiệt LÒNG khi ở đau LÒNG khi đi. (38)
 
Nỗi lòng chỉ còn biết tâm sự xẻ chia với mẹ khi chia tay lúc "Một nhà huyên với một Kiều ở trong" mà thôi:
                                     
Nhìn càng lã chã giọt hồng,                               
Rỉ tai nàng mới giãi LÒNG thấp cao. (39)
 
Nhưng rồi cũng phải chấp nhận cho hoàn cảnh trái ngang trước mắt:
                                     
Lỡ làng nước đục bụi trong,                               
Trăm năm để một tấm LÒNG từ đây. (40)
 
Chỉ tội nghiệp cho Vương Viên Ngoại:
                                     
Xót con LÒNG nặng trì trì, (41)                                  
Trước yên ông đã nằn nì thấp cao.
 
Còn Thúy Kiều chia tay trong cảnh trời thu ảm đạm "Đùng đùng gió giục mây vần, Một xe trong cõi hồng trần như bay" và trong cảnh "Vi lô san sát hơi may, Một trời thu để riêng ai một người", ngoài việc "Thấy trăng mà thẹn những lời non sông" với Kim Trọng ra, thì cô lại nhớ đến mẹ cha khi:
                                        
Rừng thu từng biếc chen hồng,                                
Nghe chim như nhắc TẤM LÒNG THẦN HÔN. (42)
 
                              

THẦN  là buổi sáng, HÔN  là buổi chiều; TẤM LÒNG THẦN HÔN phát xuất từ thành ngữ THẦN HÔN ĐỊNH TĨNH 晨昏定省 là Tấm lòng của con cái Sớm Chiều thăm hỏi chăm nom lo lắng cho hai đấng sanh thành là Cha và Mẹ theo như trong sách Lễ Ký, chương Khúc Lễ Thượng《禮記·曲禮上》“Phàm vi nhân tử chi lễ, đông ôn nhi hạ thanh, hôn định nhi thần tỉnh 凡為人子之禮,冬温而夏清,昏定而晨省。Có nghĩa : Phàm cái lễ của bổn phận làm con là, mùa đông phải giúp cha mẹ làm ấm, mùa hè thì làm mát, buổi chiều thăm hỏi, buổi sáng phải vấn an”. Tức là : Bổn phận làm con phải sáng thăm tối viếng, quạt nồng ấp lạnh cho cha mẹ lúc tuổi già.
      
Trở lại với Thúy Kiều, sau khi đến Lâm Truy, bị Tú Bà đánh cho một trận dằn mặt, cô đã rút dao ra tự sát "Sợ gan nát ngọc liều hoa, Mụ còn trông mặt nàng đà quá tay", nên Tú Bà phải "Kề tai mấy nỗi nằn nì", hứa là sẽ "Tìm nơi xứng đáng là con cái nhà" để gả Thúy Kiều Cho đàng hoàng:
                                     
Mụ rằng: Con hãy thong dong,                               
Phải điều LÒNG lại dối LÒNG mà chơi (43)
Mai sau ở chẳng như lời,                               
Trên đầu có bóng mặt trời rạng soi.
 
Trước lời hứa hẹn thề thốt của Tú Bà, Thúy Kiều cũng tạm yên lòng:
                                        
Thấy lời quyết đoán hẳn hoi,                              
Đành LÒNG, nàng cũng sẽ nguôi nguôi dần. (44)
 
... Và Tú Bà đã cho Thúy Kiều vào ở lầu Ngưng Bích để chờ ngày xuất giá theo chồng. Thúy Kiều đã ở nơi đây với một tâm trạng phập phòng không yên:
                                        
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,                                 
Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm LÒNG. (45)
 
... nhìn quanh thì chỉ thấy...
                                                 
Chung quanh những nước non người,
Đau LÒNG lưu lạc, nên vài bốn câu. (46)
 
Chính vì cái "...vài bốn câu" đó mà anh chàng Sở Khanh mới có cớ để họa vần làm quen, ra vẻ ta đây là người thương hương tiếc ngọc, cứu khổn phò nguy:
                                           
Tức gan riêng giận trời già,                                     
LÒNG này ai tỏ cho ta, hỡi LÒNG ? (47)
 
 ... và Thúy Kiều đã mắc bẫy của Sở Khanh, khi trăn trở:  
                                       
Nghĩ người thôi lại nghĩ mình,                                  
Cám LÒNG chua xót, nhạt tình chơ vơ. (48)
 
Nên khi xuống lầu theo Sở Khanh bỏ trốn, Thúy Kiều cũng đã thấp thỏm không yên:
                                            
Lối mòn cỏ nhạt mùi sương,                                  
LÒNG quê đi một bước đường, một đau. (49)
 
                     

Bị Tú Bà bắt lại "Hung hăng chẳng hỏi chẳng tra, Đang tay giập liễu, vùi hoa tơi bời". Đến đổi Thúy Kiều phải "Hết lời thú phục, khẩn cầu, Uốn lưng thịt đổ, giập đầu máu sa" và phải thốt ra một câu đau lòng là:
                                         
Thân lươn bao quản lấm đầu,                                
Chút LÒNG trinh bạch từ sau xin chừa ! (50)
 
 Vì lở dại "bỏ...lầu theo trai" nên không dám xưng là mình "trinh bạch" nữa, thật đáng thương thay !
                 
(Mời đọc tiếp phần 2).                                                                                                                                                        
                                                                                    杜紹德
                                                                                Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét