Hôm nay là sinh nhật anh Nguyễn Bắc Sơn thân thương.
Nhớ anh, xin được đăng lại bài viết cho số kỷ niệm nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn trên Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận nhiều năm trước.
Thời những năm 70 – 75, lũ học sinh, sinh viên chúng tôi ở “trong này”, nhất là con trai, không hiểu sao lại thuộc lòng, nhiều thì cả bài, ít thì vài câu thơ của những nhà thơ ở “ngoài kia” lúc bấy giờ như: Quang Dũng với “Đôi mắt người Sơn Tây”, “Tây Tiến”, Phùng Quán với “Lời mẹ dặn”, Yên Thao với “Nhà tôi”, Hoàng Cầm với “Bên kia sông Đuống”.v.v… Bên cạnh đó, đặc biệt hơn là những câu thơ nghênh ngang “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, nhưng lại hào sảng và hồn nhiên hết mực của nhà thơ “trong này” quê Bình Thuận - thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn, thì hầu như trong chúng tôi khá nhiều người biết và thuộc lòng cho tới tận bây giờ vẫn còn nhớ:
“Mai ta đụng trận ta còn sốngVề ghé Sông Mao phá phách chơiChia sớt nỗi sầu cùng gái điếmĐốt tiền mua vội một ngày vui…Ngày vui đời lính vô cùng ngắnMặt trời thoáng đã ở phương TâyNếu ta lỡ chết vì say rượuLinh hồn chắc sẽ thành mây bay”(Mật khu Lê Hồng Phong)
Những câu thơ đầy bụi bặm, đậm chất giang hồ lãng tử, bất cần đời này đã dễ dàng in sâu vào trí nhớ của lứa tuổi thanh niên Miền Nam lúc bấy giờ, đang trong tâm trạng bi quan khi nhìn về tương lai mờ mịt trong khói lửa của cuộc chiến tranh tàn khốc mà ranh giới sinh tử chỉ như một tờ giấy pơ luya mỏng dính, như chuyện “mưa nắng” thường ngày:
“Buổi chiều uống nước giồng Ma HýThằng Xuân bắn chết thằng Mang KhinhHỡi ơi sống chết là mưa nắngGió tối mưa đêm chớ lạnh mình.”(Thảo Khấu)
Giọng thơ của anh tuy có chút giống hơi hướng ngang tàng hảo hớn của Quang Dũng, nhưng nhìn thật kĩ thì lại hoàn toàn khác.
Trước là khác nhau ở đặc điểm tư tưởng trong thơ. Thơ Quang Dũng kiêu bạc, hào hùng, “da ngựa bọc thây”, là thơ của người chiến sĩ mang trong mình lí tưởng chiến đấu hy sinh, tuy không thiếu phần lãng mạn. Điểm khác nữa là trong ngôn ngữ thơ. Ngôn ngữ thơ Quang Dũng thì sang trọng và nghiêm túc:
“Tây tiến đoàn binh không mọc tócQuân xanh màu lá dữ oai hùmMắt trừng gửi mộng qua biên giớiĐêm mơ Hà Nội dáng kiều thơmRải rác biên cương mồ viễn xứChiến trường đi chẳng tiếc đời xanhÁo bào thay chiếu, anh về đấtSông Mã gầm lên khúc độc hànhTây tiến người đi không hẹn ướcĐường lên thăm thẳm một chia phôiAi lên Tây tiến mùa xuân ấyHồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.”(Tây tiến)
Ngược lại, thơ Nguyễn Bắc Sơn chả có chút biểu hiện gì của sự quyết tâm, ý chí chiến đấu vì “lí tưởng quốc gia” nào cả. Về ngôn ngữ thơ thì cả hai giống nhau ở tính sắc sảo, mang lại hiệu ứng đồng điệu, mỹ cảm rất cao. Nhưng khác nhau cơ bản ở chỗ , Nguyễn Bắc Sơn sử dụng thủ pháp ngôn ngữ “bụi đời”, giang hồ tứ chiến một cách điêu luyện, hấp dẫn mà trong thơ Quang Dũng không hề có. Bởi lẽ, thường trực trong tâm thức của anh “lính cậu” Nguyễn Bắc Sơn tồn tại sự bỗ bã, bộc trực, không màu mè, “luận điệu”. Khi nói về chiến tranh, anh hồn nhiên như đang nói về trò chơi đánh trận hồi còn con nít, chơi mệt thì “xin xí điều” nghỉ chút rồi chơi tiếp:
“Kẻ thù ta ơi, các ngài du kíchHãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheoHãy tránh xa ra ta xin xí điềuLúc này đây ta không thèm đánh giặcThèm uống chai bia, thèm châm điếu thuốcThèm ngọt ngào giọng hát em chim xanhKẻ thù ta ơi, những đứa xâm mìnhĂn muối đá và hăng say chiến đấuTa vốn hiền khô, ta là lính cậuĐi hành quân rượu đế vẫn mang theoMang trong đầu những ý nghĩ trong veoXem chiến cuộc như tai trời ách nướcTa bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phướcVì căn phần ngươi xui khiến đó thôi”(Chiến tranh Việt Nam và tôi)
Những người lính phía “bên kia” khác hẵn với anh lính Nguyễn Bắc Sơn. Bởi họ đi chiến đấu với bầu máu nóng trong tim, sẵn sàng hy sinh vì lí tưởng “giải phóng Miền Nam”, “đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào”:
“Ta hiểu vì sao ta chiến đấuTa hiểu vì ai ta hiến máu”(Tố Hữu)
Hoặc:
“Đất nước mình đây bao nhiêu năm quaMưa nắng đêm ngày hành quân không mỏiSung sướng bao nhiêu ta là đồng độiCủa những người đi đánh giặc hôm nay”(Chính Hữu- “Đường ra mặt trận”)
Ở phía “bên này”, cũng có những người “lính cộng hòa” làm thơ chiến trận, nhưng họ lại không giống Nguyễn Bắc Sơn:
“Hai mươi tuổi ta đi làm chiến sĩBước giày đinh lạng quạng một đời traiVừa đánh giặc vừa lừng khừng triết lýNhưng thằng này yêu nước chẳng thua ai”
(Trích “Cảm khoái” của Cao Tần – Theo lời dẫn của Đặng Tiến trong bài viết “Nguyễn Bắc Sơn”)
Riêng Nguyễn Bắc Sơn thì ngược lại, anh cảm nhận về cuộc chiến tranh này hết sức đơn giản với cặp mắt như trẻ thơ:
“Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơiSuy nghĩ làm gì lao tâm khổ tríLũ chúng ta sống một đời vô vịNên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau(…) mượn bom đạn chơi trò pháo tếtvà máu xương làm phân bón rừng hoang”(Chiến tranh Việt Nam và tôi)
Nhà văn Võ Phiến, một trong những “cây đại thụ” của văn đàn Miền Nam, đã từng có nhận xét về “ông” Nguyễn Bắc Sơn:
“Trong lúc chống cộng được nêu làm quốc sách, chống cộng là cái lẽ tồn tại của nước Cộng hòa Việt Nam, trong lúc xung quanh ông thiên hạ trịnh trọng nói về chính nghĩa về lý tưởng, người chết chật đất vì chống cộng, kẻ sống thân tàn ma dại vì chống cộng, thế giới náo động cả lên vì chống cộng, trong lúc ấy ông là lính đang làm nhiệm vụ chống cộng bằng cây súng, ông lại oang oang…” như vậy, thì:
“Thử kiểm điểm xem, trong thi ca khắp nơi bạn bắt gặp được bao nhiêu trường hợp sáng tác như thế của một người đang sống trong vòng quân kỷ? Bạn sưu tầm được mấy tác phẩm văn chương rẻ rúng quốc sách một cách khơi khơi giữa thời chiến như thế?” Và sau đó, nhà văn kết luận chắc nịch: “Thơ ấy quả hay”…
Nguyễn Bắc Sơn vào đời trước tôi mười năm (anh sinh 1944). Thời gian chỉ 10 năm thôi, nhưng trong cuộc chiến tranh Việt Nam khốc liệt lúc đó, lại là một khoảng cách lớn. Tuy về mặt không gian, tôi ở rất gần anh suốt từ thời học sinh cho đến khi trưởng thành, quẩn quanh ở Bình Thuận, cùng với những cái tên trở đi trở lại quen thuộc trong thơ anh: Sông Mao, Sông Lũy, Ma Lâm, Mường Mán, Thiện Giáo, Mật khu Lê Hồng Phong.... Khi tôi còn học trung học thì anh đã “bị” vào lính. Khi tôi ghép chữ tập tò làm thơ, thì thơ anh đã nổi tiếng cả Miền Nam, còn lan ra Miền Bắc. Thậm chí, thơ của anh còn được trích ra đưa vào làm dẫn chứng trong giáo trình dạy ở trường đại học tại Miền Bắc, là “đại biểu” cho một bộ phận của nền thơ Miền Nam trước 75 và coi đây là sự phản ánh trung thực tâm lí bạc nhược, không lí tưởng, triệt tiêu ý chí chiến đấu của binh lính Việt Nam Cộng hòa và sau 1975, “người ta” coi đó chính là một trong những nguyên nhân thất bại trong cuộc chiến này…
Năm 74, tôi chấp hành “sự vụ lệnh" (một dạng quyết định điều động phân công như bây giờ) ra dạy học tại trường Hòa Đa (gần Sông Mao) một thời gian; thì anh đã từng ở “Sông Mao phá phách chơi”. Lúc đó, tôi mới biết Sông Mao trong thơ anh là cái gì. Nơi đây chẳng hề có con sông nào tên là Mao cả. Có chăng chỉ là “máu”, “sông máu” (gần đó có con sông tên Ma Ó, nếu ghép từ để đọc sẽ thành từ gần đồng âm với từ “Máu”). Máu của binh lính cả hai bên, máu của những người dân vô tội… Sông Mao là tên một thị trấn nhỏ, đa phần là người dân tộc Nùng, theo thủ lĩnh Wòng A Sáng di cư từ Bắc vào sinh sống. Trong chiến tranh, nơi đây trở thành căn cứ quân sự lớn nhất ở phía Bắc Bình Thuận, có lúc cao điểm chứa hàng ngàn binh lính thuộc quân lực Sài Gòn và cả lính Mỹ. Chính nơi đây và giãn rộng ra vùng nông thôn, rừng núi chung quanh, đã từng diễn ra không biết bao nhiêu trận chiến ác liệt. Đây cũng là “căn cứ địa” của gái điếm, là điểm ăn chơi khét tiếng đến nổi được mệnh danh là “Sài Gòn 2”. Tuy vậy, đối với những người lính may mắn không bị tử thương sau một trận chiến, thì Sông Mao lại chính là nơi mà họ có thể trở về với cuộc sống bình thường của một con người, biết suy nghĩ, biết ăn nhậu, biết phá phách, biết làm tình và… làm thơ:
“Mai ta đụng trận, ta còn sốngVề ghé Sông Mao phá phách chơiChia sớt nỗi sầu cùng gái điếmĐốt tiền mua vội một ngày vui”(Mật khu Lê Hồng Phong”)
Mà không phải bị biến thành động vật phi nhân tính:
“Tập uống máu người thay nước uốngMúa may theo lịch sử điên cuồng”(Thảo khấu)
Nơi này cũng đã giúp cho họ vẫn còn giữ lại được tình cảm yếu đuối của con người, còn biết nhận ra được sự thực tàn nhẫn của chiến tranh:
“Ta may mắn tay chân lành lặnNhưng tâm hồn trống rỗng bơ vơMỗi ngày chữa bệnh bằng ly rượuTối nằm đánh vật với cơn mơMột ngày chủ nhật phơi giày trậnTa bỗng tìm ra một vết thươngVết thương bàng bạc như là khóiNgưng đọng nhà ai ở cuối đường(…)Mày gởi một chân ngoài mặt trậnMang về cho mẹ một bàn chânMẹ già khóc đến mù hai mắtĐời tàn trong lứa tuổi thanh xuân”(Căn bệnh thời chiến)
Với những câu thơ rất hiện thực trên đây, có thể nhà thơ tự nói với chính mình mà cũng là nói thay cho đồng đội. Đó là một sự thực không dễ giải bày với tư cách người trong cuộc. Những người trong cuộc thuộc “phía bên kia” lại càng không thể nói. Nhưng Nguyễn Bắc Sơn đã nói ra được. Mọi người gọi thơ anh là “thơ phản chiến”. Sau này anh cũng đã tự nhận:
“Trong thành phố này ta là người phản chiếnNgày qua ngày ta chỉ thích đi câu”(Cười lên đi, tiếng khóc bi hùng)
Có nhà nghiên cứu khi phân tích về “thơ phản chiến” Nguyễn Bắc Sơn, đã đưa ra nhận định:
“Lý do phản chiến thì nhiều: có khi vì lý tưởng hòa bình cao đẹp, có khi vì quan điểm chính trị, có khi vì sợ chết, sợ khổ. Nơi Nguyễn Bắc Sơn có thể còn lý do riêng: thân phụ anh đi kháng chiến chống Pháp, tập kết ra Bắc. Có thể ông lại vào Nam chiến đấu, và khách quan, có khả năng là đối tượng trước mũi súng Nguyễn Bắc Sơn.”
(Đặng Tiến)
Miền Nam trong khoảng thời gian này, sự gò ép tư tưởng không lớn, do vậy, những trào lưu gọi là “phản chiến” lúc đó được truyền bá một cách rộng rãi ngoài xã hội, trong phong trào sinh viên, học sinh, phong trào “Du ca”, trong nhạc của Trịnh Công Sơn và nhiều nhạc sĩ khác.v.v… Thế hệ chúng tôi hầu như không ai thích chiến tranh (từ xưa đến nay cũng vậy). Nói chen một chút, gia đình tôi thuộc gia đình theo cộng sản ba đời, nhưng tôi hoàn toàn không muốn phải tham chiến ở bất kì phe nào. Năm 1972, tôi thi vào trường Sư phạm Đà Lạt để “trốn lính”. Có một câu hỏi vấn đáp được ông thầy giám khảo già lập đi lập lại trong kì thi đầu vào như một “công án” (thiền) đối với nhiều thí sinh: “Tại sao anh không vào trường sĩ quan…?” Tôi nói thật suy nghĩ của mình: “Thưa thầy, vì em không muốn phải chết một cách vô nghĩa”. Vậy là tôi đậu. Những thí sinh nam khác trả lời theo khuôn sáo “vì em yêu nghề mến trẻ”, hầu hết bị rớt vì nhận điểm kém ở phần “ô ran” này. Tôi cũng xin được góp một nhận định: ông thầy giáo già làm giám khảo kia, cùng với thí sinh là tôi, đều thuộc thành phần “phản chiến”, mà không vì lí do xu hướng chính trị của gia đình hay vì có cha mẹ, anh em, người thân... đang tham gia ở phía bên kia. Tôi nghĩ, đối với Nguyễn Bắc Sơn, có hay không có ba đi tập kết thì thái độ của anh đối với chiến tranh cũng chẳng có gì khác nhau. Nói chung, chúng tôi chán ghét chiến tranh... Nguyễn Bắc Sơn cũng không khác. Anh không chủ động đứng về bất kì phe nào, chỉ là bị buộc phải cầm súng. Đối mặt với chiến tranh, anh là kẻ chẳng đặng đừng, là người ngẫu nhiên bị kẹt giữa hai bên trong cuộc chiến, với khẩu súng trên tay. Người ta nói, chiến tranh có chính nghĩa và phi nghĩa. Nhưng có người nói: chết là hết tất cả, chẳng đen chẳng trắng…
Nguyễn Bắc Sơn với sự hồn nhiên của mình, qua thơ đã nói lên được hiện thực khốc liệt diễn ra chung quanh, không giấu diếm, không lên gân dạy đời. Đây chính là đặc điểm riêng, hiếm có của nhà thơ, không chỉ ở miền Nam mà lại càng hiếm hoi, lạ lẫm với nền thi ca Miền Bắc trong chiến tranh.
Nhà thơ Anh Ngọc tâm sự, khi ông làm biên tập báo “Quân đội nhân dân”, năm 1974, ông tình cờ đọc được mấy bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn. Ông đã giữ lại tâm tình lúc đó, sau này ông nhớ lại và viết:
“Với một người lớn lên ở miền Bắc, được giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, thì cái thế giới trong thơ Nguyễn Bắc Sơn quả là xa lạ. Hình như đó là một thế giới hoàn toàn khác mà tôi không bao giờ có ngày gặp gỡ và thông cảm được”
(Anh Ngọc- “Cuộc hội ngộ lạ lùng quá sức tưởng tượng”).
Cuộc chiến qua đi…
Sau 1975, so với thời kì trước đó, Nguyễn Bắc Sơn có làm nhiều thơ hơn. Tất nhiên nội dung chủ đề phải khác (chẳng lẽ cứ làm thơ về chiến tranh hoài, khi hòa bình đã trở lại), Nhưng khẩu khí nghe ra không khác gì mấy với trước kia, vẫn giọng điệu nhẹ như không, khinh khoái, “giang hồ hảo hớn”, với ngôn ngữ bụi bặm đời thường. Khi là lính, phải ra trận, thì anh lại hồn nhiên như cậu bé kể trung thực lại chuyện chiến trường. Hòa bình, anh lại phiêu lãng “theo trái phong du níu gió lên trời”, sống “ngu ngơ” như một nhà hiền triết Phương Đông, tâm hồn nhẹ hẫng bởi “chẳng có chi mà lớn chuyện”:
“Lý do phản chiến thì nhiều: có khi vì lý tưởng hòa bình cao đẹp, có khi vì quan điểm chính trị, có khi vì sợ chết, sợ khổ. Nơi Nguyễn Bắc Sơn có thể còn lý do riêng: thân phụ anh đi kháng chiến chống Pháp, tập kết ra Bắc. Có thể ông lại vào Nam chiến đấu, và khách quan, có khả năng là đối tượng trước mũi súng Nguyễn Bắc Sơn.”
(Đặng Tiến)
Miền Nam trong khoảng thời gian này, sự gò ép tư tưởng không lớn, do vậy, những trào lưu gọi là “phản chiến” lúc đó được truyền bá một cách rộng rãi ngoài xã hội, trong phong trào sinh viên, học sinh, phong trào “Du ca”, trong nhạc của Trịnh Công Sơn và nhiều nhạc sĩ khác.v.v… Thế hệ chúng tôi hầu như không ai thích chiến tranh (từ xưa đến nay cũng vậy). Nói chen một chút, gia đình tôi thuộc gia đình theo cộng sản ba đời, nhưng tôi hoàn toàn không muốn phải tham chiến ở bất kì phe nào. Năm 1972, tôi thi vào trường Sư phạm Đà Lạt để “trốn lính”. Có một câu hỏi vấn đáp được ông thầy giám khảo già lập đi lập lại trong kì thi đầu vào như một “công án” (thiền) đối với nhiều thí sinh: “Tại sao anh không vào trường sĩ quan…?” Tôi nói thật suy nghĩ của mình: “Thưa thầy, vì em không muốn phải chết một cách vô nghĩa”. Vậy là tôi đậu. Những thí sinh nam khác trả lời theo khuôn sáo “vì em yêu nghề mến trẻ”, hầu hết bị rớt vì nhận điểm kém ở phần “ô ran” này. Tôi cũng xin được góp một nhận định: ông thầy giáo già làm giám khảo kia, cùng với thí sinh là tôi, đều thuộc thành phần “phản chiến”, mà không vì lí do xu hướng chính trị của gia đình hay vì có cha mẹ, anh em, người thân... đang tham gia ở phía bên kia. Tôi nghĩ, đối với Nguyễn Bắc Sơn, có hay không có ba đi tập kết thì thái độ của anh đối với chiến tranh cũng chẳng có gì khác nhau. Nói chung, chúng tôi chán ghét chiến tranh... Nguyễn Bắc Sơn cũng không khác. Anh không chủ động đứng về bất kì phe nào, chỉ là bị buộc phải cầm súng. Đối mặt với chiến tranh, anh là kẻ chẳng đặng đừng, là người ngẫu nhiên bị kẹt giữa hai bên trong cuộc chiến, với khẩu súng trên tay. Người ta nói, chiến tranh có chính nghĩa và phi nghĩa. Nhưng có người nói: chết là hết tất cả, chẳng đen chẳng trắng…
Nguyễn Bắc Sơn với sự hồn nhiên của mình, qua thơ đã nói lên được hiện thực khốc liệt diễn ra chung quanh, không giấu diếm, không lên gân dạy đời. Đây chính là đặc điểm riêng, hiếm có của nhà thơ, không chỉ ở miền Nam mà lại càng hiếm hoi, lạ lẫm với nền thi ca Miền Bắc trong chiến tranh.
Nhà thơ Anh Ngọc tâm sự, khi ông làm biên tập báo “Quân đội nhân dân”, năm 1974, ông tình cờ đọc được mấy bài thơ của Nguyễn Bắc Sơn. Ông đã giữ lại tâm tình lúc đó, sau này ông nhớ lại và viết:
“Với một người lớn lên ở miền Bắc, được giáo dục dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, thì cái thế giới trong thơ Nguyễn Bắc Sơn quả là xa lạ. Hình như đó là một thế giới hoàn toàn khác mà tôi không bao giờ có ngày gặp gỡ và thông cảm được”
(Anh Ngọc- “Cuộc hội ngộ lạ lùng quá sức tưởng tượng”).
Cuộc chiến qua đi…
Sau 1975, so với thời kì trước đó, Nguyễn Bắc Sơn có làm nhiều thơ hơn. Tất nhiên nội dung chủ đề phải khác (chẳng lẽ cứ làm thơ về chiến tranh hoài, khi hòa bình đã trở lại), Nhưng khẩu khí nghe ra không khác gì mấy với trước kia, vẫn giọng điệu nhẹ như không, khinh khoái, “giang hồ hảo hớn”, với ngôn ngữ bụi bặm đời thường. Khi là lính, phải ra trận, thì anh lại hồn nhiên như cậu bé kể trung thực lại chuyện chiến trường. Hòa bình, anh lại phiêu lãng “theo trái phong du níu gió lên trời”, sống “ngu ngơ” như một nhà hiền triết Phương Đông, tâm hồn nhẹ hẫng bởi “chẳng có chi mà lớn chuyện”:
“Buổi sáng mang tiền đi hớt tócVô tình ngang một quán cà-phêGiang hồ hảo hán dăm thằng bạnMải mê tán dóc chẳng cho về.Về đâu, đâu cũng là đâu đóĐâu cũng đìu hiu đất Hán HồHớt tóc cạo râu là chuyện nhỏBa nghìn thế giới cũng chưa to.(…) Nằm dưới gốc cây nghìn cánh hạcDường như mặt đất tiết mùi hươngNgủ thẳng một lèo chiều mới dậyDường như mình cũng mộng Hoàng Lương.Dường như đứa trẻ nghìn năm trướcBây giờ đây vẫn trẻ trong taKhi về râu tóc còn nguyên vẹnMột ngày loáng thoáng một ngày qua.(Một ngày rảnh rổi)
Hóa ra, thế sự, cuộc đời không có gì là quan trọng, được mất chỉ là “không”:
“Bậc thánh triết là những tay biếng nhácSống khề khà quanh bữa tiệc nhân sinhKết bạn bè cùng cây cỏ vô minhRất chán ghét những trò chơi thế sựTrò thế sự khiến con người mệt lửKhiến con người quên ý nghĩa du sinhQuên trăm năm trong cảnh giới hữu tìnhLà tặng vật đất trời kia gửi biếuVà vĩ nhân là những tay láo lếuNhư ta đây chờ sung rụng ngoài hiên.Vỗ tay cười khinh lớp sóng lô nhô.”(Đại lãn)
Có thể nói, thơ Nguyễn Bắc Sơn trong chiến tranh và trong hòa bình, tuy có khác nhau về đề tài, nhưng vẫn nhất quán về phong cách, có thể tóm tắt trong một cụm từ “nhẹ nhàng như không”.
Làm thơ, làm thi sĩ, với ai đó là việc sang trọng, nhưng đối với Nguyễn Bắc Sơn cũng chẳng có gì to tát. Quãng đời sau này của anh, những lúc đi chơi, bù khú với bạn bè, anh hay xé bao thuốc lá, lấy mặt trong của bao thuốc, mượn cây viết, rồi… đề thơ tặng bạn. Thú chơi thơ theo kiểu “ứng khẩu” này của anh đã sinh ra vài trăm bài thơ mà anh không nhớ bao giờ. Chưa nói thơ hay hoặc dở, nhưng bạn bè quý anh nên thường giữ lại làm kỉ niệm. Tôi cũng có vài bài thơ dạng đó. Nhớ có lần, cách nay hơn 20 năm, họa sĩ Nguyên Đình (Trần Công Điệc), nhà thơ Nguyễn Thạnh (Tiền Giang) cùng với thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn, lên nhà tôi ở gần Ma Lâm (tên quận ngày xưa là Thiện Giáo - đều có tên trong thơ anh) vừa nhậu chơi vừa tán dóc suốt cả đêm. Sáng ra, ngồi trước hiên nhà nhâm nhi trà, anh mượn viết rồi viết nhanh trên mấy tấm cạc còn một mặt trắng tôi đưa cho anh, bằng những con chữ bay bướm. Viết xong, anh đưa cho họa sĩ Nguyên Đình đọc:
“Trạng Nguyên Bảng Nhãn Thám HoaCuối đời tóc bạc, chỉ là hạt sươngTình hoài nước chảy vô thườngGiai nhân ngồi ngó bờ mương dâu TầnỶ Lan giản dị phu nhânLà mây tím chảy phù vân kiếp ngườiVề Thiện Giáo để rong chơiCó tình bạn lớn ngồi nơi hiên nhàCám ơn bạn cám ơn taMột trong đức hạnh ấy là tri ânCám ơn một kiếp phù vân…”
Bài thơ không có tựa, nên tôi gọi tên “Thơ trước hiên nhà”.
Nguyễn Bắc Sơn là như vậy…
Họa sĩ Nguyên Đình đã về phía bên kia hơn nhiều năm rồi. Nay, đại ca (cách tôi thường gọi anh) Nguyễn Bắc Sơn cũng từ biệt anh em để đi vào cõi vô biên….
Tôi viết bài này vì nhớ Anh - Nguyễn Bắc Sơn - Thi sĩ đại ca.
Ma Lâm, ngày cuối năm 2017
NGÔ ĐÌNH MIÊN
*
Nguyễn Bắc Sơn là như vậy…
Họa sĩ Nguyên Đình đã về phía bên kia hơn nhiều năm rồi. Nay, đại ca (cách tôi thường gọi anh) Nguyễn Bắc Sơn cũng từ biệt anh em để đi vào cõi vô biên….
Tôi viết bài này vì nhớ Anh - Nguyễn Bắc Sơn - Thi sĩ đại ca.
Ma Lâm, ngày cuối năm 2017
NGÔ ĐÌNH MIÊN
*
Tài liệu tham khảo:
1. Inrasara: “Chiến tranh Việt Nam: tôi, ta & hắn”
2. Tạp chí Quán Văn số 23- 06/2014, chuyên đề “Nguyễn Bắc Sơn- nhà thơ Phương Đông.
3. Nguyễn Hưng Quốc: “Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn”
4. Anh Ngọc: “Cuộc hội ngộ lạ lùng quá sức tưởng tượng”- Tạp chí Quán Văn số 23
5. Võ Phiến: “Thơ Nguyễn Bắc Sơn” – in trong tập “Văn học Miền Nam”, xuất bản ở Hoa Kì
6. Nguyễn Lệ Uyên: “Nguyễn Bắc Sơn và tiếng thơ bi hài”
7. Nguyễn Thị Liên Tâm: “Đồng tiền rong chơi”
8. Từ Thế Mộng: “ Nguyễn Bắc Sơn – Nhà thơ Đông phương”
9. Đặng Tiến: “Nguyễn Bắc Sơn”
10. Ngô Đình Miên: “Thơ trước hiên nhà”- Tạp chí Quán Văn số 23
11. Võ Hoàng Minh: “Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn- Một góc nhìn khác”
12. Ban Mai: “Nguyễn Bắc Sơn - gã giang hồ hảo hán”
13. Nguyễn Đức Tùng: “Nguyễn Bắc Sơn, ngoài chiến tranh”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét