LA GI, LÝ LỘ VÀ DỊCH TRẠM NGÀY XƯA
Phan Chính
Quá trình khai phá đất đai, phát triển xóm làng của người xưa đều gắn với điều kiện giao thông đường sá (lý lộ). Sau khi chấm dứt tình trạng đất nước chia cắt Đàng Trong -Đàng Ngoài, đến thời nhà Nguyễn thống nhất mới để ý đến việc kiến tạo con đường cái quan từ bắc xuống nam. Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, ngoài việc giao thương bằng phương tiện ghe thuyền đường biển thì sau này theo địa thế từng vùng mà hình thành các loại đường gọi là quan báo, đó là đường sơn lộ miệt rừng núi, đường tiểu lộ và đường tiểu lộ ven biển. Qua sông rất hiếm nơi có bắc cầu, ở La Gi và lân cận chỉ có cầu Đông Thái (Hiệp Nghĩa), cầu La Giang (Phước Lộc), cầu Tân Quý (Sông Phan), cầu Phù Mi (Cù Mi)… nhưng tồn tại không lâu, mà chỉ đi lại bằng bè, đò ngang. Phương tiện vận chuyển chủ yếu là ngựa, xe trâu, xe bò, kiệu, võng và người mang vác… Thực chất những con đường quan lộ lúc bấy giờ như tên gọi chỉ dành cho công vụ và quan viên kinh lược hay cho mục tiêu thuộc địa.
Nói đến quan lộ và đường sá sau này, tìm hiểu từ thời Lý Thái Tôn (1028-1054) đã đặt nền móng mở mang hệ thống đường quan lộ. Mỗi cung đường đặt nhà trạm để tiếp chuyển văn thư, tài vật từ kinh đô đến các địa phương và cũng là nơi dừng chân cho quan lại trên đường kinh lý. Công văn, giấy tờ đựng bằng ống tre và được phu trạm chuyển đi bằng chạy bộ, ngựa, thuyền…
Theo sách “Sài Gòn, đất và người” của Nguyễn Thanh Lợi, nxb Tổng hợp TP.HCM, từ năm 1809 đoạn đường cái quan từ Quảng Nam vào Bình Thuận được mở ra, dọc dài theo bờ biển. Từ Phan Thiết cũng hướng về phía biển đến trạm Thuận Biên (ranh giới Bình Thuận- Biên Hòa) đến Mô Xoài (Bà Rịa-Long Thành) rồi ngược lên hướng núi Châu Thới (Biên Hòa). Như vậy, vào năm 1890, toàn quyền Đông Dương chủ trương nâng lên thành đường thuộc địa số l tức quốc lộ lA ngày nay và mở mới đoạn từ Phan Thiết đến Biên Hòa, không phải theo quan lộ cũ nữa. Sớm nhất là mở ra con đường từ Phan Thiết lên Di Linh vào năm 1899 nối với cao nguyên. Đến năm 1927, để kết nối các tỉnh phía nam mở tiếp đường nhánh từ cây số 37 (tính từ Phan Thiết vào- nay là thị trấn Thuận Nam) đi qua các làng Hiệp Nghĩa, Phong Điền, Tam Tân đến La Gi và sau đó mở con đường từ La Gi cắt ngang đường số 1 lên ga Sông Phan dài 25 km.Trước đó, từ năm 1905 đến 1911, đường xe lửa từ Sài Gòn đến Phan Thiết đã khởi công xây dựng.
Nhưng từ rất sớm, dưới triều Nguyễn đã có một chiến lược về giao thông phù hợp với thực tế đương thời vào những năm cuối thế kỷ 17. Song song với các quan lộ, trên địa bàn Bình Thuận tính từ Tuy Phong đến Bà Rịa đã lập ra một hệ thống dịch trạm khá dài từ bắc vào nam. Thuộc địa phận Bình Thuận có 16 dịch trạm theo tuyến đường ven biển. Hình thức dịch trạm là tiền thân của các Bưu cục của ngành Bưu chính viễn thông sau này.Từ năm 1898, vai trò Bưu cục thay chức năng dịch trạm từng tồn tại gần trăm năm, có sự thay đổi về phương thức chuyển tải thư từ, công văn bởi phu thơ, lính trạm và giao cho thầy giáo trường làng. Trên phần đất Hàm Tân- La Gi trước khi thành lập huyện (1916), tính từ phía bắc vào có trạm Thuận Trình (thôn Tân Hoàng) thuộc làng Tam Tân, trạm Thuận Phước (phường Phước Lộc), trạm Thuận Phương- làng Cù My, trạm Thuận Biên-nguyên trước thuộc Bình Thuận nhưng đến thời Tự Đức thì thuộc tỉnh Biên Hòa và đổi tên là trạm Mộc Xuyên. Đặc điểm các dịch trạm đều đặt ở các cửa sông lớn và cách xa nhau từ 20- 36 dặm. Theo sách xưa thuở đầu trung hưng Triều Nguyễn, những dịch trạm còn là một đồn binh có cai đội, phu dịch, lính xích hậu lo việc canh giữ và nhận lấy việc chuyển đệ công văn, lệnh dụ của nhà vua. Trạm được trang bị ngựa, kèn, cờ hiệu “mã thượng phi đệ” là báo hiệu khẩn cấp, được quyền trưng dụng thuyền đò sang sông. Trong sách còn ghi chép cụ thể các cửa tấn Ma Ly, La Di, Phù My đóng ở các cửa sông lớn là Sông Phan, Sông Dinh, Sông Cù My… có thể ví như các đồn Biên phòng ngày nay. Các dịch trạm trên đất Bình Thuận đều được đặt tên bằng cách ghép một từ của địa danh tỉnh với tên của thôn, làng nơi đó, cho nên tên trạm đều có chữ Thuận đứng đầu. Đây cũng là nơi tập trung cư dân đông đảo lâu đời nhất ở các địa phương.
Ở La Gi, đoạn đường lên ga Sông Phan vào năm 1927, chỗ cắt qua đường thuộc địa số 1 ở vị trí cây số 45 tính từ Phan Thiết vào trở thành địa danh ngã tư Trường Tiền do tại đây có một bộ phận Sở Lục lộ quản lý cung đường quốc lộ 1. Ngã ba 46 (còn gọi Ngã ba Bình Tuy) hiện nay chỉ hình thành từ năm 1970, khi công binh Mỹ nâng cấp con đường tỉnh lộ 2, nhưng từ Dốc Sỏi được nắn lại để nối với quốc lộ l cách ngã tư Trường Tiền cũ khoảng l km. Dưới chế độ cũ, đoạn đường này là đường tỉnh lộ 2 thuộc tỉnh Bình Tuy, nay là đoạn nối tiếp quốc lộ 55 từ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và xuyên qua phần đất huyện Tánh Linh chạy lên Bảo Lộc (Lâm Đồng). Riêng đoạn từ trung tâm thị xã La Gi (ngã tư Tân Thiện, còn gọi ngã tư Quân Cảnh) xuống Bình Châu -Xuyên Mộc là đường liên tỉnh lộ 23 xây dựng từ năm 1958 bằng rải sỏi. Như vậy xuyên suốt từ quốc lộ 51-Bà Rịa-Vũng Tàu đến La Gi, Tánh Linh và gặp quốc lộ 20 địa phận Lâm Đồng là đường quốc lộ 55 dài trên 230 km, trong đó có đường tỉnh lộ 2 và 23 cũ. Được tiếng là đường quốc lộ, tỉnh lộ nhưng phần lớn là đường rải đá, đất sỏi và chỉ một số ít trải nhựa theo kiểu thủ công. Thời gian cho từng công đoạn từ kết cấu, thi công kéo dài vài năm. Nếu so với công nghệ làm đường bây giờ mới thấy một khoảng cách quá cách biệt.
Ngày nay các tuyến đường từ La Gi có thể kết nối với khu vực và các tỉnh lân cận.Theo đường quốc lộ 55 hay đường ven biển từ Bà Rịa- Vũng Tàu, nối tiếp đường tỉnh lộ ĐT.719 chạy ngang cánh đồng muối Cửa Cạn, Mũi điện Khê Gà rồi dọc bờ biển qua các khu du lịch Đá Nhảy, Đồi Sứ, Suối Nhum …đến khu resort Tiến Thành (Phan Thiết)…Hoặc từ La Gi cũng có hai ngã ra quốc lộ 1A bằng quốc lộ 55, đoạn từ Thị xã lên ngã ba 46 (Tân Nghĩa), hoặc từ La Gi lên xã Tân Thuận theo đường ĐT.712 ra quốc lộ l tại cây số 28, điểm đến khu du lịch núi Tà Cú, không có đoạn đường nào quá 25 km. Nhìn lại, hầu như các con đường huyết mạch ngày xưa ở La Gi cũng là tiền đề chung cho bất cứ nơi nào, để trở thành những con đường thênh thang hiện nay.Tất nhiên phải trải qua một thời lịch sử và được đầu tư với sự sáng tạo, khoa học hoàn hảo hơn. Càng có ý nghĩa xã hội và yêu cầu phát triển khi những con đường cái quan theo ý nghĩa phân biệt đã thuộc về quá khứ, có chăng tại sao vẫn còn nhiều chiếc cầu vẫn mang tên cầu Quang (thực ra là Quan) bởi đó là cách gọi theo cảm nhận từ xưa.
Phan Chính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét