CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 14 tháng 5, 2020

BÀI TỰA NHÀ VĂN CUNG TÍCH BIỀN VIẾT CHO THI PHẨM "KINH VÔ THƯỜNG" CỦA VÕ THẠNH VĂN


             

@ I
Từ Kinh

Một kính ngưỡng hằng có mà chúng ta được biết, phần nào được hiểu: “Lời / Chữ của bậc Thánh Nhân gọi là Kinh, của thường nhân, là Truyện.”
Kinh Dịch đã định rõ 2 phần: Kinh và Truyện. Lời luận giải của Khổng Tử --một chỉ yếu hình định Dịch kinh— là Truyện.

Hà cớ? Là Thánh, là Vạn thế Sư biểu, có thể là do / từ các môn đệ, hậu thế tôn vinh. Đức Khổng đương thời, cái Hôm ấy và Bấy giờ của Ông ta, chỉ là một triết gia, khiêm tốn và bình thường như mọi con người. Bậc chí nhân, Khổng, không tự cho mình là Thánh. Mọi sự chỉ là ngoại vi. Nhưng, “Không tự nhận mình như thế, mới là Như Thế.”

Một số cà triết thuyết, học thuyết, khi được kế thừa, hiện dụng về sau, là hình thành Đạo. Tông giáo có từ Lão – Trang, qua Đạo Đức kinh và Nam Hoa kinh.

Đạo / Con Đường được Mở Cõi từ Kinh.

Kinh khai Đạo.

***
Người họ Võ, Phù Hư Dật Sĩ, bát ngát định danh bộ trường thiên thi của mình là Kinh. Kinh Vô Thường.

       

Tác phẩm nầy nếu không là Kinh, theo cách hiểu ở trên, nó cũng chẳng thể gọi là Truyện, đúng nghĩa theo cách gọi của Hôm nay.

Vậy, “Nó” đứng nơi đâu? Là gì? Thể thái nầy gợi ra, một “Đi tìm nơi tương phùng.”

Có thể, đây là nơi giáp mặt của ngữ ngôn, và / với, cái mong muốn bí ẩn của Tác giả Kinh Vô Thường, là, thoát ngoài giới hạn tục luỵ về tên gọi Kinh – Truyện.

Lại, quyền được nghĩ:
“Thi là Kinh, Văn là Truyện.”

Thi ca, một hiện thân Thánh hoá. Lời Thần linh. Là Hình nhi thượng trong mọi tầng hệ tư tưởng. Ở trên văn, và ngoài văn chương. “Hồn” của Kinh là Thi, chữ / từ chỉ là “Xác.”
Xác có thể nhờ nhiều hình tượng mỗi ngôn ngữ biểu hiện [chữ viết Đông Tây, kim cổ], qua nhiều hình thái biểu đạt [trường phái, trào lưu vv…]. Ở tận Cõi Vô ngôn, Xác ấy có thể / xem như tự huỷ. Xác có biến thể, nhưng Hồn chỉ Một. Cái Biến thể và cái Vô tướng hình hoà nhập cho một Sự Đạt. Ấy là Thời và Không, của “Thể lộ kim phong.”

Hoá thân trong // Cái thể của cơn gió vàng thoát lộ // cho nên những Đích thị Thi nhân đông tây kim cổ thảy đều là các bậc Thánh, Thần, Tiên. Lời từ ấy là Kinh. Thi nhân đứng trên đỉnh cùng trời đất. Không hề là kẻ đứng gốc, cùng bóng cây, dẫu là Gốc Tùng.

Tôi nghĩ, Võ Thạnh Văn, Con-người-đã-ra-ngoài-nắng-mưa, đã trực ngộ, dõi theo cái linh dẫn “bình sinh vô phương thị,”
nên khoát áo cho bộ trường thiên thi của mình là Kinh. Kinh Vô Thường.
Điều nầy là bình thường.

Không làm con tin cho những Rào Chắn, không giam mình trong chốn nhân gian than thở rằng Bất Khả Thoát, đó là nhân cách của một Nhà Sáng tác.

Người Đọc, một khi đối diện Kinh, dù là hiển thị qua chân dung lục bát hiền hoà, phải có một đôi mắt ngoài nhục nhãn. Những-mắt-bên-kia-bờ-thịt.

Là, những tâm / trí / thần / tuệ nhãn sẽ được rót tinh mật.

@ 2
Về Truyện.

Từ “truyện” dùng dưới đây khác với từ “truyện” viễn cổ.
Nguyễn Du với Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Đình Chiểu có Lục Vân Tiên, và khá nhiều tác giả Việt Nam xưa nay có “lục-bát-dài-hơi” những trên nghìn câu, được người đời gọi là truyện. Truyện Kiều. Lục Vân Tiên truyện.
Là, tiểu thuyết được truyền tải qua hình thức thơ. Nội dung “sống nhờ” một cốt truyện. Tờ tợ cái cách dây trầu leo thân cau.

Lợi điểm dẩn dắt người đọc là ở cái nắng mưa số mệnh, là thế thái nhơn tình, chung quy là duy ở cốt truyện. Với đa phần quần chúng, những văn chương tư tưởng, những thẩm mỹ ngôn tự, chỉ là thứ yếu.

***
Kinh Vô Thường không hề có cốt truyện.

Mười nghìn câu lục bát, gồm 2.500 tiểu đoạn tứ tuyệt, chia ra 10 tập, từ Cát Bụi I đến Cát Bụi X, tuyệt không “một sợi chỉ xuyên suốt” liên kết, thừa thượng tiếp hạ, theo cấu trúc truyện, trong kỹ thuật sáng tác truyền thống. Đầu truông cuối bãi, Kinh Vô Thường không hề có một chủ đề riêng lẻ, chương hồi, dù chỉ trong mỗi tập nghìn câu.

Nhưng đây không là một ngược dòng, một phản / phi cấu trúc [deconstruction]. Kinh Vô Thường vẫn là một tuân thủ nghiêm chỉnh phong cách lục bát. Sự hiển lộ của toàn bộ tác phẩm là một Biển Chữ sang trọng, cổ điển và hàn lâm.

Ánh sáng dội lại từ tư tưởng và ngôn ngữ Kinh Vô Thường vẫn là những tinh quang rộng mở, dìu dặt, thuần khiết và thơ mộng. Thủ pháp sáng tạo của Tác giả là rất thông minh, tài hoa.

***
Không cốt truyện dẩn dắt, người đọc mong giải trí, một gỡ rối tơ lòng, đã sắm sẵn mớ nước mắt, chờ đợi những bước éo le lên ghềnh xuống thác cuộc thế thái nhơn tình, sẽ đụng phải một cái… rỗng không. Đó là một Đèo-cao-Chữ-nghĩa. Bức-tường-trừu-tượng.

Đọc Kinh Vô Thường, đối với những khách thưởng ngoạn thường tình nầy, loại tầm tầm, sẽ không thể nào tìm thấy những nhân vật có cung cách của nàng Kiều, Nguyệt Nga, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bùi Kiệm, Thể Loan, Vân Tiên… để mà cắt bớt ruột gan của mình ra, mà chia sớt nỗi lòng.
Tính lý của Kinh Vô Thường là một Rỗng và Không. Giai nhân mà Tác giả, xuyên suốt gặp gỡ, chia ly, nhớ nhung, gợi lại, mong chờ, chào biệt nơi đây, chỉ là những bóng hình sương khói. Là những gam màu trừu tượng. Nàng? Chỉ là một nhân ảnh tuồng như có, tuồng như không trong kiếp nầy. Lại như từ kiếp trước? Càng không chắc Nàng lấp ló ở kiếp sau.

Một Rỗng Không vừa thơ mộng vừa tàn khốc.
Một Rỗng Trống chật đầy những nghi hoặc siêu hình.

Không một cái móc treo mang tính thực dụng, giàu mùi mặn lạt tục luỵ, để tâm hồn người đọc móc vào, đi tiếp đường trường chữ nghĩa. Những độc giả bất lực trước cái Đèo cao nầy, sẽ rất khó lòng mà đọc cho hết mười nghìn câu lục bát lê thê. Sẽ buông ngay Chữ. Sẽ chào biệt Những Dòng.

Kinh Vô Thường quả là một thách thức Người Đọc. Vì, “Nó” đòi hỏi cái tương tri, cái đức hạnh, một lòng tin vào chữ nghĩa nơi một ai chạm vào. Nó đứng một Cõi Riêng trong mỗi Cõi Lòng. Là một Dâng hương. Không là thù tạc.

Chỉ là lộng lộng tràng giang ngữ từ. Nội dung không nương theo truyện, lợi dụng truyện mà dạy / mong người làm theo đức, đi theo đạo, thuận điều chí thiện. Nhưng trong Kinh Vô Thường, Đức, Đạo điều chí nhân chí thiện, lẫn âm u than thở, bao cảm hoài, kêu hỏi về một kiếp người, cả về cái đành hanh của / do / bởi / từ Cát Bụi, thì hằn rõ.

@ 3
Qua Kinh Vô Thường, Võ Thạnh Văn là đệ nhất tài tử của nghệ thuật Nói-khơi-khơi. Một cách nói “Khó nói nhất” dành cho những điều nghiêm chỉnh.

Một Cách Nói như không định hình của làn khói hương, quấn quít, tan biến nhanh trong hư không, nhưng mùi hương thì chậm chậm cách thấm đẫm hồn người.

Khơi khơi trong rất mực khơi khơi. Nói một điều gì cũng chỉ nghệ thuật nói loanh quanh, tuồng là ngẫu nhĩ. “Ngộ” mà chẳng thấy, “Thấy” được cả cái “không thể nhìn ra.” Tâm thái của người họ Võ đậm chất Thiền. Rộng trải cái khí hậu Lão Trang. Bát ngát cái vô thanh vô lượng lẫn vô tình nơi Thái hư. Thiên hà ngôn tai. Trời có nói gì đâu. Mà, Trời túm cả thiên thu sự vụ.

Ngữ từ nơi nầy, mười nghìn câu, là một cái Trời mênh mông lất phất. “Nói qua rồi lại nói về.” Trước đã nói rồi, sau lại nói thêm. Nói rồi mà chưa nói hết. Nói thêm mà vẫn không thừa. Như mưa chiều hôm qua, sáng nay lại cơn mưa. Với vô tận của Trời, cơn mưa nào là đầu tiên? Mưa nào là cuối cùng?

Cái thăm thẳm của Kinh Vô Thường là bàn khơi khơi. Lẫn chơi chơi. Là, Lão / Trang chi ngôn. Là, Trang / Lão chi thần. Như gió mây thiên thượng, như thiên khí có lực sai khiến lũ chữ nghĩa kéo nhau đi lang thang vào chốn Vô Cùng. Một vô cùng Khai / Mở. Để, mọi cánh cửa ngôn từ, của chiêu niệm, được toan mở, ra mọi chiều kích.

Nhưng, chính cái thế giới rộng mở đến không phương hướng kia, điều tất yếu, đã / để bày lộ “Cái Nói Bên Trong.” Như cho riêng mình. Như nói với giấc mộng ảo. Như độc thoại với “Một ai trong Tôi.”
Đấy là nội hàm của một Niệm tương ứng với một Hạt trong vòng Nội liên ái, trên vòng tay đeo [18] hạt của Nàng, Nhà Phật. Niệm ấy là: “Tôi có mặt KHÁC nơi nầy như thế.”

@ 4
Ưu điểm của họ Võ là chừng không chủ tâm dài dòng lý luận, định nghĩa 2 từ Vô Thường. Chỉ vẻ ra cái giấc mộng  “tuồng như là vô thường.” Mộng? Như một tỉnh vật hằng có. Là hiện thể của Sự Chết, khi đang Có mặt.
Luận cho ra thế nào là Vô Thường? Đáp vấn cho tận tường câu hỏi vạn đại nầy ư? Là điều rất vô nghĩa, hoài phí. Là khá xa lạ với Cái Đương Nhiên trên cả những đương nhiên.
 Không cần thiết phải tìm hiểu cái Lẽ Còn Mất, ấy là hiểu được Mệnh. Chỉ an với nó theo cách thư thái, khinh khoái xuôi dòng. Không cần biết Nó từ đâu, về đâu. Bởi, muốn cũng không thể biết được. Mau, Chậm, Còn, Mất trong dâu bể không là quyền của mỗi cái sống gọi là Quyền Được Sống nơi mỗi con người. Sự Biết ấy, chính là Đạo.

***
Khởi đi từ “Nhất phiến tài tình thiên cổ luỵ,” cho nên, Chữ / Lời / Ý của họ Võ, cái gì cũng nửa đường đầu nẻo. Như ta trong chờ đợi một-chiều-rớt-hạt. Mây đen đã kín đen bên kia núi, bên nầy vẫn cái ráng chiều le lói vàng tênh. Luôn là Một Cái-sẽ-tới nhưng biết bao giờ tới! Luôn là Cái-chập-chùng-đi mà bao giờ mới lên đường!
Do vậy, nguồn cảm hứng, con triều ngôn ngữ của con Người họ Võ đậm cách Khơi Dòng –dù Kinh Vô Thường luôn dung nạp một lượng từ khá cổ điển, rất xa lạ loại ngôn ngữ đa phương, nồng cháy, mang tính hiện đại của Hôm nay.

***
Trong lời Tiểu Tự nhân ngày hoàn thành bộ Kinh Vô Thường, Võ Thạnh Văn đã viết:
“Đông Thiên, Tây Trúc và miền Đất Hứa… càng đi càng lạc, càng đến gần càng xa lạ. Đứng sát bên Linh Thứu vẫn thấy mình lạc lõng, trôi giạt, quạnh hiu. Quỳ dưới chân núi Si-Na-I chợt biết mình mất hướng, bồng bềnh, vong lạc.”
Tâm thức của Tác giả là một cô đọng hiển linh.
Từ suối ngồn nầy, Kinh Vô Thường dung chứa một chênh vênh giữa ranh giới Thật - Ảo. Cõi bờ nầy là Có – Thật, trong Sự - Thật. Có một lần, có là như thế trong đời Thi Sĩ, một Hình Dung da thịt, một nhân tình hiển hiện trong đầm ấm đời riêng. Nhưng Chữ nghĩa nầy lại Đứng - xa - hiện – tình, là không rõ chân dung. Chẳng ai bên kia cầu, ai bên suối, ai khóc và có ai cười? Một trôi giạt mông lung giữa biển đời luôn có thật quanh đây, luôn lạnh căm, cháy bỏng, oan khiên lẫn may mắn, lại rất ư hư huyễn.
Đó là cái Lõi, cái bản lai diện mục được sát na trực thị. Là, cuộc chuyển luân của Thập mục ngưu đồ. Từ khải vọng kiếm tìm, khi Được và Đã Có, lại trở về “Nhân ngưu câu vong” / Người trâu đều vô hình tướng. Cái vòng tròn Rỗng Trống. Một hiện tiền Chân Như.

@ 5
Có người hỏi, Vì sao Người họ Võ “Đứng được chỗ mười phương” để “dùng dằng giữa tà huy?”
Theo tôi, trùng phùng nầy có thể giải mã. Võ Thạnh Văn là một Ki-Tô hữu, được huân đúc trong / và thừa hưởng nền giáo dục nhị nguyên của kinh điển Thiên Chúa giáo. Lại là một người khá thông tuệ về Phật giáo, như từ Cửa Phật. Tĩnh tại một thiền giả. Cũng là môn đệ của Lão / Trang. Về đời thường, như chúng ta, anh cũng từng kinh qua cái biển đời “Không đủ lời, và thời, để than thở, chờ mong,” nên đã chọn một cuộc sống ẩn khuất của một dật sĩ. Ngần ấy đủ khởi tạo một Rộng – đường, một Khai - mở trên con đường sáng tạo.

Trong mỗi Tác giả luôn có một ngọn đèn chiếu lại từ vô minh, vô thức, lúc cầm bút. Luôn có một Thức – giấc từ tiềm thức. Và, cả những giấc mộng đêm qua, vẫn là nguồn cơn ám / chiếu / thành những con Chữ có thực.
Từ khởi điểm là “Trung tâm quy chiếu những tư tưởng đa chiều và đa nguyên ấy, Kinh Vô Thường trù phú những chiêu niệm về ý thức, lẫn tâm thức trực diện với cuộc đời, với số phận, cả những “Vực – Bờ - Bên - Kia – số - phận”
Kinh Vô Thường không mong tìm Người Đọc. Chỉ kẻ tri âm tìm đến. Và, cuộc tương giao nầy khó bề đứt đoạn.

@ 6
Lời Kết
Văn là người.
Thơ, cũng có thể.
Kẻ điên, thiền giả, người cổ quái, bọn trích tiên có thơ điên, thơ thiền, thơ quỷ, thơ tiên. Chàng cuồng mộng mê si có thơ tình, ông quan to có thơ phò vua nịnh chúa.Phải yêu rất mực mới có thơ rất tình. Phải thụ ân sũng rất thừa mới có thơ đúng đạo Làm Tôi.
Từ tự nhiên, chất Thơ là khí hạo nhiên, là Của – Chung trong trời đất, nhưng nó được người mần thơ hít vô rồi thở ra đủ kiểu cái ấm – lạnh – đỏ -- vàng – xanh – nâu. Rất Riêng. Và, rất ư lựa chọn. Nên, tuỳ thể thái của riêng / mỗi, mà thơ rực hương nhân ái hay rộn ràng binh đao, hoặc trầm vọng tiếng chuông chùa. Phải sống ra sao mới thấu rõ ruột gan âm dương.
Thơ họ Võ, quả là người họ Võ.

***
Từ bé, tôi được mẹ tôi đẩy vào chốn nhiệm mầu khi kể câu chuyện về con sông Trà Khúc hai bờ, một bờ đục, bờ kia trong. Đục – Trong rõ ràng. Tôi qua sông Trà, cứ tìm mãi bên nào đục, bên nào trong.

Tôi đã từng đi tới thị trấn Sông Vệ vào thời kháng chiến chin năm chống Pháp, một dòng sông một cõi người buồn. Tôi đàn. Tôi hát. Tiếng hát trong những đêm trình diễn, núi thẳm ở phía xa kia, nơi đây chỉ ánh trăng cheo leo, không hề có một bóng đèn điện.
Rồi hơn năm mươi năm sau trôi trở lại Quảng Ngãi sau khi biển đời có đổi thay. Trắng hoá đen, mà Đen không biết có thể hoá ra cái giống gì. Những vùng ngoại ô đầy những ruộng lau xưa kia quanh thành phố nay là những đại lộ phố xá. Tôi ngồi quán Yaly, một chiều nhớ bạn. Những Bạn Một Thuở. Rót vài ly rượu đặt trước mặt, những chiếc ghế hoang trống đối diện. “Nào, mời người khuất bóng cùng Ta cạn một ly đầy.”
Quảng Ngãi với tôi, tới hôm nay vẫn là một vùng đất êm đềm nhưng rất kỳ bí, như tiếng hát đêm trăng nào.

***
Võ Thạnh Văn chào đời ở nơi đây, một làng núi đầu nguồn sông Trà, trên nhánh phụ lưu Cẩm Thuỷ. Anh thừa hưởng phần nào khí thiêng núi rừng, hơi thở con hươu, cái nhìn con nai, mai mù sương, chiều cơn giông núi, tiếng chim đêm kêu mơ. Hoang sơ nuôi anh. Rừng thẳm dạy anh. Rồi anh xuống đồng bằng. Rồi anh ra thế giới. Đất xanh màu lá, sông xanh màu trời, cho anh cái bát ngát mộng mơ, cái bàng hoàng rất ư minh triết và nhân ái của một thi sỹ giữa cuộc đời.
Anh được cái mầm ân sủng của miền kỳ vĩ núi Ấn sông Trà, thừa hưởng từ Vô, lẫn Hữu hình ấy, từ cái “Đục – Trong rạch ròi.” Mang cái trong vắt tâm linh trí huệ đi cùng cái khí hậu nhân gian đục ngầu đương nhiên phải đục, bản thể của tục luỵ. Tất cả, từ ngọn cỏ Quê Nhà đến hình tượng Nữ Thần Tự Do nơi xứ sở thứ Hai anh đang tạm dung / cư ngụ 45 năm, đã tụ gom, hình thành một Thi sỹ Võ Thạnh Văn Hôm Nay.

                                                                          Bồ Đề Cốc, Gia Định
                                                                               Tháng 12, 2014
                                                                           CUNG TÍCH BIỀN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét