Ngày khai trường với kỷ niệm mơn man làm tôi nhớ đoản
văn LA RENTRE'E DES CLASSES (TỰU TRƯỜNG) của nhà văn Anatole France - trích
từ quyển “Le Livre de mon ami” (Cuốn
Sách Của Bạn Tôi). Đoản văn TỰU TRƯỜNG của nhà văn Anatole France có ảnh hưởng
lớn tới tâm hồn nhà văn Thanh Tịnh, khi ông viết truyện ngắn TÔI ĐI HỌC. Hình ảnh
chú bé A.France trong ngày tựu trường khơi dậy những tình cảm trong sáng, bỡ ngỡ
và êm ái của tuổi thơ. Bởi hơn đâu hết, chính những thầy giáo vỡ lòng, thông
qua trang hồi kí tuyệt vời ấy, đã đánh thức ở họ những xúc cảm đầu đời: niềm
đam mê học hành và tình yêu văn chương nghệ thuật.
Xin trích dẫn các bản dịch của Phạm Tất Đắc, Bùi Bảo
Trúc và bản tiếng Pháp Anatole France
* Bản dịch của Phạm Tất Đắc:
“Tôi
sẽ kể cho bạn nghe những gì gợi cho tôi nhớ lại hàng năm bầu trời chập chùng của
mùa thu, những bữa cơm chiều đầu tiên ăn dưới ánh đèn và những chiếc lá đang úa
vàng dần trong những chòm cây run rẩy. Tôi sẽ kể bạn nghe mình đã nhìn thấy gì
khi qua vườn Luxembourg vào những ngày đầu tháng mười, khi phong cảnh hơi buồn
và đẹp hơn bao giờ hết, vì đó là những ngày mà lá cây rơi từng chiếc một trên bờ
vai trăng trắng của các pho tượng… Điều tôi nhìn thấy lúc đó, trong vườn ấy, là
một chú bé con, tay đút túi quần, cặp sách trên vai, đang bước tới trường, vừa
đi vừa nhảy nhót như một chú chim sẻ. Chỉ tâm tư tôi nhìn thấy chú bé, vì đó chỉ
là một bóng hình. Đó là bóng hình tôi cách đây hăm lăm năm…”
(Trích một đoạn dịch của Phạm Tất Đắc)
* Bản dịch của Bùi Bảo Trúc:
Tôi
sẽ kể cho bạn nghe những gì tôi còn nhớ mỗi năm khi bầu trời đầy xao động của
mùa thu, những bữa cơm chiều đầu tiên dưới ánh đèn và những chiếc lá vàng trên
những cành cây run rẩy; tôi sẽ kể cho bạn nghe về những gì tôi nhìn thấy khi
tôi đi ngang qua vườn Lục Xâm Bảo trong những ngày đầu của tháng 10, trời lúc ấy
hơi buồn nhưng đẹp hơn bao giờ vì đó là lúc những chiếc lá từng chiếc rơi rụng
xuống những chiếc vai trắng của những pho tượng … Điều tôi trông thấy lúc ấy
trong vườn, là một cậu bé, tay trong túi quần, chiếc cặp sách đeo trên lưng,
trên đường đến trường, những bước chân nhẩy như một con chim sẻ. Chỉ trong óc
tôi mới nhìn thấy cậu, vì cậu bé đó là cái bóng, cái bóng của chính tôi cách
đây 25 năm… Cậu bé đi nhanh, chiếc cặp sách đeo trên lưng và con quay nằm trong
túi. Ý tưởng gặp lại những tên bạn làm cậu vui hẳn lên. Có biết bao nhiêu điều
để nói và để nghe…
(Trích một đoạn dịch của Bùi Bảo Trúc)
Nhà văn Anatole France
* Bản tiếng Pháp Anatole France
LA
RENTRE'E DES CLASSES
“Je
vais vous dire ce que me rappellent tous les ans, le ciel agité de l’automne,
les premiers dîners à la lampe et les feuilles qui jaunissent dans les arbres
qui frissonnent; je vais vous dire ce que je vois quand je traverse le
Luxembourg dans les premiers jours d’octobre, alors qu’il est un peu triste et
plus beau que jamais; car c’est le temps où les feuilles tombent une à une sur
les blanches épaules des statues. Ce que je vois alors dans ce jardin, c’est un
petit bonhomme qui, les mains dans les poches et sa gibecière au dos, s’en va
au collège en sautillant comme un moineau. Ma pensée seule le voit; car ce
petit bonhomme est une ombre; c’est l’ombre du moi que j’étais il y a
vingt-cinq ans; Vraiment, il m’intéresse, ce petit : quand il existait, je ne
me souciais guère de lui ; mais, maintenant qu’il n’est plus, je l’aime
bien........
C’est
ainsi qu’il traversait le Luxembourg dans l’air frais du matin. Tout ce qu’il
voyait alors, je le vois aujourd’hui. C’est le même ciel et la même terre; les
choses ont leur âme d’autrefois, leur âme qui m’égaye et m’attriste, et me
trouble; lui seul n’est plus.
C’est
pourquoi, à mesure que je vieillis, je m’intéresse de plus en plus à la rentrée
des classes.
(Anatole France - trích từ quyển “Le Livre
de mon ami”)
*
Riêng câu này trong đoản văn LA RENTRE'E DES CLASSES
(TỰU TRƯỜNG) của nhà văn Anatole France gieo những cảm xúc thật xao xuyến vào
sâu thẳm cõi lòng:
“C’est
le même ciel et la même terre; les choses ont leur âme d’autre fois, leur âme
qui m’egaye et m’attriste, et me trouble, lui seul ‘n’est plus…”
“
Vẫn trời ấy, vẫn đất ấy, vẫn những thứ mang linh hồn ngày xưa, linh hồn làm tôi
vui, buồn và bối rối, chỉ riêng chú bé ấy là không còn nữa, nhưng cảm xúc trong
hồn tôi vẫn như ngày nào !…
*
Khi nói Thanh Tịnh chịu ảnh hưởng Anatole France thì
không phải ông ấy chịu ảnh hưởng văn phong hay câu từ. Ảnh hưởng Anatole France
đối với Thanh Tịnh là ảnh hưởng lên tâm hồn, chính hình ảnh chú bé A.France
trong ngày tựu trường đã khơi dậy lên cảm xúc, gợi hứng cho Thanh Tịnh viết TÔI
ĐI HỌC.
Theo tôi, nhà thơ Đinh Hùng mới chịu ảnh hưởng văn
phong Anatole France khi viết:
“Nắng
ở đây vẫn là nắng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là linh hồn tôi năm trước. Tôi vẫn
ngờ như không sự đổi thay, vì lại thấy mình đi trên con đường này”
(Trích trong tùy bút CẢM THU của Đinh Hùng)
Mời quý bạn đọc đoạn văn sau của Anatole France, đối
chiếu và so sánh thử nhé!
“Vẫn
trời ấy, vẫn đất ấy, vẫn những thứ mang linh hồn ngày xưa, linh hồn làm tôi
vui, buồn và bối rối, chỉ riêng chú bé ấy là không còn nữa, nhưng cảm xúc trong
hồn tôi vẫn như ngày nào!
(Anatole France)
La Thụy
*
PHỤ
LỤC:
Nhà văn Thanh Tịnh
1/
TÔI
ĐI HỌC
(Truyện
ngắn của Thanh Tịnh)
Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và
trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang
mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy
nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi
ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em
nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn
rã.
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và
gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con
đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh
vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn:
Hôm nay tôi đi học.
Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không
ra đồng nô hò như thằng Sơn nữa.
Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang
trọng và đứng đắn.
Dọc đường tôi thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tôi, áo quần
tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai
quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng. Tôi bặm tay ghì thật chặt,
nhưng một quyển vở cũng chì ra và chênh đầu chúi xuống đất. Tôi xóc lên và nắm
lại cẩn thận. Mấy cậu đi trước o sách vở thiệt nhiều lại kèm cả bút thước nữa.
Nhưng mấy cậu không để lộ vẻ khó khăn gì hết.
Tôi muốn thử sức mình nên nhìn mẹ tôi:
- Mẹ đưa bút thước cho con cầm.
Mẹ tôi cúi đầu nhìn tôi với cặp mắt thật âu yếm:
- Thôi để mẹ nắm cũng được.
Tôi có ngay cái ý kiến vừa non nớt vừa ngây thơ này:
chắc chỉ người thạo mới cầm nổi bút thước.
Ý nghĩ thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn
mây lướt ngang trên ngọn núi.
Trước sân trường làng Mỹ Lý đầy đặc cả người. Người
nào áo quần cũng sạch sẽ, gương mặt cũng vui tươi và sáng sủa.
Trước đó mấy hôm, lúc đi ngang làng Hòa An bẫy chim
quyên với thằng Minh, tôi có ghé trường một lần.
Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ. Tôi đi
chung quanh các lớp để nhìn qua cửa kính mấy bản đồ treo trên tường. Tôi không
có cảm tưởng gì khác là nhà trường cao ráo sạch sẽ hơn các nhà trong làng.
Nhưng lần này lại khác. Trước mặt tôi, trường Mỹ Lý vừa
xinh xắn vừa oai nghiêm như cái đình Hòa Ấp. Sân nó rộng, mình nó cao hơn những
buổi trưa hè đầy vắng lặng. Lòng tôi đâm ra lo sợ vẩn vơ.
Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên
người thân, chỉ dám nhìn một nữa hay dám đi từng bước nhẹ. Họ như con chim con
đứng trên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ
thèm vụng và ước ao thầm được như những học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi
phải rụt rè trong cảnh lạ.
Sau một hồi trống thúc vang dội cả lòng tôi, mấy người
học trò cũ đến sắp hàng dưới hiên rồi đi vào lớp. Chung quanh những cậu bé vụng
về lúng túng như tôi cả. Các cậu không đi. Các cậu chỉ theo sức mạnh kéo dìu
các cậu tới trước. Nói các cậu không đứng lại càng đúng hơn nữa. Vì hai chân
các cậu cứ dềnh dàng mãi. Hết co lên một chân, các cậu lại duỗi mạnh như đá một
quả banh tưởng tượng. Chính lúc này toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp
bước rộn ràng trong các lớp.
Ông đốc trường Mỹ Lý cho gọi mấy cậu học trò mới đứng
lên trước lớp ba. Trường làng nhỏ nên không có phòng riêng của ông đốc. Trong
lúc ông đọc tên từng người, tôi cảm thấy như quả tim tôi ngừng đập. Tôi quên cả
mẹ tôi đang đứng sau tôi. Nghe gọi đến tên, tôi tự nhiên giật mình và lúng
túng. Sau khi đọc xong mấy mươi tên đã viết sẵn trên mảnh giấy lớn, ông đốc
nhìn chúng tôi nói sẽ:
- Thế là các em đã vào lớp năm. Các em phải cố gắng học
để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy chúng em được sung sướng. Các em đã
nghe chưa? (Các em đều nghe nhưng không em nào dám trả lời. Cũng may đã có tiếng
dạ rang của phụ huynh đáp lại).
Ông đốc nhìn chúng tôi với cặp mắt hiền từ và cảm động.
Mấy cậu học trò lớp ba cũng đua nhau quay đầu nhìn ra. Và ngoài đường cũng có mấy
người đứng dừng lại để nhìn vào. Trong những phút giây này chúng tôi được người
ta ngắm nhìn nhiều hơn hết. Vì vậy đã lúng túng chúng tôi càng lúng túng hơn.
Ông đốc lấy cặp kính trắng xuống rồi nói:
- Thôi, các em đứng đây sắp hàng để vào lớp học.
Tôi cảm thấy sau lưng tôi có một bàn tay dịu dàng đẩy
tôi tới trước. Nhưng người tôi lúc ấy tự nhiên thấy nặng nề một cách lạ. Không
giữ được chéo áo hay cáng tay của người thân, vài ba cậu đã từ từ bước lên đứng
dưới hiên lớp. Các cậu lủng lẻo nhìn ra sân, nơi mà những người thân đang nhìn
các cậu với cặp mắt lưu luyến. Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay
lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi,
trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ. Một bàn
tay quen nhẹ vuốt mái tóc tôi.
Ông đốc nhẫn nại chờ chúng tôi.
- Các em đừng khóc. Trưa này các em được về nhà cơ mà.
Và ngày mai các em lại được nghỉ cả ngày nữa.
Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn
dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi vào lớp năm. Một thầy trẻ
tuổi, gương mặt hiền từ, đang đón chúng tôi vào cửa lớp. Trong thời thơ ấu tôi
chưa bao giờ xa mẹ tôi như lần này. Tôi cũng lấy làm lạ vì có nhũng hôm đi chơi
suốt cả ngày với chúng bạn ở đồng làng Lệ Xá, lòng tôi vẫn không cảm thấy xa
nhà hay xa mẹ tôi chút nào hết.
Một mùi hương lạ xông lên trong lớp. Trông hình gì
treo trên tường tôi cũng thấy lạ và hay hay. Tôi nhìn bàn ghế chỗ tôi ngồi rất
cẩn thận rồi tự nhiên nhận là vật riêng của mình. Tôi nhìn người bạn tí hon ngồi
bên tôi, một người bạn tôi chưa hề biết, nhưng lòng tôi vẫn không cảm thấy sự
xa lạ chút nào. Sự quyến luyến ấy tự nhiên và bất ngờ quá đến tôi cũng không dám
tin là có thật. Một con chim con liệng đến đứng trên bờ cửa sổ, hót mấy tiếng rụt
rè rồi vỗ cánh bay cao.
Tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỷ niệm
cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa bay trên bờ sông Viêm sống lại đầy dẫy trong
trí tôi.
Nhưng những tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng
đen đã đưa tôi về cảnh thật. Tôi vòng tay lên bàn chăm chỉ nhìn thầy viết và lẩm
bẩm đọc:
Bài tập viết: Tôi đi học!
[Rút từ tập truyện ngắn QUÊ MẸ, 1941]
*
2/
Bài
tùy bút được xem như "thơ văn xuôi" của Hoài Điệp Thứ Lang (một bút
danh khác của Đinh Hùng):
CẢM
THU
Thu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng này nghe từng
chiếc lá rơi trên bờ cỏ...
Nước trong như một cặp mắt tuyệt vời. Những cây liễu
xanh đứng buồn như những nàng cung nữ thuở xưa, và trong vườn nhà ai thấp
thoáng hoa phù dung nở trắng như một linh hồn còn non trẻ?
Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa và linh hồn tôi vẫn là
linh hồn tôi năm trước. Tôi vẫn ngờ như không sự đổi thay , vì lại thấy mình đi
trên con đường này. Thu năm nay, giữa lúc cây vàng rơi lá, đường này hiu hắt,
tôi đem lòng về để gặp mùa thu thương nhớ cũ, và may cũng thấy thu về để nước hồ
xanh. Chân ai đi xa vắng đằng kia, hay đó chỉ là gió thoảng mong manh? Và gió
nào vương vấn hồn tôi, hay cũng chỉ là dư thanh của một ngày xưa cũ? Chao ôi!
Buồn đã nhiều rồi, nhưng cũng chỉ buồn như năm trước. Lòng tôi chẳng biết tìm
ai mà nhớ, hôm nay nhớ lại buồn qua mới thấy nắng kia nhiều dĩ vãng.
Tôi nhớ một người lữ khách nào xưa, ra đi từ một mùa
thu... Thế rồi cũng một mùa thu trở lại. Những bước đầu tiên trên con đường bạn,
mắt buồn như nước, mảng tìm hồn mình hiu hắt trong hồn thu mới...
Thu đã về đây, tôi làm lữ khách đi hết sông này, sông
khác, cả núi, cả đèo và lại cả rừng, cả suối, bây giờ tôi cũng về đây để buồn
thêm một ít, nhớ thêm một ít, và yêu thêm rất nhiều.
... Từ hôm rời chân ở bến sông vàng, từ biệt con thuyền
phiêu bạt, tôi đã hết nhớ dãy núi xanh phơn phớt đằng xa và bâng khuâng trở lại
con đường quê thân mật.
Ði trên đất đỏ, giữa hai ruộng ngô thơm ngào ngạt...
Hương này có phải hương xưa? Ồ! Những dây đậu vẫn còn non mà luống khoai lang
đã xanh tươi rồi nhỉ?
Ði trên đất đỏ, bên những đồng rau cải cúc và giẫm lên
cỏ may vàng. Ðây là những con bướm cũ, những cánh hoa xưa. Và này đây tất cả
ngày xưa: từng cơn gió nhỏ, từng sợi mây buồn...
Thôi! Thôi! Tôi không còn trẻ thơ nữa để say sưa đuổi
bắt bướm đồng, và chẳng ngắm gió sầu mây, chỉ biết hoa lòng nở cũng nhiều bông
trắng!
Thương nhớ vì sao! Tôi sớm giã từ hồn niên thiếu, hôm
nay đi giữa cánh đồng lại thấy tuổi nhỏ của mình tản mạn trên từng cánh bướm, sắc
hoa, và chân bước đi những bước ngậm ngùi, bởi chưng lòng tưởng con đường tan
tác cánh hương của đóa xuân hồng thuở cũ.
Hoài Điệp
Thứ Lang
* Bài tùy bút
"thơ văn xuôi" CẢM THU này được nhạc sĩ Văn Trí phổ nhạc với nhan đề
HOÀI THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét