ĐƯỜNG VỀ BÌNH TUY
Trần Hữu Ngư
*Kính tặng những bạn bè tôi ở Bình Tuy trước 1975
Tôi đã từng viết rất nhiều bài hát của không ít nhạc sĩ, nhưng không hiểu tại sao “Tôi không cảm nhận được một bài hát của quê hương mình?”, tôi muốn nói đến nhạc phẩm “Đường về Bình Tuy” của nhạc sĩ Trúc Phương. Nếu nói không quá lời, thì đây là một tác phẩm viết về Bình Tuy được cho là “tuyệt tác” vì sau đó có năm ba bài hát khác cũng viết về Bình Tuy, nhưng làm sao mà “địch” nỗi “Đường về Bình Tuy” (nó ra đời một thời gian ngắn rồi chết không kịp ngáp). “Đường về Bình Tuy” sáng tác của nhạc sĩ Trúc Phương - một ông vua Boléro - đã gắn bó một thời gian khá dài trên mảnh đất “lắm người nhiều ma sống” được thành lập khá muộn so với tác tỉnh khác, tách ra từ tỉnh Bình Thuận từ 1957. Ngày ấy, Trúc Phương đến Bình Tuy trong Đoàn Văn công Nha Công tác Miền Thượng. Tiếc rằng không ai còn nhớ Trúc Phương đến Bình Tuy năm nào, cũng như ngày ông rời khỏi Bình Tuy? Và cũng tiếc rằng những người quen thân với Trúc Phương đã qua đời, còn tôi, còn rất nhỏ.
Bình Tuy, cái tỉnh nó lạ lắm: Cha, Thầy lớn hơn… Tỉnh Trưởng! Một ông đầu tỉnh mới đổi về, việc đầu tiên là đi thăm cha, thầy trước đã, rồi sau đó mới làm chuyện khác.
Bình Tuy, cái tỉnh nhỏ nhưng có những cái lớn: Hải đăng Kê Gà, tượng phật Núi Kú, Đức Mẹ Tà Pao, Núi Bảo Đại, Dinh Thầy Thím, Rừng Lá, lò đốt than…
Bình Tuy cái tỉnh nhỏ, có một cái cũng nhỏ và buồn nhất Việt Nam: Ga Suối Kiết.
Bình Tuy cái tỉnh nhỏ, nhưng Ngô Đình Nhu đã đến tìm vàng.
Bình Tuy cái tỉnh nhỏ, nhưng có con đường chiến lược cổ nhất Việt Nam: Tỉnh lộ 23 (trước 1975) chạy theo mé biển xuống Bà Rịa Vũng Tàu, do Pháp xây dựng.
Bình Tuy cái tỉnh nhỏ nhưng có cái tên rất Tây: Lagi.
Bình Tuy cái tỉnh nhỏ nhưng tập trung dân tứ xứ: Bắc Trung Nam, kể cả người Thượng
Bình Tuy cái tỉnh nhỏ nhưng có rất nhiều Đạo: Phật, Chúa, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành, Ba Hai… “Đạo nào cũng là đạo”.
Bình Tuy có cái nghịch lý: Hòn Bà, núi Ông. Bà mà… Hòn, phải là hòn Ông núi Bà chứ?
Bình Tuy “nhỏ như con thỏ”, nhưng có một thiên tình sử của các quan đầu tỉnh với một hoa hậu không ngai (T.X) cũng hồi hộp và gay cấn! Tôi chơi khá thân với nàng. Sau 1975, tôi và nàng vào Saigon bán quần áo cũ!
Sau cùng, Bình Tuy là địa điểm cuối cùng của Quân “Liệt” Việt Nam Cộng hòa chạy mất dép, xuống bãi biển Đồi Dương Tân Long ra tàu thoát thân. (Tôi không gọi là Quân Lực mà gọi là Quân Liệt)
“Đường về Bình Tuy” bản in do Ty Thông Tin Bình Tuy phát hành. Tiếc rằng không ghi ngày tháng. Bản nhạc mang gamme Ré trưởng, nhịp Mambo Boléro.
Nhà báo Trần Hữu Ngư
Tôi xin trích nguyên văn bài hát, chỉ có tính cách tham khảo, chứ không phổ biến. Những chỗ (…) là tôi “tự ý đục bỏ”:
Đây Bình Tuy nước mặn về muôn hướng
Bên đại dương sóng dâng tình muôn phương
Dưới ánh nắng mai tiếng hát của dân chài
Nhịp nhàng êm ái
Yêu Bình Tuy mấy mùa trăng vương vấn
Qua Hàm Tân luyến lưu tình (…)
Tiếc mãi cá ngon dưa muối vui xóm chài
Một miền đầy tương lai
Ai ơi ghé lại Tam Tân nghe gió lộng về khơi
Ru êm có Đồi Dương reo
Tới Đập Đá Dựng
Nhạc rừng vang bên giòng suối
Xa xa trông Hòn Bà nên thơ giữa sóng trùng dương
Mấy kiếp gió sương?
Lagi tay chài tay lưới
Có những mùa trăng sáng
Cát trắng đẹp bờ vai
Trai Bình Tuy gởi tình yêu sông núi
(…)
Đây Bình Tuy những chiều mây vương lối
Nghe lời ai nói lên từ xa xôi
Có những cánh tay Thượng Kinh nhặt hoa màu
Đẹp đời người mai sau
Đây là một ca khúc đẹp cả ca từ, nốt nhạc và giai điệu. Tôi đoán chừng Trúc Phương viết từ năm 1961, vì năm 1960 tôi từ quê ra tỉnh học Đệ Thất trường Trung học Bình Tuy thì tôi chưa nghe bài này.
Lúc bấy giờ Bình Tuy còn rất nghèo, thưa dân, nên có chương trình P.Q.Đ đưa dân khẩn hoang, lấp ấp… mở thêm Quận Hoài Đức…, dân chưa có điện, có lẽ Trúc Phương vì yêu Bình Tuy nên mới viết một bài hay đến thế! Một bài hát mà chỉ có một người nghệ sĩ như Trúc Phương mới làm nên, viết theo trái tim, không vụ lợi, như con tằm nhả tơ. Trước 1975, các hội hè, đoàn thể, học sinh, công chức, quân nhân đều thuộc bài hát này. “Đường về Bình Tuy” sở dĩ người ta yêu mến, trân trọng nó, vì nó “không phải là nhạc nịnh”, “nhạc nâng bi”. Điều chắc chắn rằng “Đường về Bình Tuy” không phải là bài “đặt hàng” và hình như trong hàng loạt ca khúc nổi tiếng của Trúc Phương, có những bài ông sáng tác tại Bình Tuy.
Viết đến đây, tôi nhớ nàng Ch. sau 1975 nàng có nồi cháo lòng nho nhỏ bán ở chợ mới Lagi, Ch. có đôi mắt buồn, đẹp và là người chơi khá thân với Trúc Phương.
Ch. và người đẹp T.X đều học ở trường Trung học Bình Tuy, trên tôi một lớp.
TRẦN HỮU NGƯ
(Một ngày nhớ Bình Tuy và Trúc Phương 23.10.2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét