Học giả Đỗ Chiêu Đức
PHIẾM LUẬN NƯỚC LÀ THỦY
Đỗ Chiêu Đức
Nước là chất lỏng có ký hiệu là H₂O, từ Hán Việt là Thủy 水, thuộc dạng chữ Tượng Hình trong CHỮ NHO... DỄ HỌC, được hình thành theo diễn tiến của chữ viết như sau:
Giáp Cốt Văn Kim Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư
Ta thấy:
Từ Giáp Cốt Văn cho đến Đại Tiểu Triện đều là hình tượng của một dòng nước, 4 chấm 2 bên là tượng trưng cho dòng nước đang chảy. cho nên, có nước là có dòng nước chảy, như suối, khe, sông, biển ... và nơi nào có suối, khe, sông, biển là nơi đó có nguồn sống, có dân cư. Cái quần thể dân cư nầy sinh sống phát triển là nhờ dựa vào nguồn nước. Cho nên ông bà ta có câu “Uống nước phải nhớ nguồn”, và có phải vì thế mà dân ta gọi một Quốc Gia là Một Nước ? Không có nước sẽ không có người sinh sống và cũng sẽ không có quốc gia nào hình thành được cả!
Nước mất thì nhà tan, quốc phá thì gia vong ! Không có nước sẽ không có nhà, mà không có Nhà thì cũng không thành... Nước ! Cho nên, ta lại có từ Nhà Nước để chỉ Chính Quyền của một Quốc Gia.
Nước là thủy, thủy là nước. Bên dòng nước là bên dòng sông, nên thủy cũng là sông, như Hương Giang còn gọi là dòng Hương Thủy; tương tự, Tương Giang cũng gọi là Tương Thủy như trong bài thơ “Tảo hàn giang thượng hữu hoài” của Mạnh Hạo Nhiên đời Đường:
我家襄水曲, Ngã gia Tương Thủy khúc,
遥隔楚云端. Dao cách Sở vân đoan.
Có nghĩa :
Sông Tương quê cũ vời trông,
Ngẩn ngơ mây Sở cách ngăn mấy lần.
H₂O là phân tử nước do 2 nguyên tử Hidro và 1 nguyên tử oxy kết hợp mà thành, đó là theo công thức Hóa học. Còn theo Âm Dương Ngũ Hành của Kinh Dịch thì Kim sanh Thủy. Nước là do ... vàng sinh ra, và theo một câu trong sách Thiên Tự Văn 千字文 là KIM SANH LỆ THỦY 金生麗水. Có nghĩa: Khi vàng bị nung chảy thì trở thành một chất lỏng lắp lánh đẹp đẽ. Nhưng căn cứ vào thực tế thì không phải như thế, vì chất lỏng lóng lánh của vàng sẽ rất nhanh đong cứng lại thành chất rắn của kim loại.
Nên ...
KIM SANH LỆ THỦY ở đây là chỉ dòng sông Kim Sa Giang ở tỉnh Vân Nam thuộc nước Sở thời Chiến Quốc. Vì có rất nhiều cát vàng ở trong lòng sông, nên nước sông lắp lánh rất đẹp, vì thế mà dân chúng mới gọi Kim Sa Giang là LỆ GIANG 麗江 hay là dòng LỆ THỦY 麗水, là dòng nước đẹp ! Đẹp vì cái Thần của con sông là vàng là Kim, nên chi vị Thủ Tướng đầu tiên của nước Việt Nam ta là cụ Trần Trọng KIM mới lấy hiệu là LỆ THẦN, là cái THẦN của dòng sông LỆ, chính là KIM đó vậy !
Trong mùa xuân thì nước gọi là Xuân Thủy. Từ những băng tuyết trên nguồn tuôn chảy thành những khe suối trong veo vào mùa xuân, rồi chảy thành những dòng sông len lỏi qua thôn xóm mang lại nguồn sống cho dân cư, như trong thơ của Đỗ Phủ:
一徑野花落, Nhất kính dã hoa lạc,
孤村春水生. Cô thôn xuân thủy sinh.
Có nghĩa:
Bên đường hoa dại rụng đầy,
Nước xuân trong vắt đâu đây xóm nghèo.
Nước xuân trong vắt như ánh mắt của các cô thôn nữ mộc mạc ngây thơ như lời thơ của Thôi Ngọc trong Đường Thi:
两臉夭桃從镜發,Lưỡng kiểm yêu đào tòng kính phát,
一眸春水照人寒。Nhất mâu xuân thủy chiếu nhân hàn.
Có nghĩa:
Má đào ửng đỏ trong gương
Một làn xuân thủy vấn vương lòng người.
Xuân thủy là ánh mắt xuân của các cô gái ngây thơ trong trắng, khác với thu thủy là ánh mắt gợn buồn đa sầu đa cảm của các giai nhân tài hoa bạc mệnh như Thúy Kiều:
Làn Thu Thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh !
Thu Thủy là nước mùa thu, trong veo, lạnh lùng mà se sắt dễ làm rung động và cũng dễ làm tê tái lòng người.
Theo Âm Dương Ngũ Hành, thủy thuộc cung Hợi và Tý, có màu đen và nằm ở phương bắc. Bắc phương Nhâm Qúy Thủy mà ! Nên, ở Bắc bán cầu nầy, thường các dòng sông đều phát nguyên từ vùng Tây Bắc và chảy về hướng Đông Nam mà đổ ra biển theo như một câu nói xưa:
世間無水不朝東. Thế gian vô thủy bất triều đông.
Có nghĩa:
Trên đời nầy không có dòng nước nào mà không chảy về hướng Đông cả !
Hãy nghe Lý Bạch mở đầu bài Tương Tiến Tửu bằng câu:
君不見
黃河之水天上來,奔流到海不復回?
Quân bất kiến
Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai bôn lưu đáo hải bất phục hồi?
Có nghĩa:
Bộ bạn không thấy sao, nước sông Hoàng Hà như từ trên trời đổ xuống, chảy cuồn cuộn về biển rồi không quay trở lại nữa ?
Nước chảy cuồn cuộn mất hút vào biển đông, cũng như thời gian cứ vùn vụt mất hút về qúa khứ, cho nên ông viết tiếp:
人生得意須盡歡, Nhân sinh đắc ý tu tận hoan,
莫使金樽空對月。 Mạc sử kim tôn không đối nguyệt !
Có nghĩa:
Đời người đắc ý nên vui thích,
Chớ để chai vàng hết dưới trăng !
Có dịp vui chơi đắc ý thì hãy vui cho đến cùng, đừng để cho cụt hứng nửa chừng mà hết rượu dưới ánh trăng còn đang vằng vặc!
Khác với Tản Đà trong “Thề Non Nước” vì không phải “Nước đi đi mãi không về cùng non”, mà...
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn,
để cho...
Nước non hội ngộ còn luôn.
và...
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước không nguôi lời thề !
“Thề Non Nước” là Hải thệ sơn minh, là “Thề non hẹn biển”. Biển và Non cũng là thế thân của Non và Nước. Nhưng Non và Nước sống động hơn, khắng khít hơn với cái vòng tròn hóa thân của nước, nước chảy ra bể bốc hơi rồi lại mưa về nguồn với non xanh đang mỏi mòn chờ đợi !
Nước là nguồn tươi mát mang lại sức sống cho con người và vạn vật. Không có nước con người sẽ khô cằn, cỏ cây sẽ héo úa. Nước đem sinh khí đến cho muôn loài. Nên trong ca dao dân gian của ta mới ví:
Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra !
Nước trong nguồn chảy ra thì không bao giờ cạn kiệt, cũng như tình mẹ bao la không bờ không bến vậy. Sự mát mẻ của nước còn được ví như trong đêm thanh vắng, êm ả dịu dàng như câu thơ của Đỗ Mục trong bài Thu Tịch:
Thiên giai dạ sắc lương như thủy 天街夜色涼如水
Có nghĩa:
Đường phố trong Kinh thành lúc về đêm cũng mát mẻ như nước vậy.
Trong đêm thanh vắng, nước là những giọt sương khuya mờ ảo mát lạnh mà nên thơ, làm cho lòng người lâng lâng như 2 câu thơ toàn là thanh bằng trong bài Nhị Hồ của Xuân Diệu:
Sương ngưng theo trăng ngừng lưng trời,
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi !...
Nước được ví như những tình cảm nhe nhàng, tình yêu nồng thắm làm mát dịu tâm hồn với thành ngữ NHU TÌNH TỰ THỦY 柔情似水 êm ái mát mẻ như nước hồ thu làm say đắm lòng người, nhẹ nhàng trôi chảy như những dòng sông dài êm đềm về tận chốn xa xăm:
Sông dài cá lội biệt tăm,
Phải duyên phu phụ ngàn năm em cũng chờ ...
Nhưng lắm khi ...
Lạc hoa hữu ý mà lưu thủy lại vô tình, làm cho lỡ vỡ mộng ngày xanh, lỡ làng duyên cá nước ! Như lời than thở của cô gái xóm đông:
Cây da tróc gốc, thợ mộc đang cưa,
Đôi đứa ta ra đi cũng xứng mà ...
Đứng lại cũng vừa.
Tại cha với mẹ còn kén lừa suôi gia !
“Kén lừa suôi gia” nên để lỡ làng “duyên cá nước !”
Nhắc đến duyên cá nước lại nhớ đến câu NHƯ NGƯ ĐẮC THỦY 如魚得水 với tích của Lưu Bị trong Thục Thư thời Tam Quốc :
Lúc bấy giờ, Lưu Bị đang nương nhờ vào Lưu Biểu ở Kinh Châu, đóng quân ở Tân Dã để cầm cự với quân Tào Tháo. Nhờ sự tiến cử của Từ Thứ và lòng thành của Lưu Bị phải Tam cố thảo lư 三顧草廬 ( 3 lần đến cầu cạnh ở gian nhà cỏ nơi Ngọa Long Tiên Sinh ở ) mới gặp được mặt Khổng Minh Gia Cát Lượng, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Quan Vũ và Trương Phi. Lưu Bị nói rằng : “Cô chi hữu Khổng Minh, do ngư chi hữu thủy dã 孤之有孔明,猶鱼之有水也 ”.
Có nghĩa : “Ta mà có được Khổng Minh, thì như là cá mà gặp được nước vậy !”. Khiến cho Quan Trương 2 người đành im hơi, không dám phản đối nữa !
Còn “Cá Nước” bây giờ thường được dùng để chỉ về duyên đôi lứa, tình yêu trai gái khi gặp được đối tượng xứng ý vừa lòng
Đôi ta như lúa đòng đòng,
Như cá gặp nước thỏa lòng mẹ cha.
Hoặc...
Tình anh như nước lên cao,
Tình em như cá lội vào nước anh ...
Nước là Thủy, đi với Sơn thì thành SƠN THỦY 山水, mà Sơn Thủy là ... Phong cảnh. Nhớ hồi nhỏ đến rạp hát xem các họa sĩ vườn vẽ phong cho gánh hát, bà con cứ nói là : “Đi coi cái thằng cha đó vẽ SƠN THỦY !”. Thực tế thì phong cảnh cũng phải có sơn có thủy có núi có nước thì mới đẹp, và ít nhất thì cũng phải có nước, phải có những dòng sông con rạch với những ngọn dừa lả bóng như đồng bằng sông Cửu Long thì mới là cảnh đẹp được! Trong văn chương cổ điển thì ca ngợi cảnh đẹp bằng Sơn Minh Thủy Tú 山明水秀, Thanh Sơn Lục Thủy 青山綠水, là non xanh nước biếc như trong ca dao của ta:
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.
Ai vô xứ Nghệ thì vô !
Khi Dương Quý Phi bị bức tử ở Mã Ngôi Pha rồi, Đường Minh Hoàng chỉ còn lại một mình chạy vào đất Thục, mà lòng vẫn không nguôi thương nhớ đến Dương Quý Phi. Bạch Cư Dị đã viết trong Trường Hận Ca là:
Thục giang thủy bích Thục sơn thanh, 蜀江水碧蜀山青,
Thánh chúa triêu triêu mộ mộ tình ! 聖主朝朝暮暮情。
Có nghĩa:
Sông Thục kia nước xanh biêng biếc,
Núi Thục kia biêng biếc non xanh.
Ngày sầu đêm thức năm canh,
Não lòng thánh chúa tình thành chiêm bao !
Nước ướt át là thế, tình tứ là thế, dịu dàng là thế. Thế nhưng, khi gặp phải phong ba bão tố thì nước lại trở nên cuồng nộ hung hăng, nhấn chìm tất cả xuống lòng sông, lòng biển, lòng đại dương một cách vô tình không thương xót.
Người con gái chết đuối đầu tiên thời thượng cổ là con gái của Viêm Đế : Nữ Oa (Trung Hoa cổ xưa gọi các cô gái chưa chồng là Nữ Oa, như ta gọi các cô gái con của vua Hùng là Mỵ Nương vậy). Trong một lần đi chơi ở biển đông, Nữ Oa đã bị chết bởi một trận ba đào cuồng nộ. Ức lòng vì chết trẻ, hồn Nữ Oa đã hóa thành con chim Tinh Vệ, hàng ngày tha sỏi đá cỏ cây để lấp bằng biển đông cho hả giận.
Trong Truyện Kiều lúc lập đàn tế Thúy Kiều trên sông Tiền Đường, cụ Nguyễn Du cũng đã mượn tích nầy để tả nổi oan khiên của cô Kiều:
Tình thâm bể thảm lạ điều,
Nào hồn Tinh Vệ biết theo chốn nào ?
Trong truyện Sãi Vãi, khi bàn về chữ MUỐN, cụ Nguyễn Cư Trinh cũng cho ông Sãi nói rằng:
Đá Tinh Vệ muốn lắp sao cho cạn biển,
Đất nghỉ phù muốn đắp để nên non ...
Không phải chỉ riêng chim Tinh Vệ, mà những người Việt Nam vượt biên tìm tự do sau 1975 cũng muốn lắp cho cạn biển Đông, cũng như những người Syria tị nạn hiện nay muốn lắp cho cạn Địa Trung Hải vậy. Nước đã nhấn chìm biết bao sinh linh, biết bao là hy vọng, biết bao niềm mơ ước để đến được bến bờ tự do, để đến được miền đất hứa, để xây dựng một cuộc sống mới trong hòa bình thịnh vượng. Hết ý thức hệ rồi lại đến chiến tranh khủng bố làm rối loạn, xáo trộn cuộc sống yên bình của cư dân địa cầu, và ... để cho nước lại có dịp dìm chết những dân thường vô tội, vì chẳng đặng đừng mới phải bỏ quê Cha đất Tổ, nơi chôn nhau cắt rốn để ra đi !
Hơn 2000 năm trước, Tuân Tử đã ghi lại lời nói giữa Khổng Tử và Lổ Ai Công là : Quân giả chu dã, thứ nhân giả thủy dã. Thủy tắc tải chu, thủy tắc phúc chu. 君者舟也,庶人水也。水则载舟,水则覆舟. Có nghĩa : “Vua là thuyền, dân là nước. Nước có thể chở thuyền thì nước cũng có thể lật thuyền”.
Đó là 2 mặt của nước, khi bình thường trôi chảy thì nước có thể chở thuyền đi muôn ngàn dặm; còn lúc ba đào dậy sóng thì nước sẽ nhấn chìm thuyền trong chớp mắt mà thôi. Nếu biết lợi dụng cái ưu thế “Nước” của mình, thì tất cả những dân tị nạn sẽ không phải bỏ đi đâu cả, cứ nhấn chìm cái “Thuyền” mình đang chở là được ngay!
Nhưng, thực tế cũng đâu phải dễ, vì muốn cho thuyền chìm thì nước cần phải có cuồng phong yễm trợ, không có gió to thì nước làm sao có thể dậy sóng để nhấn chìm thuyền cho được !
Nước mang đến cái lợi mà cũng mang đến tai họa nữa. Cái lợi do nước mang đến cho con người gọi là THỦY LỢI 水利. Trước tiên, nước là thức uống không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Ta có thể ba ngày không ăn chớ không thể 3 ngày không uống nước. Nước dùng để tưới tiêu, nước dùng để tắm gội, nước dùng để giặt giũ, nước dùng để nấu ăn ... Cái LỢI của nước thật to lớn vô cùng, nhưng người đời thường chỉ biết THỦY LỢI là dẫn thủy nhập điền, là đưa nước vào với ruộng đồng cho tiện việc tưới tiêu, tăng gia sản xuất mà thôi... Thậm chí sau 1975, hễ nhắc đến từ THỦY LỢI là thanh niên ở thành thị đều xanh mặt, vì đi làm công tác Thủy Lợi là đi... Đào Đất!
Còn tai họa lớn nhất do nước đem đến là Lũ Lụt, là THỦY HỌA 水禍. Nước lụt cuốn trôi tất cả nhà cửa, đồ đạc, xe cộ, trâu bò, gia súc... Ruộng đồng tan hoang, vườn tược xơ xác, nhà cửa điêu tàn... như đồng bào miền Trung của ta hằng năm phải gánh chịu:
Trời rằng, trời hành cơn lụt mỗi năm,
Khiến đau thương thấm tràn ngập Thuận An...
Còn đồng bào Nam Kỳ Lục Tỉnh vùng An Giang Châu Đốc thì lạc quan hơn. Bà con gọi mùa lũ lụt hằng năm bằng “Mùa Nước Nổi”. Mùa nước nổi cũng là mùa len trâu (đọc truyện của nhà văn Sơn Nam) bà con xoay qua đánh bắt thủy sản, mọi người đều hối hả đua nhau đặt dớn, bơi xuồng giăng câu, thả lưới... ai cũng vui đón mùa nước nổi về để được thưởng thức các món ngon như : Lẩu cá linh, canh chua nấu bằng bông điên điển, cá lóc bọc lá sen nướng hay chuột đồng nướng trui là những món đặc sản ngon nổi tiếng của Đồng Tháp trong mùa nước nổi.
Cơn lụt lớn nhất của nhân loại là cơn Đại Hồng Thủy trong Thánh Kinh Cơ Đốc, nhưng cơn lụt để lại nhiều huyền thoại nhất là cơn Đại Hồng Thủy do sông Hoàng Hà gây nên, khiến Cổn phải bị tội vì suốt 9 năm mà không trị được thủy. Con ông Cổn là Hạ Vũ phải mất thêm mười ba năm đôn đốc toàn dân phá núi khai kinh dẫn nước từ cao xuống thấp, lại mở rộng thêm cửa song cho nước chảy ra biển, mới chấm dứt được cơn hồng thủy, nên cửa biển mới được gọi là Vũ Môn, nơi mà theo tương truyền cá chép nào vượt qua được sẽ hóa thành rồng (nên còn gọi là Long Môn) Nhưng không phải con cá nào cũng muốn hóa rồng cả. Ta hãy nghe cô gái Nam Bộ hát trên sông nước như sau:
Khá khen con cá hóa long,
Hóa long không hóa, hóa lòng thương anh !
... quả là tình nghĩa thắm thiết biết bao nhiêu !
Trở lại chuyện Hạ Vũ trị thủy, trong qúa trình làm cái công việc của một Công Trình Sư thủy lợi, tương truyền ông đã sáng chế ra Viên Quy 圓規 ( compasses ), Phương Củ 方矩 là Thước vuông góc ( Rectangular ) ta quen gọi là cái " Ê-Ke " ( Không có QUY thì vẽ không TRÒN, không có CỦ thì kẻ không VUÔNG. Nên QUY CỦ 規矩 là cái nguyên tắc phải tuân theo để làm việc, không có QUY CỦ 規矩 sẽ bị méo mó mà chẳng làm nên cơm cháo gì cả !) và ông cũng quy định lại thước tấc để đo đạc và vẽ đường cho ... nước chảy ! Trong Tây Du Ký, Ngô Thừa Ân đã huyền thoại hóa cây thước nầy thành Cây Định Hải Thần Châm của Đông Hải Long Vương để dằn dưới rốn biển cho biển đừng dao động, bị Tề Thiên Đại Thánh Tôn Hành Giả lấy làm binh khí và gọi nó là Như Ý Kim Cô Bổng mà ta quen gọi là cây Thiết Bản của Tề Thiên, chính là cây thước đo đạc dùng để trị thủy của Hạ Vũ ngày xưa đó. Vì trị thủy mang lại cuộc sống ổn định cho dân chúng, nên mọi người tôn xưng ông là ĐẠI VŨ 大禹 (là ông VŨ vĩ ĐẠI : xin đừng nói lái) và vua Thuấn nhường ngôi cho ông để lập nên nhà HẠ. Nhà Hạ truyền được 471 năm, qua 17 đời vua, đến vua Kiệt 桀 vì si mê Muội Hỉ, hoang dâm vô độ, dân tình khốn khổ, nên bị Thành Thang tiêu diệt, lập nên nhà Thương.
Vua VŨ vì giúp dân trị thủy, thoát khỏi thãm họa do lũ lụt gây nên mà được nhường ngôi vua. Còn vua KIỆT 桀 vì ham mê nữ sắc mà mất ngôi vua. nên sử sách ví cái họa của nữ sắc như là cái họa do nước mang đến. Vì thế mà có thành ngữ HỒNG NHAN HỌA THỦY 紅顏禍水. Và cái HỌA THỦY của HỒNG NHAN nầy còn được chứng minh dài dài qua các triều đại kế tiếp, như ...
Nhà Thương truyền được 526 năm, đến đời vua Trụ, vì si mê Đắc Kỷ giết hại công thần, mà bị Châu Võ Vương tiêu diệt, lập nên nhà Châu. Nhà Châu truyền 803 năm, đến đời U Vương lại vì si mê Bao Tự muốn cho nàng cười mà phải đốt Phong Hỏa Đài để gạt chư hầu rồi ... bị mất vào tay nước Tần sau đó. Đến thời Chiến Quốc, Ngô vương Phù Sai cũng bị mất nước vì mê Tây Thi, Hạng Võ Sở Bá Vương cùng Ly Cơ tự vẫn trên bến Ô Giang, Đường Minh Hoàng vì Dương Qúy Phi mà phải chạy loan An Lộc Sơn ẩn mình nơi đất Thục ... Nên sử sách đều cho là Muôi Hỉ, Đắc Kỷ, Bao Tự, Tây Thi, Ly Cơ, Dương Qúy Phi... đều là Hồng Nhan Họa Thủy, mà không biết rằng tại các hôn quân đó quá... mê gái rồi tự làm cho mình mất nước, mắc cở và quê qúa nên mới đổ thừa cho HỒNG NHAN là HỌA THỦY !
Nhưng...
Họa Thủy thì họa thủy, thi sĩ thì vẫn cứ yêu người đẹp như thường, gần ba ngàn năm sau, Xuân Diệu đã viết :
Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi,
Tôi mê Ly Cơ hình nhịp nhàng,
Tôi muốn tôi là Đường Minh Hoàng,
Trong cung nhớ nàng Dương Qúy Phi !
Sự thật thì “Đằng sau sự thất bại của người đàn ông, lúc nào cũng có bóng dáng của một người đàn bà !”. Đây gần như là sự thật hiễn nhiên, không sai bao giờ !.
Nhưng dù cho thánh hiền, vua chúa, hiền nhân quân tử hay anh hùng hảo hán... gì gì đi nữa, thì cũng phải chịu chung cái quy luật của thời gian. Thời gian sẽ cuốn trôi và xóa nhòa tất cả như bài đề từ của Hứa Thận đời Minh cho quyển Tam Quốc Chí của La Quán Trung như sau:
滾滾長江東逝水, Cổn cổn Trường Giang đông thệ thủy,
浪花淘盡英雄。 Lãng hoa đào tận anh hùng.
是非成敗轉頭空。 Thị phi thành bại chuyển đầu không.
青山依舊在, Thanh sơn y cựu tại,
幾度夕陽紅。 Kỷ độ tịch dương hồng.
白髮漁樵江渚上,Bạch phát ngư tiều giang chử thượng,
慣看秋月春風。 Quán khan thu nguyệt xuân phong.
一壺濁酒喜相逢。Nhất hồ trọc tửu hỉ tương phùng.
古今多少事, Cổ kim đa thiểu sự,
都付笑談中. Đô phó tiếu đàm trung !
NGHĨA BÀI TỪ :
Sông Trường Giang sóng xô nước cuốn cuồn cuộn chảy về biển đông rồi không bao giờ còn trở lại nữa; cũng như biết bao anh hùng hào kiệt đều như hoa sóng kia tan biến biệt tăm và chịu đào thải theo dòng lịch sử. Bất luận là thị hay phi, là đúng hay sai, là thành hay bại, trong chớp mắt quay đầu nhìn lại thì đã không còn gì nữa. Chỉ có núi xanh vẫn như cũ đứng trơ gan cùng tuế nguyệt và nắng chiều vẫn biết bao lần hồng lên rồi chợt tắt. Những ông lão đốn củi và đánh bắt cá trên bến nước, họ đã quen rồi với thu nguyệt rồi lại xuân phong, thời gian cứ thế trôi đi. Nên khi gặp nhau thì cứ cùng vui với nhau bên chung rượu lạt. Biết bao nhiêu là chuyện lớn chuyện nhỏ trên đời nầy từ xưa đến nay, chẳng qua cũng chỉ là những chuyện nói cười trong lúc nhậu, là chuyện phiếm chuyện gẫu khi trà dư tửu hậu mà thôi !
Thật là cảm khái ! Tam Quốc Chí chẳng những viết lại lịch sử, mà còn viết lại những cuộc đời anh hùng, sự chìm nổi hưng suy của anh hùng, cái khí thế và khí phách của anh hùng, cái thành công và thất bại của anh hùng, cuối cùng đều phải chịu chung sự đào thải vô tình của thời gian và lịch sử. Lịch sử đã sang trang, thời gian đà biền biệt, rốt cuộc họ còn được gì ? Chẳng qua chỉ là những câu chuyện khề khà với nhau khi trà dư tửu hậu của hậu thế mà thôi ! Tất cả đều qui về một chữ KHÔNG to lớn !
DIỄN NÔM :
Trường giang cuồn cuộn nước về đông,
Sóng xô đào thải hết anh hùng.
Thị phi thành bại quay đầu : hết !
Núi xanh vẫn còn đó,
Bao lượt nắng chiều hồng.
Ngư tiều đầu bạc trên sông nước,
Đã quen rồi thu nguyệt với xuân phong,
Một bầu rượu lạt thắm tình nồng,
Xưa nay bao thế sự,
Cười nói cũng như không !
Lục bát :
Trường Giang cuồn cuộn về đông,
Anh hùng như sóng theo dòng trôi xuôi.
Thị phi thành bại trên đời,
Quay đầu là hết núi đồi còn đây.
Núi xanh sừng sửng tháng ngày,
Hoàng hôn mấy lượt thêm dài hoàng hôn.
Ngư tiều đầu bạc ven thôn,
Trên dòng sông nước vùi chôn tháng ngày.
Một bầu rượu lạt ngà say,
Cổ kim thế sự nào ai có lòng ?
Nói cười nhấp rượu như không !
Xin được kết thúc bài Phiếm luận về NƯỚC theo dòng đào thải của thời gian ở nơi đây !
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét