NHẠC SĨ PHẠM DUY ĐÃ PHỔ NHẠC THƠ CỦA LINH
PHƯƠNG HAY THƠ CỦA CHUẨN NGHỊ ?
*
Bài thơ
ĐỂ TRẢ LỜI MỘT CÂU HỎI
Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Không bằng chiến trận Pleime
Hay Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giả
Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng
Mai trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Mai trở về bờ tóc em xanh
Vội vã chít khăn sô vĩnh biệt
Mai anh về em sầu thê thiết
Kỷ vật đây viên đạn mầu đồng
Cho em làm kỷ niệm sang sông
Đời con gái một lần dang dở
Mai anh về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá
Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ
Em nhìn anh – ánh mắt chưa quen
Anh nhìn em – anh sẽ cố quên
Tình nghĩa cũ một lần trăn trối.
LINH PHƯƠNG
*
Bài thơ
KỶ VẬT
Em hỏi
Xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở về không bằng Mũ Đỏ Áo Hoa,
Anh trở về không bằng huy- chương chiến-thắng.
Anh trở về trong chiều hoang chiếu nắng,
Trong hòm gỗ hoặc trên chiếc băng -ca.
Anh trở về nằm giữa vòng hoa,
Những vòng hoa tang chan-hòa nước mắt.
Anh gởi về cho em vài kỷ-vật,
Đây chiếc nón sắt xuyên mấy lỗ đạn thù.
Nó đã từng che nắng che mưa,
Đã từng hứng cho anh giọt nước.
Chiều dừng quân nơi địa-đầu lạnh buốt,
Nấu vội-vàng trong đó nắm cơm khô.
Anh gởi cho em một tấm poncho,
Đã rách nát theo hình-hài năm tháng.
Lều dã-chiến trên đồi hoang cháy nắng,
Che cơn mưa gió lạnh buổi giao mùa.
Làm chiếc võng nằm nhìn đời lính đong-đưa,
Và….khi anh chết cũng poncho tẫn-liệm.
Nay anh gửi cho em làm kỷ-niệm,
Nhận không em chút tình lính này đây ?
Tình lính đơn-sơ vì chinh-chiến kéo dài,
Nhưng tình lính chỉ lạt phai
Khi hình-hài và con tim biến-thể.
Chuẩn úy NGUYỄN ĐỨC NGHỊ
(Chuẩn-Nghị 1969)
*
Bản nhạc
KỶ VẬT CHO EM
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về có thể bằng chiến thắng Pleime
Hay Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giả
Anh trở về, anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng
Em hỏi anh em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Anh trở về bờ tóc em xanh
Chít khăn sô lên đầu vội vã…em ơi…
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về đây kỷ vật viên đạn đồng đen
Em sang sông cho làm kỷ niệm
Anh trở về, anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anh trở về dang dở đời em
Ta nhìn nhau ánh mắt không quen
Cố quên đi một lần trăng trối …em ơi…
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Nhạc sĩ Phạm Duy
*
Trước đây khá lâu, ông Trần Truy Phong đã gửi email chung cho chúng tôi (cùng nhiều người khác). Chúng tôi cũng nhận nhiều thư chuyển tiếp khác với nội dung tương tự. Ông Trần Truy Phong cho rằng nhạc phẩm “Kỷ vật cho em” do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ “Kỷ vật” của Chuẩn-Nghị. Nhưng từ nhiều năm nay trên diễn đàn văn nghệ, mọi người đều cho rằng Phạm Duy phổ từ bài thơ “Để trả lời một câu hỏi” của Linh Phương.
Không chỉ là nghi vấn về tác giả, người ta còn đưa ra 2 văn bản được cho là "bài thơ gốc", hai văn bản này khác nhau nhiều nhưng đều có phần mở đầu khá giống với bản nhạc cả:
Em hỏi (anh bao giờ trở lại)
Xin trả lời mai mốt anh về
Tuy nhiên, về văn bản, bài "Kỷ vật" của Chuẩn Nghị thì làm bằng thể thơ tự do còn "Để trả lời một câu hỏi" của Linh Phương làm bằng thể thơ thất ngôn. Nội dung cả hai bài cùng nói về sự mất mát của chiến tranh và nhiều hình tượng như trong bài "Kỷ Vật Cho em" đã được phổ nhạc, nên người ta đã sinh lưỡng lự trong việc xác định danh tính tác giả.
Ở đây, chúng tôi nêu ra không phải để tranh cãi, mà mong muốn chỉ để trả lại tên cho tác giả một cách công bằng đúng đắn một tác phẩm nghệ thuật được công chúng ưa thích. Nhạc sĩ, thi sĩ là người đương thời. Dù ông Phạm Duy đã mất, cũng chưa lâu lắm. Người đưa ra vấn đề là ông Trần Truy Phong và ông cựu Tr/Tá Bùi Đức-Lạc đang còn sống, nhà thơ Linh Phương (người được cho là tác giả bài thơ được phổ nhạc) đang còn sống. Con cái nhạc sĩ Phạm Duy vẫn còn sống, họ đang lưu giữ tác phẩm của cha mình (đã xuất bản và chưa xuất bản), trong đó có hồi ký và nhiều tư liệu khác chưa công bố, họ cũng đã từng nghe cha mình nói chuyện của mình...
Trên thực tế, nhạc sĩ Phạm Duy đã gặp thi sĩ Linh Phương và trao tiền nhuận bút. Họ đã chụp ảnh lưu niệm.
Từ điển bách khoa wikipedia cũng đã khẳng định tác giả bài thơ là Linh Phương.
https://vi.wikipedia.org/wiki/K%E1%BB%B7_v%E1%BA%ADt_cho_em
Cái chính là mong thông tin này đến ông Trần Truy Phong và ông cựu Tr/Tá Bùi Đức-Lạc để xem ý kiến phản hồi. Vấn đề thứ hai, tôi muốn nói là sự tương quan giữa bài thơ ĐỂ TRẢ LỜI MỘT CÂU HỎI của nhà thơ Linh Phương và bài thơ KỶ VẬT của nhà thơ Chuẩn Nghị. Họ có gặp nhau hay không mà có một số ý thơ trùng hợp. Hay là người này chép thơ người kia, rồi mượn ý viết thêm bớt (chỉ để giải khuây trong phút tan khói súng trận mạc, chứ không có ý định “đạo văn”) rồi đem ra đọc cho bạn bè nghe hoặc để sót lại trong ba lô lính trận...
Trường hợp bài thơ DẶM VỀ của Nguyễn Đình Tiên được Quang Dũng chép và qua nhiều năm, nhiều người bình thơ, nhạc sĩ phổ nhạc và rất nhiều người lầm tưởng là thơ Quang Dũng với tựa đề KẺ Ở... là một ví dụ
http://nguyentrongtao.info/2012/06/19/bai-tho-dam-ve-khong-phai-cua-quang-dung/
Trong văn học nghệ thuật, thì việc xác định tên tác giả rất quan trọng. Vì vậy, có những tác phẩm đã hàng trăm năm, nhưng các học giả tâm huyết vẫn gắng sức tìm mọi tư liệu để chứng minh, trả lại tên tác giả. Chẳng hạn về trường hợp bản dịch CHINH PHỤ NGÂM đang lưu hành, các học giả Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Xuân đã ra sức chứng minh dịch giả không phải là Đoàn Thị Điểm, mà là Phan Huy Ích:
https://hoamunich.wordpress.com/…/chinh-phu-ngam-khuc-%E5%…/
Dù giới nghiên cứu VHNT chưa xác định được tác giả, nhưng nhờ thế mà kho tàng VHNT Việt Nam có thêm một số bản dịch chữ Nôm khác, cổ hơn bản dịch hiện hành, nhiều học giả đã kết luận: "Phan Huy Ích nhuận sắc lại bản dịch trước kia của Đoàn Thị Điểm thì đúng hơn".
Tương tự như vậy, bản dịch TỔNG VỊNH TRUYỆN KIỀU (Chu Mạnh Trinh) được trả lại tên cho dịch giả Đoàn Qùy thay vì Đoàn Tư Thuật, bản dịch TỲ BÀ HÀNH (Bạch Cư Dị) được trả lại tên cho Phan Huy Thực thay vì là Phan Huy Vịnh.
(Bản Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị đã được dịch sang thơ Việt ngay từ thế kỷ thứ 19 dưới hình thức song thất lục bát cũng gồm 88 câu (22 khổ thơ song thất lục bát). Đã từ lâu người ta ngỡ dịch giả là Phan Huy Vịnh (1800-1870), nhưng ngày nay, căn cứ theo gia phả của dòng họ Phan Huy ở huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, người ta đã xác nhận dịch giả của bản Tỳ Bà Hành chính là Phan Huy Thực (1778-1848). Phan Huy Thực là thân phụ của Phan Huy Vịnh.)
https://nghiathuc.wordpress.com/…/doc-tho-thinh-quang-dao-…/
Gần đây các bài thơ 4 sinh ngữ của nhà thơ Phước Tuyền Ngô Quang Huynh bị gán cho người khác, nhưng nhờ nhiệt tâm của nhiều người nên tác phẩm được trả lại tên cho tác giả.
https://phudoanlagi.blogspot.com/search/label/Ng%C3%B4%20Quang%20Huynh
Chúng ta thử phân tích xem bài thơ nào được nhạc sĩ Phạm Duy chọn phổ nhạc:
1/ So sánh lời hai bài thơ và lời bản nhạc:
So sánh lời bản nhạc KỶ VẬT CHO EM của Phạm Duy thì những câu thơ đầu của bài thơ KỶ VẬT của Chuẩn Nghị không hoàn toàn giống với lời bản nhạc KỶ VẬT CHO EM của Phạm Duy như thơ Linh Phương:
“Em hỏi (không có cụm từ “… anh bao giờ trở lại”)
Xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở về không bằng Mũ Đỏ Áo Hoa,
Anh trở về không bằng huy- chương chiến-thắng…”
(Chuẩn Nghị)
Trong thơ Chuẩn Nghị, không có các địa danh Pleime, Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giả như trong nhạc phẩm hay như trong thơ Linh Phương.
Thơ Chuẩn Nghị chỉ gần giống với lời nhạc PD hai câu này:
“Anh trở về trong chiều hoang CHIẾU nắng,
Trong hòm gỗ hoặc trên chiếc băng -ca.”
Thơ Linh Phương và nhạc PD giống hệt nhau cả câu nhất là ở từ TRỐN, (khác với thơ Chuẩn Nghị dùng từ CHIẾU, thừa chữ TRONG)
“Anh trở về chiều hoang TRỐN nắng”
Nhạc phẩm KỶ VẬT CHO EM của Phạm Duy và thơ Linh Phương giống hệt lời đoạn này:
“Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng
Anh trở về chiều hoang TRỐN nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Mai trở về bờ tóc em xanh
Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng”
Trong đoạn
sau đây, lời nhạc Phạm Duy và lời thơ Linh Phương rất gần giống nhau, nếu có
khác chút ít, thì là chỉ do PD đảo chữ thay vài ca từ khi phổ nhạc
“Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở về đây kỷ vật viên đạn đồng đen
Em sang sông cho làm kỷ niệm
Anh trở về, anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá
Anh trở về nhìn nhau xa lạ
Anh trở về dang dở đời em
Ta nhìn nhau ánh mắt không quen
Cố quên đi một lần trăn trối… em ơi…
(Nhạc Phạm Duy)
*
Mai anh về em sầu thê thiết
Kỷ vật đây viên đạn mầu đồng
Cho em làm kỷ niệm sang sông
Đời con gái một lần dang dở
Mai anh về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá
Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ
Em nhìn anh – ánh mắt chưa quen
(Thơ Linh Phương)
Lời thơ của Chuẩn Nghị có khá nhiều sai biệt với lời nhạc Phạm Duy:
“Anh gởi về cho em vài kỷ-vật,
Đây chiếc nón sắt xuyên mấy lỗ đạn thù.
Nó đã từng che nắng che mưa,
Đã từng hứng cho anh giọt nước.
Chiều dừng quân nơi địa-đầu lạnh buốt,
Nấu vội-vàng trong đó nắm cơm khô.
Anh gởi cho em một tấm poncho,
Đã rách nát theo hình-hài năm tháng.
Lều dã-chiến trên đồi hoang cháy nắng,
Che cơn mưa gió lạnh buổi giao mùa.
Làm chiếc võng nằm nhìn đời lính đong-đưa,
Và… khi anh chết cũng poncho tẫn-liệm.
Nay anh gửi cho em làm kỷ-niệm,
Nhận không em chút tình lính này đây ?
Tình lính đơn-sơ vì chinh-chiến kéo dài,
Nhưng tình lính chỉ lạt phai
Khi hình-hài và con tim biến-thể.”
(Thơ Chuẩn Nghị)
2/ Về nguồn gốc bài thơ đăng trên báo
*Bài thơ KỶ VẬT của Chuẩn Nghị
“Khi tâm-sự riêng với nhau, Nghị rất bực-tức về bài thơ mà anh làm gởi đăng báo Tiền-Phong lại được Phạm-Duy phổ-nhạc với tên tác-giả khác ! Người sĩ-quan trẻ trong đơn-vị Nghị nhờ đưa bài thơ này cho Lý Thụy-Ý lại giao cho nhạc-sỹ Phạm-Duy, thấy hay nên ông này làm bài nhạc luôn !
Trong bài thơ của Nghị là lời nhắn lại cho Nga người tình mà khi hữu-sự Nghị biên thư cho tôi trao cho cô ấy. Hoàn-cảnh đang bị bế-tắc vì mẹ cô Nga không thích Nghị người miền Bắc ! Sau đó khi đi hành-quân ở Tây-Ninh Nghị tử trận.
Chuyện khiếu-nại với Phạm-Duy kể như im luôn và bài nhạc được phổ – biến với lời thơ của Phương Linh mãi cho đến nay chỉ có một bài viết của anh cựu Tr/Tá Nhảy Dù Bùi Đức-Lạc đưa ra trở lại.
Bài thơ này Nghị viết bằng mực đỏ, cho tôi xem, nhưng vì lời thơ quá chán đời, tôi không chịu lấy, chỉ đọc qua thôi !”
Theo ông Trần Truy Phong
Nhận xét:
- Nhà thơ Lý Thụy Ý còn sống, nhưng có lẽ chưa hay biết chuyện này hay sao mà vẫn không thấy lên tiếng !
- Người đưa ra vấn đề là ông Trần Truy Phong và ông cựu Tr/Tá Bùi Đức-Lạc đang còn sống cũng không thấy lên tiếng gì kể từ năm 2006, khi tạp chí mạng Văn nghệ Sông Cửu Long cho đăng loạt bài khẳng định rằng bài này là của Linh Phương.
Trong khi đó, nhà thơ Linh Phương trả lời phỏng vấn và viết hồi ký về chuyện nhạc sĩ PD bản nhạc mà không ghi tên tác giả thơ, Linh Phương kể chuyện PD và Ngọc Chánh tổ chức buổi ra mắt KVCE, xác định việc đồng tác giả nhạc phẩm và trả tiền bản quyền hậu hĩnh.
https://aihuubienhoa.com/a2973/cau-chuyen-am-nhac-ky-vat-cho-em-linh-phuong?fbclid=IwAR0Xww-otF6tFyxWj32h85rmIIzFuLem6XlIVxRAMLOQIiave70aqqkStU0
- Chuyện Chuẩn Nghị, ông Trần Truy Phong kể “thấy bài thơ vì viết bằng mực đỏ, giọng chán đời nên không chịu lấy, chỉ đọc qua thôi.”
Khá ngạc nhiên, vì ông ta không thích mấy, nhưng chỉ đọc qua bài thơ dài KỶ VẬT là thuộc, nhiều năm sau vẫn còn nhớ. Bài thơ của Chuẩn Nghị gởi báo Tiền Phong có chi tiết“Người sĩ-quan trẻ trong đơn-vị Nghị nhờ đưa bài thơ này cho Lý Thụy-Ý lại giao cho nhạc-sỹ Phạm-Duy, thấy hay nên ông này làm bài nhạc luôn !”.
Không rõ báo Tiền Phong có đăng không? Như thế, ông Trần Truy Phong biết và kể lại nhưng không có một tí bằng chứng nào cả.
* Bài thơ ĐỂ TRẢ LỜI MỘT CÂU HỎI của Linh Phương
- Xuất xứ bài thơ của Linh Phương đăng trên nhật báo Độc Lập vào năm 1970 với tựa đầu tiên "Để trả lời một câu hỏi" đề tặng một người con gái tên Hương. Trang sáng tác của tờ báo này do Ấu Lăng (tức nhà thơ Trần Dạ Từ chồng của nhà văn nữ Nhã Ca) phụ trách.
- Khi nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc chỉ với duy nhất tên ông. Người bạn của Linh Phương làm việc ở bản tin THT đã đưa vấn đề tác quyền lên trang tin tức của một tờ nhật báo với đại ý "Tác giả Kỷ Vật Cho Em sẽ kiện nhạc sĩ Phạm Duy ra tòa".
Tiếp theo là tờ tuần báo Sân Khấu Truyền Hình, tác giả Phan Bảo Quân cho in một bài viết đề cập tác quyền và tên Linh Phương phải được để là đồng tác giả bản nhạc Kỷ Vật Cho Em. Thời đó ở Sài Gòn có trên 20 tờ nhật báo, 30 tờ tuần báo và rất nhiều tạp chí bán nguyệt san, nguyệt san...Và chuyện tác quyền giữa nhà thơ Linh Phương và nhạc sĩ Phạm Duy đều có bài viết, thư nhạc sĩ Phạm Duy gởi nhà thơ Linh Phương, thư Linh Phương trả lời... hầu hết đều đăng trên báo chí lúc ấy.
https://aihuubienhoa.com/a2973/cau-chuyen-am-nhac-ky-vat-cho-em-linh-phuong?fbclid=IwAR2oHQvJ1ZTTu5XaOe1PmP5tZRuoTbkqga53ROZIQlEDJYUzqCcPRYDoKfQ
- Nhà thơ Linh Phương và nhạc sĩ Phạm Duy đã có sự thông cảm với nhau về vấn đề bài thơ "Kỷ vật cho em". Nhạc sĩ Phạm Duy chở nhà thơ Linh Phương trên chiếc xe "trắc xông" đen đến phòng trà ca nhạc Queen Bee do nhạc sĩ Ngọc Chánh làm chủ. Ở Queen Bee, nhạc sĩ Phạm Duy đã giới thiệu nhà thơ Linh Phương trước công chúng về tác giả bài thơ "Kỷ vật cho em". Sau cái bắt tay giữa nhà thơ Linh Phương và nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Ngọc Chánh, quái kiệt Trần văn Trạch, nữ ca sĩ Thái Thanh đã trình bày bài thơ phổ nhạc này.
Sáng hôm sau, nhà thơ Linh Phương đến tư gia của nhạc sĩ Phạm Duy ở 215 E/2 đường Chi Lăng Phú nhuận ăn cơm và ký hợp đồng bài thơ "Kỷ vật cho em" tại đây. Trong bản hợp đồng tiền tác quyền là 30,000 đồng (thời điểm đó giá vàng - nếu tôi nhớ không lầm là khoảng 10,000 đến 12,000 đồng) nhưng thực tế thì nhạc sĩ Phạm Duy trả tôi 50,000 đồng (30,000 đồng chèque nhận ở Pháp Á Ngân hàng - 20,000 tiền mặt).
https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=2692
- Nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và trả tiền bản quyền cho nhà thơ Linh Phương. Như thế, tất nhiên, PD phải biết chính xác ai là tác giả bài thơ được ông phổ nhạc mới hào phóng chi tiền trả chứ.
Xuất xứ bài thơ của Linh Phương đăng trên nhật báo Độc Lập vào năm 1970 với tựa đầu tiên "Để trả lời một câu hỏi", để tặng người con gái tên Hương. Trang sáng tác của tờ báo này do Âu Lăng (tức nhà thơ Trần Dạ Từ, chồng của nhà văn Nhã Ca) phụ trách.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết lá thư gửi nhà thơ Linh Phương thừa nhận:
“Tôi không nhớ đã đọc và thuộc lòng bài thơ của anh vào lúc nào và cũng quên hẳn không biết bài đó đăng ở đâu, nhưng chắc chắn phải là vào lúc mà người bạn thơ Trần Dạ Từ và tôi đồng ý với nhau rằng những kỷ vật mà chúng ta tặng nhau lúc đó chỉ có thể là những vỏ đạn, mảnh bom hay dây thép gai”
https://cafevannghe.wordpress.com/2011/10/08/nghi-an-k%E1%BB%B7-v%E1%BA%ADt-cho-em/
https://cafevannghe.wordpress.com/2011/10/08/nghi-an-k%E1%BB%B7-v%E1%BA%ADt-cho-em/
Như vậy, chính nhà thơ Trần Dạ Từ và các ký giả như Đinh Văn Phát, Hoàng Châu, Mộc Linh của báo Độc Lập, Thiện Mộc Lan (ký giả báo Đuốc Nhà Nam) thừa nhận và làm chứng nên nhạc sĩ Phạm Duy mới biết “phục thiện”
- Nhà thơ Linh Phương là nhà thơ khá nổi tiếng với nhiều bài thơ hay. Ông vốn là sĩ quan TQLC trước năm 1975, chứ không phải là “người ta chỉ đoán là 1 anh lính nào đó, còn sống hoặc đã mất” như một số bài viết nêu:
http://linhphuong49.blogspot.com/2011/09/hoi-ky-linh-phuong-ky-47.html
THƯ CỦA NS PHẠM DUY
Sài Gòn, ngày 11 Tháng Tám, 1971.
Kinh gởi anh Linh Phương.
Trước hết, tôi xin thành thật xin lỗi anh vì đã liên lạc với anh quá chậm trễ, nhưng cho mãi tới hôm nay tôi mới được biết anh ở đâu tên thực là gì, dù rằng đã từ lâu tôi đã nhờ thi sĩ Phổ Ðức, Du Tử Lê cũng như đã nhờ vài người bạn quân nhân cùng binh chủng với anh bằng cách đăng tin tìm anh trên nội san của binh chủng mà chưa có kết quả. Nay anh đã liên lạc được với tôi qua báo chí, thì tôi thấy đành phải nhờ báo chí để liên lạc với anh (trong khi tôi mong được gặp anh để đỡ phải làm phiền hà báo chí).
Là một người rất yêu quý tất cả những cái đẹp của quê hương xứ sở (trong đó có thi ca), tôi thường hay tìm cách để giới thiệu cái đẹp đó cho mọi người biết. Việc phổ nhạc bài thơ của anh cũng chỉ nằm trong mục đích đó. Tôi không nhớ đã đọc và thuộc lòng bài thơ của anh vào lúc nào và cũng quên hẳn không biết bài đó đăng ở đâu, nhưng chắc chắn phải là vào lúc mà người bạn thơ Trần Dạ Từ và tôi đồng ý với nhau rằng những kỷ vật mà chúng ta tặng nhau lúc đó chỉ có thể là những vỏ đạn, mảnh bom hay dây thép gai.
Tập thơ “Tỏ Tình Trong Ðêm” của Từ cũng mang rất nhiều ý tính đó. Cho nên bài thơ của anh được phổ thành ca khúc đã mang tên “Kỷ Vật Cho Em” trong khi, nếu tôi không lầm, nó được anh đặt tên là “Trả Lời Cho Một Câu Hỏi.”
Những điều anh trách tôi như : “Không đăng tên thi sĩ hoặc đăng sai năm ra đời” thì việc này xin được giải thích như sau :
1/- Tất cả những bài bản của tôi làm ra trong vòng 30 năm nay đều không do tôi ấn hành xuất bản. Thường thường, gần đây là những bạn thân bỏ tiền ra in, và thường tôi ít được duyệt lại lần chót trước khi hoàn thành tuyển tập. Do đó, ngoài lỗi lầm lớn lao đã không đăng tên anh, còn khoảng 12 lỗi khác cũng rất quan trọng, và khi tuyển tập ra đời, tôi đã nói với anh bạn xuất bản nên in một “phụ bản đính chính” (erratum) tất cả những khiếm khuyết hay sai lầm. Dù sao tôi cũng nhận lỗi đã không cứng rắn đối với anh bạn xuất bản. Từ nay trở đi chắc tôi sẽ khó tính hơn.
2/. Việc đề niên hiệu của ca khúc rất có thể do trí nhớ kém cỏi của tôi hoặc do vội vàng đưa bài ca đó vào lúc chót : Xin thú thật với anh bài thơ bất hủ của anh được phổ thành ca khúc đã không được phép hát và ấn hành; nhà xuất bản cũng như những nơi phổ biến ca khúc đó không bị phiền hà cũng là một sự may rủi.
Tôi hiểu sự buồn giận của anh và mong anh sẽ hiểu cả sự vô tình mắc lỗi của tôi. Tôi tự nghĩ trong suốt cuộc đời sáng tác của tôi, ngoài sự gìn giữ sự tự do tuyệt đối của mình có thể làm cho nhiều người không ưa, tôi chưa hề bao giờ phải làm buồn lòng những người làm thơ mà tôi phổ nhạc. Tôi ước ao anh sẽ không phải chỉ làm một bài thơ đó để cho tôi phổ nhạc và mong anh sẽ còn cho cuộc đời nhiều thi phẩm bất hủ hơn.
Ngoài ra, tôi mong được gặp anh để người bạn xuất bản có thể thanh toán tiền tác giả.
Phạm Duy
215 B Chi Lăng Phú Nhuận Sài Gòn...
(https://cafevannghe.wordpress.com/2011/10/08/nghi-an-k%E1%BB%B7-v%E1%BA%ADt-cho-em/?fbclid=IwAR1YM1i9wEgwXmVj1o13Otq8qc5EYjr6X9FkDX599IVjSyWfU2wWcL_d99c)
*
Đến năm 2006, mọi việc dần sáng sủa khi tạp chí mạng Văn nghệ Sông Cửu Long cho đăng loạt bài khẳng định rằng bài này là của Linh Phương, và trong thời gian này chính nhà thơ Linh Phương cũng đã viết hồi ký của mình về bài thơ, nhận làm tác giả của bài. Ông nói về những lộn xộn về nguồn gốc của bài trước kia. Nhà thơ Linh Phương đã viết:
“Sự kiện “theo đóm ăn tàn” này không phải là mới xảy ra, khi trước năm 1975 vẫn có những người tự xưng Linh Phương tác giả “Kỷ Vật Cho Em”. Tôi không hiểu nổi vì sao họ thích mình là tác giả một bài thơ, vì thích hay tham vọng như thế có cần phải đánh đổi cái liêm sĩ, tự trọng của một con người hay không?”
La Thụy sưu tầm và biên tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét