CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2021

TRẬN CHIẾN CHƯA NGƯNG: ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH VÀ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN # 5, PHỤ LỤC 2 - Nguyên Lạc

 



DẪN NHẬP
 
Trước khi vào phần phụ lục 2, tôi xin tóm lược các phần trước đã nói để độc giả dễ theo dõi:
 
- Nguyễn Du dựa vào tích sử triều Minh, Vương Thúy Kiều của Dư Hoài (dài khoảng 3, 4 trang giấy), Tình sử Phùng Mộng Long, và các hý kịch/ hát bộ nhà Thanh- như Thu Hổ Khâu, ông thêm vào các nhân vật đệm sáng tác ra truyện thơ Đoạn Trường Tân Thanh/ Truyện Kiều. Xuất hiện sau Đoạn Trường Tân Thanh/Truyện Kiều => Kim Vân Kiều Lục => Các phóng tác Truyện Kiều (văn, thi, phú … tuồng Kim Vân Kiều, Đào Hoa Mộng Ký) => Thanh Tâm Tài Nhân Truyện => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Tử => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân(. Duy Minh Thị) => Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân (Tàu) – (Xem phần ghi chú ở cuối bài)
 
Sơ đồ biểu diễn sau đây cho dễ nhớ:
 
ĐTTT => KVKL=> TTTNT=> KVKT (DMT)=> KVKT (TÀU)
 
Bản văn Kim Vân Kiều Lục là đứa con song sinh của Nguyễn Du. Đây là một bản văn của một người rất thân cận với Nguyễn Du, ông đã được chính Nguyễn Du chia sẻ từng ý trong từng câu thơ lục bát truyện Kiều của mình, cho nên mới viết được lời văn như thế. Hạo Như và Phạm Quý Thích là hai ứng viên sáng giá.
 
- Kim Vân Kiều Lục, áng văn ngôn viết bằng chữ Hán chỉ là quyển giảng thơ Truyện Kiều. Vai trò của Kim Vân Kiều Lục là sách xưa nhất chú giải Truyện Kiều một cách nhẹ nhàng, đáp ứng những thắc mắc gần gũi nhất. Lối hành văn, chọn lọc từ ngữ cũng như 53 bài thơ dài ngắn trong Kim Vân Kiều Lục chứng tỏ tác giả uyên thâm nho học. Tuy nhiên tác giả không bao giờ dẫn một điển tích nào của Trung Hoa để lý giải từ ngữ; tác giả chỉ diễn thơ Kiều ra văn xuôi và bổ sung một ít tình tiết mà trong câu thơ Kiều nói chưa rõ. Tóm lại Kim Vân Kiều Lục đóng vai trò: “Bổ khuyết sử cho thành tín sử”. Nói cách khác, nó giống như là tư liệu bổ sung tin cậy để chú giải Truyện Kiều. Kim Vân Kiều Lục về thực chất không là một cuốn tiểu thuyết, cũng không là một cuốn tóm tắt hoặc dịch Truyện Kiều, mà là cuốn giảng thơ Truyện Kiều bằng văn xuôi.
 
- Duy Minh Thị đã dựa vào quyển Kim Vân Kiều Lục viết dài thêm ra, bằng một thứ văn phong của người kinh doanh chữ nghĩa, dạng bạch thoại chương hồi, ngôn ngữ luận viết theo kiểu Tam Quốc Chí diễn nghĩa, biến Kim Vân Kiều Lục thành quyển tiểu thuyết thương mại tầm thường: Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân A.953.

Thí dụ:

– Duy Minh Thị thêm những chi tiết tình dục vào Kim Vân Kiều Lục, ở đoạn Tú Bà dạy các kỷ năng lôi kéo khách làng chơi cho Thúy Kiều ở thanh lâu - khiến truyện Kiều bị xem nhầm là dâm thư (Đàn ông chớ kể Phan Trần/ Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều)

– Để thỏa mãn thị hiếu độc giả, Duy Minh Thị tả thêm cảnh Thúy Kiều xử tội báo oán gớm ghê, dã man, vô nhân tính với Bạc Hạnh, Bạc Bà, Tú Bà … (trong hồi thứ 18) khiến người ta phải chau mày và chán ghét Thúy Kiều.

Bởi những điều trên, nhà nghiên cứu Laiquangnam mới nói: “Kim Vân Kiều Truyện Thanh Tâm Tài Nhân đã làm nhiểm bẩn Truyện Kiều, phá hỏng giá trị của Truyện Kiều”.
 
Giờ mời độc giả đọc các bài viết của nhà nghiên cứu Lê Nghị:
 
SO SÁNH 3 CUỐN SÁCH HẬU THÂN TRUYỆN KIỀU DỄ HIỂU LẦM – Lê Nghị
 
 
Có 3 cuốn sách văn xuôi chữ Hán dễ hiểu lầm thành một: Kim Vân Kiều Lục (KVKL) khuyết danh của Việt Nam trước 1872, Thanh Tâm Tài Nhân Truyện (TTTNT) của Duy Minh Thị từ 1872, và cuốn Kim Vân Kiều Truyện (KVKT) từ 1910 vốn là truyền bản của Thanh Tâm Tài Nhân Truyện.
 
Sự hiểu lầm này kéo dài đã 200 năm: 120 năm đầu do thiếu thông tin, 80 năm sau này do các học giả không nghiên cứu so sánh. Năm 2015, phó giáo sư Phạm Tú Châu đã so sánh sơ bộ cuốn Kim Vân Kiều Lục (KVKL) với Đoạn Trường Tân Thanh (ĐTTT) và Kim Vân Kiều Truyện (KVKT) về mặt văn chương. Nhưng chưa ai từng đặt câu hỏi: 

– Có cuốn Thanh Tâm Tài Nhân Truyện mà các vị ở tòa soạn báo Đồng Văn cùng đề cập vào năm 1902 hay không? Một trong những nguyên nhân 80 năm về trước đến nay không đặt câu hỏi là từ Gs Dương Quảng Hàm, ông khẳng định Thanh Tâm Tài Nhân là tên tác giả và các vị tiền bối đã gọi nhầm là tên nhan sách. Tai hại thay, khi “cây cổ thụ văn học sử” nhận định chủ quan, sai lầm đã khiến cả thế giới đi tìm nguồn gốc Đoạn Trường Tân Thanh, tức Truyện Kiều lệch hướng.
 
Ngày nay, khi so sánh 3 tác phẩm chúng tôi đã chứng minh rằng Duy Minh Thị (DMT) là người viết Thanh Tâm Tài Nhân Truyện; và trong 3 cuốn này, từng cuốn lần lượt kế thừa nội dung của cuốn trước: Theo đó Kim Vân Kiều Lục kế thừa Đoạn Trường Tân Thanh, Thanh Tâm Tài Nhân Truyện kế thừa Kim Vân Kiều Lục và rồi Kim Vân Kiều Truyện kế thừa Thanh Tâm Tài Nhân Truyện.
Được biểu diễn sơ đồ sau đây cho dễ nhớ:
 
ĐTTT => KVKL=> TTTNT=> KVKT
 
Ở loạt bài: “Ai viết Kim Vân Kiều Truyện?” – Trên FB Tình Tự Dân Tộc [*], chúng tôi đã dẫn nghiên cứu của Lai Quang Nam chứng minh Duy Minh Thị là người nhắc tới nội dung Kim Vân Kiều Truyện ngày nay đầu tiên trong bản thơ Kim Vân Kiều Tân Truyện 1872, do gs Nguyễn Tài Cẩn chuyển ngữ. Theo đó Duy Minh Thị đã sửa mệnh đề Tài- Mệnh trong thơ Đoạn Trường Tân Thanh thành Tài-Sắc, đổi tên “tượng mặt trắng” thành “tranh Quan Thánh”, Thúc Sinh thành Thúc Thủ… cho phù hợp với cuốn Thanh Tâm Tài Nhân Truyện mà ông đã viết, tòa soạn báo Đồng Văn đã dùng để chú giải Đoạn Trường Tân Thanh.

Trong bài này chúng tôi dẫn chứng phần mở đầu để đọc giả chưa có thời gian so sánh tin rằng có một cuốn Thanh Tâm Tài Nhân Truyện xuất hiện vào năm 1902.
 
1. Phần văn mở đầu
 
Đoạn mở đầu truyện như sau:

a. Kim Vân Kiều Lục
 
“Năm thứ ba niên hiệu Gia Tĩnh đời Minh, thiên hạ yên ổn bốn phương vô lo, được gọi là đời thái bình. Bấy giờ có viên ngoại họ Vương ở Lôi Châu, dòng dõi nếp nhà, nhiều đời trâm anh, cũng là bậc hào phú trong số đông. Bà vợ viên ngoại cầu đảo ở núi Hành Sơn, nằm mộng thấy một cụ già cho ba cành hoa đào, một cành đã kết trái, một cành hoa mới chúm chím, còn một cành hoa nở đã hầu tàn. Đến đây bà chợt tỉnh giấc, nhớ rất rõ mấy cành hoa trong mộng, lòng thấy bồn chồn, cho đó là giấc mộng dự báo chính xác. Trở về bà kể cho viên ngoại biết. Viên ngoại nói: Đấy là mấy thứ trời cho ta. Một cành đã kết trái, ắt là ta sẽ sinh con trai, hai cành hoa nở, ắt sinh con gái và dung mạo đều xinh đẹp cả. Danh tiếng nhà ta chưa đến nỗi mai một, có lẽ ở giấc mộng này chăng ?”
 
b. Thanh Tâm Tài Nhân Truyện
 
“Người ở Bắc Kinh họ Vương tên là Lưỡng Tùng, tên chữ là Tử Trinh; vợ họ Hà, cầu tự ở núi Hành Sơn, mộng thấy một ông lão cho ba cành đào: một cành đã có quả, một cành mới nở hoa, một cành hoa nở đã nửa tàn. Tỉnh dậy bà nói chuyện mộng với viên ngoại, ông đoán rằng : một cành có quả hẳn là đẻ con trai, hai cành hoa hẳn là đẻ con gái. Sau quả nhiên đẻ hai con gái, con đầu lòng là Thuý Kiều, thứ hai là Thuý Vân, con trai rốt là Vương Quan y như mộng ấy.”
 
c. Kim Vân Kiều Truyện
 
“Nói về ở Bắc Kinh, có một vị viên ngoại họ Vương tên Vương Lưỡng Tùng, tự Tử Trinh, tính tình thuần thục trung hậu, gia thế thường thường, không dồi dào cũng không tính kém. Vợ họ Hà, cũng là người hiền năng, sinh một con trai, tên Vương Quan, học tập nghiệp nho và hai gái, chị tên Thuý Kiều, em tên Thuý Vân…”
 
2. Phần phóng tác thơ
 
Bài thơ Kiều vạch lên da cây vịnh Đạm Tiên:
 
100.  Rút trâm sẳn giắt cài đầu
Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần
 
Kiều Oánh Mậu sửa lại:
 
100.  Rút trâm sẳn giắt cài đầu
Vạch da cây vịnh tám câu bốn vần
 
Bùi Khánh Diễn không sửa câu thơ nhưng trích dẫn bài thơ 8 câu 4 vần này
 
a. Kim Vân Kiều lục
 
Tuyền hạ giai nhân tri dã vô
Hồng nhan thùy thị cánh vô phu
Lạc nhạn trầm ngư mê khách tứ
Thê lương phong nguyệt xúc nhân sầu
 
b. Thanh Tâm Tài Nhân Truyện
 
Tây phong hà hốt khởi
Trận trận sử nhân ai
Thảm thiết như hàm oán
Thê lương tự hữu hoài
Thừa hoan nghi sạ khứ
Khóa hạc nhã trùng lai
Bất đoạn hương hồn xứ
Thương thương lý ấn đài
 
c. Kim Vân Kiều truyện
 
Sắc hương hà sứ giả
Bằng điếu thống tân tai
Minh nguyệt lãnh loan bị
Ảm trần phong kính đài
Ngọc tuy hoàng thổ oánh
Danh vị bạch tuyết mai
Thượng hữu như miên tửu
Vô nhân diễn nhất bôi
 
Ở phần 1, ta thấy Thanh Tâm Tài Nhân Truyện mượn “giấc mộng hoa đào” * của Kim Vân Kiều Lục nên nó kế thừa cuốn trước nó. Kim Vân Kiều Truyện mượn Bắc Kinh, Vương Lưỡng Tùng, vợ họ Hà của Thanh Tâm Tài Nhân Truyện nên nó kế thừa cuốn này.
 
Ba bài thơ của 3 cuốn khác nhau, càng chứng minh thêm 3 cuốn khác nhau. Nếu trích thêm còn nhiều chi tiết khác nhau. Nhưng tổng thể thì bám theo kết cấu Đoạn Trường Tân Thanh để phóng tác. Soạn giả trước 1894 dùng Kim Vân Kiều Lục để giảng truyện Kiều. Ví dụ bản Kim Vân Kiều Tân Truyện của Hoàng Gia. Thậm chí các chuyển thể chèo, tuồng kịch đến 1900, hoặc chú giải còn dùng Kim Vân Kiều Lục, đó là sử dụng đúng đắn. Năm 1902 Kiều Oánh Mậu lại sử dụng Thanh Tâm Tài Nhân Truyện, các soạn giả sau 1905 dùng Kim Vân Kiều Truyện, và tưởng đó là tác phẩm từ Trung Hoa thời nhà Minh, lầm lạc cả hai hướng: nguồn gốc lẫn nội dung.

Ta thấy rằng Kim Vân Kiều Lục bám sát ý thơ Đoạn Trường Tân Thanh, trong khi 2 cuốn sau phóng tác xa dần. Nhưng trọng tâm so sánh 3 bài này để chứng minh thật sự tồn tại cuốn Thanh Tâm Tài Nhân Truyện, đến nay chưa ai phân tích cuốn này. Việc xác định có tồn tại cuốn này, chứng minh một mắc xích đi từ Đoạn Trường Tân Thanh => Kim Vân Kiều Lục => Thanh Tâm Tài Nhân Truyện => Kim Vân Kiều Truyện ở Việt Nam, không có chiều ngược lại. Cũng không có cuốn Kim Vân Kiều Truyện nào nữa ở nước ngoài, trừ “truyền bản”  “ngụy thư” xuất phát từ Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 – Lê Nghị

……..
 
* Về “Giấc mộng hoa đào – Đào Hoa Mộng ký:
 
Đào Hoa Mộng ký của Mộng Liên Đình với khoảng 3.000 câu thơ bằng tiếng Hán. Hiện nay có hai bản “Đào hoa mộng ký”, đều ở dạng viết tay, được tàng trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm (Hà Nội), mang các ký hiệu thư mục là VHv.2152 và A.436.

Tiên Phong Liên Đình tên thật là Nguyễn Đăng Tuyển (1795 – 1880). Ông còn có hiệu là Mộng Liên Đình và Hy Lượng Phủ, người làng Hoài Thượng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông đỗ Tú tài năm Minh Mệnh 17 (1836), làm Giám sinh Quốc tử giám, làm chủ sự Bộ Hộ rồi được thăng lên các chức Thừa chỉ, Thị độc, Sử quán biên tu và cuối cùng giữ chức Tri phủ Thuận Thành trước khi về hưu. Ông có đi sứ Trung Quốc. Ngoài “Đào hoa mộng ký”, Nguyễn Đăng Tuyển còn có các tác phẩm như “Yên Đài anh ngữ”, “Quốc phong thi hợp thái”, “Sử ca”
 
                                                                           Nguyên Lạc biên tập
 
(Bài tiếp: So Sánh Kim Vân Kiều Tuồng và Kim Vân Kiều Truyện)
 
………
 
Ghi chú:
 
- Bài viết Vương Thúy Kiều – Trong tuyển tập Ngu Sơ Tân Chí của Trương Trào (1650-1707), của Dư Hoài (1616-1696)
- Phong Tình Lục (Tình Sử) của Phùng Mộng Long: Bộ tập hợp gồm 804 câu chuyện tình trong cổ thư Trung Hoa; từ Tây Thi đến Chiêu Quân, đến Tiểu Thanh, đến Vương Thủy Kiều, Trác văn Quân Thôi Oanh Oanh … đều có đủ. Sách rất phố thông như Liêu Trai Chi Dị .
- Kịch hài = hý kịch (tuồng hát bộ Tàu) như Thu Hổ Khâu của Vương Long trước tác 1676, và Hổ phách trủy (Thi) (1707). Nguyễn Du được xem khi đi sứ sang Thanh.
Nguyễn Du đã xử dụng những văn bản nguồn trên, thêm thắt chi tiết, các nhân vật phụ như Kim Trọng, Thúc Sinh, Hoạn Thư, Thúy Vân, Vương Quan … để hư cấu, sáng tạo ra Đoạn Trường Tân Thanh/ Truyện Kiều
[*] Trang Facebook “Tình Tự Dân Tộc”, tác giả Lai Quang Nam.
https://www.facebook.com/groups/1141641829504367
Mời đọc:
- 200 năm, hậu thế nhớ Tố Như: Thử ‘giải mã’ lại Truyện Kiều- Lê Nghị
https://tuoitre.vn/200-nam-hau-the-nho-to-nhu-ky-cuoi-thu-giai-ma-lai-truyen-kieu-20200916201701822.htm?fbclid=IwAR0UvQrKM5yPbCeL8XovA-jp-nkho4KmpA5r6A_jaAfFTRjJn6gi3gYVyQY
- Từ Đoạn Trường Tân Thanh Đến Phát Sinh Kim Vân Kiều Truyện
http://chimvie3.free.fr/baivo/lenghi/lenghi_KimVanKieu.pdf

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét