DẠNG THƠ BÌNH THANH
Thi ca Việt Nam vừa phong phú súc tích về nội
dung, cú pháp, ngôn từ; vừa đa dạng về thể loại (thất ngôn, bát ngôn, tứ tuyệt,
bát cú, lục bát, song thất lục bát, thơ tự do …). Hầu như thơ các nước như Trung Hoa, Nhật Bản,
thơ các nước Tây phương đều gieo vần ở cuối câu (VẦN CHÂN – CƯỚC VẬN), thơ Việt
Nam còn gieo thêm vần ở giữa câu (VẦN LƯNG – YÊU VẬN) như trong thể THƠ LỤC
BÁT, THƠ SONG THẤT LỤC BÁT (có khi còn gieo nhiều vần trong một câu). Ngoài ra,
nhiều nhà thơ Việt Nam còn sáng tạo thêm nhiều dạng thức mới như: thơ đọc nhiều
cách, thơ hình, thơ Việt chèn ngoại ngữ, thơ bình thanh ... Hôm nay, tôi xin giới thiệu DẠNG THƠ BÌNH
THANH đến các bạn yêu thơ
Trong DẠNG THƠ BÌNH THANH, các câu thơ
trong bài hoàn toàn bình thanh. Nghĩa là câu thơ đó có những tiếng toàn là thanh bằng, nhiều
người hay gọi nhầm là thơ vần bằng là không chính xác. Vần bằng có nghĩa là các
tiếng bắt vần trong các câu thơ có thanh bằng. Trong thơ Việt, thể thơ song thất
lục bát chỉ gieo vần trắc ở hai câu 7, các bài vè có gieo vần trắc ở cuối câu,
nhưng chỉ khoảng 2 ; 3 câu là chuyển đổi sang vần bằng. Riêng với thể thơ Đường
luật, thơ cổ phong hầu như các tác giả đều gieo vần bằng. Rất hiếm ai gieo vần
trắc, vì đọc lên nghe trúc trắc không êm tai - chẳng hạn bài thơ cổ phong gieo
vần trắc như bài "ĐÊM MÙA HẠ" của Nguyễn Khuyến
ĐÊM MÙA HẠ
Tháng tư đầu mùa hạ
Tiết trời thật oi ả
Tiếng dế kêu thiết
tha
Đàn muỗi bay tơi tả
Nỗi ấy nói cùng ai
Cảnh này buồn cả dạ
Biếng nhắp năm canh chầy
Gà đà sớm giục giã
Nguyễn
Khuyến
Trở lại DẠNG THƠ BÌNH THANH (thơ có những
tiếng đều mang thanh bằng); từ khá lâu,
trong phong trào THƠ MỚI, thi ca Việt Nam đã có những câu thơ, thậm chí toàn
bài thơ đều mang thanh bằng.
Xuân Diệu trong bài thơ “Nhị hồ” có hai câu
bình thanh :
“Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi”
Hàn Mặc Tử có bài thơ TIÊU SẦU khá dài,
mà 2/3 bài là bình thanh
“Ô!
Đêm nay trời trong như gương
Không làn mây vương không hơi
sương
Tơ trăng buông rèm trên muôn cành.
Tơ trăng vàng rung như âm thanh.
Từ đâu tiêu sầu reo vi vu,
Buồn như làn mây hiền mùa thu
Êm như giòng tơ trên vai nường.
Mong manh như là lời yêu đương
Tiêu đưa tôi bay lên cung trăng!
Tôi phiêu diêu cùng ngàn sao băng
A ha! Lòng tôi trăng là trăng!
A ha! Trăng tràn đầy châu thân!
Cung thiềm đây rồi hương ngây
ngây,
Ồ! Bằng trân châu hay quỳnh dao ?
Và mớm cho tôi bao tình say
Mà tôi trút bao dòng ngọt ngào
Nghê thường lên khơi nường Hằng ra
Hương trầm bâng khuâng quyện mình
hoa.
Nhịp nhàng nường đi theo nhịp đàn
Âm thanh lên cao nhạc rừng lan,
Tôi lại gần bên, ô! Lạ thường!
Nường trăng. Ô! Chính là
Thương Thương.
Người tôi rung động như âm thanh,
Môi không ngừng dưới đôi tay xinh.
Hoảng hốt tôi ôm chầm lấy nường,
Than ôi, nường đã biến ra sương.
Tôi ôm chầm phải tiếng tiêu sầu,
Vi vu reo buồn trong đêm thâu.
………….......................................
HÀN MẶC
TỬ
Đặc biệt, trong thi ca Việt Nam có những bài
thơ bình thanh toàn bài. Chẳng hạn bài thơ “Hoa ti - gôn” của Vân Anh đăng
trong Phổ thông bán nguyêt san trước 1975 (do Nguyễn Vĩ chủ biên.
HOA TI GÔN
“Bảo rằng hoa giống
như tim vỡ
Anh sợ tình ta
cũng vỡ thôi”
T.T.KH.
Chiều xưa qua nhà anh mang cho
Chùm hoa ti- gôn xui anh mơ
Vui cười em hôn hoa vào lòng
Và em tìm ra bao vần thơ
Chiều nay sao lòng em vương buồn
Mong chờ anh và hoa ti- gôn
Chùm hoa trên bàn hầu như tàn
Xa anh hoa sầu, em sầu hơn
Anh ơi ! Giờ đây ngoài biên cương
Anh đang xông pha nơi sa trường
Chiều xưa anh đi bao năm rồi
Không lời, không thơ, buồn vương vương
Hình anh cho em đà phai màu
Em không nhìn ra anh em đâu
Bình sinh anh thường ưa hoa này
Hôm nay nhìn hoa em sầu đau
Cầu trời cho em luôn gần anh
Nhưng trời cao hơn tầng mây xanh
Bên anh, em đan toàn len hồng
Bên anh, em ngồi chờ trăng thanh
Bên anh, em vun hoa trong vườn
Cho nhà chen đầy, ôi muôn hương
Bên dàn tre che phòng anh nằm
Em trồng cho nhiều cây ti- gôn
Trồng nhiều ti- gôn ngay bên thềm
Xây quanh phòng anh làm thành rèm
- Anh ơi, sao lòng em bồn chồn
Hay là vì yêu hoa hình tim
VÂN ANH
(Phổ thông bán nguyệt san)
Riêng thi sĩ
Bích Khê có hai bài thơ rất nổi tiếng toàn bình thanh, đó là bài “Tì bà” và bài
“Hoàng Hoa” (hai nhạc sĩ Phạm Duy và Khúc Dương đã phổ nhạc,) mời thưởng thức:
TỲ BÀ
Nàng ơi! Tay đêm đang giăng mềm
Trăng đan qua cành muôn tay êm
Mây nhung pha màu thu trên trời
Sương lam phơi màu thu
muôn nơi
Vàng sao nằm im trên hoa gầy
Tương tư người xưa thôi qua đây
Ôi! Nàng năm xưa quên lời thề
Hoa vừa đưa hương gây đê mê
Cây đàn yêu đương làm bằng thơ
Cây đàn yêu đương run trong mơ
Hồn về trên môi kêu: em ơi
Thuyền hồn không đi lên chơi vơi
Tôi qua tìm nàng vay du dương
Tôi mang lên lầu lên cung Thương
Tôi không bao giờ thôi yêu nàng
Tình tang tôi nghe như tình lang
Yêu nàng bao nhiêu trong lòng tôi
Yêu nàng bao nhiêu trên đôi môi
Đâu tìm Đào Nguyên cho xa xôi
Đào Nguyên trong lòng nàng đây thôi
Thu ôm muôn hồn chơi phiêu diêu
Sao tôi không màng kêu: em yêu
Trăng nay không nàng như trăng thiu
Đêm nay không nàng như đêm hiu
Buồn lưu cây đào tìm hơi xuân
Buồn sang cây tùng thăm đông quân
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! vàng rơi: Thu mênh mông.
BÍCH KHÊ
HOÀNG
HOA
Lam nhung ô ! màu lưng chừng trời;
Xanh nhung ô ! Màu phơi nơi nơi.
Vàng phai nằm im ôm non gầy;
Chim yên neo mình ôm xương cây.
Đây mùa Hoàng hoa, mùa Hoàng hoa:
Đông nam mây đùn nơi thành xa...
Oanh già theo quyên quên tin chàng
!
Đào theo phù dung: thư không sang !
Ngàn khơi, ngàn khơi, ta, ngàn
khơi:
Làn trăng theo chàng qua muôn nơi;
Theo chàng ta làm con chim uyên;
Làn mây theo chàng bên nhung yên.
Chàng ơi! hồn say trong mơ màng,
-- Hồn ta ? hay là hồn tình
lang ?
Non Yên tên bay ngang muôn đầu...
Thâm khuê oan gì giam xuân sâu ?
-- Ai xây bờ xanh trên xương người
?!
Ai xây mồ hoa chôn đời tươi ?!
BÍCH KHÊ
Có một bài thơ bình thanh rất hay đã xuất
hiện cách đây gần 40 năm, nhưng ít ai biết. Nhạc sĩ tài hoa THẢO NGUYÊN tức là thầy giáo Nguyễn Hứa Thảo (từng
giảng dạy trường Trung học Nguyễn Hoàng – Quảng Trị và các trường Quốc Học , Đồng Khánh – Huế ) rất
tâm đắc, âm thầm phổ nhạc, ca sĩ Quốc Duy trình bày. Đó là bài thơ RU ĐỜI TRÊN TAY của tác giả Tôn Nữ Thu Dung
RU
ĐỜI TRÊN TAY…
Thơ: Tôn Nữ Thu Dung
Nhạc: Thảo Nguyên
Ngàn
năm... ngàn năm sao chưa về,
Thiên thu... còn xa như hôn
mê...
Tìm ai... đời đời nghe bâng
khuâng,
Ta về... rung tơ cho đàn ngân...
Ru đời... êm xuôi như rong rêu,
Ru người... mi ngoan... trong mưa chiều
Đêm nghe quỳnh hoa... say hương
mê…
Đêm nhìn sao rơi... quên đường về...
Đường về... còn xa như cơn mơ...
Tìm đâu... dư âm thừa... hương xưa...
Ngày nào, chim về nghe sương rơi...
Ngày nao, chim yêu bay đầy trời ?
Còn nghe chi đâu... đàn TƯƠNG NHƯ...
Còn ai cho ta... lời tương tư ?
Đời sao im ngoan... như hồ thu...
Người sao xa nhau... như sương mù...
Ta về... tìm mây, quên người xưa....
Hương yêu thời nào... nghe như mơ...
Ta về... ru đời ngoan trên
tay...
Bản thân tôi, cũng tập tò làm thử ba bài
thơ toàn bình thanh. Một bài theo thể
ngũ ngôn, một bài theo thể thất ngôn, một bài theo thể lục bát.
THÙY HIÊN (* )
Chiều tàn sương lung linh
Vườn hồng mơ chim xanh
Thùy Hiên, em trong vườn
Bừng lòng bao là thương
Môi hồng gieo buồn vương
Mơ hồ chờ anh hôn
Lâng lâng và chơi vơi
Yêu em không còn lời
Hồn chiều in lên mi
Thuyền tình xuôi mây đi
Ồ nàng hay sao trời
Thiên hà hay trùng khơi ?
Hồn anh dâng bâng khuâng
Đàn lòng sao ngân vang
Cung trầm rung miên man
Lời trên môi thì thầm
Lời chiều muôn năm xưa
Òa tràn trăm sông thơ
Mênh mang tà huy bay
Thùy Hiên vàng trăng gầy
*Thùy Hiên : Tên người thiếu nữ
LA
THUỴ
TÌNH
XƯA
Sầu thu mênh mang thương rừng phai
Tương tư bâng khuâng nhiều canh dài
Lời trăng vương gieo hờn lên môi
Đêm đêm mơ ai nhìn mây trôi
Đêm đêm mơ ai nhìn mây trôi
Chừ đây uyên ương không còn đôi
Rồi em sang ngang trên thuyền hoa
Giang hồ phiêu bồng ru đời ta
Giang hồ phiêu bồng ru đời ta
Lênh đênh trùng khơi đùa phong ba
Vàng trăng giăng tơ khơi tình xưa
Tình ơi ! Tình ơi ! Đừng đong đưa
LA THUỴ
HỒ CẦM
Vang đêm thanh hồ cầm ngân
Trăng ngà giăng tơ cung trầm buông lơi
Lâng lâng tình đang lên khơi
Hồ, xừ, xang… lòng chơi vơi
canh dài
Mơ hồ hồn xưa liêu trai
Mồ thu hoang vu chừ ai u hoài
Vương mang chi, đàn ngân dài
Lưu dư hương… ồ trang đài về đâu
Tương tư sao, đàn dâng sầu
Say men nồng hay say màu thời gian
Vời chân mây, nhòa non ngàn
Bâng khuâng heo may, mơ màng hơi thu
Ai phiêu diêu trong sương mù
Người muôn năm… từ thâm u quay về
Trần gian kia còn si mê?
Hồ cầm cao cung , thương hề niềm xưa
Rơi rưng rưng từng âm thừa
Sao trời lung linh đường tơ chìm dần
LA THỤY
Luật hài thanh trong thơ lục bát chính thể đối
với các tiếng trong câu thơ vốn là :
Bằng
bằng , trắc trắc, bằng bằng
Bằng bằng, trắc trắc,
bằng bằng, trắc bằng
Theo đúng quy định “nhị, tứ, lục phân minh”
thì tiếng thứ tư bắt buộc phải mang
thanh trắc. Thế nhưng, Thâm Tâm trong bài thơ lục bát "CÁC ANH" cũng
từng có câu lục hoàn toàn bình thanh:
Hơi đàn buồn như trời mưa
Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi
(Thâm
Tâm)
Bắt chước
Thâm Tâm, tôi thử làm bài thơ lục bát bình thanh “HỒ CẦM “ này, góp chung với
hai bài thơ đã làm từ trước thành ba bài thơ bình thanh gửi đến quý bạn đọc cho
vui những khi trà dư tửu hậu.
“Mua vui cũng được một vài trống canh”
(Nguyễn Du)
LA THỤY
Ghi chú:
Hình như thơ bình thanh với âm điệu dịu êm dễ gây ấn tượng cho các nhạc
sĩ bạn bè, nên cả 3 bài thơ bình thanh trên của tôi đều được các nhạc sĩ Thảo
Nguyên, Bùi Tuấn Anh phổ nhạc. Mời thưởng thức:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét