CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2022

BÍ MẬT HÀN MẠC TỬ (KỲ 2) - Phanxipăng



 Kỳ 2: NGUYỄN TRỌNG TRÍ PHẢI CHĂNG GỐC HỌ...NGUYỄN?

Vấn đề gia thế của Hàn Mạc Tử cũng tồn tại lắm ly kỳ, uẩn khúc, không dễ gì tỏ tường sớm một chiều!
 
Hàn thi sĩ có họ tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22 - 9 - 1912 tại làng Lệ Mỹ, tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình; nay là phường Đồng Mỹ, thị xã Đồng Hới, Quảng Bình; trong một gia đình Kitô giáo. Thân phụ của nhà thơ là ông Nguyễn Văn Toản, bấy giờ làm công chức ngạch thông Phán (cardre secondaire) ở đấy nên thường được mọi người gọi là “thầy thông Toản” hoặc “thầy Toản”. Thân mẫu là Nguyễn Thị Duy, một phụ nữ Huế, con gái thứ 9 của ngự y Nguyễn Long, người gốc Trà Kiệu (Quảng Nam) và ở Vạn Xuân - vùng đất thuộc mạn bắc sông Hương, nằm cạnh kinh thành Huế.
 
Điều đáng ngạc nhiên là tất cả chú bác của nhà thơ đều mang họ Phạm, một họ nghèo ở xứ đạo Ồ Ồ (Thanh Tân, Tân Sơn, Phong Sơn, Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Chỉ mỗi một mình ông bố đổi sang Nguyễn tộc, dù rằng trong gia phả vẫn chép họ tên ông bằng hai chữ: Phạm Toán. Vì sao? Bao giờ?
 
Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã tìm gặp em ruột nhà thơ Hàn Mạc Tử. Đó là ông Nguyễn Bá Tín, hiệu Thiện Nam, hiện ở trong một ngõ hẻm trên đường Kỳ Đồng, Q.3, Tp. Hồ Chí Minh. Chính ông từng viết mấy tập hồi ký Hàn Mạc Tử anh tôi (Nxb Tp. Hồ Chí Minh 1991) và Hàn Mạc Tử trong riêng tư (NXB Hội nhà văn 1994) gây xôn xao một thuở. Cũng chính ông là tác giả loạt tranh sơn dầu hồi hoạ (vẽ theo trí nhớ) những cảnh sinh hoạt của anh kế mình lúc sinh thời. Loạt tranh này hiện treo trong phòng lưu niệm nhà thơ Hàn Mạc Tử ở bệnh viện Quy Hoà, Bình Định.
 
Ông Nguyễn Bá Tín năm nay (2000) ngoại bát tuần, mắt đã mờ, tai hơi nặng, đi đứng khó khăn, song giọng nói vẫn còn sang sảng. Tiếp chúng tôi, ông vồn vã:
- Noel năm 1788, ngay sau Hàn Mạc Tử anh tôi vừa xong bản thảo đánh máy, chưa làm thủ tục xuất bản, tôi đã biếu riêng anh một tập rồi kia mà. Trong đó tôi có viết đoạn “Một ít lịch sử dòng họ”, anh đọc xong quên ngay ư?
 
Đoạn ấy, chúng tôi đâu dễ quên. Nó thế này: “Từ nhỏ, không nghe ai nói đến dòng họ của cha tôi, tuy vẫn biết nội tổ là Phạm Bồi, quê ở Thanh Hoá, lập nghiệp tại làng Thanh Tân (Thừa Thiên). Cũng không ai tìm hiểu vì sao cha tôi mang họ Nguyễn mà chú tôi đều giữ họ Phạm. Mãi đến năm 1933, mới gặp bà chị thúc bá với cha tôi là Phạm Thị Nhàn (sage femme) tại Quy Nhơn và người cháu họ là Phạm Long (sergent interprète) đều cùng quê quán ở Thanh Hoá. Từ đó mới biết được tông tích dòng họ. Đến năm 1934, anh cả tôi là Nguyễn Bá Nhân tức là Mộng Châu, đem tôi đi Hà Nội tìm tộc trưởng là Phạm Thành tức là Phạm Bá Thành, tòng sự tại Sở Nội dịch toàn quyền. Theo gia phả bằng chữ Hán thì dưới thời Trịnh Kiểm soán vị, gia thần thế tử Nguyễn Uông (con cháu Nguyễn Kiểm) nổi lên chống Trịnh Kiểm vì đã ám toán thế tử Uông. Thất bại trong cuộc nổi dậy đó, một số bị giết, số còn lại phải cải tánh ra “Phạm” bị đày vào Nam, về sau lại lập nghiệp ở Thanh Hoá. Cuối triều Tự Đức, Pháp xâm lược Việt Nam, vua Hàm Nghi dời đô, hạ chiếu Cần Vương, đem binh vào Huế cứu giá, đồng thời đa số dòng họ Phạm cũng tham gia các phong trào khởi nghĩa. Phần nội tổ mang quân vào Thừa Thiên chống cự với binh Pháp cho đến khi Trương Quang Ngọc làm phản, nộp vua Hàm Nghi cho Pháp. Cụ giải tán binh sĩ, ném vũ khí xuống ao, lấp lại, xây nhà lên trên. Cụ vào giúp việc cho cố Đồng, xây dựng nhà thờ Thanh Tân và ở lại lập nghiệp ở đó. Anh Mộng Châu khi về thăm quê nội đã được trông thấy khẩu súng hoả mai của cụ đã rỉ sét. Từ đó, nội tổ mai danh ẩn tích tuyệt đối, dòng họ không ai tiết lộ, vì có lệnh truy nã cụ về tội đào nhiệm ở Thanh Hoá. Khi cha tôi đến tuổi đi học, cố Đồng giúp cho vào Tiểu chủng viện, lập thủ tục thay đổi họ tên. Cũng nhờ tổ mẫu thân thuộc với với cụ Nguyễn Hữu Bài có thế lực, nên mọi việc không gặp khó khăn. Sự im lặng về nguồn gốc bên nội cũng dễ hiểu, ví lúc bấy giờ, cả cha tôi và anh Mộng Châu đều là công chức Pháp thuộc, không muốn liên luỵ với quá khứ Cần Vương của nội tổ. Ở Chủng viện về với chức tư (tonsuré), cha tôi ra làm việc ở toà sứ Huế, về sau đổi vào Hội An, ông bỏ toà sứ qua Thương chánh...”
 
Chưa đủ điều kiện kiểm chứng toàn bộ về tính chính xác lịch sử, song đoạn trích trên chẳng những không giải đáp đầy đủ câu hỏi mà chúng tôi đặt ra, làm còn lại bật thêm một vài băn khoăn khác.
 
Chẳng hạn như họ đạo Thanh Tân thuộc giáo xứ Tân Sơn, theo tư liệu 150 năm giáo hội phận Huế 1850 - 2000 (Tổng giáo phận Huế 2000, tr.114), thì thời điểm hình thành vào năm 1867 mà linh mục đặt nền móng xây dựng là Auguste Chaiget, tên Việt là cố Soái, còn cố Đồng lại là Jean Reneeaud, cha sở đầu tiên ở giáo xứ Tân Mỹ thuộc vùng đầm phá huyện Phú Vang từ năm 1888, chứ chưa thấy ghi dấu gì với giáo xứ Tân Sơn trung du sau giai đoạn Nguyễn Quang Ngọc bắt vua Hàm Nghi (tháng 10 - 1888) cả. Vậy tác giả Nguyễn Bá Tín chép nhầm chăng?
 
Ông Tín cũng nhầm khi ghi chú chức tư là Tonsuré. Nhờ quý linh mục tư vấn, chúng tôi được biết: Trước kia, đại chủng sinh đạt Tonsuré (tính từ của danh từ Tonsure) nghĩa là mới chịu phép cắt tóc, tức nghi thức gia nhập hàng giáo sĩ; còn chức tư là acolyte - chịu phép giúp lễ.
 
Xét trục lịch đại, nếu theo đoạn trích trên, thì riêng gia đình Hàn Mạc Tử mang họ Nguyễn chính là sự “về nguồn” đúng đắn?
 
Gia đình ông Phạm Thân, chú ruột của Hàn Mạc Tử, lại truyền khẩu một thông tin khác:
- Bác Toán (họ hàng vẫn gọi Toán chứ không gọi Toản) hồi nhỏ học giỏi nhất xứ Ồ Ồ. Hoàn cảnh túng bấn, bác phải vô Huế, nhận làm con nuôi nhà quan ngự y để được ăn học. Nhà quan lấy giấy tờ đổi họ cho bác, để bác dễ thăng tiến. Lại còn gả con gái cưng cho nữa!
 
Ông Tín cho chúng tôi biết rằng cụ thân sinh vốn tên Toán. Sau do có bạn đồng sự trùng tên nên tự ý đổi thành Toản cho dễ phân biệt.
 
Cũng theo ông Tín, ông Nguyễn Văn Toản (Toán) kết hôn với bà Nguyễn Thị Duy và sinh hạ được 6 anh chị em, gồm:
1 - Nguyễn Bá Nhân, còn gọi là Nhơn, tức Mộng Châu (độc thân, mất năm 1936)
2 - Nguyễn Thị Như Nghĩa, còn gọi là Ngãi (mất năm 1984)
3 - Nguyễn Thị Như Lễ (mất năm 1982, chính là nhân vật từng đi vào tác phẩm Chơi giữa mùa trăng của Hàn)
4 - Nguyễn Trọng Trí tức Hàn Mạc Tử.
5 - Nguyễn Đức Tín, sau đổi ra Nguyễn Quý Tín, rồi đổi thành Nguyễn Bá Tín để thay quyền tộc trưởng của Nguyễn Bá Nhân (?).
6 - Nguyễn Gia Hiếu, tức Nguyễn Bá Hiếu, em út cả nhà (mất năm 1991 tại Tp. Hồ Chí Minh).
 
Người ngoài thì có thể lẫn lộn hoặc thiếu sót. Như trường hợp Thái Văn Kiểm viết Đất Việt trời Nam (NXB Nguồn Sống, Sài Gòn 1960, tr.165) bảo rằng em út của Hàn Mạc Tử là... Nguyễn Bá Tín! Chứ người trong gia đình, lại là ruột thịt, lập danh mục ắt hẳn khó nghi ngờ về độ dung sai. Oái oăm thay! thực tế trái ngược với những điều chúng ta suy luận!
 
Nếu có dịp ghé chơi thành phố biển Nha Trang (Khánh Hoà), chắc bạn sẽ dạo thăm một kiến trúc uy nghi và đặc sắc toạ lạc bên đường Thái Nguyên: nhà thờ chánh toà, tên thường gọi là nhà thờ Núi. Nơi đây lưu giữ rất nhiều bình tro xương của kito hữu quá cố do thân nhân ký gởi; được bày biện khá ngăn nắp. Trong số di cốt kia, bạn không mấy khó khăn khi tìm thấy tên tuổi Mộng Châu Nguyễn Bá Nhân - anh cả của thi sĩ Hàn Mạc Tử. Bạn còn nhìn thấy cạnh đó hai di cốt khác táng chung: Nguyễn Văn Thảo (sinh năm 1922) và Nguyễn Văn Hiền (sinh năm 1923). Nào phải ai xa lạ, Thảo là em áp út, còn Hiền là em út của Hàn!
 
Ngày lễ các thánh năm nay, 1-11-2000, tôi đem chuyện này hỏi ông Nguyễn Bá Tín. Ông gật đầu thừa nhận:
- Anh hoàn toàn đúng. Hai đứa em tôi mất hồi 1923 - 1924, khi còn nhỏ xíu. Bởi vậy lúc viết sách, tôi đã để sót!
 
Chúng tôi sẽ còn mời bạn đọc quay lại nhà thờ Núi ở Nha Trang trong một kỳ sau.
 
Kỳ trước, nói về các bút danh của Hàn Mạc Tử, chúng tôi chưa nhắc một cái tên “độc chiêu” mà những ai mê thơ Hàn Mạc Tử có thể sẽ nghĩ rằng người thơ phong vận như thơ ấy đời nào dám ký. Bút danh gì “dữ dằn” thế nhỉ? Trật Sên. Tiếng Bắc có từ tương đương là Tuột Xích.
 
Vâng, chính Hàn ký bút danh Trật Sên dưới một tác phẩm “trào phúng... điếu” một nghị viên Viện Dân biểu Trung kỳ, đăng trong giai phẩm Nắng Xuân ra đầu năm Đinh Sửu 1937. Lúc ấy, Hàn Mạc Tử đang là “nhà báo trẻ Sài thành” vừa trở lại Quy Nhơn. Cùng tham gia giai phẩm, có nhiều gương mặt sau này trở nên quen thuộc với đông đảo bạn đọc: Chế Lan Viên, Hoàng Diệp, Xuân Khai (tức Yến Lan), Phú Sơn (tức Nguyễn Viết Lãm), Trọng Minh (tức Nguyễn Minh Vỹ, họ tên thật là Tôn Thất Vỹ)...
 
Bút danh đó dính dáng gì tới quan hệ bà con họ tộc của Hàn Mạc Tử, sao đợi kỳ này mới nêu? Có đấy. Nhân vật trọng tâm mà Trật Sên giễu cợt trong bài báo Quan nghị... gật thuở nào chính là nghị viên Nguyễn Văn Tôn. Khi vung bút, Hàn Mặc Tử hoàn toàn không ngờ rằng Nguyễn Tú - con trai nhân vật - trong tương lai sẽ là cháu rể hiếu thảo nhà mình!
 
Ông Nguyễn Bá Tín lấy làm cảm kích khi kể:
- Chính Nguyễn Tú là người tình nguyện đi bốc mộ anh Trí ở Quy Hoà để cải táng vào đầu năm 1959. Nên nhớ thời đó, mọi người, kể cả cậu em Bá Hiếu đều rất sợ bệnh phong!
 
Ông Nguyễn Tú trú tại khu Bùi Phát (Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh), trong một lần nhắc lại kỷ niệm xa xăm ấy đã triết lý:
- Đời người, đố ai học được chữ ngờ? Thì cứ lấy chuyện bác Hàn Mạc Tử mà suy, hậu thế vẫn cứ liện tục giật mình vì chưa thể nào nắm bắt được quy luật tồn tại của bao điều...bí mật!
 
                                                                                       Phanxipăng
 
*
 
Nguồn:
https://www.thivien.net/B%C3%AD-m%E1%BA%ADt-H%C3%A0n-M%E1%BA%A1c-T%E1%BB%AD/a-reply-mz8hO4-xm_bQYO5dbc_rLg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét