CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Thứ Ba, 5 tháng 1, 2021

GIỠN CHƠI CÙNG CHỮ NGHĨA: TÌNH VÀ TỬU - Nguyên Lạc



 
Lời cẩn báo:
Cấm trẻ dưới 18 tuổi. Các bà suy nghĩ cẩn thận.
 
Đầu năm mới Nguyên Lạc biên khảo bài tiếu nầy mến gởi đến các bạn thân thương cùng với lời chúc dzui dẻ, “không có ghẻ”.
Tại sao lại chúc “không có ghẻ” ?
– Không có ghẻ tức nhiên là không nghèo, có thể là giàu. Tôi xin giải thích:
 
LOẠN BÀN VỀ CHỮ GHẺ
 
Bệnh ghẻ thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, trại tập trung … do thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt … bởi thiếu thốn, nghèo
Bệnh ghẻ là một bệnh ở da, gây nên bởi sự xâm nhập của một loài ký sinh: Cái ghẻ - có tên khoa học là Sarcoptes scabiei. Cái ghẻ có bốn đôi chân, kích thước khoảng 0,3 mm, rất nhỏ nên khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Vì nghèo, thiếu vệ sinh nên cái ghẻ tấn công, còn giàu sạch sẽ, thơm tho nên nó tránh xa. Rõ ràng là đến GHẺ còn kỳ thị giàu / nghèo, huống chi là con người.
Chúc các bạn “không có ghẻ” tức nhiên là chúc không “bị” nghèo, GIÀU phải không? OK ?
GHẺ ai cũng ghét, tránh xa, từ đó mới có từ “con ghẻ”: con riêng của chồng/ vợ, nên bị ghét bỏ. Từ “con ghẻ” cũng người ta thường nói hàng ngày với nghĩa là bị ghét bỏ, tránh xa:
– Con đó, thằng đó là “con ghẻ” có nghĩa là anh chị đó bị mọi người kỳ thị, ghét bỏ.
 
Dài dòng rồi, thôi trở lại bài chính
 
HAI CHỮ: TÌNH VÀ TỬU
 
1. CHỮ TÌNH
 
Chữ TÌNH khiếp lắm, nó chi phối mọi “hành xử” con người. Không có TÌNH thì sẽ không có thơ văn…
Chính vì chữ TÌNH mới xảy ra chiến tranh và đau thương:
 
– Như việc muốn chiếm đoạt “kiều nữ chân dài” Helen mà gây nên “Chiến tranh thành Troia” (trường thi của Homer: Iliad và Odyssey).
– Làm tiêu tan đất nước, làm toi mạng, tiêu đời… như Trụ Vương / Đắc Kỳ, Ngô Vương/ Tây Thi và Đồng Trác / Điêu Thuyền v.v…
 
Vậy TÌNH là cái quái gì mà khiếp vậy?
 
Để tìm hiểu nó, trước hết xin giới thiệu ông thần “chịu chơi” – Cụ ngài Nguyễn Công Trứ nổi tiếng với câu: “Tân nhân dục vấn lang niên kỷ / ngũ thập niên tiền nhị thập tam”

Tạm dịch:  

“Cô dâu hỏi chàng bao nhiêu tuổi / Qua mới hai mươi ba tuổi thôi … năm mưoi năm trước”.
 
Đây là chữ TÌNH của cụ Nguyễn :
 
“Chữ tình là chữ chi chi
Dẫu chi chi cũng chi chi với tình”
Sầu ai lấp cả vòm trời,
Biết chăng chăng biết hỡi người tình chung?
                   (Chữ Tình – Nguyễn công Trứ)
 
“Chữ tình là cái chi chi”, ý nói nó là cái gì mà người ta mê đắm dữ vậy? Vua quan, nghèo hèn đều giống “y chang” nhau.
 
Trên sông một chiếc thuyền nan
Một cô gái Huế, một quan đại thần.
Ban ngày quan lớn như thần
Ban đêm quan lớn tần mần như ma
Ban ngày quan lớn như cha
Ban đêm quan lớn rầy rà hơn con
(Đùa quan đại thần – Nguyễn Công Trứ?)
 
Đấy bạn thấy chưa, quan lớn cũng chi chi với tình
 
Và TÌNH thời hiện đại đây
 
Hỏi thế gian tình là chi
Mà lương mấy tháng đều chi cho tình?
 
Thấy chưa? Tất cả vì chữ TÌNH
 
Gởi tặng các bạn đoạn viết về TÌNH rất “ấn tượng”:
 
[Các nhà khoa học đã biết từ lâu tình yêu trai gái là do phản ứng hóa học trong cơ thể khi đến tuổi dậy thì. Phản ứng tự nhiên đó cũng là phản ứng chung cho mọi sinh vât. Riêng loài người, tình yêu phức tạp hơn nhiều. Trai gái khi đến tuổi dậy thì, không phải gặp ai cũng yêu luôn. Tình yêu nẩy nở ở con người còn phụ thuộc ba thứ: hình dáng, thanh âm và mùi vị. Khi thấy hình dạng của nàng hay chàng hợp nhãn là đã để ý rồi. Nhưng đó chưa phải là đã yêu ngay. Còn vấn đề nghe tiếng nói giọng cười của đối phương, thanh âm ra sao, tiếng nói có duyên không hay thô lỗ cục cằn. Và sau hết và cũng dễ bị “dính” nhất là “mùi vị”. Ở đây chính cái mầm yêu trong bộ óc đã tự chọn cho ta mà ta không biết. Bởi vì trước khi yêu làm thế nào mà…ngửi được mùi vị để xem có đáng yêu hay không” Loài người khác loài vật là ở chỗ này, vì loài vật không nề hà chuyện đó. Loài vật trước khi yêu, con đực sáp lại gần con cái, ngửi hít thoải mái, như con trâu đực chẳng hạn, khi đi “cua” đào, bèn hít cái đuôi con trâu cái thật lâu, hít đã rồi còn hếch cái mũi lên trời nhe răng cười khoái trá, trông thật chẳng giống ai. Loài người, nếu quý vị đực rựa bắt chước con trâu làm như vậy, chắc phải lãnh cái bạt tai chớ đừng nói đến yêu với đương làm chi cho mệt.]
                 (Tình Là Cái Chi Chi?- Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh) (1)
 
 


2. CHỮ TỬU
 
Trên là loạn bàn về TÌNH chung chung, bây giờ bàn về TÌNH vợ chồng.
Câu này chắc các bà rất “ưa” và cho là câu thơ “siêu tuyệt” nhất trên đời:
 
Làm trai cho đáng nên trai
Vợ kêu phải dạ, “trả bài” phải thông!
                                        (ca dao cạo)
 
Trả bài phải “thông” là tốt rồi, nhưng đôi khi mấy bà con muốn “đô” (dose) mạnh thêm nữa, vì nghe theo lời các cụ xưa phán:
 
Thứ nhất là rượu ngà ngà
Thứ hai là lúc đi xa mới dzìa
 
 “Đi xa mới dzìa” good lắm, nhưng mấy bà không dám thử “đuổi” mấy ông chồng đi xa rồi trở dzìa, vì sợ mấy ông dzọt luôn theo các “em nhí”.
 “Rượu ngà ngà” thì very good (tuyệt) vì các bà nhớ câu: “Nam vô tửu như kỳ vô phong” – tạm dịch : “Chồng mà không có rượu như cờ không có gió (eo xèo, không căng)”
 
Chắc chắn “chăm phần chăm” là rượu sẽ kích động TÌNH, sẽ đưa TÌNH lên “tới bến”. Do đó mới có từ TỬU SẮC phải không? Tuy nhiên, đừng “lậm” rượu quá mà quên TÌNH như ngài Bùi Giáng đã nhắn nhe:
 
Đừng say mút chỉ rầy rà tít mây
Chơi mà mút chỉ đứt dây
Còn chi mà nói thang mây phiêu bồng…
        (Uống rượu yêu đời – Bùi Giáng)
 
Và cẩn thận đừng “lậm” quá nha các ông, nên nhớ đến câu “chết trên lưng ngựa” (Thượng mã phong)
 
Tặng các bạn câu chuyện này để giải thích những điều Nguyên Lạc tui “loạn bàn” trên:
 
Chuyện rằng:
 
Một buổi chiều tối nọ, cô vợ mặt hồng, mắt biếc tủm tỉm dọn lên cho chồng một xị rượu rắn cùng rùa xé phay và cháo le le
 
Thương chồng nấu cháo le le
Chồng ăn thêm sức… tối đè hụt hơi
                                           (ca dao)
 
Xong cô nàng vào phòng trong nằm chờ … Cái gì xảy ra thì sẽ xảy ra.
Sáng hôm sau, mặt mày hớn hở, cô nàng liếc xéo chồng với vẻ thán phục.
Chiều đến, cô nàng lại nhìn chồng tủm tỉm cười rồi dọn lên ba xị rượu rắn và mồi như hôm qua. Rồi vào phòng trong hí hửng nằm chờ.
Ông chồng vừa tà tà nhâm nhi rượu, mồi vừa hò ru cho vui “lấy trớn”:
 
Hò ơ ơ ớ
Nhấp chén rượu cay nhai con ốc đắng
Dạ thương người… ơ ơ … giỏi giắn đảm đang
                                                              (ca dao)
 
Hò ơ ơ ớ
Gió lay động nhánh mù u
Vợ chồng oánh lộn … ơ ơ .. thằng cu giảng hòa *
                                                                (ca dao)
 
Hò ơ ơ ớ…
……….
 
* Trong câu ca dao trên, thằng cu là thằng con trai nhỏ dân quê gọi; tuy nhiên, các bạn có quyền nghĩ theo ý bạn, không ai cản à nha.
 
Sau khi hò ru một chập, ông khò khò khò…

Chờ mãi đến gà gái sáng nhưng sao vẫn êm re, chẳng động tịnh gì cả, cô nàng mới hé cửa nhìn ra. Hỡi ôi, ông chồng đang “lật gọng” khò khò ngoài kia!
Sáng hôm sau, với vẻ mặt bức bối, cô dậm chân than:
 
– Tổ cha nó, ba không bằng một !
Ối thôi, LONG (Rồng) đã hóa thành TRÙN rồi!
 
Thành ngữ : “Long Hóa Trùn” chỉ sự thất thế của những thằng ác ôn, thất đức. Nó cũng dùng để ám chỉ mấy cụ “xỉn” quá độ, chả “làm ăn” được gì cả, “trả bài” không thuộc đó các bạn!
 
                                                                                       Nguyên Lạc
…………………
 
(1) Tình Là Cái Chi Chi?- Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh
https://vietbao.com/a112165/tinh-la-cai-chi-chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét