Một
dãy lầu của trường trung học Nguyễn Hoàng
Quảng Trị trước 1975
TIẾT
VĂN KÉO DÀI 46 NĂM
Hoàng Đằng
Năm nay (2013), chiều 15/11, tôi được nhóm học sinh cũ
Nguyễn Hoàng – Quảng Trị khóa 1963 – 1970 mời dự họp mặt chào mừng Ngày Nhà
Giáo Việt Nam (20/11) tổ chức tại tư gia anh Đinh Quang Tạo ở 228 Lý Thường Kiệt
– thành phố Đông Hà.
Bên ngoài, trời mưa nặng hạt. Từ Thừa Thiên-Huế vô tới
Bình Định, lũ lụt rất lớn. Lớn do mưa nhiều, mưa to, do rừng rú đã mất nhiều độ
che phủ và do các đập thủy lợi, thủy điện xả nước vì sợ vỡ.
Căn phòng không lớn lắm được trang hoàng cẩn thận:
banderole, lẵng hoa, hệ thống âm thanh, đàn organ. Bốn chiếc bàn tròn được xếp
ngăn nắp kèm ghế nhựa, cứ mỗi bàn 10 ghế.
Người tham dự, ngoài khoảng 30 anh chị em là chủ, có một
số khách: về thầy cô giáo có thầy Đỗ Tư Nhơn, thầy Hoàng Đằng, về đại diện ban
liên lạc Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị có anh Nguyễn Lớn, anh Nguyễn Văn Hoàng, chị
Lê thị Dũng, về đại diện các khóa bạn có anh Văn Mạnh, anh Đoàn Văn Tầm, anh Lê
Đình Phiến. Tất cả mọi người ngồi xây quanh đầy cả 4 bàn.
Anh Đinh Quang Tạo, một cây văn nghệ có tiếng của Nguyễn
Hoàng xưa, đóng vai MC. Chương trình họp mặt chia 2 phần rõ rệt:
Mở đầu chương trình là lời phát biểu chào mừng của anh
Nguyễn Công Huệ, đại diện nhóm; tiếp đến là phần phát quà cho thầy giáo cũ được
đạo diễn khá long trọng, tiếp theo là lời phát biểu cảm ơn của thầy Hoàng Đằng,
đại diện cho cả hai thầy có mặt; cuối cùng là phần phát biểu tâm tư của anh
Nguyễn Lớn, đại diện ban liên lạc Nguyễn Hoàng tại Quảng Trị. Mỗi lần có người
phát biểu, cả hội trường im lặng, lắng nghe chú ý. Đó là một trong những nét
văn minh hiếm thấy ở những buổi tụ tập đông người.
Phần
II: Tiệc và văn nghệ mừng
Tiệc liên hoan được dọn dần. Thức ăn rất nhiều món,
món nào cũng ngon; thức uống chủ yếu là bia Huda loon, cứ uống “thả giàn” điểm
thêm nước ngọt, nước khoáng cho những ai đang trong chế độ ăn kiêng. Chắc mỗi
anh chị em trong nhóm phải đóng khá “bộn” tiền.
Trong lúc “xử” tiệc, không có ồn ào, không có cảnh ép
nhau uống rồi hô: dzô, dzô ... Mà phải rồi! Anh em đều trong độ tuổi O60 (trên
60) và U70 (dưới 70), họ không còn cái rộn ràng của lớp trẻ. Đó là điểm đặc biệt
mà những người thích yên tĩnh như tôi đánh giá cao.
Vừa ăn uống vừa chuyện trò, vừa nghe “nhạc sống”. Anh chị em giới thiệu nhau
lần lượt lên biểu diễn. Ngoài các nghệ sĩ thuộc nhóm, còn có hai nghệ sĩ ngoại:
Đỗ Tư Nhơn và Lê thị Dũng. Mặc dù tuổi tác đã cao, các ca sĩ đều có giọng hát réo rắt, thánh
thót, du dương; còn có đôi giọng hát hùng dũng, kích động. Ngoài phần biểu diễn
bằng miệng, phần biểu diễn bằng cơ thể rất đặc sắc. Chân tay chỉ trỏ, tiến lùi,
lên xuống điệu nghệ. Thân hình uốn lượn nhẹ nhàng, thanh thoát. Có cặp dìu tay
nhau khiêu vũ theo điệu nhạc lâm ly. Thật là vừa mãn nhãn (sướng mắt) vừa mãn
nhĩ (sướng tai). Thêm một ưu điểm của buổi họp mặt là ai nghe giới thiệu đến
tên thì vội lên liền, không từ chối, không chậm trễ. Máu văn nghệ và máu cộng đồng
hình như đang rần chảy trong mỗi anh chị em.
Trao quà cho thầy
(Từ
trái qua phải: anh Nguyễn Công Huệ, thầy Hoàng Đằng,
thầy Đỗ Tư Nhơn, anh Trịnh
Đình Song)
Thật hạnh phúc cho tôi được dịp dự buổi họp mặt này. Cảm
ơn anh chị em Nguyễn Hoàng khóa 1963 – 1970 đã có lòng nhớ nghĩ đến tôi.
*
Vậy là tôi đã được nhóm này mời tới dự họp mặt hàng
năm 3 lần.
Lần đầu năm 2011, hôm ấy có thầy Phan Khắc Đồ từ Đà Nẵng
ra dự.
Lần thứ hai năm 2012. Tôi được mời nhưng không dự được
do sức khỏe của tôi lúc ấy quá tệ. Nghe nói, ngoài thầy Phan Khắc Đồ từ Đà Nẵng,
còn có thầy Lý Văn Nghiên từ Huế ra dự dù đường sá xa xôi.
Một số anh em trong nhóm hiểu lầm về sự vắng mặt của
tôi năm 2012. Tôi không dự vì lý do sức khỏe. Tuổi già, khi khỏe, khi mệt, khi
đau, khi lành. Vậy mà họ nghĩ tôi không đến dự do tôi ngại vì không dạy khóa
này.
Thật sự, vào năm học 1967 – 1968, năm học mà khóa này
lên lớp 10, tôi được nhà trường phân công dạy văn vài ba lớp, tiếc là tôi chỉ đứng
lớp được mấy tháng đầu năm; sau đó, tôi phải tạm biệt trường lớp lên đường thi
hành lệnh tổng động viên. Chắc chắn là không phải tất cả nhưng một số anh em đã
học với tôi, có nghĩa, dù dạy nhiều hay dạy ít, tôi là thầy thật sự. Hơn nữa,
theo truyền thống của trường Nguyễn Hoàng, “học
nhất sư kính vạn sư”, ai có dạy Nguyễn Hoàng trước hay sau, nhiều hay ít đều
được học sinh Nguyễn Hoàng gọi bằng từ thầy thân thương – thầy danh dự.
*
Nhân dịp này, tôi có một điều cần nói với các bạn học
sinh khóa 1963 – 1970 có học với tôi.
Năm 2011, khi họp mặt tan, một bạn trong nhóm tới hỏi
tôi: Trước đây, thầy dạy văn, thầy còn nợ chưa giải thích “nụ tầm xuân” trong
bài ca dao:
-
Trèo lên cây bưởi hái hoa.
Bước
xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ
tầm xuân nở ra xanh biếc.
Em
đã có chồng, anh tiếc lắm thay!
-
Ba đồng một mớ trầu cay.
Sao
anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây
giờ em đã có chồng.
Như
chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá
cắn câu biết đâu mà gở!
Chim
vào lồng biết thuở nào ra!
Lúc đó, vì không nghe ai hỏi, tôi không đặt nặng ở
nghĩa của cụm từ “nụ tầm xuân” mà giải thích. Bây giờ, dù muộn màng, tôi xin
chia sẻ ý kiến của tôi với các bạn.
Qua bài ca dao, khi dạy, tôi muốn nhấn mạnh hai điều:
(1) thân phận phụ nữ ngày xưa bị xã hội coi rẻ (Ba đồng một mớ trầu cay) và (2)
thân phận phụ nữ ngày xưa bị đối xử bất bình đẳng so với nam giới. Đàn ông được
năm thê bảy thiếp, còn đàn bà chỉ chính chuyên một chồng (Bây giờ em đã có chồng; như chim vào lồng, như cá cắn câu).
Mà giả như ngày ấy, có bạn nào hỏi: “Nụ tầm xuân là gì?”, tôi cũng trả lời:
Tác giả bài ca dao muốn nói đến hoa cà, đấy thôi. Cây cà được trồng đầu hay giữa
mùa đông, cây cà có thể ra hoa vào cuối đông hay đầu xuân (tầm xuân nghĩa là
tìm xuân, trông chờ chào đón tiết xuân).
Trong thực tế, từ kép “tầm xuân” dùng để chỉ một loài hoa hồng leo, cây cao từ 1 – 5 mét;
có cây còn leo cao hơn ngọn các loài cây khác (theo Wikipedia). “Tầm xuân” còn là tên một loài cây thuộc
họ đậu, chỉ mọc ở duyên hải miền Trung vì nơi đây khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp
(theo giáo sư Nguyễn Thiện Tích ở Đại Học Khoa Học Sài Gòn). Nụ tầm xuân trong
bài ca dao không thể thuộc giống cây leo vì ở vườn cà, làm gì có giống cây
leo!. Nụ tầm xuân trong bài ca dao cũng không thể thuộc giống cây họ đậu mọc dại
vì ở vườn cà, cây dại cỏ dại luôn được làm sạch. Thế thì trăm phần trăm, đó là
hoa cà – hoa cà và hoa tầm xuân có hình dáng và màu sắc gần giống nhau.
Hoa tầm xuân (ảnh mượn từ trên
Internet)
Hoa cà (ảnh mượn từ trên
Internet)
Có nguồn cho rằng bài ca dao là lời tiếc nuối của chúa
Trịnh Tráng (1577 – 1657) ở Đàng Ngoài, do chê Đào Duy Từ thuộc dòng dõi xướng
ca mà không sớm dùng để người hiền tài ấy vào phục vụ cho Đàng Trong:
-
Trèo lên cây bưởi hái hoa.
Bước
xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ
tầm xuân nở ra xanh biếc.
Em
đã có chồng, anh tiếc lắm thay!
Và lời đáp của
Đào Duy Từ nói lên thân phận và tinh thần của mình đã gắn kết với chúa Nguyễn
Phúc Nguyên (1563 – 1635).
-
Ba đồng một mớ trầu cay.
Sao
anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây
giờ em đã có chồng.
Như
chim vào lồng, như cá cắn câu
Cá
cắn câu biết đâu mà gở!
Chim
vào lồng biết thuở nào ra!
Đó chỉ là giai
thoại – một tin đồn, không có bằng chứng trong sử sách.
Tôi, một thầy giáo dạy văn, chỉ xem bài ca dao là lời
tâm tình của đôi trai gái yêu nhau nhưng ngỏ ý quá trễ.
Mấy lời dông dài với học trò cũ. Mong độc giả thông cảm./.
Hoàng Đằng
17/11/2013 (15/10/Quý Tỵ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét