CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2020

PHIẾM LUẬN VỀ KIM LÀ VÀNG - Đỗ Chiêu Đức


                 Ã„á»— Chiêu Đức
                                Học giả Đỗ Chiêu Đức


          PHIẾM LUẬN VỀ KIM LÀ VÀNG
                                                                            Đỗ Chiêu Đức                                                    
Kim  là Vàng, là kim loại qúy có ký hiệu hóa học là Au (L. aurum) và số nguyên tử là 79. Nhưng người đời chỉ biết đến vàng 24K hoặc vàng 4 số 9 mà thôi. Vàng 24K, giới bình dân quen gọi là Vàng ròng, nghĩa là vàng không có pha thêm tạp chất nào cả, là Vàng thứ thiệt !
Kim  cũng là một trong 214 bộ của CHỮ NHO... DỄ HỌC, thuộc dạng chữ Hội Ý theo diễn tiến của chữ viết như sau:


Ta thấy :
Chung Đỉnh Văn và Đại Triện đều được ghép bởi chữ Nhân  ở trên, tượng trưng cho sự che đậy như hình ngọn núi; chữ Thổ  là đất và chữ Nhị  là số 2 ở phía dưới; hàm ý là thứ vật thể được vùi chôn dưới 2 lớp đất của một ngọn núi, đó chính là Khoáng vật kim loại nói chung, mà Vàng là tiêu biểu nhất cho các kim loại đó. Đến Tiểu Triện và chữ Lệ thì đã thành hình chữ viết như ngày hôm nay KIM  là Vàng.
Nên ta có từ... Ngũ Kim 五金 để chỉ chung cho tất cả kim loại mà vàng được xếp đầu tiên là : Kim, Ngân, Đồng, Thiết, Tích 金、銀、銅、鐵、錫 là Vàng, Bạc, Đồng, Sắt, Nhôm. Ta thấy các chữ Ngân, Đồng, Thiết, Tích 銀、銅、鐵、錫 đều có Bộ KIM  đi bên trái và có tất cả 694 chữ có bộ Kim để chỉ tất cả những gì có liên quan đến Kim Loại.

Kim  là Vàng, là kim loại qúy nhất trong các kim loại, có màu vàng óng ánh và không sợ lửa, lửa có đốt như thế nào cũng không sao làm phai đi màu vàng của... kim được. Nên ông bà ta thường nói “Vàng thật không sợ lửa” là thế ! Từ ngàn xưa vàng đã được tôn vinh cho sự cao sang quyền quý, nhà của người giàu luôn được sơn son thếp vàng, nhà để cho người đẹp ở thì phải là nhà vàng, nhất là những người đẹp lại tài hoa như Thúy Kiều, khiến cho Hoạn Thư cũng phải buộc miệng:                        

Ví chăng có số giàu sang,                 
Giá này dẫu đúc Nhà Vàng cũng nên!

Vàng chẳng những Phú mà còn Quý nữa, cái bảng đề tên các sĩ tử thi đậu ngày xưa được gọi là Bảng Vàng, như các cụ đồ Nho thường kháo nhau về Tứ Khoái của người đời là:               

Cửu hạn phùng cam võ,     久旱逢甘雨,               
Tha hương ngộ cố tri .        鄉遇故知.               
Động phòng hoa chúc dạ,   洞房花燭夜,               
Kim Bảng quải danh thì !     金榜掛名時 !

Có nghĩa:               

Hạn lâu mưa như trút,               
Xứ lạ gặp người quen,               
Đêm động phòng hoa chúc,               
Bảng Vàng thấy đề tên !

Ngày xưa đâu còn có gì hơn là thi đậu sau những tháng năm đèn sách dùi mài kinh sử : “Thập niên song hạ vô nhân thức, nhất cử thành danh thiên hạ tri ! 十年窗下無人識,一舉成名天下知!” là: Mười năm dùi mài dưới song cửa không người biết đến, nhưng hễ thi đậu một cái là cả thiên hạ đều biết tên. Cho nên Trần Tế Xương mới ngông nghênh khi thấy tên mình trên bảng vàng:                 

Ông trông lên bảng thấy tên ông,                
Ông tợp rượu vào ông nói ngông !...

... Ý là chỉ mới đậu có Tú Tài thôi đó, chớ đậu cao hơn nữa thì ai chịu đời cho thấu với ông Tú Vị Xuyên đây ?!?
Nhà quyền qúy thì vào sân chầu đeo ngọc như ý, nhà giàu sang thì cửa sơn son thếp vàng, nên khi gặp Kim, Kiều đã xem tướng mạo của chàng và bi quan cho số phận của mình như sau:                  

Nàng rằng trộm liếc dung quang,              
Chẳng sân ngọc bội cũng phường kim môn.                   
Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn,              
Khuôn duyên biết có vuông tròn mà hay !?! 

Ngày xưa, nam thì trông công danh thi cử, nữ thì chỉ mơ ước được một tấm chồng có tình có nghĩa, mười hai bến nước trong nhờ đục chịu, nên khi bán mình và sau khi trối trăn với Thúy Vân xong, thì Kiều đã kêu lên trước khi ngất xỉu :                           

Ôi Kim lang, hỡi Kim lang,                    
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây !


Phận gái khi xưa, rất khó tìm được người thương mình thật sự, nên khi gặp gia biến phải bán thân và phải rời xa Kim Trọng, cô Kiều mới đau xót đến thế. Người xưa cũng thường nói :              

Dị cầu vô giá bảo,            易求無價寶,              
Nan đắc hữu tình lang.     難得有情郎。

Có nghĩa:       
  
Vật báu dù vô giá cũng dễ mà tìm có được, còn ...          
Đàn ông thì khó mà tìm được một người có tình nghĩa lắm !

Đàn ông ngày xưa nay vốn nổi tiếng là “bạc tình” mà ! Nhất là đàn ông Á Đông với truyền thống năm thê bảy thiếp, thì làm sao có thể chung tình cho được.
Kim Lang 金郎 là Chàng Kim, là chàng Kim Trọng 金重, mà chữ Kim  ghép với chữ Trọng  là chữ CHUNG , nên khi thất thân với Mã Giám Sinh, cô Kiều đã than rằng :                      

Biết thân đến bước lạc loài,               
Nhụy đào thà bẻ cho người tình CHUNG.

Sao cô không nói:                  

Nhụỵ đào thà bẻ cho người tình LANG.

Hay…  Nhụy đào thà bẻ cho người tình XA...v.v. và...v.v. mà phải là “người tình CHUNG” ? À, thì ra cụ Nguyễn Du nhà ta đang chơi chữ một cách rất tài tình, vì “người tình CHUNG ” là “người tình tên KIM TRỌNG 金重 !” Không phải là tôi cố bới lông tìm vết để... bóc thơm cụ Nguyễn Du, cũng không phải cụ Nguyễn Du ngáp phải ruồi mà sử dụng đúng từ CHUNG  là tên của KIM TRỌNG 金重, mà nói có sách mách có chứng đàng hoàng:
Cuối đời nhà Minh, có một thư sinh họ Cổ tên Tấn, ở đảo Hải Nam lai kinh ứng thí. Khi đi đến Quế Lâm, nơi nổi tiếng với bún gạo thật ngon, vì là thư sinh nghèo phải ở trọ trong chùa, nên chỉ ăn ké được có bữa ngọ trai. Buổi chiều dạo ngang qua hàng bún gạo Quế Lâm thơm phức nhưng chỉ dám đứng nhìn mà thôi. Bất ngờ ông lão chủ quán thấy điệu bộ thèm thuồng của anh ta, bèn cất tiếng hỏi : “Này anh thư sinh, lão có một vế đối tả lại công việc hàng ngày của lão, nếu anh đối được, lão sẽ mời anh một tô bún khỏi trả tiền !” Cổ Sinh khẩn khoản xin vế đối, Ông lão chủ quán bèn đọc là:                 

Bát đao phân mễ phấn,        八刀分米粉,

Mễ Phấn 米粉 là Bún Gạo, mà cũng có nghĩa là Bột Gạo, nên vế  đối trên có nghĩa : Xắt tám dao để chia bún gạo ra thành từng sợi. Câu đối mới nghe tưởng dễ, chừng nhẩm đọc lại anh chàng thư sinh mới tá hỏa, vì chữ Bát  chồng lên chữ Đao  thành chữ Phân , mà chữ Phân  ghép với chữ Mễ  thì thành chữ Phấn  là Bột. Vế ra quá hay và quá hóc búa. Còn đang ngồi thừ ra đó để suy nghĩ, thì ông lão chủ quán đã nấu xong tô bún gạo thơm phức mang tới và cười bảo : “Ăn trước cho no bụng đi, rồi thủng thẳng hãy đối cũng chưa muộn, không sao đâu !”. Vừa thẹn vừa ngỡ ngàng nhưng bụng đói quá, anh chàng thư sinh đành cắm đầu ăn hết tô bún, nói lời cám ơn rồi đi riết về chùa. Nằm bên mái hiên chùa trằn trọc mãi không sao ngủ được. Trăn trở đến nửa đêm bỗng nghe trên chánh điện vang lên một tiếng "Bo.o.ong" thật lớn, chạy lên xem, thì ra một chú mèo ăn đêm làm rơi một miếng ngói rớt trúng qủa chuông vàng trên chánh điện. Cổ Sinh như chợt tỉnh ngộ ra, mình từ ngàn dặm đi thi mới đến được đây để nghe tiếng chuông vàng nầy, bèn ứng khẩu đọc ra vế đối : Thiên lý trọng kim chung 千里重金鍾, có nghĩa : “Ngàn dặm đến đây để trân trọng tiếng chuông vàng nầy”. Hôm sau, vừa sáng sớm, Cổ Sinh bèn tươi cười ra gặp ông lão chủ quán mà đọc rằng:

                Bát đao phân mễ phấn,        八刀分米粉,
                Thiên lý trọng kim chung.     千里重金鍾.

Ông lão nghe xong vế đối, bèn nấu bưng ra một tô bún gạo Quế Lâm thơm phức để đãi chàng thư sinh tài hoa, vì vế đối quá hay: Chữ Thiên  chồng lên trên chữ Lý  thành chữ Trọng , chữ Trọng  ghép với chữ Kim  thành chữ Chung  là Cái Chuông. Và cũng vì thế mà ta mới có được 2 câu thơ tuyệt vời của cụ Nguyễn Du để cho cô Kiều nuối tiếc khi phải thất thân với Mã Giám Sinh:       

Biết thân đến bước lạc loài,            
Nhụy đào thà bẻ cho người tình CHUNG.
         

Để kể chuyện cho có hậu, kính mời đọc tiếp phần cuối của câu truyện trên...
... Sau khi ăn xong tô bún thưởng, ông chủ quán còn cho tiền lộ phí để Cổ Tấn lai kinh ứng thí. Khoa đó chàng đậu ngay Tiến Sĩ cập đệ, khi vinh quy bái tổ trở về ngang Quế Lâm, chàng ghé lại thăm và tạ ơn ông chủ quán, mới biết ông cụ họ Trịnh, mấy đời đều sinh nhai bằng nghề làm và nấu bún gạo bán. Thấy hoàn cảnh ông cụ cũng neo đơn, Cổ Tiến bèn nhận ông làm nghĩa phụ và phụng dưỡng ông cụ suốt đời.

Theo âm dương ngũ hành thì Tây phương Canh Tân Kim, nên Vàng thuộc hướng Tây, gió hướng tây là gió mùa thu, nên còn được gọi là Kim Phong là Gió Vàng, như Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã mở đầu Cung Oán Ngâm Khúc bằng 2 câu:

                   Trải vách quế Gió Vàng hiu hắt,
                   Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng.

Kim là Vàng, nhưng Kim Ngư 金魚 không phải là Cá Vàng, mà là Cá Thia Thia Tàu. Kim Ô 金烏 không phải là con quạ Vàng, mà là chỉ Mặt Trời, Ta thường nghe nói “Vầng Kim Ô vừa ló dạng”, có nghĩa là “Mặt trời vừa mới mọc”. Kim Kinh 金經 không phải là quyển sách vàng, mà là chỉ chung các quyển kinh Phật (có thể là do từ Kim Cang Kinh mà ra). Kim Liên 金蓮 không phải là hoa sen vàng, mà là chỉ các gót sen nhỏ nhắn dễ thương của các bà các cô ngày xưa với : Tam thốn Kim Liên tứ thốn yêu 三寸金蓮四寸腰, có nghĩa là : “Ba tấc gót sen bốn tấc eo” mà thôi. Trong Kiều tả lúc cô Kiều đi tìm Kim Trọng sau khi “Thời trân thức thức sẵn bày” là:

              Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường.

...và khi tả hồn ma Đạm Tiên đến báo mộng cho Kiều, cụ Nguyễn Du cũng viết:

               Sương in mặt tuyết pha thân,
               Sen vàng lãng đãng như gần như xa !...

Kim Hầu 金猴 Không phải là con khỉ vàng, mà là con khỉ mặt xanh có bộ lông vàng lắp lánh. Kim Khẩu 金口 Không phải là cái miệng bằng vàng, mà là chỉ cái miệng của những người quyền quý, ngày xưa dùng để chỉ cái miệng của ông vua, còn trong văn thơ Tiền Chiến nhà thơ Xuân Diệu dùng để chỉ cái miệng của những người đẹp:

                Mở miệng vàng... và hãy nói yêu tôi...
                Dẫu chỉ là trong một phút mà thôi...     

Kim Lan 金蘭 Không phải chỉ hoa lan bằng vàng, mà chỉ tình bạn bè gắn bó, có xuất xứ từ kinh “Chu Dịch-Hệ Từ thượng” : Nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn KIM; Đồng tâm chi ngôn, kỳ khứu như LAN《周易·系辞上》:二人同心,其利断金;同心之言,其嗅如

Có nghĩa:
Theo Hệ Từ thượng của kinh Chu Dịch có câu: Hai người cùng đồng lòng thì cái lợi (sự bén nhọn) có thể làm đứt KIM loại; Những lời nói đồng lòng thì có mùi thơm như hoa LAN. Nên ... Kết nghĩa Kim Lan 結義金蘭 là hai người bạn thề cùng đồng tâm hiệp lực, sống chết có nhau như anh em ruột thịt. Ta có thành ngữ Kim Lan Chi Giao 金蘭之交 cũng đồng nghĩa với...
       Kim Thạch Chi Giao 金石之交 : Kim là Kim loại rắn chắc không đổi màu; Thạch là Đá, cứng ngắt và bền vững. Nên Kim Thạch Chi Giao là sự giao tình bền vững và rắn chắc như như vàng như đá vậy. Tương tự ta có thành ngữ...
       Kim Thạch Chi Ngôn 金石之言 : là lời nói hoặc lời hứa chắc chắn như vàng như đá không hề thay đổi. Ta nói là Những lời vàng đá hoặc đá vàng, là những lời nói " Chắc như đá, vững như vàng", của trai gái dùng để hứa hẹn thề thốt khi yêu nhau, như khi Kim Trọng tỏ tình trong cảnh “Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng” thì cô Kiều cũng nhận lời bằng câu đổ thừa rằng:

                Đã lòng quân tử đa mang,
                Một lời vâng tạc ĐÁ VÀNG thủy chung !

... và kịp đến khi “Trên hai đường với cùng là hai em, Tưng bừng sắm sửa áo xiêm” để mừng sinh nhật ngoại gia, để lại có một mình Thúy Kiều ở nhà, nên nàng mới hẹn ước để gặp chàng. Trai đơn gái chiếc trong đêm thanh vắng, nên khi “Sóng tình dường đã xiêu xiêu, Xem trong âu yếm có chiều lả lơi” Nàng mới stop chàng lại bằng chuyện tình dưới Mái Tây:

                 Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,
                 Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi Trương,
                 Mây mưa đánh đổ ĐÁ VÀNG,
                 Quá chìu nên đã chán chường yến oanh !


... khi Thúc Sinh muốn chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh, cô Kiều lo cho thân phải làm lẻ mọn của mình, lại sợ Thúc Ông chê mình là “liễu ngõ hoa tường” rồi “lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh”, thì chàng Thúc đã vỗ ngực nói là:

                Đường xa chớ ngại Ngô Lào,
                Trăm điều hãy cứ trông vào một ta .
                Đã gần chi có điều xa ?
                ĐÁ VÀNG đã quyết phong ba cũng liều !                 

... và khi Kim Trọng trở lại vườn Thúy để tìm Kiều, chàng cũng đã nói với Vương Ông là :

                Rằng: Tôi trót quá chân ra,
                Để cho đến nỗi trôi hoa dạt bèo.
                Cùng nhau thề thốt đã nhiều,
                Những điều VÀNG ĐÁ phải điều nói không!

 Đá Vàng là Vàng Đá, là Kim Thạch, là biểu tượng của Rắn chắc và Bền vững. Nhưng nhắc đến Kim Thạch lại làm cho ta nhớ đến vở tuồng KIM THẠCH KỲ DUYÊN của Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa kể lại chuyện tình của 2 họ Kim và họ Thạch nhằm đề cao Trung hiếu tiết nghĩa của người đời.
Ngoài Duyên Kim Thạch, ta còn có Duyên Kim Cải do thành ngữ Châm Giới Tương Đầu 針芥相投, có xuất xứ từ câu nói trong Tam Quốc Chí là “Từ thạch dẫn châm, Hổ phách thập giới”  磁石引针,琥珀拾芥"Có nghĩa : Đá nam châm hút kim loại, còn hổ phách thì hút hạt cải; Ý chỉ thứ nào thì hút theo thứ đó, tâm đầu thì ý hợp, như trai gái, vợ chồng gắn bó khắn khít với nhau vậy. Trong truyện Nôm Quan Âm Thị Kính tả lại mong ước của Thị Kính khi lấy chồng là Thiện Sĩ có câu :

              Kể từ Kim Cải duyên ưa,
              Đằng leo cây bách mong chờ về sau.


Trong Kiều tả lúc Kiều bán mình chuộc cha, Vương Viên Ngoại cũng vì nàng mà than oán:

              Vì ai rụng Cải rơi Kim,
              Để con bèo nổi mây chìm vì ai ?!

... và lúc Kim Kiều tái hợp, trong buổi tiệc đoàn viên, khi “Tàng tàng chén cúc dở say” Thúy Vân cũng đã nói lẫy:

              Gặp cơn bình địa ba đào
              Vậy đem duyên chị buộc vào duyên em.
              Cũng là phận Cải duyên Kim,
              Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao !...             

Nhưng, trong Phật Giáo thành ngữ Châm Giới Tương Đầu 針芥相投, là Duyên kim cải theo kinh Phật, ý nói hột cải ném ra ghim trúng đầu mũi kim, là một chuyện khó xảy ra. Nhà thiền mượn cụm từ này để chỉ thầy trò nhân duyên tương hợp, ăn khớp với nhau thật đặc biệt hiếm thấy. Tiểu truyện Thiền Sư Tĩnh Lực trong kinh TUTA ghi: Du học thì, ngộ Tiên Du Đạo Huệ, châm giới tương đầu, thê tâm Phật địa  遊學時遇仙遊道惠針芥相投棲心佛地。Có nghĩa : Khi du học, sư được gặp thiền sư Đạo Huệ ở Tiên Du, thầy trò nhân duyên tương  hợp một cách thật đặc biệt hiếm thấy bèn dốc lòng nương nhờ đất Phật.        
Kim là Hoàng Kim 黃金, là Vàng ròng mà người đời trân qúy nhất, nên Thời Đại Hoàng Kim 黃金時代 là khoảng thời gian rực rỡ nhất thành công nhất trong đời của một người, trong sự nghiệp tiến hóa của một dân tộc, trong một giai đọan lịch sử huy hoàng nhất của bất cứ quốc gia dân tộc nào trên thế giới nầy. Thời đại hoàng kim là vang bóng một thời của dĩ vãng, là rực rỡ huy hoàng của hiện tại, là kỳ vọng vươn tới của tương lai. Mỗi người đều có thời đại hoàng kim của riêng mình, nên phải biết trân trọng, lợi dụng và kiến tạo riêng cho mình một thời đại hoàng kim mà người khác không sao có được !

Kim còn là Tiền, Hiện Kim 現金 là Tiền mặtNguyệt Kim hay Tân Kim 薪金 là Tiền lương hàng thángChức Kim 職金 là Tiền trả cho chức vụ đảm nhiệmDưỡng Kim 養金 là Tiền cấp dưỡng nuôi nấngBảo Kim 保金 là Tiền Bảo trợ hay Bảo đảm việc gì đó. Tư Kim 私金 là Tiền của riêng Mỹ Kim 美金 là tiền “Đô”, tiền của nước Mỹ mà ai cũng thích cả ...


Kim là Vàng, là tượng trưng cho những gì cao qúy, hiếm hoi hay được mọi người chiêm ngưỡng trọng vọng như Kim Thân 金身 của đức Phật, là tượng Phật được thếp vàngKim Bài 金牌 là cái Huy chương Vàng cho hạng Nhất; Kim Bài còn là những khuôn có chữ vàng lộng kiếng để mừng sinh nhật, tân gia ... Ngày xưa, Kim Bài còn là những lệnh bài của vua ban ra, nhất là những tấm Miễn Tử Kim Bài 免死金牌 dành cho những người có công to với triều đình thì vừa qúy giá vừa hãnh diện biết bao. Kim Hôn 金婚 là chỉ những cặp vợ chồng kết hôn và chung sống với nhau 50 năm mà vẫn còn đủ cả 2 người, còn được gọi là Kim Khánh 金慶 hay Kim Giai Ngẫu 金佳偶 là Cặp Đôi VàngKim Long 金龍 là Rồng Vàng, con vật thần thoại tượng trưng cho vua chúa thời phong kiến, chỉ có vua mới được mặc áo thêu hình Kim Long mà thôi. Ở cạnh cố đô Huế, không ai không biết đến bến đò Kim Long qua câu dân ca nổi tiếng:

                 Thuyền về Đại Lược,
                 Duyên ngược Kim Long.
                 Đến đây là ngã rẽ của lòng,
                 Gặp nhau còn biết trên sông bến nào ?

... các cô gái Huế dễ thương đã đổi lại 2 câu chót như sau :

               Đến đây là ngã rẽ của lòng,
               Biết nơi mô bến đục, bến trong cho em nhờ !

Kim Qui 金龜 là Rùa Vàng, tượng trưng cho sự phú qúy. Theo Tân Đường Thư-Xa phục chí 新唐書·車服志 có ghi lại:
Đời sơ Đường, nội ngoại quan viên từ ngũ phẩm trở lên đều phải đeo túi thêu hình cá, gọi là Ngư Đại 魚袋. Đến đời Võ Tắc Thiên mới đổi hình cá thành hình rùa, gọi là Qui Đại 龜袋. Từ tam phẩm trở lên thì thêu bằng chỉ màu vàng kim, tứ phẩm màu bạc và ngũ phẩm màu đồng. Nên Kim Qui tượng trưng cho quan quyền phú qúi, từ Kim Qui Tế 金龜婿 còn dùng để chỉ chàng rể hoặc chồng có thân phận cao qúi giàu sang. Như trong bài thơ Vị Hữu 爲有 của Lý Thương Ẩn 李商隱 sau đây :

Vị hữu vân bình vô hạn kiều ,            爲有雲屏無限嬌,
Phụng thành hàn tận phạ xuân tiêu.    鳳城寒盡怕春宵.
Vô đoan giá đắc Kim Qui tế ,             無端嫁得金亀婿,
Cô phụ hương khâm sự tảo triều  .      辜負香衾事早朝.

Có nghĩa:

Vì có bức bình phong vẽ mây ngũ sắc đẹp vô vàn, nên ở đất Kinh thành nầy lúc cuối đông hết lạnh, lại thấy lo sợ cho những đêm xuân, vì  khi khổng khi không lại lấy phải ông chồng làm quan lớn thế nầy, nên chi sáng xuân (là thời khắc mặn nồng của đôi lứa) ông ta lại phụ rẫy bỏ mặc nệm ấm chăn êm thơm phức để đi chầu Vua mỗi buổi sáng sớm !


Diễn Nôm:

               Bình phong đẹp đẽ yêu kiều
               Phụng thành đông hết, xuân tiêu đêm dài
               Vô duyên lấy phải quan ngài
               Gối chăn bỏ hết mặc ai,… đi chầu !

Kim Qui Tế của thời buổi hiện nay là các chàng kỹ sư, bác sĩ, các thương gia, đại gia... lắm tiền nhiều của !

Còn ở Việt Nam ta thì Kim Qui là vị thần khả kính trên hồ Hoàn Kiếm, đã tặng gươm thần cho Lê Lợi đứng lên khởi nghĩa ở Lam Sơn, dựng nên nhà Hậu Lê. Trong bài thơ Nước Tôi của nhà thơ Nguyễn Văn Cổn thời tiền chiến có câu hỏi ví von như sau:

                   Rùa thiêng nổi trước thuyền rồng,
                   Trên hồ Hoàn Kiếm anh hùng là ai ?

...và trong một vế thơ sau, ông đã xác định là :

                  Gươm thần Lê Lợi ghi thiên anh hùng !

 Kim Tháp 金塔 là cái tháp bằng vàng, mà cũng là tên riêng của thành phố Phnom-Penh, còn được gọi là Kim Biên 金邊Nam- Vang thủ đô của nước Cambodia mà ta quen gọi là xứ Chùa Tháp, vì các tháp chùa ở đây thường được dát vàng nên mới có tên là Kim Tháp. Nếu thêm vào giữa từ Kim Tháp một chữ Tự, thì ta sẽ có ...
Kim Tự Tháp 金字塔 là những cái tháp khổng lồ đầy bí ẩn của Ai Cập có hình dáng giống như chữ Kim  mà thành tên. Đến năm 2008, có tất cả 138 Kim Tự Tháp được khám phá, hầu hết là các lăng mộ của các vua (Pharaon) và hoàng hậu Ai Cập, trong hai thời kỳ Cổ Vương Quốc và Trung Vương Quốc (từ 2630 - 2611 trước Công Nguyên).
          
Các thành ngữ có liên quan đến chữ Kim thì rất nhiều, ta chỉ điểm qua các thành ngữ thường thấy mà thôi. Nhớ hồi nhỏ đọc các Truyện Tàu như Tiết Nhân Quý Chinh Đông, Tiết Đinh San Chinh Tây, La Thông Tảo Bắc, Thuyết Đường Diễn Nghĩa ... hay gặp thành ngữ "Minh Kim Thu Binh 鳴金收兵" mà không hiểu là nghĩa gì. Sau học lõm bõm chữ Nho mới biết Minh Kim 鳴金 là “Làm cho kim loại kêu lên”, có nghĩa Gõ kẻng, gõ chiêng hay gõ phèng-la để thâu binh về. Nghề võ thì có thế Kim Kê Độc Lập 金雞獨立, một chiêu thức võ công độc đáo, đứng thẳng một chân với nhiều tư thế, hai tay cung ra hai bên với nhiều điệu bộ khác nhau. Đây cũng là một chiêu thức của môn Thái Cực Quyền, đồng thời cũng là một phương pháp dưỡng sinh độc đáo có một không hai để phòng ngừa các bệnh như Tiểu đường, Cao huyết áp, Mất trí nhớ...

Cuối Truyện Kiều được kết thúc bằng một thành ngữ có từ Kim rất có hậu, đó là khi Kim Trọng thi đậu làm quan đã nhớ đến Thúy Kiều:

              Ấy ai dặn ngọc thề vàng,
              Bây giờ KIM MÃ NGỌC ĐƯỜNG với ai ?!

KIM MÃ NGỌC ĐƯỜNG 金馬玉堂, thành ngữ có xuất xứ từ đời Hán. KIM MÃ là KIM MÃ MÔN, là Cửa Kim Mã, nơi mà các Học Sĩ đợi chiếu chỉ của nhà vua ban xuống. NGỌC ĐƯỜNG là NGỌC ĐƯỜNG ĐIỆN, nơi nghị sự của các Học Sĩ, là Hàn Lâm Viện của các Hàn Lâm Học Sĩ. Thành ngữ Kim Mã Ngọc Đường dùng để chỉ sự đổ đạt vinh hiển làm quan, đắc ý vì công thành danh toại.
      
Nhất Tiếu Thiên Kim 一笑千金, cười một cái giá đáng ngàn vàng. Có xuất xứ ở đời Hán, từ câu nói “Thôi Nhân - Thất Y”: Hồi cố bách vạn, nhất tiếu thiên kim 顾百万,一笑千金. Có nghĩa: Quay nhìn một cái giá đáng trăm vạn, Mĩm cười một cái giá đáng ngàn vàng. Trong Truyện Kiều, khi đã rước được cô Kiều về đến “trú phường”, Mã Giám Sinh đã ngầm đánh giá nàng Kiều:

                Đã nên quốc sắc thiên hương,
                Một Cười này hẳn Ngàn Vàng chẳng ngoa.
                Về đây nước trước bẻ hoa,
                Vương tôn qúi khách ắt là đua nhau !...

...Quả nhiên gặp phải Thúc Sinh là tay ăn chơi bạt mạng:

                Thúc Sinh quen thói bốc rời,
                Trăm nghìn đổ một trận cười như không !


Nhất Khắc Thiên Kim 一刻千金, là Một khắc giá đáng ngàn vàng. Có xuất xứ từ câu thơ đầu tiên trong bài thơ Xuân Dạ 春夜 (Đêm Xuân) của Tô Đông Pha đời Tống như sau :

         春宵一刻值千      Xuân tiêu nhất khắc trị thiên kim

Có nghĩa:

        Đêm xuân một khắc giá đáng ngàn vàng.

Ý của Tô Đông Pha là đêm xuân khí trời êm ả trong mát, thanh tịnh, khiến con người cảm thấy thoải mái dễ chịu ... Nhưng sau nầy người ta thường hiểu nghĩa của câu nói với một ý khác hẳn ý của Tô Đông Pha lúc ban đầu.

Kim Ngọc Mãn Đường 金玉滿堂 là Vàng ngọc đầy nhà, là câu nói chúc phúc thường được dán trên các bàn thờ vào dịp Tết Nguyên Đán để cầu mong cho năm mới giàu sang sung túc. Ai cũng ao ước có được thật nhiều vàng, nên ta còn có thành ngữ ...

Điểm Thạch Vi Kim 點石為金 là chỉ đá hóa vàng, theo như tích sau đây:
Xưa có một người rất nghèo khổ, nhưng lại rất tin tưởng và thờ phượng Lữ Tổ 呂祖, tức là Lữ Thuần Dương Tổ Sư 呂純陽祖師 Lữ Động Tân 呂洞賓, là một trong những tổ sư của Đạo Giáo. Cảm vì lòng thành của anh ta, nên một hôm, Lữ Tổ hiện ra, thấy cảnh nhà tiêu điều nghèo khổ, động lòng thương xót, mới chỉ vào tảng đá trước sân nhà, trong một thoáng, tảng đá bỗng hóa thành vàng rực rỡ, đoạn quay sang hỏi anh ta : ‘Cho anh tảng vàng này, anh có thích không ?’. Người kia lạy phục dưới đất đáp rằng : ‘Không thích !’. Lữ Tổ rất cảm động bảo rằng : ‘Khá lắm, anh không có lòng tham lam, thật qúy hóa vô cùng, ta sẽ truyền đạo pháp cho anh tu tập !’ Người kia đáp: ‘Không phải thế, tôi chỉ muốn xin ông cho tôi cái ngón tay chỉ đá hoá vàng của ông mà thôi !’. Lữ Tổ nghe xong, giật mình biến mất.

  
Lòng tham của con người qủa là không đáy, khiến thần tiên cũng phải hoảng sợ. Tảng vàng tuy to lớn nhưng xài lâu thì cũng hết, chỉ có ‘ngón tay chỉ đá hóa vàng’ là không bao giờ hết vàng được mà thôi ! Vì tích nầy mà ngạn ngữ lại có câu : Chỉ thạch hóa vi kim, nhân tâm do vị túc 指石化為金,人心猶未足. Có nghĩa : Chỉ đá hóa ra vàng mà lòng người còn chưa thấy đủ !
     
Kim Thiền Thoát Xác 金蟬脫殼, là Ve sầu lột xác, là kế thứ 21 trong 36 kế theo binh pháp ngày xưa : Để nguyên doanh trại, để nguyên cờ xí rực rỡ, rồi âm thầm rút lui. Đến lúc quân địch biết được thì quân ta đã đi xa rồi, như ve sầu đã lột xác, chỉ để lại cái xác không mà thôi. 36 kế còn gọi là 36 chước, mà chước cuối cùng là bỏ trốn, như Sở Khanh đã dụ cô Kiều:

                Thừa cơ lẻn bước ra đi,
                Ba mươi sáu chước chước gì là hơn ?!      

Kim Cốc Tửu Số 金谷酒數 là số rượu ở Kim Cốc, có xuất xứ từ bài Tự của Lý Bạch : Xuân Dạ Yến Đào Lý Viên Tự 春夜宴桃李園序, câu cuối của bài tự là : Như thi bất thành, phạt y Kim cốc tửu số  如詩不成,罰依金谷酒數. có nghĩa : Nếu thơ làm không xong, thì sẽ bị phạt theo số rượu ở Kim Cốc. Kim Cốc Viên là vườn nhà của cự phú Thạch Sùng đời Tấn, luôn có yến tiệc chiêu đãi tao nhân mặc khách. Nếu trong tiệc, ai không làm được thơ thì sẽ bị phạt uống ba đấu rượu. Cho nên Kim Cốc Tửu Số là 3 đấu rượu, 3 chung rượu hay 3 ly rượu như ngày nay trong tiệc rượu ta hay phạt những người đến trễ vậy ! Các bợm nhậu quê tôi thường phạt nhau bằng câu thiệu sau đây : Vô cửa “bửa” một ly; ngồi xuống “uống” một ly và gắp mồi “bồi’ một ly nữa là đúng 3 ly, như Lý Bạch đã nói :

              三杯通大道,   Tam bôi thông đại đạo,
              一斗合自然。   Nhất đấu hợp tự nhiên.
              但得酒中趣,   Đản đắc tửu trung thú,
              勿為醒者傳。   Vật vi tỉnh giả truyền !

Có nghĩa:

           Ba ly khai thông đạo lớn,
           Một đấu hợp lẽ tự nhiên.
           Muốn được vui say trong rượu,
           Đừng làm kẻ tỉnh huyên thuyên !


        
Vàng quý giá thật, nhưng có những thứ còn qúy giá hơn vàng, đó chính là đàn ông, mà là đàn ông ... hư biết quay đầu trở lại. Các cụ Đồ Nho thường nhắc câu : Lãng tử hồi đầu kim bất hoán 浪子回頭金不換!Có nghĩa: Các chàng lãng tử giang hồ ăn chơi mút mùa, nếu chịu quay đầu làm lại cuộc đời thì ... vàng cũng không thể đổi được ! Tại sao ? Thưa, vì các chàng đó đã quá rành qúa chán và qúa ngán với cảnh ăn chơi trác táng rồi, bây giờ chịu chí thú làm ăn sẽ không còn sợ bị cám dỗ và sa ngả nữa, sẽ dễ dàng làm nên sự nghiệp một cách vững chắc không sợ lung lay ! Nhưng dù sao thì bà con ta vẫn còn ngại câu “Ngựa quen đường cũ”...

Chỉ có một thứ chắc chắn là vàng 24K hoặc vàng 4 số 9 cũng không mua nổi, đó chính là thời gian, như câu nói Nho sau đây :

Nhất thốn quang âm nhất thốn kim,   一寸光陰一寸金,
Thốn kim nan mãi thốn quang âm !   寸金難買寸光陰。

Có nghĩa:

         Một tấc thời gian là một tấc vàng, nhưng ...
         Tấc vàng không thể mua được tấc thời gian !

Quang là Sáng, Âm là Tối; Sáng là Ban ngày, Tối là Ban đêm; hết sáng đến tối, hết ngày tới đêm. Nên Quang Âm là Ngày đêm là thời gian, mà thời gian đã qua đi rồi thì không bao giờ còn có thể trở lại được. Ta chỉ có thể quay ngược được kim đồng hồ, chớ không thể quay ngược được thời gian trở về với quá vãng. Trong Tăng Quảng Hiền Văn có câu khuyên rằng :

          Thiếu tráng bất nổ lực,          少壯不努力,
          Lão đại đồ bi thường !           老大徒悲傷。

Có nghĩa:

      Còn trẻ còn khoẻ mà không biết cố gắng, đến ...
      Khi lớn khi già rồi có tiếc thương thì cũng vô ích mà thôi !

 Mong rằng tất cả các bạn trẻ, bạn già… đều phải nên trân trọng cái “thời gian” mà ta “còn” có được, vì “nó” qúy hơn VÀNG !

                                                                                    Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét