CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2022

“NHẬU” VỚI NGHĨA CỦA TỪ - Ngô Đình Miên

 Đầu năm nói chuyện nhậu...
 

“Nhậu” là một từ đơn, thuần Việt, nó sống động trong vốn từ của người Phương Nam. Cho tới bây giờ, tôi không biết có từ nào hay hơn, đủ nghĩa hơn có thể thay thế được từ “nhậu” “hoành tráng” này.
 
“Mời anh uống rượu”, lời người phương Bắc nói. Cụm từ “uống rượu” khá nghèo nàn về ngữ nghĩa, chỉ nói được một nghĩa đơn thuần là uống một thứ chất lỏng được gọi là rượu. Trong đó, từ “uống” chỉ đơn giản biểu đạt động tác uống, như uống nước, vậy thôi ! Trong khi đó từ “nhậu” chỉ rõ cho ta biết một lúc nhiều điều (nghĩa). Thứ nhứt, muốn có sự “nhậu”, trước hết phải có rượu (hoặc bia). Thứ hai, nhậu dứt khoát phải có mồi nhậu (thức nhắm, đồ nhắm của người phương Bắc), vì nếu chỉ uống rượu suông (như uống rượu nghiện) thì không ai gọi là nhậu. “Uống rượu” của người Bắc không nhất thiết phải có mồi (thức ăn), giống như ngồi trước quầy bar gọi một ly wisky để uống không. Thứ ba, nhậu không thể chỉ có mình êng mà nhậu được, vì vây phải có nhiều người (ít nhất là hai) mới gầy cuộc nhậu được. Thứ tư, nhậu đậm chất vui chơi hơn mang tính ngoại giao. Trong quan hệ ngoại giao, người ta có thể chạm ly (cốc) và uống rượu trong một tiệc đứng, nhưng dứt khoát không thể gọi đây là tiệc nhậu được. Thứ năm, khi nhậu phải có một vị trí cố định phù hợp để bày cuộc nhậu, không thể là vừa đi vừa "nhậu" như Chí Phèo nốc rượu. Thứ sáu, mục đich của nhậu là để vui, không phải để buồn, nên ở phương Nam, trong đám tang thường bày nhậu để lấy vui làm vơi bớt nỗi buồn. Trong khi “uống rượu” có thể là để “dục phá thành sầu...” Cuối cùng, người phương Nam chỉ dùng từ một âm tiết để biểu đạt cái sự “nhậu”, trong khi người phương Bắc phải dùng tới 2 từ gồm động từ “uống” và danh từ “rượu” để tạo thành cụm từ cố định, mà vẫn chưa phong phú nghĩa như từ “nhậu” đơn âm tiết mà đa nghĩa.
 
Với sự tổng hợp 7 ý nghĩa sống động trên đây, đã làm cho từ “nhậu” của phương Nam, từ sau 1975 liền hội nhập rất êm với dân nhậu toàn quốc. Lúc này, nếu ai ra Hà Nội sẽ nghe được tiếng “nhậu” quen thuộc khi các bạn bè ngoài đó hẹn gặp nhau ở quán nhậu. À, mà cũng có không ít tiệm nhậu bình dân, vỉa hè có bảng tên ghi “Quán nhậu...”.
 
                                                                                Ngô Đình Miên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét