Giữa cảnh trùng điệp của núi rừng Tây Bắc, dinh thự họ Vương (Dinh thự vua Mèo) hiện lên với vẻ cổ kính cùng kiến trúc độc đáo thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.
Dinh thự nằm ở thung lũng Sà Phìn, xã Lũng Phìn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), cách trung tâm thành phố Hà Giang khoảng 125 km và cao nguyên đá Đồng Văn khoảng 25 km. Toà dinh thự này gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của hai cha con người Mông là Vua Mèo Vương Chính Đức và Vương Chí Sình.
Công trình này được khởi công xây dựng vào đầu năm 1898 và chính thức hoàn thành sau gần 10 năm thi công vào năm 1907 với số tiền ước tính vào khoảng 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, một số tiền khổng lồ vào thời điểm ấy, có giá trị tương đương khoảng 150 tỷ đồng so với vật giá thời điểm hiện tại.
Toàn bộ dinh thự vua Mèo có diện tích gần 3.000 m2. Kiến trúc dinh thự mô phỏng kiến trúc thành quách của nhà Thanh Trung Hoa, kết hợp với các hoa văn của người Mông và chọn lọc với kiến trúc Pháp như các lò sưởi, lô cốt…
Chi tiết hệ kết cấu gỗ ở dưới mái cổng uốn lượn theo hình cánh dơi của người Mông mang biểu tượng chữ “Phúc”.
Nét đặc sắc của khu dinh thự nằm ở cấu trúc và cách bố trí các phòng. Dinh thự như một pháo đài kiên cố, các bức tường dày, được xây bằng đá xanh, ngói đất nung và đồ gỗ trong các dãy nhà là gỗ thông đá. Dinh có 2 lô cốt để phòng thủ, có kho cất giữ tài sản, kho vũ khí, cách bố trí các phòng tựa như một thành quách thu nhỏ.
Chân cột đá có biểu tượng hoa anh túc trong dinh nhà Vương được mài với hơn 900 đồng bạc hoa xoè (đồng bạc Đông Dương, tương đương với một tỷ đồng hiện nay).
Mộ ông Vương Chí Sình (được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Vương Chí Thành) được đặt trong khuôn viên dinh thự. Ông là con trai thứ của Vua Mèo Vương Chính Đức. Ông Vương Chí Thành từng là Đại biểu Quốc hội khóa I và khóa II. Trước khi về hưu, ông còn giữ chức Chủ tịch huyện Đồng Văn.
“Tôi từng đến đây rất nhiều lần nhưng lần nào trở lại cũng như lần đầu. Ngắm nhìn những kiến trúc bằng gỗ, đất, đá dù rất thô sơ, tưởng chừng đơn giản nhưng lại vững chắc, cầu kỳ, tạo một cảm giác hoài niệm về thời chiến”, ông Nguyễn Thắng (Bắc Ninh) chia sẻ.
Bên trong dinh thự bố trí bàn thờ để khách du lịch tới thờ cúng và tưởng niệm. Chị Lê Anh Thư (24 tuổi, Hưng Yên) cho biết: “Khi tham quan dinh thự tôi rất tò mò và thích thú bởi câu chuyện lịch sử xung quanh nó, cũng như cuộc đời của hai cha con vua Mèo và những câu chuyện thú vị về con người cũng như mảnh đất Hà Giang”.
Mạnh Đạt
*
Nguồn:
https://zingnews.vn/ben-trong-dinh-thu-vua-meo-noi-cao-nguyen-da-ha-giang-post1371982.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét