CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2022

NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ BẤT NGỜ: “CHÚC, THỊ PHI, TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN, CHUNG THỦY” – Đỗ Chiêu Đức

 
CHÚC TẾT  

       
Gần Tết, ta hay nghe những lời chúc tụng lẫn nhau, chúc khỏe mạnh, chúc giàu sang, chúc sống lâu, chúc mua may bán đắt , chúc mọi điều như ý... Vậy, CHÚC  là gì ? Ta sẽ truy nguyên để tìm hiểu nghĩa gốc của chữ CHÚC nầy nhé !
    
Theo "CHỮ NHO... DỄ HỌC" thì CHÚC thuộc dạng chữ tổng hợp của Tượng Hình, Chỉ Sự và Hội Ý, có diễn tiến chữ viết như sau :
 
                        
 Giáp Cốt Văn    Đại Triện     Tiểu Triện       Lệ Thư       Khải Thư

Ta thấy:
           
Từ Giáp Cốt Văn, Đại Triện đến Tiểu Triện : Bên trái có một gạch ngang ba gạch xuôi là cái bàn thờ ông Thiên, phía trên có một gạch ngắn như cái dĩa đựng đồ cúng là bộ THỊ , có nghĩa là Bày Tỏ. Bên phải là hình tượng của một người quỳ trước bàn thờ, phần trên là chữ KHẨU là Cái Miệng, phần dưới là chữ NHÂN () là Người; Cái Miệng của Người muốn bày tỏ khi cúng tế, tức là VAN VÁI. Nên CHÚC  là Những lời Van Vái khi cúng tế, thường thì đều là những lời tốt đẹp, đâu có ai vái những điều xấu xa bao giờ, nên nghĩa gốc của Chúc là "Những lời van vái". Sau nầy dùng rộng ra, hễ "Nói Những lời Tốt Đẹp Cho Người Khác " thì cũng gọi là CHÚC. Như:
     
- Tôi CHÚC cho anh được bình an trong mùa Cô-vít. Tức là...    
- Tôi VAN VÁI cho anh được bình an trong mùa Cô-vít đó !
    
CHÚC  khi là Danh từ còn có nghĩa là "Phù Thủy Nam", ta gọi là Thầy Pháp, Thầy Cúng, người chuyên cúng tế ở các đình chùa miếu mạo, bây giờ là Ông Từ, gọi theo chữ NHO là Miếu Chúc 廟祝. và Ông Từ ngày nay thì chỉ ở để giữ chùa và ăn ké cơm của chùa mà thôi ! Trong "Tăng Quảng Hiền Văn" có câu:
               
Quan thanh thư lại xú,              官清書吏廋,              
Thần linh MIẾU CHÚC phì.    神靈廟祝肥。

Có nghĩa:
           
 - Ông quan thanh liêm thì người thư ký ốm (vì phải làm việc nhiều và không có tiền... hối lộ !). Còn...           
- Ông thần mà linh thiêng thì ÔNG TỪ (người giữ chùa) sẽ mập ra (Vì có nhiều người đến cúng tế cho mà ăn !).
    
Những từ được thành lập bởi chữ CHÚC rất nhiểu, nhất là vào dịp Tết Âm Lịch như hiện nay, Ta thường gặp các từ như... 
    
 - Chúc Xuân, Chúc Tết,      
 - Chúc Phúc, Chúc Thọ.      
- Chúc may mắn, Chúc giàu sang, Chúc mua may bán đắc, Chúc an khang thịnh vượng, Chúc vạn sự như ý ....
      
Chữ CHÚC đã được Việt hóa thành chữ Nôm và mất đi Ý nghĩa lúc ban đầu là Lời VAN VÁI.
 
Thư Pháp CHÚC XUÂN của Đỗ Chiêu Đức      
    
Trong "Tăng Quảng Hiền Văn" lại có câu:
                  
是非終日有,   THỊ PHI chung nhật hữu,                  
不聽自然無。   Bất thính tự nhiên vô.
 
Có nghĩa:
          
- Chuyện THỊ PHI có suốt ngày, nếu...        
 - Không nghe thì tự nhiên sẽ như không có chuyện gì xảy ra cả!
     
Vậy chuyện THỊ PHI 是非 là chuyện gì ? Ta tìm hiểu nghĩa "đen thùi" của nó nhé !
     
THỊ  là ĐÚNG, PHI  là SAI; THỊ là PHẢI, PHI là TRÁI; THỊ là TỐT, PHI là XẤU... Nên CHUYỆN THỊ PHI là "Chuyện Đúng Sai, Phải Trái, Tốt Xấu của tất cả mọi người, của tất cả mọi chuyện ở trên đời nầy". Nên, chuyện Thị Phi là... chuyện của các người hay ngồi lê đôi mách, chuyện của các "ông bà Tám" ăn không ngồi rồi, chuyện của những người "ăn cơm nhà lo chuyện thiên hạ"... Nên tiếp đó "Tăng Quảng Hiền Văn" lại có câu:      
                              
說是非者,   Lai thuyết THỊ PHI giả,                  
便是是非人。   Tiện thị THỊ PHI nhân.
 
Có nghĩa là:
          
- Những người đến nói chuyện THỊ PHI, thì...        
 - Chính những người đó là những CON NGƯỜI THỊ PHI đó !
    
Nói chuyện THỊ PHI, còn có nghĩa nói tốt cho người nầy, nói xấu cho người kia; Tệ hại hơn nữa là đặt điều nói xấu người khác hay vẽ chuyện để nịnh bợ kẻ bề trên... Vì THỊ cũng có nghĩa là CÓ, PHI là KHÔNG, Nên Chuyện THỊ PHI cũng là "Chuyện có nói không, chuyện không nói có". Nên ích lợi thì không thấy mà tác hại thì vô cùng ! "Tăng Quảng Hiền Văn" lại khuyên răn:
                
莫待是非來入耳,   Mạc đãi THỊ PHI lai nhập nhĩ,                
從前恩愛反為仇。   Tòng tiền ân ái phản vi cừu.
 
Có nghĩa:
      
 - Đừng nên để cho chuyện THỊ PHI lọt vào tai, để nên nổi...
 - Trước đây từng yêu thương ân ái với nhau bây giờ lại hóa ra thù hận.
 
Trong Truyện Kiều, khi có người muốn tâng công, đến mách với Hoạn Thư là Thúc Sinh có vợ lẻ bên ngoài; Hoạn Thư đã ra lệnh thị uy "đứa thì vả miệng đứa thì bẻ răng" và bảo cho chúng biết rằng:
                              
Chồng tao nào phải như ai,                    
Điều này hẳn miệng những người THỊ PHI!
                     
Ngoài miệng thì nói thế, chớ trong lòng Hoạn Thư thì lại ấm ức vô cùng "Giấu ta ta cũng liệu bài giấu cho" và quyết lòng "Làm cho nhìn chẳng được nhau, Làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên". Ngoài miệng nói khác, còn trong lòng thì nghĩ khác, người ta gọi như thế là "Khẩu THỊ tâm PHI 口是心非", là miệng thì nói phải mà lòng thì nghĩ trái lại :
                            
Bề ngoài thơn thớt nói cười,                 
Mà trong nham hiểm giết người không dao !
 
TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN
                               
Ta hay nghe người đời nhắc tới TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN, vậy Tăng Quảng Hiền Văn là gì ?
                      
TĂNG QUẢNG   là làm cho Gia tăng và Mở rộng.                     
HIỀN VĂN   là Áng văn hay, áng văn dạy những điều tốt lành.
 
Nên...    
TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN     là Áng văn hay, dạy cho ta những điều tốt điều lành, làm cho ta gia tăng và mở rộng thêm kiến thức về mọi mặt của cuộc sống. Thường thì khi nhắc đến từ HIỀN là người ta nghĩ ngay đến LÀNH, nên ta có từ kép là HIỀN LÀNH để đối xứng với từ kép HUNG DỮ. HIỀN là ngoan ngoản tuân phục không chống đối, nên ta cũng có từ kép NGOAN HIỀN. HIỀN là có lòng nhân hậu từ ái, dịu dàng, hòa nhã, nên ta lại có các từ kép HIỀN HẬU, HIỀN TỪ, HIỀN HÒA, HIỀN DỊU... như một nữ tu dễ thương, vì thế mà ta thường nghe câu "Em hiền như Ma-Sơ"...       
Ngoài nghĩa HIỀN là... Hiền ra, HIỀN còn có nghĩa là GIỎI GIANG, TÀI BA, THÁNH THIỆN, như ta thường nghe:
   
- THÁNH HIỀN 聖賢 : Người được xem là có đạo đức rất cao và tài năng rất giỏi trong xã hội phong kiến ngày xưa mà cho đến ngày nay vẫn còn được mọi người tôn sùng kính trọng.  
- HIỀN THẦN 賢臣 : Bề tôi giỏi giang về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội... có tài giúp vua dựng nước và giữ nước.    
- HIỀN TÀI 賢才 : Người có tài cao, học rộng và có đạo đức tốt, một lòng một dạ vì lợi ích của nhân dân, Tổ quốc. HIỀN TÀI còn là cái Phẩm đầu tiên trong Ban Thế Đạo của Cao Đài Giáo, là người có tài đức, có trí thức vượt trôi trong hàng đạo hữu bình thường.   
- HIỀN NHÂN QUÂN TỬ 賢人君子 : Đây là hình tượng mẫu người lý tưởng của Nho Giáo ngày xưa : là người đàn ông có phẩm hạnh đạo đức tốt (quân tử) lại có tài kinh luân thao lược (hiền nhân) là mẫu người đàn ông lý tưởng của các bà các cô ngày xưa.
    
Nên...
         
* HIỀN MẪU 賢母 : Chẳng những là "Bà mẹ hiền" mà còn là "Bà mẹ giỏi giang" nữa ! Tương tự, ta có:        
* HIỀN THÊ 賢妻 : là người vợ hiền lành giỏi giang.       
* HIỀN PHỤ 賢婦 : là người phụ nữ hiền hòa từ ái, đảm đang và quán xuyến trong ngoài.    

                     Hiền Thê                            Hiền Phụ                        Hiền Mẫu

Trong cuộc sống lứa đôi, người ta thường nhắc đến hai chữ CHUNG THỦY để chỉ tình nghĩa vợ chồng luôn gắn bó với nhau mà không có kẻ thứ ba nào chen vào. Nếu "Ông ăn chả" hoặc "Bà ăn nem" thì gọi là "KHÔNG CHUNG THỦY", là không một lòng một dạ với người hôn phối hoặc người yêu của mình. Vậy CHUNG THỦY nghĩa gốc là gì, ta sẽ lần lược tìm hiểu sau đây:
          
CHUNG THỦY 終始, đúng ra phải nói là THỦY CHUNG 始終. Tại sao ? Thưa, vì...
   
- THỦY  : Còn đọc là THỈ theo diễn tiến của chữ viết như sau:
 
     Chung Đỉnh Văn       Tiểu Triện           Lệ Thư              Khải Thư
                            
Ta thấy:
      
Chung Đỉnh Văn và Tiểu Triện là hai hình tượng ngược lại với nhau nhưng cùng diễn một ý. Tiểu Triện bên trái là chữ NỮ  (Inline image) là Cô gái, bên phải phần trên là hình tượng của một đứa bé mới sinh đầu lật ngược trở xuống (Inline image), phần dưới là cái chậu đựng nước (Inline image) dùng để hứng lấy đứa bé. Nên THỦY  là hình tượng của cô gái sinh con với Hội Ý là "Cuộc sống mới bắt đầu"; Cho nên THỦY có nghĩa là BẮT ĐẦU, MỞ ĐẦU, như:
    
- Khởi Thủy 起始 : là Vừa mới bắt đầu, Bắt đầu ...    
- Nguyên Thủy 原始 : là Lúc bắt đầu, lúc ban đầu.    
- Thủy Tổ 始祖 : là Ông Tổ đầu tiên khai sáng ra... cái gì đó.
 
Còn...
   
 - CHUNG  : là Hết, là dạng chữ Hình Thanh, theo diễn tiến của chữ viết như sau:

     Giáp Cốt Văn     Kim Văn      Tiểu Triện     Lệ Thư      Khải Thư                  
Ta thấy:
          
Giáp Cốt Văn là hình tượng của 2 đầu kén của con tằm đã được kéo thành tơ, đến Kim Văn thì cuộn tơ đã thành hình được treo lên cho rũ hai đầu xuống hai bên, đến Tiểu Triện thì bên trái lại thêm bộ MỊCH (Inline image) là cuộn tơ đã được đưa lên máy dệt là đã hoàn thành giai đoạn kéo tơ dệt vải. Bên phải là chữ ĐÔNG  để lấy Âm (dong). Nên CHUNG có nghĩa là : Hoàn thành, Chấm dứt, là Hết, là Kết cuộc, là Xuyên suốt ... như:
        
- Chung Kết 終結 : là Chấm hết, là Cuối cùng       
- Chung Cục 終局 : là Kết cuộc, là đến nước sau cùng .         
- Chung Thân 終身 : là Xuyên suốt cả cuộc đời, là suốt đời.
 
Nên:
        
THỦY là Mở đầu, CHUNG là Kết cuộc. Cái gì có mở đầu mà có kết cuộc  thì gọi là "CÓ THỦY CÓ CHUNG"; còn có mở đầu mà không có kết cuộc thì gọi là "Hữu thủy vô chung 有始無終". Thương ai đó nửa chừng rồi bỏ, thì nói là "Có Thủy mà không có Chung", nói cho gọn là "không chung thủy". Không phải chỉ trong tình yêu mà thôi, hễ làm việc gì đó mà bỏ dở giữa chừng thì cũng bị gọi là người "làm việc không có chung thủy", là làm việc có đầu không có đuôi. 

CHUNG THỦY là Đầu Đuôi, là Trước làm sao thi sau cũng làm vậy, là "Trước sau như một" chữ Nho gọi là THỦY CHUNG NHƯ NHẤT 始終如一  !        

Nên "Con Người CHUNG THỦY" là con người bền lòng chặc dạ, trước sau như một, kể cả trong tình yêu và việc làm trong cuộc sống hằng ngày.
        
CHUNG là hết, là cuối, là kết thúc... Nên cuối các quyển thơ, truyện ngày xưa hay có chữ "CHUNG" thật lớn. Các từ có chữ CHUNG mà ta thường gặp như:
       
- Lâm Chung 臨終 : là lúc sắp hết cuộc đời, là lúc sắp chết.          
- Thọ Chung 壽終 : là Tuổi thọ đà hết, là chết già, chết thọ.
 
Còn...
                    
- Chung Nhật 終日 : là hết ngày, là suốt ngày, như câu ta vừa đề cập ở trên là:
                   
是非終日有 Thị phi CHUNG NHẬT hữu
(là chuyện thị phi có SUỐT CẢ NGÀY).
     
- Chung Niên 終年 : là suốt cả năm, là quanh năm. Nhưng ...     
- Niên Chung 年終 : là Năm hết Tết đến. Còn THỦY thì ta có thành ngữ "Nhất Nguyên phục THỦY    " mà ta thường hay thấy làm vế đầu của câu đối Tết treo trước cổng ra vào như sau:
 
Nhất Nguyên phục THỦY,         始,                        
Vạn tượng canh tân.                  新!
 
Có nghĩa:
           
-  Cái nguyên khí của trời đất trở lại lúc ban đầu, làm cho...           
-  Vạn vật muôn loài đều đổi mới!
 

  Mong rằng trong mùa XUÂN mới nầy, cùng với vạn vật đón xuân vươn mình đổi mới thì con người chúng ta cũng sẽ quật cường đổi mới vươn lên sống hòa mình với cơn dịch thế kỷ đã gần đến hồi CÁO CHUNG nầy. Mong lắm thay!
      
Cầu CHÚC cho tất cả mọi người, mọi nhà trên thế gian nầy đều có được một MÙA XUÂN NHƯ Ý,  AN KHANG THỊNH VƯỢNG !
 
                                                                                      杜紹德          
                                                                                 Đỗ Chiêu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét