CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ THĂM, ĐỌC VÀ GHI CẢM NHẬN. CHÚC CÁC BẠN NĂM MỚI NHÂM DẦN 2022 THÂN TÂM LUÔN AN LẠC

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

NHỮNG LỚP HỌC BAN C TRƯỜNG QUỐC HỌC CỦA TÔI (1973-1975) / Đoàn Minh Phú


           
                    Tác giả bài viết Đoàn Minh Phú



NHỮNG LỚP HỌC BAN C TRƯỜNG QUỐC HỌC CỦA TÔI
                                      (1973-1975)

Không như những bạn đồng môn trường Trung Học Quốc Học Huế cùng trang lứa, họ bắt đầu được học ngôi trường danh tiếng này qua kỳ thi tuyển vào các lớp đệ thất niên khóa 1968 – 1975, tôi vào học các lớp đệ nhị cấp ban C qua việc chuyển trường.

Niên khóa 1973-1974, từ trường Trung Học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị tôi làm hồ sơ xin chuyển trường vào học lớp 11C trường Quốc học Huế. Trường hợp tôi cũng vấp phải khó khăn trở ngại ban đầu, vì chẳng những xin chuyển trường mà tôi còn xin chuyển ban. Tôi vốn học ban A ở trường cũ, giờ lại xin chuyển ban C trường Quốc học Huế. Cũng may khi xem hồ sơ, xem thành tích biểu lớp 10A3 của tôi, xét thấy tôi dẫn đầu các môn học chủ yếu của ban C như Việt văn, Ngoại ngữ, Sử Địa…, Công dân giáo dục và các môn học khác cũng có kết quả tốt, nên trường Quốc Học Huế chấp thuận, nhận tôi vào học. Bước vào học lớp 11C Quốc học Huế tôi cảm nhận đây là một lớp “sang”. Trong khi trường cũ Nguyễn Hoàng Quảng Trị của tôi không thể mở lớp 10 ban C (niên khóa 1972 -1973) do không đủ số lượng học sinh ghi tên học, thì lớp 11C trường Quốc học chỉ có 29 học sinh, đặc biệt hơn lại chia ra 23 học sinh thuộc sinh ngữ chính Anh văn và 6 học sinh thuộc sinh ngữ chính Pháp văn. Đến giờ học sinh ngữ thì chia thành 2 lớp học. Chỉ 6 bạn thôi mà lớp 11C Pháp có các giáo sư dạy sinh ngữ I và sinh ngữ II riêng.
Dù chuyển trường nhưng tôi cũng không quá bỡ ngỡ trong môi trường mới, vì trong lớp 11C có bạn Lê Đình Ninh (học lớp 10C niên khóa trước) là bạn học của tôi những năm đệ nhất cấp trường Nguyễn Hoàng (1968 – 1972), bạn Lê Minh Thanh (tu hành) là người Quảng Trị, đặc biệt có bạn Phan Ngọc Đăng cũng từ lớp 10A2 Nguyễn Hoàng cùng chuyển trường. Dù chuyển từ ban A sang ban C nhưng tôi vẫn bắt nhịp tốt với các môn học đặc thù của ban C và thường xuyên nhận bảng danh dự hàng tháng. Giáo sư hướng dẫn lớp 11C là thầy Bùi Hữu Bính dạy môn Công dân Giáo dục, thầy Hoàng Chi dạy môn Việt văn, thầy Phạm Đình Uyển dạy Anh văn (sinh ngữ I / lớp 11C Anh), thầy Nguyễn Văn Trọng dạy Pháp văn (sinh ngữ II / lớp 11C Anh), thầy Châu Văn Tăng dạy Sử Địa, thầy Cao Thân dạy Toán, thầy Đoàn Ngọc Quỳnh dạy Lý Hóa, cô Lê Thị Thanh Toàn dạy Vạn vật, thầy Lưu Đức Hải dạy Thể dục. Các thầy cô đều để lại trong tôi niềm tin yêu kính phục.
Giờ Việt văn với thầy Hoàng Chi - một giáo sư trẻ thời đó, khá sôi động. Tin hành lang cho biết, thầy Hoàng Chi là một cao thủ võ thuật Karate với trình độ huyền đai đệ tam đẳng. Vì vậy, vào thời gian rảnh cuối giờ học, mấy võ sinh “cao cấp” của lớp 11C thường gợi chuyện về võ thuật, võ đạo với thầy. Tiểu thuyết “Ngựa Chứng Trong Sân Trường” của nhà văn Duyên Anh cũng được thầy trò đem ra bàn thảo sôi nổi.


  
              Di ảnh thầy Châu Tăng                               Di ảnh thầy Lưu Đức Hải


     
              Thầy Bùi Hữu Bính                                     Thầy Hoàng Chi


             

             

                     
                               Cô Lê Thị Thanh Toàn


Trong năm học lớp 11C, có những sự kiện còn in nét son trong tâm hồn tôi:
- Kỷ niệm đẹp thứ nhất: Niên khóa 1973-1974, trường Quốc học Huế tổ chức cuộc Đại Quảng Diễn mừng 78 năm thành lập trường.
Theo hồi ức của thầy Phan Khắc Tuân - hiệu trưởng Quốc Học 1973-1975:
“Ban tổ chức bàn bạc sôi nổi để khai triển kịch bản của thầy Châu Văn Tăng và sau cùng đi đến một kế hoạch như thế này: Trường có bảy liên lớp, mỗi liên lớp được giao một chủ đề, mỗi lớp đảm trách một tiết mục phù hợp với chủ đề của liên lớp.
Cụ thể là:
- Liên lớp 12 gồm 7 lớp, có 7 tiết mục theo chủ đề Văn hóa, phong tục Việt Nam như Tam giáo, Ông Nghè vinh quy, Đám cưới Việt Nam,…
- Liên lớp 11 gồm 7 lớp, có 7 tiết mục theo chủ đề Lịch sử như Lạc Long Quân và Âu Cơ, Hai bà Trưng đuổi quân Tô Định, Vua Quang Trung đại thắng quân Thanh, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi,…
- Liên lớp 10 gồm 8 lớp, có 8 tiết mục theo chủ đề Văn học dân gian như Sự tích bánh Chưng bánh Dầy, Sự tích Trầu cau, Hôm qua tát nước đầu đình, Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ,…
- Liên lớp 9 gồm 8 lớp, có 8 tiết mục theo chủ đề Bá nghệ dân gian như thợ cưa, thợ cúp, thợ mã, xe thồ,…
- Liên lớp 8 gồm 11 lớp, có 11 tiết mục theo chủ đề Ca múa dân tộc như múa lân, hát bộ, hò giã gạo, nhạc cụ dân tộc,…
- Liên lớp 7 gồm 11 lớp, với các tiết mục theo chủ đề Các dân tộc thiểu số Việt Nam và một số nước Châu Á, châu Phi
- Liên lớp 6 gồm mười một lớp, học sinh còn nhỏ phải phối hợp với các lớp đàn anh trong các tiết mục Lịch sử như Trăm trứng trăm con, Cờ lau tập trận,…
Ngày 26 tháng 12 hằng năm được đánh dấu từ lễ Kỷ niệm Đệ Lục Thập Chu Niên trường Quốc Học 26/12/1956. Ngày 26 tháng 12 nhằm tiết Đông chí nên trời thường mưa gió. Nhưng may mắn thay, ngày 26/12/1973 là một ngày mùa đông có nắng đẹp. Buổi sáng, các quan khách cùng giáo sư, nhân viên và đại diện học sinh 64 lớp tham dự lễ Tưởng niệm trọng thể trong nhà chơi rộng lớn của trường. Sau đó, mọi người được mời tham dự buổi tiếp tân tại phòng Khánh tiết.  Buổi chiều, toàn thể học sinh tập trung ở sân vận động phía sau trường để chuẩn bị cho cuộc Đại quảng diễn. Đúng 2 giờ chiều, đoàn quảng diễn khởi hành ra cổng bên, đi vòng vào đường Lê Lợi ngang trước cổng trường đã sắp sẵn khán đài cho quan khách.
Dẫn đầu là biểu ngữ “ĐẠI QUẢNG DIỄN HÓA TRANG QUỐC HỌC”, theo sau là một đoàn múa lân rộn ràng, có cả lân cha, lân mẹ, và năm sáu lân con, phụ họa bởi bảy tám ông địa lớn nhỏ (lâu nay ở Huế chưa hề có một màn múa lân nào vui nhộn như thế).
Tiếp theo là hoạt cảnh Huyền sử Trăm trứng trăm con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, rồi tiếp bước là các tiết mục hóa trang của các liên lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12. Đoàn đi ngang qua trường Đồng Khánh, về Đại học Văn Khoa (ở Morin cũ). Đầu đoàn đã đến cầu Trường Tiền mà cuối đoàn đang còn trong sân sau trường Quốc Học. Đoàn qua cầu Trường Tiền, về chợ Đông Ba, rẽ vô Ngã giữa (đường Phan Đăng Lưu bây giờ), vào cửa Đông Ba rồi theo đường Mai Thúc Loan, Đinh Bộ Lĩnh, ra cửa Thượng Tứ, qua cầu Mới (cầu Phú Xuân) rồi về lại trường. Từ lúc đoàn ra cửa Thượng Tứ thì gió đã đổi chiều đông bắc và trời cũng đã lấm tấm mưa, nhiều phụ huynh đi theo đoàn Trăm trứng trăm con đưa áo ấm cho các con nhỏ, nhưng các em không chịu mặc (có thể do đi lâu nóng người?), cứ hân hoan tiếp bước về trường như một đoàn quân chiến thắng…”
                                                     (Hồi ức của thầy Phan Khắc Tuân)


              
         
    
Lớp 11C chúng tôi bắt thăm trúng đề tài lịch sử “Vua Quang Trung đại thắng quân Thanh”. Tôi được phân công vào vai Sầm Nghi Đống treo cổ tự tử. Vai Sầm Nghi Đống do tôi sắm vai lại tạo sự thích thú hơn cho khán giả so với vai Quang Trung do bạn Ngô Hướng đóng (chỉ cưỡi ngựa cầm kiếm trên chiếc xe tải do các bạn kéo). Tôi phải treo cổ vào thòng lọng, lưỡi le dài khỏi miệng, được xe kéo đi trên đoạn đường dài nhiều cây số, tha hồ bị bạn cùng lớp đóng vai binh sĩ Tây Sơn đi theo hai bên xe chĩa giáo vào người trêu chọc: “Trung Hoa ơi, đường về cụt lối”“đường về mẫu quốc hun hút vợ hiền ơi”, những lời đùa ghẹo đó cũng giúp tôi bớt mệt nhọc và đau họng. Sáng hôm sau vào học, trúng giờ Sử Địa, thầy Châu Văn Tăng đến chỗ tôi ngồi. Thầy ân cần hỏi: “Em còn đau họng do lè lưỡi quá lâu không?”. Thầy xoa đầu và thưởng tôi mấy cây kẹo the. Cuộc Đại Quảng Diễn thành công rực rỡ, với nhiều tiết mục hay, đẹp. Riêng chủ đề Lịch sử của liên lớp 11, nổi bật nhất là tiết mục “Hai Bà Trưng đuổi quân Tô Định” do lớp 11B đảm nhận. Hai con voi đan bằng tre đắp bông gòn trắng, to như voi thật, có gắn bánh xe di chuyển được (do học sinh lớp 11B đẩy). Hình ảnh Hai Bà Trưng uy nghi ngồi trên bành voi là hình ảnh thật hào hùng với dàn binh sĩ “ngang lưng thắt đai vàng, đầu đội nón dấu, tay cắp giáo, chân quấn xà cạp” rầm rập đi hộ tống hai bên voi.                    
- Kỷ niệm đẹp thứ hai năm học lớp 11C là:  Tôi được chọn vào Đội dự thi hùng biện Anh văn của trường. Đề tài cho cuộc thi hùng biện từ sơ tuyển trường cho đến toàn quốc là “How can Vietnam win International Understanding and Support?” Tôi được trúng tuyển vào vị trí thứ nhì sau anh bạn Hoàng Đình Phú lớp 12B trong đội tuyển 5 người. Các bạn khác trong đội tuyển gồm Nguyễn Văn Tài lớp 12B, Nguyễn Quang Huy lớp 12C, Nguyễn Văn Thịnh lớp 10B. Đội tuyển chúng tôi được trường mời thầy Lê Thọ Giáo, giáo sư Anh văn trường Kiểu Mẫu, và thầy Mai dạy Anh văn trường Đại Học Văn khoa Huế bồi dưỡng. Sau khoảng một tháng bồi dưỡng, bạn Hoàng Đình Phú thay mặt trường Quốc học Huế dự thi cấp Thành phố Huế để chọn thí sinh dự thi tiếp cấp Quân khu I. Kết quả là bạn Nguyễn Thị Phương Anh lớp 12C trường Đồng Khánh được chọn đại diện cho Tp. Huế dự thi Quân khu I.
- Kỷ niệm thứ 3:  Sổ điểm lớp 11C, lớp 12C của trường Quốc Học Huế khá đặc biệt, khác hẳn sổ điểm các trường tôi đã học. Gọi là sổ điểm nhưng nó lại mang tên “Thành Tích Biểu”, có hình dạng của một quyển biên lai cỡ lớn màu hồng, phần bên trái là phần gốc gồm những tờ giấy có kích cỡ nhỏ hẹp chỉ chiếm diện tích 1/4, ngăn cách phần bên phải bằng nếp răng cưa (để tách xé). Phần bên phải là những tờ giấy có kích cỡ lớn màu hồng chiếm diện tích 3/4. Mỗi tờ giấy ghi tên mỗi học sinh với điểm số và kết quả học tập các môn cụ thể. Cuối mỗi đợt (khoảng 2 tháng), sau khi giáo sư hướng dẫn kết điểm, ký tên và phòng học vụ đóng dấu, sổ điểm được giao về cho từng lớp. Lớp trưởng xé từng tờ lớn (bên phải) trao cho từng bạn mang về như về phiếu liên lạc, những tờ nhỏ bên trái lưu như quyển sổ gốc biên lai gởi lại nhà trường. Mỗi đợt cộng điểm là một quyển sổ như vậy cho từng lớp.


 

Lên lớp 12C, chúng tôi tiếp tục học với đa số quý thầy cô cũ, có một số thay đổi: thầy Dương Quang Trung dạy Việt văn là Giáo sư Hướng dẫn, thầy Nguyễn Châu dạy môn Triết Tâm lý học và Siêu hình học, cô Tống Nữ Lan dạy môn Triết Luận lý học và Đạo đức học, cô Lê Thị Liên dạy môn Sử Địa, thầy Lê Đình Ninh dạy Toán, thầy Cao Xuân Duẫn dạy Anh văn.

             

               

           
                              Thầy Nguyễn Châu

                 
                               Cô Lê Thị Liên

Vừa qua chúng tôi đau buồn khi nghe tin cô Lê Thị Liên qua đời. Kính cầu nguyện hương linh cô siêu thoát trong cõi vĩnh hằng.
Hấp dẫn và rộn ràng nhất là giờ Triết của thầy Nguyễn Châu. Thầy cho phép chúng tôi tự do tranh biện với thầy. Thế là không những chỉ bằng kiến thức nhập môn của môn Triết do thầy và sách giáo khoa lớp 12 hướng dẫn, mà còn bằng các kiến thức tự học của học sinh, qua việc đọc sách Phạm Công Thiện, Bùi Giáng và các triết gia Hiện sinh Tây phương (được các học giả dịch, có nhiều trong các thư viện và các nhà sách thời đó), trò cả gan tranh luận sôi nổi, hào hứng với thầy. Vào giờ triết của thầy Châu, thầy cô nào đi ngang chắc cũng lắc đầu vì thầy trò cùng khoa tay múa chân như những diễn giả “hùng biện” cả.
Lớp 12C chúng tôi có thay đổi về Ban cán sự lớp. Bạn Nguyễn Đức Kim Long làm lớp trưởng thay cho bạn Nguyễn Văn Quang (lớp 11C), các trưởng ban ngành vẫn giữ nguyên, riêng tôi bỗng nhiên được chỉ định làm người giữ sổ điểm, sổ điểm danh của lớp 12C.
(Vừa qua vào lần họp mặt thứ 24 liên lớp 1968-1975 ở Huế, trong câu chuyện trao đổi với bạn Phạm Viết Dũng lớp 11B -12B, bạn ấy cho biết “như là luật lệ bất thành văn, học sinh nào mà niên học trước xếp vị thứ dẫn đầu lớp, thì niên khóa mới phải nhận lãnh trách nhiệm là người giữ sổ của lớp; tôi (bạn Dũng) cũng vậy”. Nếu thế thì vinh dự cho tôi quá!)

Hè 2017, qua điện thoại của Nguyễn Đức Kim Long - lớp trưởng 12C và qua lời mời của bạn Huỳnh Văn Khán trưởng ban liên lạc liên lớp 1968-1975 Quốc Học, tôi từ Bình Thuận về Huế họp mặt cùng thầy cô và bè bạn cũ.
Sáng 30/4/2017, những bạn nghỉ trọ chung khách sạn với tôi như Nguyễn Đức Kim Long, Phạm Viết Dũng rủ đến quán cà phê Vĩ Dạ uống cà phê và ăn sáng. Khung cảnh ở đây có vẻ cổ kính với nhà rường gỗ và phong cảnh thật nên thơ. Một số bạn khác cùng kéo đến chào hỏi như “đạo sĩ” Trương Thế Lãng, Trần Kiêm Duy Tân, Đặng Văn Pháp,… và nhiều bạn khác tôi không nhớ tên hết. Cuộc gặp mặt “tiền hội ngộ” này diễn ra khá thú vị với câu chuyện rôm rả…
Trưa ngày 30/4/2017, các bạn ban C chúng tôi cùng tái ngộ tại nhà hàng Xẹc (trước mặt ĐH Thư viện Huế). Chúng tôi tay bắt mặt mừng, nhưng lòng bồi hồi… Bạn nào cũng trên dưới “60 năm cuộc đời” cả. Có bạn thành đạt, là thạc sĩ, cử nhân, là giám đốc đài Truyền hình VTV thành phố, nhưng cũng có bạn vẫn gặp phải cảnh cơ hàn, có bạn chịu cảnh mù lòa như Lê Hào…
Buổi họp mặt ban C Quốc học Huế (1972-1975) hôm đó chỉ có 15 bạn:
1. Ngô Văn Ảnh (Ánh)
2. Phan Hữu Cân
3. Phù Chí Dương
4. Trần Văn Đàn
5. Hồ Đắc Hiền
6. Lê Hào
7. Trương Phước Hựu
8. Nguyễn Đức Kim Long
9. Đoàn Minh Phú
10. Hoàng Thanh Tịnh
11. Lê Viết Tiễn
12. Văn Công Toàn
13. Trương Ngọc Toản
14. Nguyễn Chí Tuệ
15. Phan Ý

Chúng tôi chia sẻ tâm tình và đàn ca, ngâm thơ trong không khí ấm cúng hòa ái. Cuối cùng, chúng tôi tạm chia tay hẹn gặp lại vào ngày mai, họp mặt chung toàn thể Cựu học sinh Quốc học Huế 1968-1975.
Trong những học sinh cũ ban C Quốc học Huế, có những bạn chỉ học lớp 10C như Văn Công Toàn, Phan Ý, Trần Văn Đàn, Hồ Đắc Hiền, Nguyễn Vinh (B), hoặc chỉ học đến lớp 11C như Hồ Ngọc Mân, Đoàn Lũy, Nguyễn Ấn, Lê Hào, Phan Hữu Cân. Họ không học hết bậc đệ nhị cấp ở trường Quốc Học vì hoàn cảnh riêng. Cá biệt, cũng có bạn chỉ vào học giữa năm lớp 12C như Hoàng Thanh Tịnh (em trai thầy Hoàng Chi)
Chiều ngày 1/5/2017, trong lần họp mặt thứ 24 của cựu học sinh Quốc học Huế 1968-1975 tại khách sạn Sông Hương, chúng tôi rất xúc động và vui mừng khi trông thấy quý thầy cô như thầy hiệu trưởng Phan Khắc Tuân, thầy tổng giám thị Nguyễn Phú Phụng, thầy dạy Pháp văn Nguyễn Văn Trọng, thầy dạy Anh văn Trần Văn Phương và một số thầy cô khác… vẫn khang kiện và khoan hòa, thân ái cùng những cựu học sinh chúng tôi.
Buổi họp mặt thân mật cùng với những lời dặn dò, hỏi han chân tình của quý thầy cô; những cảm xúc thân thương của anh chị em đồng môn được chia sẻ qua trò chuyện, qua phát biểu trên khán đài; những hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa; những giọng ca tiếng thơ ngâm tha thiết là những kỷ niệm đẹp không quên với những CHS Quốc Học 68-75 chúng tôi. Mong rằng, bạn Huỳnh Văn Khán và Ban liên lạc sẽ giữ vững ngọn lửa đồng môn mãi rực hồng trong tâm hồn CHS Quốc Học trang lứa chúng ta.

                                                             ĐOÀN MINH PHÚ
                                           (CHS Ban C Quốc Học Huế 1973-1975)

2 nhận xét:

  1. Chúc mừng những kỷ niệm thật tuyệt vời! tình nghĩa Thầy - Trò thật đẹp và rất quý báu, của thời học sinn, sinh viên…

    Trả lờiXóa