La Thuỵ, một nhà thơ được mến mộ, còn là chủ nhân nhiều trang blogspot uy tín tại VN. “Đón Năm Mùi” là một bài thơ Đường luật ông sáng tác vào năm Mùi nào đó trước đây. Nhân mùa xuân năm Nhâm Dần sắp đến. Châu Thạch xin có một vài cảm nhận về bài thơ nầy, để đọc nó, ta thưởng thức những điều lạ trong mùa xuân xa xôi của lịch sử. Bài thơ như sau:
ĐÓN NĂM MÙITân niên rộn rã bước Dương ôngChào đón xuân tươi, vẫy nắng hồngTô Vũ lưu danh bền dạ thép *Bá Hề nức tiếng vững gan đồng **Dán sừng lệ tết ca vang xómChuốc chén tình xuân tỏa ấm phòngSáng giá “đầu dê” hàng chính hiệuNăm Mùi sung mãn đẹp lòng không?La Thuỵ
Bàn về hai câu Mở (đề) của bài thơ, ta thấy tác giả đã nhân cách hoá mùa xuân con Dê khi gọi bước chân xuân là bước của Dương ông. Bước chân đó đã được mặt trời “Vẫy nắng hồng” để chào đón. Hai câu mở đề ấy đã giữ đúng vai trò giới thiệu bài thơ của một bài thơ Đường luật, cho ta thấy được bước chân rộn ràng, linh động, thắm tươi của mùa xuân đến giữa nhân gian.
Qua hai câu Trạng (thực) có vẻ khó hiểu làm ta động não hơi nhiều nhưng khi suy ra được thì cái hay tiềm ẩn trong hai câu thơ làm cho ta thích thú:
Tô Vũ lưu danh bền dạ thép*Bá hề nức tiếng vững gan đồng**
Hai câu thơ nầy tác giả giải thích điển tích như sau:
*Vâng mệnh vua Hán Vũ Đế, Tô Vũ đi sứ sang Hung Nô. Ông bị vua Hung Nô đày đến đất Bắc giá lạnh hoang vu, không có người ở, để chăn dê rất cực khổ. Sau 19 năm, nhờ sự can thiệp của Hán Vũ Đế, ông mới được thả trở về Hán.
** Bá Lý Hề bị nước Sở bắt làm nô lệ. Tần Mục Công biết Hề là người có tài, đem năm tấm da dê xin chuộc. Tần Mục Công chuộc được Bá Lý Hề đem về, phong ngay làm Tướng Quốc và ông Tướng Quốc này đã làm cho nước Tân thành giầu mạnh một thời và được mệnh danh là “Ngũ Cổ Đại Phu”, nghĩa là ông Tướng Quốc năm bộ da dê.
Vậy với câu “Tô Vũ lưu danh bền dạ thép” ta có thể hiểu ý của tác giả muốn nói mùa xuân tràn đến cả nhưng nơi xa xôi hẻo lánh, hoang vu như chổ ông Tô Vũ ngày xưa chăn dê.
Câu “Bá Hề nức tiếng vững gan đồng” ta có thể hiểu ý tác giả muốn nói mùa xuân chan chứa trên miền đất thanh bình an cư lạc nghiệp như nơi ông Bá Hề ngày xưa làm Tướng Quốc.
Hai câu nầy còn có ý nghĩa năm Mùi là năm của những con người chí khí kiên cường, có tài cao đức rộng.
Sở dĩ tác giả dùng hai điển tích nầy là vì nó có liên quan đến dê nên dùng nó để nói về năm mùi là hay và hợp lý. Người làm thơ có thể dùng một chữ nào đó có trong điển tích để gởi ý thơ của mình vào, thì ở đây La Thuỵ dùng nguyên hai sự kiện trong lịch sử để hàm ý những gì mình muốn nói là một cách mới và thâm thuý trong xử dụng tích xưa. Hai câu thơ nầy theo tôi nó đã làm tròn bổn phận của vế Trạng (Thực) trong bài Đường thi vì nó đã triển khai rộng và sâu chủ đề “Đón Năm Mùi”.
Tiếp theo hai câu Luận như sau:
Dán sừng lệ tết ca vang xómChuốc chén tình xuân toả ấm phòng
“Dán sừng” thì tôi chưa biết, có thể đoán là người ta dán ảnh tượng thần giữ cửa để bảo vệ gia đình trong một năm mới. Qua thơ cũng có thể hiểu đây là một phong tục có ý nghĩa trong ngày xuân. Có lẽ sau khi “dán sừng” rồi thì người dân mới vui chơi nên “ca vang xóm”.
Hai câu luận nầy ngoài sự đối chữ chuẩn xác thì sự đối ý cũng rất hay. “Dán sừng lệ tết ca vang xóm” là cảnh vui xuân của cộng đồng dân cư, còn “Chuốc chén tình xuân toả ấm phòng” là cảnh hưởng xuân riêng tư với nhau.
Tại sao không dùng chữ “nhà” để đối với chữ “xóm” mà dùng chữ “phòng”? Vì chữ “nhà” thì cũng là một cộng đồng gồm có ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, bà con và bạn bè ở chung. Nếu đem chữ “nhà” đối với chữ “xóm” hình ảnh không đối nhau. Tác giả dùng chữ “phòng” đối với chữ “xóm” là một suy nghĩ tinh tế vì hai hình ảnh nầy tương phản nhau, một bên thì đông đúc một bên thì lẻ loi, đối chọi nhau mà đều có chung một niềm vui đón xuân tuyệt vời.
Trong luật thơ Đường hai câu luận nầy là để cho tác giả luận bàn hay giải thích chủ đề bài thơ. Ở đây tác giả La Thuỵ đã dùng vế luận để nhấn mạnh thêm một cách cụ thể nguồn vui ngày xuân giữa cộng đồng và của cá nhân con người trong cộng đồng đó. Tôi nghĩ không còn sự “luận bàn” sự “giải thích” nào hợp lý hơn.
Tiếp theo hai câu kết như sau:
Sáng giá “đầu dê” hàng chính hiệuNăm Mùi sung mãn đẹp lòng không?
Sở dĩ chữ “đầu dê” tác giả đóng trong ngoặc kép là vì ông trích chữ “đầu dê” trong câu “Treo đầu dê bán thịt chó” của nhân gian. Ở đây “sáng giá “đầu dê” hàng chính hiệu” có nghĩa là treo đầu dê thì bán đầu dê chính hiệu chứ không bán thịt chó. Câu thơ nầy báo trước một năm Mùi đầy niềm vui trong cộng đồng, con người sống với nhau chân thật, không có sự phỉnh lừa dối trá như trước nữa. Ý thơ nầy được bổ nghĩa thêm trong câu “Năm Mùi sung mãn đẹp lòng không?” Đây là một vế kết ý nghĩa và trọn vẹn vì nó tiên đoán cho một năm Mùi tốt đẹp sau những gì tác giả trình bày ở những vế thơ trên.
Có thể những lý giải của tôi không đúng với ý tác giả và đối chọi với lập luận của một số bạn đọc. Tuy thế ta nên hiểu là người đọc cũng là người làm thơ, nhưng làm thơ không thành câu. Vì khi ta đọc một bài thơ thì tùy theo trình độ, hoàn cảnh, thẩm mỹ, tâm tư tình cảm của ta mà ta có cách hiểu và rung động nhiều hay ít với bài thơ, nghĩa là ta nương theo bài thơ của tác giả mà ta làm thơ lại trong chính lòng ta.
Vậy thì mỗi người hiểu khác nhau đâu có gì đáng trách. Hơn nữa ở Thơ Đường Luật có rất nhiều nhà thơ tầm cỡ, thuộc hạng thương thừa, sư thơ, huynh thơ mà sáng tác của họ độc đáo, thâm thuý có khi quá sức thưởng thức của ta, trong đó La Thụỵ là một tên tuổi được nhiều bạn đọc và thi hữu mến phục. Mỗi khi gặp những bài thơ như thế thì theo tôi cứ từ từ mà suy tư, khảo cứu, chất vấn để biết, chớ đừng nên vội vác búa đập ngay vào bài thơ của họ, có khi búa ấy dội ngược về mình.
Mấy lời thô sơ về cảm nghĩ của mình, xin cúi đầu trước để nhận lãnh sự đồng cảm cũng như nhận lảnh búa rìu nếu có.
Châu Thạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét